Những người đảm bảo an toàn cho các phiên tòa

(Baonghean) - “Tiễn” những trùm ma túy, đối tượng giết người đi trả án; bảo vệ, đảm bảo an ninh trật tự tại các phiên xét xử; truy bắt các đối tượng trốn thi hành án hay giúp các phạm nhân mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng… là những công việc thầm lặng của những người lính thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.

Một trong những nhiệm vụ của Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Nghệ An là bảo vệ, đảm bảo an toàn cho các phiên tòa xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, lao động, thậm chí cả hôn nhân và gia đình theo yêu cầu của TAND cấp tỉnh và những vụ án do Tòa phúc thẩm cấp cao, Tòa án nhân dân tối cao xét xử tại Nghệ An.

“Để các phiên tòa diễn ra an toàn, đúng quy trình, phục vụ hiệu quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng… là một áp lực không nhỏ. Đặc biệt đối với các phiên tòa xét xử các vụ trọng án, các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, anh em đội hỗ trợ tư pháp gần như căng mình suốt mấy ngày, trực 100% tại đơn vị cho đến khi Tòa án hoàn thành việc xét xử”, Đại úy Lê Xuân Cường – Đội trưởng đội Hỗ trợ tư pháp PC81 Công an tỉnh Nghệ An cho biết.

Cán bộ, chiến sỹ phòng PC81 kiểm tra giấy tờ tùy thuân những người dự phiên tòa.
Cán bộ, chiến sỹ phòng PC81 kiểm tra giấy tờ tùy thuân những người dự phiên tòa.

Còn nhớ, vào năm 2013, để chuẩn bị cho phiên tòa xét xử Hồ Đức Hòa (SN 1974, trú tại xã Quỳnh Vinh, Quỳnh Lưu) và đồng bọn bị truy tố về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, Phòng PC81 phải trực tiếp áp giải các đối tượng từ Hà Nội về Nghệ An. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng với số lượng bị cáo lớn, khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Để di lý các bị cáo từ Trại tạm giam của Bộ Công an (Hà Nội) về Nghệ An, PC81 là đơn vị trực tiếp lên kế hoạch dẫn giải, cùng với sự hỗ trợ từ các lực lượng khác cùng 100% quân số của đơn vị để thực hiện nhiệm vụ này. Hơn 300 cây số từ Hà Nội về Nghệ An là 1 hành trình thực sự căng thẳng đối với lực lượng dẫn giải trên từng cung đường để tránh bị các tổ chức phản động giải cứu, đánh tháo bị can Hồ Đức Hòa và đồng bọn.

Hành trình Vinh – Hà Nội, Hà Nội – Vinh tính ra dài hơn 600km nhưng chỉ đi và về ngay trong ngày, từ 5h sáng đến 4h chiều. Đây cũng là vụ án giữ kỷ lục về lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa khi Công an tỉnh phải huy động đến gần 1.500 người thuộc các lực lượng khác nhau làm nhiệm vụ trong 2 ngày liên tục. 

Đảm nhiệm công tác bảo vệ, đảm bảo an toàn cho các phiên tòa, an toàn tính mạng của bị cáo, nhân chứng hay đại diện hợp pháp của người bị hại theo yêu cầu của tòa án, nhưng đôi khi chính những người lính hỗ trợ tư pháp lại phải đối diện với những phản ứng có phần tiêu cực của người dân tham dự phiên tòa.  

Đối với những vụ án phức tạp có tính chất xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, một số đối tượng liên quan thường bức xúc, gây khó khăn cho công tác bảo vệ an ninh trật tự tại tòa. Trong điều kiện đó, các cán bộ, chiến sĩ Phòng PC81 tăng cường lực lượng, kiên quyết, bình tĩnh ngăn chặn những hành vi quá khích. 

Điển hình như trong vụ án xét xử Cao Xuân Thanh (SN 1986, trú tại Quế Phong) cùng đồng bọn phạm tội giết người, sự quá khích của người nhà bị hại khiến lực lượng hỗ trợ tư pháp hết sức vất vả.

Không những liên tục bị người nhà nạn nhân xúc phạm, chửi bới mà ngay cả khi phiên tòa kết thúc, khi xe chở quân trên đường về đơn vị, một số đối tượng quá khích ném vật lạ lên xe, thậm chí nhảy lên thùng xe tấn công khiến 1 chiến sỹ bị thương. Tại phiên tòa phúc thẩm tối cao sau đó, dù đã huy động gần như 100% lực lượng đơn vị, phối hợp với các đơn vị bạn nhưng công tác đảm bảo an toàn cho phiên tòa cũng hết sức vất vả.

 Cán bộ, chiến sỹ phòng PC81 bảo vệ an toàn cho phiên tòa.
Cán bộ, chiến sỹ phòng PC81 bảo vệ an toàn cho phiên tòa.

Ngay cả khi chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc xét xử, người nhà bị hại vẫn la hét, gây náo loạn phòng xét xử buộc chủ tọa phải yêu cầu lực lượng bảo vệ tòa cưỡng chế đối tượng ra ngoài.

Ngay lập tức, một người phụ nữ là thân nhân của bị hại lăn xuống nền nhà, dùng giày tự đánh vào đầu mình và la hét “công an đánh người”. Mặc dù vậy, lực lượng hỗ trợ tư pháp kiên quyết cưỡng chế, đưa đối tượng ra ngoài để HĐXX tiếp tục làm việc. 

Mới đây, khi vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ đối với bị cáo Đặng Thị Thuấn (trú tại TP. Vinh) được đưa ra xét xử phúc thẩm. Nhận thấy đây là một vụ việc phức tạp khi người thân bị hại cùng 1 số người dân tụ tập, la hét trước cổng trụ sở UBND huyện Hưng Nguyên và UBND tỉnh Nghệ An trước đó, nên ngay từ khi phiên tòa chưa diễn ra, an ninh đã được thắt chặt.

Lực lượng bảo vệ phiên tòa phải chốt chặn ngay tại cổng Tòa án tỉnh, kiểm tra giấy tờ tùy thân và chỉ cho phép những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhân chứng, những người có giấy mời, giấy triệu tập của tòa án cùng 1 số người dân vào phòng xét xử.

“Việc kiểm soát chặt chẽ những người tham dự phiên tòa là để đảm bảo an toàn trong quá trình xét hỏi nhưng nhiều người dân không hiểu đã có lời lẽ xúc phạm, gây áp lực đối với lực lượng bảo vệ phiên tòa. Bằng sự giải thích tận tình, thấu đáo, bằng sự kiên quyết và nguyên tắc, chúng tôi luôn đảm bảo để các phiên tòa được diễn ra an toàn, thành công nhất”, Thượng tá Phan Hữu Chu - Phó Trưởng phòng PC81 Công an Nghệ An cho hay.

Phạm Bằng - Hoàng Lam

TIN LIÊN QUAN

Tin mới