Những ngôi nhà ấm tình đồng đội

(Baonghean) - Trở về với cuộc sống đời thường, không ít chiến sỹ một thời vào sinh ra tử phải đối mặt với bao khó khăn, thiếu thốn trong cuộc mưu sinh. Nhưng họ không đơn độc, bởi có sự sẻ chia của đồng đội và của cộng đồng.

1. Với ông Phùng Bá Điền (SN 1951), ở khối 11, phường Cửa Nam (TP. Vinh) chắc hẳn Tết năm 2017 này là cái Tết vui nhất trong mấy chục năm qua. Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên các thành viên trong gia đình được đón Tết trong căn nhà khang trang và rộng rãi.

Niềm mong ước bao năm đã trở thành hiện thực. “Có những lúc tỉnh dậy sau giấc ngủ, thấy mình ở trong căn nhà này mà cứ ngỡ như vẫn còn nằm mơ, chưa dám tin là thật”- ông Điền chia sẻ. 

Ngôi nhà mới của ông Nguyễn Văn Tích(xóm 5, xã Xuân Hòa, Nam Đàn).
Ngôi nhà mới của ông Nguyễn Văn Tích (xóm 5, xã Xuân Hòa, Nam Đàn).

Gần 47 năm trước, chàng thanh niên quê biển Cửa Lò - Phùng Bá Điền lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Đoàn 126 - đặc công hải quân. Sau 1 năm huấn luyện, người chiến sỹ trẻ ấy cùng đồng đội vượt Trường Sơn, vòng qua Lào và Campuchia để vào miền Đông Nam bộ tham gia chiến đấu.

Có lần, một mình Phùng Bá Điền với khẩu B-41 và 1 quả đạn đã bắn cháy tàu địch trên sông Thị Vải, diệt 16 tên địch. Người chiến sỹ ấy còn nhiều lần tham gia hỗ trợ du kích địa phương trong các trận chống càn và 2 lần bị thương tại xã đảo Long Sơn.

Sau giải phóng miền Nam, ông Điền xuất ngũ, về quê công tác ở ngành Nông nghiệp và lập gia đình. Đất nước thay đổi cơ chế, người lính vốn quen với trận mạc, tiếng đạn nổ, bom rền, lại không quen với những quy luật thị trường khắc nghiệt nên cuộc sống không mấy đổi thay, việc chi tiêu hàng ngày chủ yếu nhìn vào khoản tiền trợ cấp thương tật của ông Điền và tiền buôn bán lặt vặt của người vợ. Ngôi nhà đã cũ kỹ và xuống cấp, mấy lần định gom tiền sửa sang đều không thành.

Đã thế, bệnh tật và vết thương cũ lại thường xuyên hành hạ. Đầu năm 2005, thấy đau bụng dữ dội, ông Điền đi khám và nhận được kết luận bị ung thư dạ dày.

Hơn 10 năm qua, ông chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo, lại phát hiện thêm bệnh tiểu đường, bao nhiêu tiền làm ra dồn vào chữa bệnh, ước mơ về ngôi nhà mới càng trở nên xa vời. 

Thương người lính đặc công rừng Sác năm xưa quanh năm đau yếu, sống trong ngôi nhà xập xệ, những người đồng đội cũ thuộc Lữ đoàn 126 thường xuyên đến động viên, an ủi và tìm cách giúp đỡ. Hay tin, Bộ Tư lệnh Hải quân đã giao Lữ đoàn công binh 131 vận động cán bộ, chiến sỹ hỗ trợ 70 triệu đồng giúp ông Điền làm nhà.

Số tiền này, cùng với sự hỗ trợ của đồng đội, chính quyền địa phương, bà con khối xóm, các công ty cung ứng vật liệu xây dựng và khoản tiền các con tích lũy được, gia đình ông Phùng Bá Điền đã làm được ngôi nhà 2 tầng khang trang. 

2. Từ TP. Vinh, chúng tôi lên xóm 5, xã Xuân Hòa (Nam Đàn) để chia sẻ niềm vui với gia đình ông Nguyễn Văn Tích (SN 1949). Ông Tích nhập ngũ năm 1968, lúc ấy người anh trai vừa có giấy báo tử gửi về, ông quyết tâm lên đường nhập ngũ.

Là người nhanh nhẹn, hoạt bát, lại giỏi ứng đối nên Nguyễn Văn Tích được chọn vào Lữ đoàn 126 đặc công Hải quân, điều động tăng cường cho chiến trường B3 (Cà Mau). Từ chiến trường B3, Nguyễn Văn Tích được cấp trên điều động ra Đà Nẵng làm biệt động thành, với nhiệm vụ nắm bắt tình hình hoạt động của địch và bí mật tiêu diệt những tên ác ôn.

Gan dạ, mưu trí và dũng cảm, ông Tích nhiều lần lập được chiến công, 7 lần được phong danh hiệu Chiến sỹ diệt Mỹ. Tháng 4/1975, khi cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên đà thắng lợi, Nguyễn Văn Tích nhận được lệnh lên tàu ra giải phóng quần đảo Trường Sa.

Trong cuộc chiến đấu giành quyền kiểm soát đảo Trường Sa Lớn, ông Tích bị đạn cối của địch làm thủng ruột và đứt 1 chân, phải cứu chữa hàng mấy tháng trời và một phần máu thịt kia đành gửi lại với cát và gió biển Trường Sa. 

Niềm vui của vợ chồng ông Phùng Bá Điềntrong ngôi nhà mới.
Niềm vui của vợ chồng ông Phùng Bá Điền trong ngôi nhà mới.

Trở về với tỷ lệ thương tật 61% và chỉ còn 1 chân, ông Nguyễn Văn Tích lập gia đình và sinh được 3 người con. Vợ làm nghề nông một nắng hai sương, với tình trạng sức khỏe của mình, ông Tích không đỡ đần được gì nhiều, đành nghĩ đến cách khác để mưu sinh. Ai thuê gì ông làm nấy, miễn là có thu nhập chính đáng và công việc phù hợp với sức khỏe.  Cuộc sống lặng lẽ trôi qua trong cảnh nghèo khó, hàng chục năm trời 5 thành viên của gia đình chen chúc trong căn nhà nhỏ, mưa gió dột tứ bề, mỗi lần bão đến canh cánh nỗi lo đổ sập.

Cuối năm 2016, Lữ đoàn 126 Hải quân đã hỗ trợ gia đình ông Nguyễn Văn Tích 70 triệu đồng, cùng với số tiền tích lũy được và vay mượn thêm, ông đã làm được ngôi nhà cấp 4 khá khang trang.

Ông Nguyễn Văn Tích rất đỗi vui mừng vì được sống trong ngôi nhà đẹp và đang soạn sửa, trang hoàng để đón một cái Tết tràn ngập niềm vui. 

3. Ngược ra Diễn Châu, đến xã Diễn Thịnh, gặp ông Cao Hồng Nhân (SN 1950) cũng là cựu lính đặc công Hải quân, từng chiến đấu tại Cửa Việt (Quảng Trị) trong những năm tháng ác liệt. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, ông tham gia đánh chiếm cảng Cát Lái (Sài Gòn), chặn đường rút quân bằng đường thủy của địch. Xuất ngũ trở về với tỷ lệ thương tật 21%, ông Nhân lập gia đình và sinh được 4 người con.

Ở miệt biển đầy nắng gió nhưng thiếu đất sản xuất, buôn bán không quen nên gia đình gặp phải không ít khó khăn. Vợ chẳng may qua đời sớm, 5 bố con sinh sống trong ngôi nhà xây bằng vôi vữa, rui mè làm bằng tre qua nhiều năm đã mục nát, có thể sập xuống bất cứ lúc nào. Ông mong có một khoản tiền để sửa sang lại ngôi nhà nhưng nghĩ mãi chưa biết xoay xở ra sao.

Niềm vui của ông Nguyễn Văn Tích và các cháu nhỏ trong ngôi nhà mới.
Niềm vui của ông Nguyễn Văn Tích và các cháu nhỏ trong ngôi nhà mới.

Rồi niềm vui đến khi Bộ Tư lệnh Hải quân yêu cầu Quân cảng Sài Gòn hỗ trợ gia đình ông 70 triệu đồng làm nhà. Huy động thêm con cái, họ hàng và đồng đội, ông Nhân đã làm được căn nhà gần 400 triệu đồng. Không rộng lớn, khang trang, nhưng ngôi nhà tình nghĩa ấy đủ ấm cúng để ông cùng con, cháu đón một cái Tết sum vầy, hạnh phúc. 

Được biết, trong năm 2016, CCB Lữ đoàn 126 khu vực Nghệ - Tĩnh đã vận động xây dựng 5 ngôi nhà tình nghĩa tặng các đồng đội gặp hoàn cảnh khó khăn. Và 3 năm qua, đã có 12 ngôi nhà tình nghĩa được trao tặng, nghĩa là chừng ấy CCB được đón nhận niềm vui. Họ gọi đó là những ngôi nhà ấm tình đồng đội.

Công Khang

TIN LIÊN QUAN

Tin mới