Những kiến nghị từ xã Thanh Hà sau vụ phá rừng trên núi Giăng Màn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Thời gian qua, trên núi Giăng Màn (Thanh Chương), đã xảy ra nhiều vụ phá rừng. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải có biện pháp quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý các đối tượng phá rừng, thậm chí là thu hồi đất rừng đối với chủ rừng thường xuyên để xảy ra hiện tượng rừng bị chặt phá.

Nhức nhối vùng giáp ranh

Chúng tôi có mặt tại xã Thanh Hà một ngày cuối tháng 5/2023. Đây là địa phương cùng với xã Thanh Mai có diện tích đất lâm nghiệp nằm trên ngọn núi Giăng Màn - một ngọn núi hùng vĩ, là biểu tượng của huyện Thanh Chương. Xung quanh đỉnh núi này còn có nhiều ngọn núi cao, thấp khác nhau. Đặc biệt, khu vực này có nhiều diện tích đất lâm nghiệp đã được giao cho hộ gia đình, cá nhân quản lý, trong đó có nhiều diện tích là đất rừng sản xuất xen lẫn đất rừng tự nhiên. Chính vì thế đã có hiện tượng người dân lợi dụng việc trồng, thu hoạch cây trên đất rừng sản xuất để phá hoại, xâm lấn sang đất rừng tự nhiên.

Thời điểm chúng tôi có mặt tại địa phương này, dù không có thêm vụ phá rừng nào được phát hiện, tuy nhiên chính quyền địa phương cũng đang phối hợp với cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ xử lý vụ phá rừng xảy ra từ hồi trung tuần tháng 4/2023.

Trên thực tế, dù vụ phá rừng trên núi Đô (kề sát với đỉnh Giăng Màn), được phát hiện vào ngày 18/4/2023 mà Báo Nghệ An đã phản ánh trong các bài viết như: Triệu tập đối tượng phá rừng trên đỉnh Giăng Màn (đăng ngày 27/4/2023); Đối tượng phá rừng trên núi Giăng Màn khai gì? (đăng ngày 29/4/2023)… xảy ra trên địa phận xã Thanh Mai. Tuy nhiên, cán bộ UBND xã Thanh Hà là những người đầu tiên, cùng với cán bộ kiểm lâm địa bàn Thanh Thủy (Hạt Kiểm lâm Thanh Chương), có mặt tại hiện trường và cùng phát hiện đối tượng phá rừng. Đồng thời đối tượng chặt phá là người trú tại xã Thanh Hà.

Đối tượng phá rừng (ở giữa), bị phát hiện vào ngày 18/4 vừa qua. Ảnh: CSCC

Đối tượng phá rừng (ở giữa), bị phát hiện vào ngày 18/4 vừa qua. Ảnh: CSCC

Tại lô 42, thửa 201, khoảnh 6, tiểu khu 1004E, tờ bản đồ số 2, xã Thanh Mai, sau đó tổ kiểm tra đã phát hiện 30 khúc gỗ tròn các loại (chủ yếu là nhóm VI đến nhóm VIII), với tổng khối lượng là hơn 3,2 m3. Kiểm tra toàn bộ hiện trường và vùng lân cận, lực lượng chức năng đã phát hiện trên diện tích rừng bị khai thác trái pháp luật khoảng 2.300 m2, có 29 gốc cây gỗ đã bị cưa sát gốc có đường kính từ 18 - 36cm.

Việc xâm lấn, phá hoại rừng tự nhiên không phải mới xảy ra. Theo ông Hoàng Văn Thực - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hà thì, từ năm 2020 - 2022 trên địa bàn thi thoảng mới có vụ xâm lấn rừng sản xuất. Nhưng từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 thì hiện tượng này đã có dấu hiệu “tái phát” một cách thường xuyên. Trong đó, cuối năm 2022 chính quyền địa phương cũng đã phát hiện 1 vụ phá rừng, sau đó đã bàn giao cho cơ quan Kiểm lâm xử lý. Sang năm 2023 thì liên tục xảy ra các vụ phá rừng với mức độ và quy mô cũng lớn hơn.

