Những người 'cõng chữ' lên non nơi miền Tây Nghệ An

(Baonghean.vn) - Hình ảnh thầy, cô giáo “cõng chữ” lên non cao mang một vẻ đẹp hết sức thiêng liêng. Song thực sự để có được một “bức tranh” đầy thơ nhạc ấy, những thầy, cô giáo đã trải qua nhiều nhọc nhằn, kham khổ. Và thực sự chỉ có những người giáo viên yêu nghề mới dám chịu, dám chấp nhận một cuộc sống thiếu thốn đủ bề.
Cô giáo trẻ Vi Thị Lê với học sinh của mình. Ảnh: Thành Cường
Cô giáo trẻ Vi Thị Lệ với học sinh của mình. Ảnh: Thành Cường
Đồng lương không đủ sống
Năm học 2020 - 2021 đã là năm thứ 3 cô giáo trẻ Vi Thị Lệ gắn bó với nghề giáo ưa thích từ tấm bé của mình, với những học trò nhỏ mà cô hết mực yêu thương ở vùng núi cao miền Tây xứ Nghệ quê hương. Qua câu chuyện, được biết: “Năm 2018, Lệ ra trường và xin được làm giáo viên cắm bản tại Trường Tiểu học Nậm Cắn (Kỳ Sơn).
Lệ là giáo viên thuộc diện hợp đồng của trường, ký theo từng năm. Mỗi tháng tiền lương của cô là 3,5 triệu đồng song được trả theo từng học kỳ. Nhà trường cho ứng trước một nửa để đi lại, ăn uống. Hết năm học 2018 - 2019, Trường Tiểu học Nậm Cắn đã đủ giáo viên đứng lớp, Lệ buộc phải nghỉ dạy, đi tìm những trường khác còn thiếu giáo viên để xin “lấp chỗ”.
 Năm học 2019 - 2020, Vi Thị Lệ may mắn được Trường Tiểu học Tam Hợp (Tương Dương) ký hợp đồng và phân công về dạy cho các em học sinh người Mông tại điểm trường Phà Lõm; năm học 2020 - 2021 này cô được phân công về dạy cho các em học sinh người Tày Pọng tại điểm trường bản Phồng. 2 năm qua, Lệ được ở gần nhà của mình hơn (thị trấn Thạch Giám) song ngược lại, tiền lương của em lại giảm xuống còn 3 triệu đồng/tháng.
Các thầy cô giáo trường TH Tam Hợp hái rau rừng cùng học sinh. Ảnh: Thành Cường
Các thầy ,cô giáo Trường Tiểu học Tam Hợp hái rau rừng cùng học sinh. Ảnh: Thành Cường
Cô giáo Lệ tâm tình: “Nghề giáo em yêu từ tấm bé và quyết tâm đeo đuổi với nghề. Nhưng thật sự có những vất vả ngoài sức tưởng tượng, đó là những khó khăn về thời tiết mưa nắng thất thường, đường xá đi lại vùng cao thường xuyên sạt lở đất, đá vùi lấp, trơn trượt. Điều kiện sống lại kham khổ, không điện, không nước, không chợ; về hoạt động dạy và học cũng vậy, khi người dân vùng cao chưa quan tâm đến nhiều việc học của con em... Song “nhọc nhằn” nhất vẫn là đồng lương không giúp bọn em đủ sống với nghề. Bản thân em vào những ngày nghỉ vẫn “tập tành” kinh doanh bán hàng online. Mua hàng dưới xuôi bán cho bà con trên này và ngược lại”.
Vất vả là vậy, song Vi Thị Lệ hiện đang hạnh phúc với công việc giáo viên của mình.

Không gì vui bằng được giúp cho các em từ chỗ chưa biết nói tiếng Việt trở nên đọc thông, viết thạo, tiến bộ từng ngày; được các em và phụ huynh yêu thương, kính trọng. Khó khăn, vất vả, chắc chắn rồi cũng sẽ qua. Người dân bản nghèo nhưng mỗi lần nhà có gạo mới, có măng, có trứng lại mang đến biếu, tặng các thầy, cô... làm sao không yêu, không quý được.

 Cô giáo Vi Thị Lệ giáo viên tại điểm trường bản Phồng (Tương Dương)

Phải quen cuộc sống “4 không”
Giống như Vi Thị Lệ, tình yêu nghề, yêu trường lớp, học sinh vô bờ bến chính là động lực để cô giáo trẻ Trần Thị Hồng Ngân (25 tuổi) rời vùng quê Hưng Nguyên lên với non cao. Năm 2018, cô giáo Ngân về tham gia công tác tại Trường Mầm non Nậm Cắn (Kỳ Sơn).
Khác với cô giáo Lệ, cô giáo Ngân may mắn hơn khi được hưởng chế độ theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP (vào diện viên chức có hưởng lương, bảo hiểm, phụ cấp, tăng lương như giáo viên biên chế). Dẫu vậy, tính chất công việc thì không hề khác nhau.
Các cô giáo Trường Mầm non Nậm Cắn vào điểm trường Huồi Pốc. Ảnh: Thành Cường
Các cô giáo Trường Mầm non Nậm Cắn vào điểm trường Huồi Pốc. Ảnh: Thành Cường
Năm học vừa rồi, cô giáo Ngân được phân công về dạy tại điểm trường Huồi Pốc. Huồi Pốc nằm sát biên giới Việt - Lào, là một trong những bản khó khăn nhất của huyện Kỳ Sơn và cả của tỉnh. Bản có 165 hộ người Mông, 847 nhân khẩu. Người dân canh tác nương rẫy, tỷ lệ hộ nghèo của bản là 53%...
Sự học ở Huồi Pốc đầy rẫy khó khăn khi mà bố, mẹ không quan tâm nhiều đến việc học của các con. Những đứa trẻ vẫn thường được bố mẹ đưa lên rẫy từ rất sớm và bị “ép” lớn. Khi vận động được trẻ đến trường thì việc ăn, học của trẻ được gia đình hoàn toàn “giao” cho cô giáo.
Con đường độc đạo từ trung tâm xã Nậm Cắn vào Huồi Pốc dài khoảng 16 km, dốc đứng, thường xuyên sạt lở. Trên con đường này, không thể nào kể xiết những lần các giáo viên trượt ngã, bầm tím.

“Hơn 1 năm trời đi lại con đường này, nhưng nó vẫn không chịu quen em, nhất là những ngày mưa. Có những hôm vào đến trường chỉ còn mỗi đôi mắt không lấm bùn đất. Nhiều khi dọc đường chỉ muốn khóc...”.

Cô giáo trẻ Trần Thị Hồng Ngân (25 tuổi) giáo viên điểm trường Huồi Pốc (Kỳ Sơn)

Điểm trường Huồi Pốc nằm trên một quả đồi cao. Nơi đây, sau 15 năm sử dụng, cơ sở vật chất đã xuống cấp, hư hỏng nhiều, không đảm bảo an toàn. Chân cột, vách gỗ phòng học, nơi ăn, ở của các cô đều mục ruỗng, mối mọt.
Điểm trường Huồi Pốc nằm trên một quả đồi cao. Ảnh: Thành Cường
Điểm trường Huồi Pốc nằm trên một quả đồi cao. Ảnh: Thành Cường
“Điểm trường Huồi Pốc không chợ, không sóng điện thoại, không nước sạch, không điện. Để sống được ở đây, các cô giáo đều phải tăng gia, tự túc lương thực, thực phẩm. Mỗi lần giáo viên có việc xuống bản đều mang kèm theo can nhựa để xin nước về sử dụng. Năm học mới đã bắt đầu nhưng đây cũng trùng vào dịp học sinh mầm non còn theo bố mẹ đi “ngủ rẫy”, thu hoạch mùa màng nên việc đưa các em trở lại trường cũng là nhiệm vụ khó khăn”, cô giáo Ngân cho hay.
Tự tìm cho mình niềm vui
Cô giáo Lô Thị Thanh Hiền (đã có 17 năm dạy tại Trường Mầm non Nậm Cắn, cùng dạy ở điểm trường Huồi Pốc cùng cô giáo Ngân) chia sẻ: “Khó khăn thì nhiều, nhưng rồi, mỗi giáo viên ở đây cũng quen dần, cố gắng vượt qua và tự tìm cho mình những niềm vui. Niềm vui chung của các cô giáo mầm non là được thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo chăm sóc các cháu theo mô hình bán trú dân nuôi trong điều kiện hết sức khó khăn, vất vả; từ đó từng bước giúp các cháu học lên các bậc cao hơn. Niềm vui riêng của bản thân tôi là mỗi ngày cuối tuần được về với gia đình ở Nậm Cắn – nơi có chồng và 2 đứa con trai sống bao bọc nhau do mẹ là cô giáo tuy dạy gần mà lại xa”.
Để sống được nơi điểm trường 4 không, các cô giáo Huồi Pốc đều phải tăng gia, tự túc lương thực, thực phẩm. Ảnh: Thành Cường
Để sống được nơi điểm trường "4 không", các cô giáo Huồi Pốc đều phải tăng gia, tự túc lương thực, thực phẩm. Ảnh: Thành Cường
Là địa bàn rộng lớn, nơi sinh sống của nhiều hệ dân tộc thiểu số, xã biên giới Tri Lễ (Quế Phong) có tới 3 trường tiểu học. Trong đó, Trường Tiểu học Tri Lễ 4 có tới 4 điểm trường: Mường Lống, Nậm Tột, Huồi Xái, Huồi Mới, với 100% học sinh là người Mông. Suốt 40 năm qua, trường vẫn chỉ toàn thầy giáo do các bản đều ở nơi “cùng trời cuối đất”, giao thông hiểm trở, điều kiện vất vả nên các cô giáo không thể nào ở lại cắm bản được.
Trường Tiểu học Tri Lễ 4 năm nay có 335 học sinh. Trong đó, trường chính tại bản Mường Lống có 100 em, điểm Huồi Xái có 103 em, điểm Nậm Tột có 43 em và điểm Huồi Mới có 86 em. Toàn trường có 22 lớp, trong đó có 3 lớp ghép với 33 cán bộ, giáo viên.
Năm học mới này, thầy Lữ Văn Phòng sau khi đi hết tất cả các điểm lẻ lại về với Huồi Mới. Được phân công làm giáo viên 2 (dạy các môn như Đạo đức, Nhạc, Họa, Kỹ thuật).

“Được đi dạy cho học trò, được đóng góp cho vùng cao quê hương là mình vui lắm rồi...”.

Thầy Lữ Văn Phòng  giáo viên trường Huồi Mới (Quế Phong)

26 năm dạy học ở Tri Lễ, người thầy giáo này đã thông thạo ngôn ngữ, hiểu rõ phong tục, tập quán của bà con người Mông từ “chân tơ, kẽ tóc”. Những bài học mà thầy đã, đang và sẽ truyền đạt chắc hẳn mang lại nhiều giá trị hơn những con số đơn thuần.
Niềm vui của thầy Phòng là mỗi ngày được đón các em học sinh đến lớp. Ảnh: Thành Cường
Niềm vui của thầy Phòng là mỗi ngày được đón các em học sinh đến lớp. Ảnh: Thành Cường
Thầy, cô giáo vùng cao là vậy. Họ hạnh phúc được sống trong tình thương, sự nể trọng của người dân. Song cái hạnh phúc đó cũng “mong manh” đến thương cảm.
Mong rằng các cấp, ngành có sự quan tâm nhiều hơn đến giáo dục miền núi, những thầy, cô yêu nghề gánh chữ lên non; những nhà hảo tâm khi đến với vùng cao, ngoài sự quan tâm đến những em học trò cũng cần nhiều hơn sự động viên đến những thầy, cô giáo đáng kính trọng ấy.

Tin mới