Những giáo dân thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nuôi bò sữa

(Baonghean.vn) - Giáo xứ Đồng Tâm hiện có 35 hộ chăn nuôi bò sữa cho thu nhập cao. Với sự mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi nhiều gia đình thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng. 

15 con bò sửa của gia đình chị Hiền sau khi trừ chi phí mỗi ngày cho thu nhập hơn 1 triệu đồng. Ảnh: Minh Thái
15 con bò sửa của gia đình chị Hiền sau khi trừ chi phí mỗi ngày cho thu nhập hơn 1 triệu đồng. Ảnh: Minh Thái

Gia đình chị Trần Thị Hiền, giáo dân xóm 10B, xã Nghĩa An có hơn 1ha đất đỏ. Những năm trước đây toàn bộ diện tích đất này chỉ trồng mía nguyên liệu, thu nhập không đáng bao nhiêu.

Sau khi xã Nghĩa An có chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và được chứng kiến nhiều hộ nuôi bò sữa trên địa bàn cho thu nhập cao, gia đình chị Hiền đã đứng ra tín chấp vay vốn ngân hàng 150 triệu đồng và chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng mía trước đây sang trồng cỏ nuôi bò sữa. Lúc đầu gia đình nuôi 3 con, đến nay số lượng bò tăng lên 15 con, trong đó có 6 con đang trong thời kỳ cho sữa, trung bình mỗi ngày trừ các chi phí, 6 con bò cho thu nhập trên 1 triệu đồng.

Ngoài cỏ voi, cỏ sữa, chị Trần Thị Hiền còn thường xuyên cho bò ăn bổ sung các loại thức ăn như: cám gạo, ngô nguyên thân. Nhờ vậy đàn bò có sức khỏe cho sữa ổn đinh. Ảnh: Minh Thái
Ngoài cỏ voi, cỏ sữa, chị Trần Thị Hiền còn thường xuyên cho bò ăn bổ sung các loại thức ăn như: cám gạo, ngô nguyên thân. Nhờ vậy đàn bò có sức khỏe cho sữa ổn đinh. Ảnh: Minh Thái

Chị Trần Thị Hiền cho biết: “Trước đây, gia đình chỉ làm nông nghiệp, đất đai trồng màu là chính nhưng hiệu quả kinh tế thấp, gia đình đã manh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi và chọn bò sữa để phát triển kinh tế. Vì thực tế, đã có nhiều mô hình nuôi bò sữa cho thu nhập cao trên địa bàn.”

Cũng giống như chị Hiền, trước đây hoàn cảnh gia đình anh Phạm Văn Luyện ở xóm 10B, cũng rất khó khăn vì con đông. Quyết không để rơi vào cảnh nghèo khó, sau nhiều đêm suy nghĩ, anh Luyện mạnh dạn đứng ra tín chấp vay vốn ngân hàng hơn 200 triệu đồng và chuyển đổi gần 1ha đất trồng mía sang trồng cỏ và chăm sóc, chăn nuôi 10 con bò sữa. 

Mô hình nuôi bò sữa của gia đình anh Phạm Văn Luyện – Giáo dân xóm 10B xã Nghĩa An. Ảnh: Minh Thái
Anh Phạm Văn Luyện , giáo dân xóm 10B xã Nghĩa An hiện đang nuôi 10 con bò sữa, trong đó có 5 con đang thời kỳ cho sữa. Ảnh: Minh Thái

Hiện nay, trong chuồng có 5 con bò đang cho sữa, trung bình mỗi ngày anh vắt được hơn 80 lít sữa, với giá 12.000 đồng/lít, sau khi trừ các chi phí gia đình anh Luyện thu lãi gần 1 triệu đồng. Thu nhập ổn định, anh Luyện đã xây dựng được nhà cửa khang trang, các con được học hành đến nơi đến chốn và nhiều năm liền, gia đình anh được công nhận “Gia đình văn hóa tiêu biểu”.

Theo anh Luyện, nuôi bò sữa ít bị dịch bệnh, nhưng người nuôi cần đảm bảo nguồn thức ăn. Về chế độ chăm sóc và phòng dịch bệnh, nhất thiết phải thường xuyên dọn dẹp chuồng trại, diệt muỗi, ruồi, áp dụng nuôi dưỡng đúng quy trình kỹ thuật, tiêm phòng cho bò theo định kỳ để tránh mắc phải một số bệnh như: tả, lở mồm long móng, tụ huyết trùng. Nhằm đảm bảo chi phí đầu vào và chất lượng sữa, ngoài nguồn cỏ tươi, anh còn cho bò ăn thêm thức ăn tổng hợp như cả thân cây ngô và bắp, cám gạo cùng phụ phẩm khác. Bình quan mỗi ngày một con bò sữa ăn hết 10kg thức ăn tổng hợp và 20kg cỏ tươi.

Anh Phạm Văn Luyện cho biết, đầu tư mua máy vắt sữa sẽ tiết kiệm được thời gian, tiền thuê nhân công, sản phẩm sữa sạch, bán được giá cao. Ảnh: Minh Thái
Anh Phạm Văn Luyện cho biết, đầu tư mua máy vắt sữa sẽ tiết kiệm được thời gian, tiền thuê nhân công, sản phẩm sữa sạch, bán được giá cao. Ảnh: Minh Thái

Không chỉ là một nông dân phát triển sản xuất kinh tế giỏi của địa phương mà anh Phạm Văn Luyện còn là thành viên giỏi của Ban hành giáo xứ Đồng Tâm. Anh là người có nhiều đóng góp trong việc đưa các phong trào của giáo xứ Đồng Tâm đi lên.  Anh thường xuyên tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình, cụm dân cư sống và làm theo hiến pháp và pháp luật, thực hiện tốt các hương ước quy ước của làng và các quy định của địa phương, sống tốt đời đẹp đạo, kính Chúa yêu nước, tiên phong trong xây dựng mối đoàn kết lương – giáo, kêu gọi mọi người cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.

Nhiều người đến tham quan mô hình chăn nuôi bò sữa của các hộ nông dân ở giáo xứ Đồng Tâm. Ảnh: Minh Thái
Nhiều người đến tham quan mô hình chăn nuôi bò sữa của các hộ nông dân ở giáo xứ Đồng Tâm. Ảnh: Minh Thái

Hiện nay, ở giáo xứ Đồng Tâm, ngoài gia đình chị Hiền, anh Luyện còn có các hộ nông dân  khác như gia đình anh Thoại, anh Danh... với quy chăn nuôi từ 15-20 con bò sữa. Theo các hộ chăn nuôi bò sữa ở đây cho biết, nếu thời gian qua, việc chăn nuôi lợn, gà gặp rất nhiều khó khăn thì chăn nuôi bò sữa đang là hướng đi mang lại thu nhập cao. Bởi đầu ra của sản phẩm sữa khá ổn định, điểm thu mua được bố trí hợp lý nên người nông dân rất yên tâm đầu tư chăn nuôi. Đời sống kinh tế ngày một nâng cao, bà con giáo xứ Đồng Tâm cũng đã tích cực tham gia đóng góp tiền của phục vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, góp phần dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp.

Bà Võ Thị Huyến – Chủ tịch UBMTTQ xã Nghĩa An cho biết: “Hiện nay ở 2 xóm 10A,10B thuộc giáo xứ Đồng Tâm có 35 hộ chăn nuôi bò sữa cho thu nhập cao. Các hộ dân ở đây đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi hợp lý để đem lại nguồn kinh tế lớm cho gia đình. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục tuyên truyền nhân rộng mô hình để mọi người cùng học tập và làm theo.”

Minh Thái 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới