Những đứa trẻ gánh hệ lụy của nạn buôn người ở vùng cao Nghệ An

(Baonghean.vn) - Ở xã Đôn Phục (Con Cuông) có những đứa trẻ đang sống trong cảnh nghèo đói, bơ vơ, thiếu tình thương yêu, cần được sẻ chia hơi ấm tình người. Cuộc sống bất hạnh, nghèo khó của những đứa trẻ bên dòng khe Phèn bắt nguồn từ thực trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Ước mơ của cậu bé mang hai dòng máu

Mặt trời gần đứng bóng, chị Vi Thị Hiềng (SN 1989) ở bản Hồng Điện, xã Đôn Phục (Con Cuông) tất tả từ rẫy trở về, vội vàng nhóm bếp chuẩn bị bữa trưa cho hai mẹ con. Cậu bé Vi Khay Dũng (SN 2008), đang học lớp 5 cũng vừa bước vào cổng, trông thấy mẹ, cậu liền đọc vang lên bài thơ vừa học trên lớp sáng nay.

Dù còn chưa hết mỏi mệt và bận rộn, chị Hiềng nở nụ cười hạnh phúc rồi ôm con trai vào lòng. Chị Hiềng chia sẻ: “Cu Dũng và em gái theo mẹ về quê từ 4 năm trước, lúc ấy mới 8 tuổi, quê nội của cháu tận Trung Quốc. Không chịu nổi cảnh sống tù túng ở xứ người, tôi đã đưa con trốn về quê, cuộc sống còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng bằng lòng, chấp nhận...”.

Ngôi nhà tạm bợ của mẹ con chị Vi Thị Hiềng ở bản Hồng Điện, xã Đôn Phục (Con Cuông). Ảnh: Tường Vi
Ngôi nhà tạm bợ của mẹ con chị Vi Thị Hiềng ở bản Hồng Điện, xã Đôn Phục (Con Cuông). Ảnh: Tường Vi

Vừa ngắt mớ rau rừng, chị Vi Thị Hiềng vừa lần tìm ký ức về quãng đường đời chừng 15 năm trước, khi bước sang tuổi 17. Nhà nghèo, từ nhỏ không được đến lớp học cái chữ, chỉ học lỏm và biết viết được họ tên của mình. Như đóa hoa dại giữa đại ngàn, cô gái Thái bản Hồng Điện lọt vào tầm ngắm của những kẻ buôn người.

Nghe theo lời dụ dỗ ngon ngọt và viễn cảnh giàu sang, sung sướng, chị Hiềng đã vượt biên và bị lừa bán cho một người đàn ông ở bên kia biên giới làm vợ. Gần 10 năm làm vợ người mình không yêu thương, chị sinh hai bé, một trai và một gái.

Cuộc sống của mẹ con chị Vi Thị Hiềng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Ảnh: Tường Vi
Cuộc sống của mẹ con chị Vi Thị Hiềng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Ảnh: Tường Vi

Chị không muốn kể ra những đắng cay, những đau đớn về thể xác và tinh thần trong những năm xa xứ. Năm 2016, khi có người sẵn lòng giúp đỡ, chị Hiềng quyết định đưa hai con - những đứa trẻ có hai dòng máu trở về quê hương, đoạn tuyệt những ngày tủi khổ.

Về quê, không có tấc đất cắm dùi, dân bản thương tình cho mẹ con chị Hiềng mượn đất để dựng ngôi nhà tạm che mưa, tránh nắng. Gọi là nhà nhưng thực ra được cất lên với 6 cây cột nhỏ rồi gác lên mấy tấm pờ-rô xi măng, xung quanh quây bằng tấm bạt mỏng.

Cái ăn hàng ngày chỉ biết nhìn vào rừng, hàng ngày chị Hiềng đi kiếm măng, rau rừng hay lấy củi về bán để mua gạo qua ngày. Cuộc sống dẫu còn vất vả nhưng 3 mẹ con luôn bên nhau, bữa ăn chỉ vài con cua con ốc mò được ngoài khe suối nhưng không khí gia đình luôn đầm ấm, dạt dào yêu thương.

