Những người đánh thức tộc ngủ ngồi

(Baonghean.vn) - Tộc người Đan Lai trước đây luôn sống trong nghèo đói và hủ tục… Nhưng giờ đây, cuộc sống của người Đan Lai đã đổi thay và đang tự tin hòa nhập với các dân tộc anh em. Có được điều đó, không thể không nhắc đến công lao của những người giáo viên cắm bản, ngày đêm truyền dạy tri thức, mở ra cánh cửa để người Đan Lai phát triển.

Vượt thác vào rừng dạy chữ

Ra trường năm 1998, Vi Thị Cúc gùi gạo, mắm, lội ngược dòng sông Giăng vào bản của người Đan Lai (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) dạy học. Ngày vào bản, Cúc vừa tròn 21 tuổi. Đi vào nơi “sơn cùng thủy tận” cùng Cúc có 6 đồng nghiệp khác. Họ đều là người phơi phới tuổi đôi mươi, chưa lập gia đình. Mỗi người gùi theo khoảng 10 kg hành lý gồm: gạo, thực phẩm, đồ dùng cá nhân cho nhiều ngày, Cúc cùng đồng nghiệp đi ngược suối, vượt thác, lần theo dấu chân trâu bò để vào bản.

Ảnh: Thành Cường
Cô giáo Vi Thị Cúc trong giờ lên lớp. Ảnh: Thành Cường

Đó là một ngày trong mùa mưa lũ, mọi người phải cầm theo dây thừng, nhờ người biết bơi lội qua cột dây vào cây để vượt suối. Cúc đã thử đếm xem mình đã lội qua bao nhiêu ghềnh, vượt qua bao nhiêu thác bằng cách mỗi lần qua một con thác thì nhặt 1 viên đá nhỏ để về đếm lại. Nhưng quãng đường gian nan, nắm đá nhỏ trong tay cũng trở thành gánh nặng đã bị Cúc vứt đi từ bao giờ…

Cô giáo Vi Thị Cúc tâm tình “Đến tận bây giờ mình vẫn không biết bản thân đã đi qua bao nhiêu thác ghềnh để đến trường… Vào trong này rồi, chỉ khi có việc thực sự cần thiết không thể vắng mặt mới ra. Có khi đến 3 tháng mới về một lần. Mỗi khi gặp người bên ngoài vào mừng như bắt được vàng”. 

Năm 2001, Cúc lập gia đình. Sinh con đầu lòng, cô được chuyển ra trường ngoài. 2 năm sau cô sinh đứa thứ 2.  Khi con được 10 tháng tuổi, Cúc tiếp tục được phân công trở lại “khe” (Cò Phạt). 

Chống bè vượt sông Giăng. Ảnh: Đào Tuấn
Chống bè vượt sông Giăng. Ảnh: Đào Tuấn

Đầu tháng 8 năm 2004, bước vào năm học mới cũng là lúc khi con nước sông Giăng còn dâng cao, chảy xiết. Cúc địu con gái 10 tháng tuổi trước ngực, bước lên thuyền độc mộc cùng 3 người dân ngược dòng trở lại trường. Khi đang cố vượt ghềnh thì gặp con nước xoáy chảy mạnh, thuyền chòng chành, ngập nước rồi trôi dạt đi. Người trên xuồng hò nhau tát nước nhưng không lại. Thuyền cứ nặng và chìm dần. Đến khi hai người đàn ông đầu mũi với được cây rì rì bên suối mới giữ thuyền lại. Mẹ con Cúc như từ cõi chết trở về. 

Lần trở lại Cò Phạt (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) này, cô Cúc ở lại giảng dạy 4 năm. “Những năm tháng tuổi thơ, con cần mình nhất thì gần như  không ở nhà. Tuổi thơ vắng mẹ, các cháu gửi về ông bà” - cô giáo Cúc buồn với những hồi tưởng quá khứ.

Tương truyền, tộc người Đan Lai có nguồn gốc từ người Kinh. Theo lời kể của các già làng, tổ tiên người dân ở đây vốn dĩ chạy trốn sự ác bá của bạo chúa miền Hoa Quân khi bị bắt phải tìm cho ra 100 cây nứa bằng vàng, một chiếc thuyền chèo liền mái, nếu không sẽ bị thảm sát cả họ. Những thứ trên là hoàn toàn không thể có.

Cả làng gồng gánh nhau trốn chạy lên núi, họ chạy mãi, chạy mãi đến thượng nguồn con sông Giăng này, nơi không còn nghe thấy tiếng người mới dám dừng chân - bộ tộc mới mang tên Đan Lai ra đời từ đó. Họ trải qua hàng trăm năm với cuộc sống khó khăn, lạc hậu nơi rừng sâu.

