Những luồng gió mới trên sàn diễn Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 5

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 5 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu phối hợp Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức vừa diễn ra tại Thủ đô Hà Nội và TP. Hải Phòng, với sự tham gia của 16 đơn vị nghệ thuật trong nước và 5 đơn vị nghệ thuật quốc tế.

Mang đến liên hoan lần này là những vở diễn, chương trình sân khấu đặc sắc ở nhiều thể loại: kịch nói, cải lương, xiếc, rối… Khép lại Liên hoan, điều đáng lưu ý là các tác phẩm của các nhà hát nghệ thuật trong nước đã thể hiện những tìm tòi, sáng tạo trong xử lý kịch bản, trong hình thức biểu diễn.

Vở Antigone (60 phút) của sân khấu Lực Team do NSƯT Trần Lực đạo diễn đã mở màn ấn tượng cho Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm. Đây là vở bi kịch thời cổ đại, của nhà soạn kịch nổi tiếng nhất Thủ đô Athen - Sophokles (sống vào thế kỷ thứ V trước Công nguyên). Với mong muốn giới thiệu đến những khán giả trẻ, đạo diễn, NSƯT Trần Lực đã chọn cách kể tối giản với tông màu đen, trắng, kết hợp với tiếng trống và tiếng đàn bầu, các động tác múa của nhân vật chính, tạo nên không gian sân khấu hoài niệm, vừa mềm mại, vừa cứng rắn nhưng rất cô đọng, dễ hiểu trong hơn 60 phút của vở kịch.

“Vở Antigone lại rất hợp với phương pháp ước lệ, biểu hiện, tình huống kịch xảy ra trên sân khấu rất mạnh mẽ, tâm lý nhân vật đẩy tới tận cùng trong phương pháp ước lệ, biểu hiện”- NSƯT Trần Lực cho biết. Chính vì thế, các nhân vật trong vở Antigone đã diễn bằng cả ngôn ngữ lời nói và tận dụng tối đa ngôn ngữ hình thể “làm chủ từng ngón tay, từng mi mắt” theo tiêu chí khắt khe của đạo diễn.

Trích đoạn một vở diễn trên sân khấu thử nghiệm.

Trích đoạn một vở diễn trên sân khấu thử nghiệm.

Thử nghiệm của NSƯT Trần Lực chính là cách cô đọng kịch bản, lồng ghép các yếu tố của sân khấu truyền thống. Với một vở kịch nguyên tác dài, nhiều nhân vật và nhiều mâu thuẫn, xung đột, anh đã có những thay đổi, làm mới cho nhân vật của mình. Anh cũng mạnh dạn đưa các trò diễn, động tác bê gối của tuồng truyền thống trong một vài phân cảnh, cộng thêm âm nhạc là tiếng trống, nhạc múa đương đại để tạo nên một vở kịch “vừa mang dáng dấp Việt Nam, vừa có tinh thần thời đại” như nhận định của NSƯT Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Đà Nẵng. Tính ước lệ không gian trong nghệ thuật tuồng thường được cô đọng trong những câu như "Thốn, thổ, thị triều đình, châu quận/ Nhất nhân thân kiêm phụ, tử, quân, thần" (dịch nghĩa là: Một tấc đất lúc là triều đình, lúc là châu quận, lúc là sân đình, lúc là mảnh đất nhà mình. Một diễn viên mà khi thì đóng vai cha, vai con, lúc lại đóng cả vua, quan). Trong vở kịch Antigone, nhân vật chính cô gái Antigone đã có màn múa đầy tính tự sự, tâm lý nhân vật phải được đẩy đến tận cùng, không phải bằng khóc lóc ủy mị mà trong những động tác cơ thể, khiến người xem cảm nhận sự mạnh mẽ, bi hùng.

Còn với NSƯT Thanh Tú - “bông hồng tuyệt đẹp của dòng phim cách mạng" đã có sự trở lại ngoạn mục với sân khấu bằng vở “Giác” (60 phút) tham gia Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm năm nay, khi một mình bà nhập vai 4 nhân vật. Đây là một vở kịch chính luận, đề cập những vấn đề thời sự của ngày hôm nay: tham nhũng, kinh tế, phụ nữ ra nước ngoài, sự cô đơn của người già… Nhân vật chính tự độc thoại nhưng thực chất là đối thoại với khán giả. Dù đã 78 tuổi nhưng bà vẫn ước mơ xây dựng sân khấu nhỏ thử nghiệm, có thể diễn ở bất kỳ sân khấu nào để đưa chính kịch, hài kịch hàn lâm gần hơn với công chúng.

