Những “lỗ hổng” trong phần mềm chấm thi mà Bộ GD-ĐT đang sử dụng

Những ngày qua, liên tục các thông tin phản ánh về sai phạm, bất thường trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 được báo chí đăng tải. Những “lỗ hổng” trong phần mềm chấm thi mà Bộ GD-ĐT đang sử dụng vô hình dung đã trở thành trợ thủ đắc lực cho những “con người” muốn cố tình sai phạm.

Trước đó, (trước khi xảy ra những vấn đề bất thường tại kỳ thi THPT quốc gia 2018), phần mềm chấm thi mà Bộ GD-ĐT đang sử dụng được coi là sự đột phá trong sự nghiệp cải cách của ngành. Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí, Bộ GD&ĐT đã từng thông tin với báo chí rằng,  bộ công cụ trắc nghiệm khách quan sử dụng cho kỳ thi THPT quốc gia được viết bởi bộ thuật toán tối ưu nhất của thế giới hiện nay.

Vì thế, khi được áp dụng và triển khai trong công tác chấm thi sẽ đem lại kết quả chính xác, khách quan và công tâm nhất.

Những “lỗ hổng” trong phần mềm chấm thi mà Bộ GD-ĐT đang sử dụng - ảnh 1Tại Hà Giang có 330 bài thi của 114 thí sinh được nâng điểm, có nhiều em được nâng tới 8,75 điểm ở một môn thi. Ảnh minh họa: Minh Khánh

Cụ thể, sự “đột phá” trong quy trình chấm thi trắc nghiệm THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT thực hiện theo 4 bước.

*Bước 1: Quét bài trắc nghiệm, bài thi được đưa vào máy quét để quét và các ảnh quét được sẽ được tự động chuyển vào phần mềm chấm. Dữ liệu ảnh quét được ghi thành 2 đĩa CD, 1 đĩa chuyển về Bộ GD - ĐT, 1 đĩa chuyển cho Chủ tịch Hội đồng chấm thi. 2 đĩa dữ liệu này cũng được niêm phong dưới sự giám sát của thanh tra và công an.

*Bước 2: Chuyển dữ liệu sang file text và phân tích kết quả quét. Phần mềm chấm sẽ chuyển dữ liệu từ ảnh quét được sang file text ghi các đáp án mà thí sinh đã chọn. Tiếp đó, máy sẽ soát lỗi trên bài thi.

*Bước 3: Soát lỗi, nếu phát hiện lỗi phải lập biên bản và lưu kết quả sửa lỗi. Việc này được thực hiện dưới sự chứng kiến của cán bộ giám sát.

*Cuối cùng, bước 4, đưa ra kết quả. Sau khi thực hiện xong các bước trên, Hội đồng thi mới được sử dụng đáp án để chấm điểm. Kết quả chấm và phân tích được xuất ra đĩa CD2 để báo cáo Bộ GD&ĐT.

Theo đánh giá của các chuyên gia, bước 4 trong quy trình chấm thi này của Bộ GD&ĐT đang là “lỗ hổng lớn khiến con voi cũng có thể chui qua”(!).

Cụ thể, Bộ GD&ĐT đã chủ quan đến mức “buông lỏng” khi giao cho các hội đồng thi được quyền chấm bài, xử lý điểm thi sau khi trải qua 3 công đoạn “vàng ngọc" trên.

Chính vì điều này, mà ông Vũ Trọng Lương mới có thể “phù phép” biến có thành không, không thành có trên các bài thi của thí sinh chỉ trong 6 giây.

Những “lỗ hổng” trong phần mềm chấm thi mà Bộ GD-ĐT đang sử dụng - ảnh 2Những lỗ hổng trong phần mềm chấm thi mà Bộ GD&ĐT đang sử dụng vô hình dung đã tiếp sức cho những sai phạm vừa qua. Ảnh minh họa: Minh Khánh

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao đến khâu cuối cùng trong quy trình chấm thi THPT quốc gia này, Bộ GD&ĐT lại để “lọt” một “lỗ hổng” lớn đến như vậy? Rõ ràng là việc đầu tư xây dựng một quy trình chấm thi trắc nghiệm khách quan cho kỳ thi THPT quốc gia nằm trong khả năng, quyền hạn của ngành giáo dục, vậy mà tại sao không thực hiện đầy đủ và nghiêm ngặt từ đầu đến cuối?

Giữa lúc những sai phạm tại Hà Giang chưa kịp lắng xuống thì kết quả điều tra ban đầu vụ việc 5 cán bộ tham gia sửa điểm thi ở Sơn La cũng đã một lần nữa phanh phui ra thêm những “lỗ hổng to đùng” trong quy trình chấm thi TPHT quốc gia.

Cụ thể theo kết quả điều tra của Bộ Công an cùng Công an Sơn La cho thấy bước đầu có dấu hiệu vi phạm Quy chế thi, nhất là ở khâu chấm thi; cụ thể là có dấu hiệu sửa bài thi môn trắc nghiệm của một số thí sinh (sửa Phiếu trả lời trắc nghiệm).

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đã phân tích cho thấy ảnh bài thi trắc nghiệm đã bị xóa và ảnh bài thi trắc nghiệm để xuất ra dữ liệu gửi về Bộ Giáo dục để chấm bài là hoàn toàn giống nhau.

Sao dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm đã quét ra đĩa CD không đúng thẩm quyền và tự ý đem ra khỏi khu vực bảo quản bài thi, chưa biết đem đi đâu và ai cho phép. Máy tính dùng chấm thi không được niêm phong; tại thời điểm kiểm tra, máy tính này đang được sử dụng bình thường tại phòng làm việc của chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Sơn La...

Một số phiếu trả lời trắc nghiệm của các thí sinh có dấu hiệu bị sửa chữa. Việc bàn giao bài thi giữa các Điểm thi với Hội đồng thi Sở GD-ĐT, việc bảo quản bài thi trắc nghiệm tại Hội đồng thi, việc bàn giao bài thi giữa Ban thư ký với Ban làm phách không đảm bảo quy định.

Về quy trình “lỗ hổng” này, TS Nguyễn Thành Nam - Phó Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT đặt câu hỏi, ai đã thiết kế phần mềm chấm thi, để file trung gian dưới dạng text ai cũng sửa được? Ai ra đầu bài, nghiệm thu, trả tiền, đưa vào sử dụng một phần mềm có lỗi như vậy? 

Được biết, theo một nguồn tin của báo Người Lao Động thì phần mềm này dù đã dùng hai năm nay trong kỳ thi THPT quốc gia nhưng chưa được nghiệm thu.

Tại cuộc họp báo ngày 17/7 vừa qua, ông Nguyễn Cao Khương - Phó trưởng Phòng A83 của Bộ Công an cho hay: “Quy trình bảo mật liên quan đến giám sát của Công an cũng như của thanh tra Bộ và thanh tra Sở (ở khâu chấm thi) chưa chặt chẽ, để cho  ông Vũ Trọng Lương - Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng (Sở GD&ĐT Hà Giang) xử lý tất cả bài thi của những thí sinh có liên quan và trong toàn bộ cả quá trình đó các thành viên không biết.

Đó chính là kẽ hở mà chúng tôi thấy rằng, cần phải có những củng cố và tập huấn thật kĩ càng sau này ở các kì thi. Việc để cho anh Lương có thể xử lý các bài thi trắc nghiệm gốc, đấy cũng là sơ hở trong công tác đảm bảo an ninh an toàn”.

Tin mới