Những hoạt động nghệ thuật đặc sắc vinh danh nữ sĩ Hồ Xuân Hương ở Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Nhân kỷ niệm 250 năm năm sinh và 200 năm năm mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, trong 2 ngày 2 - 3/12, tỉnh Nghệ An phối hợp cùng các ban, bộ ngành Trung ương tổ chức nhiều hoạt động nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của nữ sĩ tài hoa.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt

Được mong chờ nhất và cũng là điểm nhấn trong các hoạt động nghệ thuật là Chương trình Nghệ thuật nhạc kịch “Ví đây đổi phận làm trai được” được biểu diễn trong Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương tại Quảng trường Hồ Chí Minh.

Hình ảnh thiết kế sân khấu Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 250 năm năm sinh và 200 năm năm mất nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ảnh: Minh Quân.
Hình ảnh thiết kế sân khấu Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 250 năm năm sinh và 200 năm năm mất nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ảnh: Minh Quân.

Nhà viết kịch Vũ Hải – người viết kịch bản cho biết, tên của chương trình là một câu thơ trong bài “Đề đền Sầm Nghi Đống” của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương. Bài thơ được coi là đỉnh cao cho khát vọng bình đẳng nam nữ, khát vọng được thực hiện hoài bão, lập nên một sự nghiệp vẻ vang như những đấng mày râu của một nữ nhi thân phận nhỏ bé là Hồ Xuân Hương.

"Dù “ví đây đổi phận” vẫn chỉ là một niềm khao khát nhưng Hồ Xuân Hương đã làm nên sự nghiệp to lớn của một anh hùng trong cuộc đấu tranh đòi bình quyền, nữ quyền cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến đương thời. Đó cũng là ý tưởng chủ đạo mà chương trình muốn mang đến cho khán giả”, ông Hải nói.

Chương trình nghệ thuật “Ví đây đổi phận làm trai được” sẽ có sự góp mặt của gần 400 diễn viên, ca sĩ, trong đó có 180 diễn viên múa chuyên nghiệp, 200 diễn viên quần chúng và 8 ca sĩ.

Với kết cấu đan xen giữa quá khứ, hiện tại, sử dụng hoạt cảnh dân ca Ví Giặm và kịch múa để xâu chuỗi các sự kiện, chương trình gồm 5 trường đoạn: Năm tháng đầu đời (về tuổi thơ của Hồ Xuân Hương); Ba chìm bảy nổi (về những mối tình dang dở của Hồ Xuân Hương); Nỗi đau nhân thế (Cảm xúc của Hồ Xuân Hương trước thời cuộc loạn lạc); Thơ đối thoại với... thơ (Diễn tấu những bài thơ tiêu biểu của Hồ Xuân Hương); Gặp lại những người tình trong thơ (tự thoại của Hồ Xuân Hương về cuộc đời).

Một tiết mục tại buổi tổng duyệt chương trình Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất Nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ảnh: Minh Quân

Một tiết mục tại buổi tổng duyệt chương trình Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất Nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ảnh: Minh Quân

Trong đó, đáng chú ý là ở trường đoạn 1, có phân đoạn khắc họa nhân vật Hồ Xuân Hương 11 tuổi lần đầu được về thăm quê, hân hoan giữa cảnh làng quê trù phú, tắm mình trong những câu Ví, Giặm và những câu ca ý tại ngôn ngoại của các nhà nho xứ Nghệ... Những câu ca “thanh mà tục, tục mà thanh” quấn quyện trong những làn điệu dân ca Ví-Giặm khiến Xuân Hương vô cùng thích thú, để rồi “thanh mà tục, tục mà thanh” đã theo Xuân Hương trong suốt sự nghiệp thơ ca của mình...

Từ đó, cô bé Xuân Hương đã thấm thía tình đất, tình người, sự bao dung, tính ngay thẳng đượm chút bất cần của người dân đất Nghệ và khí chất Nghệ An ngày càng hình thành rõ nét trong Xuân Hương sau chuyến về thăm quê lần ấy.

Cũng tại chương trình nghệ thuật này, khán giả sẽ được thưởng thức nhiều ca khúc đặc sắc viết về Hồ Xuân Hương như “Hồ Xuân Hương rạo rực hồn thơ”, (Phạm Viết Toàn), "Bánh trôi nước" (Hồ Hoài Anh), "Nỗi đau nhân thế" (Xuân Thủy), "Tự hào Hồ Xuân Hương" (Hồ Trọng Tuấn)…

Hồ Xuân Hương là một trong những nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam, được biết đến như “Bà chúa thơ Nôm”. Bà để lại khoảng 150 bài thơ, bao gồm tập “Lưu Hương ký” (với 24 bài thơ chữ Hán, 28 bài thơ chữ Nôm) cùng khoảng 100 bài thơ khác theo phong cách dân gian, phóng túng, thể hiện sự đặc sắc, phong phú của tiếng Việt. Thơ Hồ Xuân Hương được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nhiều nhà thơ lớn nước ngoài ngợi ca bà là một trong những nữ sĩ hàng đầu châu Á, nhà thơ Việt Nam độc đáo nhất trong nền thi ca thế giới. Trong nước có nhiều trường học, đường phố, khu dân cư văn hóa, giải thưởng văn học, nghệ thuật… mang tên bà.

Kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 (diễn ra từ ngày 9 – 24/11/2021 tại Paris, Pháp) đã thông qua danh sách các Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022 – 2023. Tại kỳ họp này, hồ sơ kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã được thông qua.

Những nét vẽ về “Bà chúa thơ Nôm”

Một hoạt động đặc sắc khác dịp này là Triển lãm hội họa về thơ Hồ Xuân Hương với chủ đề “Hồ Xuân Hương - Tài năng và bí ẩn”. Với 120 bức vẽ chân dung Hồ Xuân Hương cũng như minh họa các tác phẩm của “Bà Chúa thơ Nôm”, triển lãm đã khẳng định: Thơ Hồ Xuân Hương không những được nhiều nhà nghiên cứu văn học trong và ngoài nước, nhiều dịch giả đón nhận mà còn là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm hội họa.

Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn (ngoài cùng bên trái) giới thiệu tranh về thơ Hồ Xuân Hương tới lãnh đạo tỉnh và người dân. Ảnh: Minh Quân.

Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn (ngoài cùng bên trái) giới thiệu tranh về thơ Hồ Xuân Hương tới lãnh đạo tỉnh và người dân. Ảnh: Minh Quân.

Ở nước ngoài, cuốn “Hồ Xuân Hương – Poezje” với những tác phẩm thơ được dịch sang tiếng Ba Lan, được coi là cuốn sách “hoàn hảo” về hình thức và nội dung. Các bài thơ của “Bà Chúa thơ Nôm” Việt Nam đã được họa sĩ người Ba Lan Andrzej Strumillo (1927 – 2020) minh họa với ngôn ngữ hiện đại dùng hai màu đen trắng, khi thì trừu tượng, khi thì lập thể…, khiến người xem có cảm giác thú vị, thư giãn.

Trong nước, họa thơ Hồ Xuân Hương tiêu biểu là họa sĩ Bùi Xuân Phái (1920- 1988) với gần 90 bức tranh làm theo đơn đặt hàng của nhà xuất bản và sáng tác dựa trên cảm hứng từ sách Nôm truyền tụng, vẽ theo phong cách ấn tượng, công bút, với các chất liệu sơn dầu và màu nước.

Bên cạnh đó không thể quên kể đến họa sĩ Lê Lam (1931- 2022) - người nổi tiếng với những bức ký họa chiến trường. Tranh Hồ Xuân Hương mà ông vẽ không nhiều nhưng được sử dụng minh họa cho rất nhiều cuốn sách phê bình hoặc minh họa về thơ Hồ Xuân Hương.

Còn trong các họa sĩ đương đại vẽ tranh minh họa thơ Hồ Xuân Hương, đáng chú ý nhất là họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn, với hơn 500 tác phẩm sau hơn 21 năm dấn thân vào đề tài này.

“Sinh ra ở Thái Bình nhưng trong sự nghiệp cầm cọ, tôi rất có duyên với những danh nhân văn hóa xứ Nghệ như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương. Từ nhỏ, tôi đã được ông nội đọc và giảng cho nghe rất nhiều về thơ Hồ Xuân Hương. Tôi cũng rất thích những bức tranh vẽ thơ Hồ Xuân Hương và các nhân vật lịch sử từ trong các cuốn sách được biết từ bé.

Một tác phẩm tại Triển lãm hội họa về thơ Hồ Xuân Hương. Ảnh: Minh Quân
Một tác phẩm tại Triển lãm hội họa về thơ Hồ Xuân Hương. Ảnh: Minh Quân

Để hiểu và “vẽ thơ” Hồ Xuân Hương, tôi cũng đã tìm hiểu tất cả những dữ liệu liên quan đến nàng Kiều thơ Hồ Xuân Hương, tìm ra biểu tượng của từng nhân vật, câu thơ. Cách hiểu của tôi về Hồ Xuân Hương là một người phụ nữ can đảm dùng bút pháp của mình để thể hiện tư tưởng xuyên thời đại.

Do đó, khi vẽ minh họa thơ Hồ Xuân Hương, tôi cố gắng kết hợp giữa hội họa phương Tây và những giá trị mỹ thuật dân tộc. Ẩn hiện trong những nét màu rất mạnh và rất sắc là những đường nét của điêu khắc đình làng, của mỹ thuật chùa chiền và màu sắc của các lễ hội… Đây là một sự kết hợp mang màu sắc dân tộc mà tôi rất tâm đắc”, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn chia sẻ.

Trước đó, cũng trong các chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, trong tháng 9 vừa qua, tại Di tích lịch sử Quốc gia Nhà thờ họ Hồ, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu đã diễn ra chương trình thơ nhạc tôn vinh những giá trị của thơ Hồ Xuân Hương.

Tại chương trình có trên 15 tiết mục thơ, nhạc do 60 nhà thơ, những người sáng tác các tác phẩm viết về “Bà Chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương tham gia biểu diễn. Các tác phẩm được trình diễn qua các bài hát, ngâm thơ của các nhà thơ với giọng điệu mộc mạc nhưng đầy cảm xúc và nhận được sự tán thưởng của công chúng.

Tin mới