Ngôi nhà của ba chị em Lô Thị Linh ở bản Tổng Tiến, xã Đôn Phục (Con Cuông). Ảnh: Tường Vi
Ngôi nhà của ba chị em Lô Thị Linh ở bản Tổng Tiến, xã Đôn Phục (Con Cuông). Ảnh: Tường Vi

Giấc ngủ hằng đêm cũng không còn thon thót giật mình như những năm tháng nơi xứ lạ, bởi được trở về sinh sống nơi chôn rau cắt rốn, bên cạnh người thân và bà con bản làng là may mắn của cuộc đời. Cho dù gia cảnh còn khốn khó, trong nhà không có thứ gì giá trị nhưng chị Hiềng vẫn ấp ủ niềm mong ước các con sẽ lớn lên, được học hành và thay đổi cuộc sống.

Mỗi lần được nghe con đọc bài thơ sau buổi học, trái tim người mẹ lại cuộn dâng bao niềm hy vọng. “Dũng bảo sẽ cố gắng học thật giỏi, chăm ngoan để sau này được làm kỹ sư, để cho mẹ và em gái thoát cảnh sống nghèo khổ” - chị Hiềng nói.  

“Dũng học tập tiến bộ, tiếp thu bài nhanh, viết chữ đẹp. Nếu được tạo điều kiện trong học tập, chắc chắn cậu bé sẽ gặt hái được những kết quả tốt hơn”.

Thầy Lương Thanh Huyền - giáo viên Trường Tiểu học Đôn Phục (chủ nhiệm lớp của Vi Khay Dũng)

Nỗi khát khao trong ngôi nhà cũ nát

Cuối bản Tổng Tiến có ngôi nhà xiêu vẹo và trống hoác, được thưng bằng những tấm phên nứa. Tấm bạt phía trước rách tả tơi vì mưa gió, gần như không còn hình hài. Ngôi nhà ấy là chỗ nương náu của 3 chị em Lô Thị Linh (12 tuổi), Lô Thị Chi (10 tuổi) và Lô Văn Bi (8 tuổi).

Nơi đây cũng từng là mái ấm của một gia đình, khi bố và mẹ của 3 đứa trẻ chưa rời bản làng tha phương cầu thực. Đã có lúc dù cuộc sống thiếu thốn, vất vả nhưng chị em Linh được bố mẹ thương yêu, cưng nựng, mua cho những bộ đồ mới, những món ăn ngon.

Bữa ăn hàng ngày của chị em Lô Thị Linh chỉ có cơm và vừng lạc. Ảnh: Tường Vi
Bữa ăn hàng ngày của chị em Lô Thị Linh chỉ có cơm và vừng lạc. Ảnh: Tường Vi

Sự rạn vỡ bắt đầu từ hơn một năm trước, khi bà nội của Linh bị vào vòng lao lý vì tội buôn bán người. Quá sốc, ông nội tìm đến rượu rồi lâm bệnh nặng và qua đời chưa lâu. Cuộc sống vốn đã khó khăn, chật vật lại càng thêm khốn khó trăm bề.

Trước cảnh khốn cùng ấy, mẹ của Linh quyết định dứt bỏ ra đi, cho dù ba đứa con còn nhỏ dại. Không ai biết người mẹ ấy đi đâu, chỉ biết lâu rồi không thấy về, có người bảo đi làm ăn xa, có người nói đã vượt biên sang nước khác.

Người bố đau khổ và bế tắc đã tìm đến rượu để giải sầu, mong quên đi sự phũ phàng của thực tại. Nhưng rất may tình phụ tử đã kéo người đàn ông ấy ra khỏi những cơn say triền miên, để rồi quyết tâm đi xa kiếm sống và nuôi các con. Đến nay, Linh và hai em vẫn không biết bố và mẹ đang ở đâu, chỉ thi thoảng nhận được ít tiền bố gửi về mua gạo và thức ăn, còn mẹ thì biền biệt.

