Những kỹ năng giúp trẻ đối phó yêu râu xanh

(Baonghean.vn) - Lạm dụng tình dục có thể xảy ra với trẻ ở bất cứ nền văn hóa, xã hội, chủng tộc, tôn giáo nào. Giới chức và chính các bậc phụ huynh cần trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để trẻ tự bảo vệ mình khỏi nạn xâm hại tình dục.

 

Giáo dục giới tính

Hướng dẫn trẻ nhận biết về các vùng nhạy cảm, bộ phận sinh dục trên cơ thể và cơ thể chỉ thuộc về riêng bé. Trẻ có quyền không cho bất kỳ ai chạm vào vùng nhạy cảm hay có hành động vuốt ve, ôm ấp.

Hãy cho trẻ biết “con cần hiểu rằng không ai có quyền làm con đau hoặc khó chịu”. Bên cạnh đó, trẻ cũng nên được biết rằng mọi mối nguy hiểm có thể đến từ bất cứ ai, từ giúp việc, thầy - cô giáo và thậm chí cả người thân trong gia đình...

Nếu ai đó cố tình động chạm vào cơ thể, bé cần tìm đến sự giúp đỡ từ người lớn. Hơn nữa, trẻ cần được giáo dục rằng không được chạm vào người khác nếu họ không muốn.

Quan tâm tới trẻ

Cha mẹ nên theo sát mọi hoạt động, tâm tư tình cảm của trẻ. Điều này có thể giúp phụ huynh nhanh chóng nhận ra một số dấu hiệu khác thường, kịp thời chia sẻ với bé khi gặp khó khăn.

Sau mỗi buổi học, cha mẹ có thể quan tâm tới con cái bằng các câu hỏi đơn giản như: “Hôm nay con làm gì, chơi với ai, ăn trưa cùng ai, con chơi gì sau giờ học?”.

Khác với những vết thương bầm dập do bị đánh đập, dấu hiệu bị lạm dụng tình dục thường không rõ ràng. Do vậy, cha mẹ cần thường xuyên kiểm tra thân thể của bé, theo sát mọi diễn biến, tâm lý tình cảm. Trẻ thường thay đổi tính nết, thói quen hàng ngày như giấc ngủ, cách ăn uống, hay có tâm trạng thất thường, hành vi kỳ lạ trong một thời gian dài.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chia sẻ cùng con 

Khi biết những ý kiến của trẻ được lắng nghe và thực hiện nghiêm túc chúng sẽ có đủ dũng cảm để nói ra sự thật. Cha mẹ có thể bắt đầu cuộc hội thoại, hỏi han về tâm trạng, cảm xúc của con cái. Mọi thứ không bao giờ là quá muộn.

Lên tiếng cùng con

Vì những lời đe đọa của thủ phạm, nhiều trẻ thấy lo lắng, sợ hãi không dám lên tiếng nói ra sự thật. Cha mẹ, người thân cần tạo lòng tin cho trẻ, để chúng hiểu rằng sẽ không gặp rắc rối, bất trắc nếu kể lại toàn bộ sự việc.

Cung cấp kỹ năng để trẻ tự bảo vệ bản thân

1. Giúp trẻ nhận biết dấu hiệu của hành vi dâm ô:

Không có sự khác nhau nhiều về dấu hiệu xâm hại tình dục cho bé trai cũng như bé gái. Các bé đều có thể bị lạm dụng, quấy rối như nhau; chỉ khác nhau về biểu hiện tiếp cận các bé của người xấu.

Chỉ cho bé những tình huống như có người tự nhiên cho trẻ quà bánh, đồ chơi, được chăm sóc đặc biệt mà không cần lý do hoặc nói những lời ngon ngọt, dụ dỗ. Sau đó rủ rê, gạ gẫm bé đi chơi xa hay vào chỗ tối tăm, vắng vẻ rồi sờ soạng các bộ phận nhạy cảm, vùng kín trên cơ thể, rồi có thể tiến xa hơn là làm nhục và gây tổn thương bé…

2. Tạo tình huống như thật giúp trẻ trải nghiệm:

Hãy lồng vào những câu chuyện thực tế để bé nhận thấy được đâu là hành vi xâm hại hoặc làm nhục từ người khác, phải cố gắng bình tĩnh biết tìm cách làm đối tượng mất tập trung như kêu la ầm ĩ, cắn vào tay, rên khóc (như bị đau quá), chạy ra ngoài nhờ mọi người giúp đỡ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

3. Thực hành nhiều lần cùng trẻ:

Trong hoàn cảnh bình thường, trẻ có thể “thực hành” rất chính xác cho phụ huynh, nhưng khi nguy hiểm xảy ra bé có thể hoảng loạn, rất có thể trẻ không biết xử trí như thế nào, nên nếu có dịp cha mẹ phải cùng con củng cố thường xuyên với những hoàn cảnh, tình huống khác nhau giúp chúng thấu hiểu và nhớ lâu.

Dạy con không có phương pháp nào là vạn năng, cha mẹ hãy khéo léo kết hợp nhiều hình thức như xem video clip về những cảnh tương tự để bé trải nghiệm cảm xúc thật sự nếu mình rơi vào tình huống đó.

4. Dạy trẻ nói “không” trước hành vi cám dỗ:

Dạy trẻ phép từ chối lịch sự là kỹ năng biết tự chủ và tiết chế nhu cầu bản thân trước những cám dỗ từ những món quà bắt mắt, hấp dẫn.

Khi chưa có sự cho phép của cha mẹ, con không được nhận bất kỳ thứ gì của ai, đi đến nơi xa lạ có nguy cơ hại cho bản thân dù có thích thú đến mức nào.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

5. Rèn kỹ năng phát hiện dấu hiệu khả nghi:

Hãy lưu ý với trẻ trong quá trình giao tiếp, cần phát huy kỹ năng quan sát những biểu hiện bề ngoài như nét mặt, cử chỉ, điệu bộ của người đối diện để nhận biết có sự nguy hiểm nào rình rập; giữ khoảng cách an toàn hoặc đứng ở nơi đông người để có thể kêu gọi sự giúp đỡ nếu có biểu hiện của sự tấn công, xâm hại.

Trong quá trình sinh hoạt hay học tập, các em nên đi theo nhóm để bảo vệ, giúp đỡ nhau khi gặp tình huống bị người khác dở trò đồi bại. 

6. Chủ động khi bàn vấn đề xâm hại tình dục:

Luôn gợi mở và gần gũi lắng nghe con để chúng tin tưởng kể ngay với bạn những dấu hiệu của nguy cơ xâm hại tình dục mà bé gặp phải. Phụ huynh phải chủ động khi bàn vấn đề xâm hại tình dục với trẻ và tỏ ra đúng mực, không quá hoảng hốt, tức tối.

Thái độ đó khiến trẻ nhìn vấn đề một cách khoa học hơn, tự nhiên hơn và cũng không quá lo sợ khi hòa nhập vào xã hội./.

Hoa Lê

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới