Những ngôi đình cách mạng ở Yên Thành

(Baonghean) - Đình làng vốn là nét văn hóa độc đáo, thân thuộc của mỗi vùng quê trên đất nước ta. Ở Yên Thành, nhiều ngôi đình không chỉ là nơi lưu giữ hồn cốt quê hương, mà còn gắn liền với những dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc, là địa chỉ đỏ hun đúc tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. 
Ngôi đình đầu tiên tôi muốn kể tên là đình Liên Trì (thuộc làng Liên Trì, xã Liên Thành). Đình Liên Trì cổ kính nằm cạnh cánh đồng Đình, cạnh đó cây gạo cổ thụ trầm mặc vẫn nghiêng mình tỏa bóng mát. Đình Liên Trì được xây dựng vào năm Tân Dậu 1801 dưới Triều Tây Sơn thờ vị Thành hoàng làng Lý Nhật Quang - con trai vua Lý Thái Tổ. Lý Nhật Quang được vua Lý giao trấn thủ đất Nghệ An. Là một người giỏi về chính trị, am hiểu về kinh tế nên được nhân dân mến phục. Khi Lý Nhật Quang được triệu về triều, nhân dân nhiều nơi ở Nghệ An lập đền thờ, tôn ông làm Thành hoàng. Ông được các triều đại kế tiếp sắc phong là "Thượng thượng đẳng thần".
Đình Liên Trì (xã Liên Thành) được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia năm 1993.
Đình Liên Trì (xã Liên Thành) được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia năm 1993.
Hơn 200 năm tồn tại, đình Liên Trì đã cùng quê hương trải qua những thăng trầm lịch sử, để rồi ngày nay đình là địa chỉ đỏ ghi dấu những mốc son chói lọi, góp phần giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Ngay từ thập kỷ 80 của thế kỷ XIX, tại đình đã diễn ra một cuộc họp lớn của các văn thân, sỹ phu yêu nước thuộc các tổng phía Nam huyện Yên Thành biểu thị quyết tâm chống thực dân Pháp, phản đối sự đầu hàng của triều đình Nhà Nguyễn. Đến thời kỳ Cần Vương, đình và khu vực bao quanh là nơi luyện tập, nấu ăn của một cánh quân thuộc nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã. Khi phong trào bị đàn áp, bọn tay sai lén lút đốt đình nhưng nhân dân Liên Trì sớm phát hiện, sau đó đã tổ chức tu sửa lại.
Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, đình Liên Trì tiếp tục chứng kiến nhiều cuộc mít tinh, diễn thuyết với sự tham gia đông đảo của nhân dân trong vùng. Tháng 10/1930, tại đình tổ chức cuộc họp thành lập tổ chức Nông hội đỏ của Tổng Vân Tụ để sau đó vào ngày 6/11/1930 theo chủ trương của cấp trên, thành viên Nông hội đỏ đã bí mật cắm cờ đỏ búa liềm trên cây gạo cổ thụ trước sân đình. Đến tháng 12/1936 tại đình diễn ra hội nghị trù bị khôi phục Đảng bộ huyện Yên Thành. Từ năm 1939 - 1940, Khu ủy khu 4 cũng có một thời gian về đóng tại đình, Thượng tướng Trần Văn Quang, nguyên Bí thư Khu ủy khu 4 cho biết, trong thời gian đóng ở đình cơ quan được cơ sở đảng địa phương cử người bảo vệ an toàn và được nhân dân hết lòng giúp đỡ.
Tại đình vào năm 1941 còn chứng kiến một sự kiện lịch sử quan trọng là Tỉnh ủy Nghệ An và Xứ ủy Trung kỳ về chọn đình làm trụ sở để chỉ đạo phong trào cách mạng. Cũng tại đình, các số báo phục vụ cách mạng đã được in ra với số lượng lớn và chuyển đi khắp mọi miền. Năm 1944 tại đình nhân dân trong vùng đã tổ chức lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Bá Duy, một người con ưu tú của quê hương Liên Trì luôn nêu cao khí phách của người chiến sỹ cộng sản bị địch xử bắn tại nhà tù La Hy (TP. Huế). Đến ngày 19/8/1945, tại đình Liên Trì lý trưởng phải ra đình làng nộp triện bạ, sổ sách cho nhân dân.
Đình Trụ Pháp thuộc làng Trụ Pháp hay còn gọi là làng Tràng Kè, xã Mỹ Thành là ngôi đình cổ có tuổi đời 300 năm. Vùng đất Mỹ Thành vốn là vùng rừng núi, địa hình tương đối hiểm trở nên từ xưa đây là một điểm trú quân của nhiều nghĩa quân Cần Vương. Mảnh đất anh hùng ấy đã nhiều lần chứng kiến những mất mát đau thương của các chiến sỹ cách mạng như sự kiện xử bắn 72 chiến sỹ ở Tràng Kè, sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ giao thông ở đất Truông Kè... 
Trong phong trào cách mạng 1930-1931 đến trước Cách mạng Tháng Tám 1945, đình Trụ Pháp là nơi hội họp của các chiến sỹ cộng sản, những người yêu nước, có tư tưởng cách mạng, đồng thời cũng là nơi tập trung lực lượng quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng để chuẩn bị đấu tranh chống chế độ thực dân phong kiến, là một trong những địa chỉ đỏ của phong trào đấu tranh cách mạng ở Yên Thành trong giai đoạn lịch sử này. 
Dấu tích của cao trào cách mạng này hiện còn lưu lại tại di tích đình Trụ Pháp chính là địa điểm cây trôi từng là nơi cắm cờ đỏ búa liềm trong sự kiện biểu tình của quần chúng ngày 7/11/1930. Cây trôi lịch sử ấy qua hàng trăm năm vẫn tươi xanh, mãi đến năm 2003 thì bị bão quật đổ. Điều kỳ lạ là ngay tại vị trí cây trôi lịch sử đã mọc lên một cây mới, ngày càng vươn cao xanh tốt như muốn làm chứng tích cho truyền thống lịch sử cách mạng sáng ngời của quê hương Trụ Pháp. 
Thực dân Pháp đã lập ở Mỹ Thành một đồn binh mạnh nhất huyện để chống phá cách mạng tại chỗ của nhân dân. Chúng còn sử dụng Thung Cổ Hùng (một gò đất cao gần chợ Tràng Kè) thuộc làng Trụ Pháp làm nơi xử bắn các chiến sỹ cách mạng để uy hiếp tinh thần đấu tranh của nhân dân. 
Năm 1931, đình Trụ Pháp là một địa điểm để tổ chức diễn thuyết, tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng. Khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp ở nhiều nơi, Tôn Thị Quế, một nữ chiến sỹ cách mạng được giao nhiệm vụ tuyên truyền, xây dựng, chỉ đạo công tác phụ vận, đi các huyện để vận động bà con không nghe theo luận điệu tuyên truyền của địch. Đình Trụ Pháp là một địa điểm mà đồng chí Tôn Thị Quế lựa chọn để tập trung quần chúng, tổ chức diễn thuyết. 
Sau cao trào cách mạng 1930 - 1931 đến trước năm 1945, đình Trụ Pháp, cùng với một số địa điểm khác ở vùng rừng núi Vân Tụ như Nhà thờ họ Nguyễn Công... chính là những cơ sở hoạt động bí mật của Đảng bộ huyện Yên Thành, là nơi ấn loát tài liệu, truyền đơn của Đảng và nơi che giấu, nuôi dưỡng, phát triển lực lượng góp phần giành chính quyền ở huyện Yên Thành trong Cách mạng Tháng Tám 1945.
Chiều tối 25/8/1945, mang theo khí thế của buổi giành chính quyền ở huyện, chấp ủy Việt Minh các làng huy động nhân dân và hào lý ra đình tổ chức mít tinh, tước triện bạ, sổ sách, tiền quỹ của bộ máy hương lý, tuyên bố thành lập ủy ban nhân dân lâm thời các làng.
Thật thiếu sót nếu không nhắc đến những ngôi đình nổi như đình Hậu, xã Bắc Thành, đình Sừng, xã Lăng Thành, đình Mỏ, xã Hậu Thành, đình Trụ Thạch, xã Lý Thành... Mỗi ngôi đình có một số phận khác nhau, mang trong mình những sự kiện lịch sử của mỗi vùng đất. Và tất cả những ngôi đình cách mạng ấy dẫu đi qua biết bao thăng trầm, biến cố của thời gian vẫn hiên ngang tồn tại, mãi là niềm tự hào, nuôi nấng tâm hồn của mỗi người con lớn lên trên mảnh đất địa linh.
Bà Phan Thị An, Trưởng phòng VHTT huyện Yên Thành cho biết: “Để phát huy, giữ gìn những giá trị văn hóa, lịch sử to lớn của các ngôi đình, hàng năm chúng tôi khảo sát đề nghị đưa vào danh mục xếp hạng di tích, đồng thời khảo sát những ngôi đình bị xuống cấp để tiến hành tôn tạo. Đến thời điểm này công tác bảo vệ đình làng cũng được các địa phương làm rất tốt”. 
Bài, ảnh: Lan Thái

Tin mới