Số gỗ bị chặt phá trên núi Đô và núi Giăng Màn được đưa về tập kết tại xã Thanh Mai. Ảnh: Tiến Đông

Số gỗ bị chặt phá trên núi Đô và núi Giăng Màn được đưa về tập kết tại xã Thanh Mai. Ảnh: Tiến Đông

Điều đáng nói là do khu vực núi Giăng Màn nằm giáp ranh giữa 2 xã Thanh Mai và Thanh Hà nên nhiều đối tượng phá rừng là người ở xã Thanh Mai sang Thanh Hà chặt phá và ngược lại. Ngay như 2 đối tượng Đinh Xuân Thông (trú tại xóm Bắc Tràn) và Nguyễn Kim Niên (trú tại xóm Trường Sơn), cùng thuộc xã Thanh Mai, vào đầu năm 2023 cũng đã bị cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt vì hành vi phá rừng trên địa bàn xã Thanh Hà. Khu vực bị 2 đối tượng này phá hoại sau đó được xác định nằm trên lô 7, 12, khoảnh 4, thửa 170, tiểu khu 1008, tờ bản đồ số 2 (rừng sản xuất), thuộc khu vực núi Giăng Màn, nằm địa phận xã Thanh Hà.

Hiện trường vụ phá rừng bị phát hiện vào ngày 18/4/2023 tại núi Đô thuộc địa phận xã Thanh Mai. Ảnh: CSCC

Hiện trường vụ phá rừng bị phát hiện vào ngày 18/4/2023 tại núi Đô thuộc địa phận xã Thanh Mai. Ảnh: CSCC

Kiến nghị xử lý nghiêm

Cũng theo ông Hoàng Văn Thực: Thanh Hà là địa phương có diện tích tự nhiên rộng lớn, lên đến 4.242,53ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 2.936,45ha. Trên diện tích đất lâm nghiệp này có 1.257ha rừng trồng, còn lại hơn 1.679ha là rừng tự nhiên. Hiện tại, trên địa bàn xã Thanh Hà cũng đã tiến hành giao đất lâm nghiệp cho khoảng 872 hộ dân quản lý.

Tuy nhiên, do địa bàn xã Thanh Hà rộng, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, diện tích rừng trồng nằm xen kẽ với diện tích rừng tự nhiên nên vấn đề chặt phá rừng luôn là nỗi lo thường trực. Dù rằng địa phương đã nhiều lần phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tiến hành kiểm tra, tổ chức tuyên truyền cho các hộ dân ký cam kết, thậm chí nhiều vụ việc sau khi bị phát hiện cũng đã xử phạt rất nghiêm.

Nhiều cây gỗ bị chặt sát gốc nằm ngổn ngang tại hiện trường vụ phá rừng. Ảnh: CSCC

Nhiều cây gỗ bị chặt sát gốc nằm ngổn ngang tại hiện trường vụ phá rừng. Ảnh: CSCC

Chưa kể, việc bảo vệ rừng tại khu vực giáp ranh này cũng gặp nhiều khó khăn do diện tích rừng sản xuất nằm xen lẫn với rừng tự nhiên. Nhiều diện tích đã giao cho các cá nhân chăm sóc, bảo vệ. Vì thế, trách nhiệm của chủ rừng phải được đặt lên hàng đầu. Vậy nhưng, có những trường hợp chủ rừng lại là người phá rừng để mở rộng diện tích sản xuất.

Để bảo vệ được rừng tại khu vực giáp ranh, ông Hoàng Văn Thực cho biết, sắp tới địa phương sẽ tiến hành rà soát, đề xuất phương án xử lý vấn nạn này. Trong đó việc giao đất, giao rừng cho người dân quản lý cũng là một giải pháp nhằm hạn chế tình trạng phá rừng.

PV Báo Nghệ An làm việc với đại diện UBND xã Thanh Hà. Ảnh: Nhật Lân

PV Báo Nghệ An làm việc với đại diện UBND xã Thanh Hà. Ảnh: Nhật Lân

“Tuy nhiên, qua rà soát các nhóm đối tượng có liên quan đến các vụ phá rừng thì chúng tôi nhận thấy. Trực tiếp phá rừng nhiều nhất là những người không có công ăn việc làm, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên vào rừng chặt gỗ về sử dụng. Ngoài ra còn có nhóm đối tượng là chủ rừng, tự ý chặt phá rừng tự nhiên để trồng keo, việc xâm lấn này có thể diễn ra âm ỷ, lợi dụng địa hình xa, cơ quan chức năng khó kiểm tra nên cứ xâm lấn một cách âm thầm, mỗi lần chặt phá khoảng 5-10m… Chính vì thế, đối với những trường hợp phát hiện, bắt quả tang đối tượng phá rừng thì cần phải xử lý nghiêm. Thậm chí cần phải tiến hành thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đối với những chủ rừng nào thường xuyên để xảy ra tình trạng phá rừng trên phần đất mình quản lý. Bởi vì Nhà nước đã giao cho anh rồi mà anh không làm tròn trách nhiệm thì phải thu hồi để giao cho người khác quản lý hiệu quả hơn” - ông Thực nhấn mạnh./.

Tin mới