Ba chị em Lô Thị Linh luôn mong mẹ và bố trở về. Ảnh: Tường Vi
Ba chị em Lô Thị Linh luôn mong mẹ và bố trở về. Ảnh: Tường Vi

Vắng bố mẹ, ba đứa trẻ sống bơ vơ trong ngôi nhà cũ nát, trống trải và thiếu hơi ấm tình thương. Thỉnh thoảng có các cô, chú cán bộ xã đến thăm nom và bà con hàng xóm ghé qua xem chị em Linh ăn uống thế nào, có đau ốm gì không. Là chị cả, Linh đảm trách vai trò của bố và mẹ chăm sóc hai em, lo cho các em từ bữa ăn, giấc ngủ đến việc học hành.

Năm học này, Linh lên lớp 6, em Chi lớp 4, còn em Bi lớp 2. Hàng ngày, Linh thức dậy từ lúc 4 giờ sáng để lo cơm nước, thức hai em dậy học bài rồi ăn cơm để đến lớp. Vừng lạc là món ăn thường xuyên của chị em Linh, vì món này rẻ tiền, dễ chế biến, lại cất được lâu ngày.

Khi rảnh rỗi, Linh dành thời gian đọc truyện cho các em, cả ba chị em đều thích truyện Thánh Gióng. Ba chị em đều mong mình cũng có được phép màu để lớn nhanh như Thánh Gióng để có sức làm lụng, giúp đỡ lẫn nhau và đi tìm bố, mẹ về cùng sinh sống. Ban đêm, những đứa trẻ nằm ôm nhau, trong giấc ngủ luôn chập chờn hình bóng và vòng tay các bậc sinh thành.

Chị em Lô Thị Linh luôn nhận được sự quan tâm của các cô, chú cán bộ xã Đôn Phục (Con Cuông). Ảnh: Tường Vi
Chị em Lô Thị Linh luôn nhận được sự quan tâm của các cô, chú cán bộ xã Đôn Phục (Con Cuông). Ảnh: Tường Vi

“Em Bi đêm nào cũng khóc vì nhớ mẹ. Ngày trước em ấy thường ôm mẹ ngủ, nay luôn ôm chặt lấy cháu. Cháu cũng nhớ mẹ lắm, nhưng chỉ dám khóc một mình thôi, không muốn hai em trông thấy. Lúc nào chị em cháu cũng mong mẹ và bố trở về...”

Bé Lô Thị Linh

Đại úy Nguyễn Phi Hà - Trưởng Công an xã Đôn Phục cho biết: “Cách đây 10 năm, Đôn Phục là điểm nóng về tình trạng buôn bán người. Kẻ xấu thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết và nhẹ dạ, cả tin của chị em phụ nữ để dụ dỗ, lừa bán sang nước ngoài. Hiện tại toàn xã vẫn còn hơn 30 người vắng mặt, không rõ địa chỉ cư trú, cắt đứt liên lạc với gia đình. Điều này đã để lại những hệ lụy đau buồn khi những đứa trẻ phải sống trong cảnh bơ vơ và thiếu vắng tình cảm của bố mẹ”.

Cũng theo Đại úy Hà, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thành lập CLB “Lá chắn” với gần 40 thành viên tham gia nhằm nâng cao nhận thức, giúp nhau phát triển kinh tế, góp phần ngăn chặn nạn buôn bán người.

Chị em Lô Thị Linh dắt nhau vượt suối đến trường. Ảnh: Tường Vi
Chị em Lô Thị Linh dắt nhau vượt suối đến trường. Ảnh: Tường Vi

Chúng tôi rời Đôn Phục, dòng khe Phèn đã bắt đầu trong xanh trở lại sau những ngày mưa lũ. Hai anh em Vi Khay Dũng và 3 chị em Lô Thị Linh cùng dắt tay nhau vượt qua khe suối, đèo dốc đến trường, mang theo ước mơ đổi thay cuộc sống...

Tin mới