“Bấy lâu nay tôi vẫn trăn trở về một sân khấu bác học, sân khấu văn hiến mà các thầy đã truyền lại cho tôi. Cách đây hơn 30 năm, thầy Xuân Trình, thầy Dương Ngọc Đức, thầy Nguyễn Đình Nghi, thầy Nguyễn Đình Quang đã lập nên sân khấu nhỏ thử nghiệm này khi khán giả quay lưng lại với sân khấu. Tôi vẫn rất yêu nghề diễn và tôi vẫn chỉ là Thanh Tú thôi”- NSƯT Thanh Tú bày tỏ. Bà xác định vở diễn của mình sẽ có thể thành công hoặc không. Mặc dù vậy, cùng với nghệ sĩ Đặng Huy Quyển (tác giả kịch bản), họ đã tìm ra một câu chuyện không có xung đột, đối kháng, chỉ một người diễn và nói rất nhiều vấn đề của thời đại nhưng vẫn hấp dẫn người xem.

Yếu tố thử nghiệm trên sân khấu của mỗi vở diễn khác nhau, thể hiện trên các phương diện kịch bản, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế âm nhạc, cách tổ chức sân khấu.

Yếu tố thử nghiệm trên sân khấu của mỗi vở diễn khác nhau, thể hiện trên các phương diện kịch bản, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế âm nhạc, cách tổ chức sân khấu.

Góp mặt trong Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm, các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Tuổi trẻ đã giới thiệu vở diễn Hedda Gable (120 phút) của nhà viết kịch nổi tiếng người Na Uy Henrik Ibsen, với phong cách dàn dựng trẻ trung, hiện đại của đạo diễn Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama. Vở kịch xoay quanh câu chuyện tình yêu, gia đình, trong đó, người phụ nữ luôn cố gắng vượt qua những rào cản, quan niệm áp đặt của xã hội, khao khát tự chủ và hạnh phúc cho mình. Sân khấu được thiết kế tối giản, dạng tròn, trong không gian ngôi nhà của vợ chồng Hedda Gable. Sự thu hút của vở diễn nằm ở lối diễn xuất của diễn viên, đặc biệt, khi họ không dùng micro, cho thấy hết chất giọng, cảm xúc và nội lực của mỗi nhân vật. Đây là một tác phẩm khá thách thức người xem bởi tầng tầng, lớp lớp ý nghĩa và cũng bởi vấn đề mà nó đặt ra vẫn còn nguyên tính thời sự. Theo NSƯT Sĩ Tiến (Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ) thì: “Vở Hedda Gabler được dàn dựng hoàn toàn theo quy chuẩn sân khấu Nhật Bản, từ khâu tuyển chọn diễn viên, đến phân tích cảm thụ tác phẩm, chăm chút tỉ mỉ từng hành động, lời thoại, nét mặt, cảm xúc nhân vật, kết hợp với nhiệt huyết, sự sáng tạo mang đậm dấu ấn cá nhân từng nghệ sĩ”.

Nhân vật chính tự độc thoại nhưng thực chất là đối thoại với khán giả.

Nhân vật chính tự độc thoại nhưng thực chất là đối thoại với khán giả.

Yếu tố thử nghiệm trên sân khấu của mỗi vở diễn khác nhau, thể hiện trên các phương diện kịch bản, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế âm nhạc, cách tổ chức sân khấu. Điều đó cũng cho thấy nỗ lực của các nhà biên kịch, đạo diễn nhằm giúp sân khấu tiếp cận hiệu quả hơn với công chúng. Theo nhà nghiên cứu Cao Ngọc (Hội Sân khấu Việt Nam) thì “sân khấu thử nghiệm là một thuật ngữ để chỉ tính tiên phong của các phong trào nghệ thuật nhằm cách tân sân khấu, ra đời với mục đích đổi mới hình thức, khám phá nhận thức về văn hóa nói chung, về nghệ thuật sân khấu nói riêng”. Những thành công của Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm sẽ góp phần gợi mở nhiều ý tưởng về hình thức xử lý tình huống kịch, cách kể chuyện, trang trí, âm nhạc, diễn xuất của diễn viên. Qua đây, có thể thấy sự kỳ công của ban tổ chức khi tổ chức những hội thảo sau các đêm diễn với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và nước ngoài, để làm rõ hơn câu chuyện thử nghiệm sân khấu. Đó cũng là chất xúc tác, đem đến những thay đổi cho sân khấu và nghệ sĩ trong nước.

Tin mới