Ngày đó, điểm trường Cò Phạt nằm lọt thỏm giữa bản. Phòng học được dựng bằng tre nứa, mái lợp tranh, ba bề thưng phên. Chỗ nghỉ của giáo viên là một gian nhà tranh ngăn làm 4. Hàng năm, tất cả phải dựng lại một lần do mối mọt.

Các giáo viên ở đây, ngày dạy 1 buổi, 1 buổi phân công nhau theo dân vào rừng lấy măng, xuống suối xúc cá để cải thiện. Cuộc sống nhiều khó khăn, vất vả, đặc biệt rào cản về ngôn ngữ. Người Đan Lai sống khép kín, ngại giao tiếp người ngoài.

Những đứa trẻ rụt rè.
Những đứa trẻ người Đan Lai rụt rè khi thấy người lạ. Ảnh: Thành Cường

“Người dân không nói tiếng Kinh. Mình nói ra họ hiểu nhưng họ chỉ nói tiếng Đan Lai nên vô hình chung tạo thành rào cản trong giao tiếp và dạy học” - cô Vi Thị Cúc nói.

Để hiểu tiếng Đan Lai, ban đêm, cô Vi Thị Cúc cùng các giáo viên thường vào bản chơi, vừa tìm hiểu tập tục vừa học tiếng bản địa. Khi giảng dạy, cô Cúc cũng tranh thủ học lại tiếng Đan Lai từ học sinh của mình. Dùng tiếng người Đan Lai để giao tiếp, giảng bài, học sinh sẽ thấy gần gũi, thân thiện hơn. Từ đó, các em cũng dần tiếp thu được bài giảng, làm quen được với chữ viết và phép tính.

 “Ngã xe, dựng dậy đi tiếp”

Đến với điểm trường Cò Phạt hôm nay có nhiều điểm mới. Trường được xây dựng khang trang, kiên cố. Đầy đủ các nhà chức năng, gồm một dãy phòng học, khu nhà giáo viên, bếp ăn tập thể…  Giáo viên không còn phải đi bộ, lội ghềnh, vượt thác để vào trường. Giao thông đỡ hơn khi có con đường đất nối trung tâm xã đến bản Cò Phạt. Tuy nhiên, cũng chỉ là đỡ hơn so với trước, còn để đi con đường đất cũng phải trải qua không ít gian nan, ngã xe là chuyện bình thường. Đặc biệt vào những ngày mưa.

Con dốc Có ngày nắng
Con đường vào bản Cò Phạt ngày nắng ráo. Ảnh: Thành Cường

“Trước đây, đường đi lại khó khăn, các thầy cô chỉ có lội suối để vào. Giờ có đường, có cầu thì đỡ vất vả hơn, tuy nhiên mỗi lần trời mưa, đường trơn, sạt lở thì gần như không thể đi được, các cô vào bị ngã xe liên tục. Như năm ngoái đây, cô Cúc đi xe máy lên dốc Có thì bị rơi xuống hố, người mắc trên cây, xe trôi dưới vực. Dân bản hò nhau ra phát cây để đưa cô xuống. Bản còn làm vía cho cô.”

Ông La Văn Linh - Bí thư chi bộ bản Cò Phạt 

Hôm nay đến trường, cô Vi Thị Cúc cùng cô Vi Thị Bảy - Khối trưởng Điểm trường Cò Phạt phải đi bằng nốc (thuyền). Mấy ngày trước, trên đường đi ra cô Bảy bị ngã xe, ngã đến 3 lần, người còn đau ê ẩm. Lần này cô phải thuê thuyền để vào trường.
Cô Bảy là người Thái ở ngoài trung tâm xã Môn Sơn. Cô vào Cò Phạt lần đầu năm 2009. Lần đó vào cũng trùng mùa mưa, nước lũ về, thuyền bè không đi lại được. Cô vào và ở lại trường đến 17 ngày. Đêm nhớ con nằm khóc rấm rứt. Nhưng khi nghĩ về những em học sinh nơi đây, cô đã cố gắng vượt qua.

“Mình sinh ra lớn lên ở huyện vùng cao, bản thân hiểu được cuộc sống khó khăn của trẻ em ở đây nên mình rất yêu thương chúng. Lúc mới vào trường cũng khóc hết nước mắt, lúc ngã xe trong rừng cũng chẳng biết kêu ai, nhưng rồi đi mãi cũng thành quen. Ngã xe, dựng dậy đi tiếp, tất cả vì tương lai các em”

Cô Vi Thị Bảy - Khối trưởng Điểm trường Cò Phạt

Để một học sinh trong này biết chữ, giáo viên phải bỏ công sức gấp 5 gấp 6 lần
"Để một học sinh biết đọc biết viết thì giáo viên phải bỏ công sức gấp năm gấp sáu lần ở bên ngoài". Ảnh: Thành Cường

Động lực dạy học lớn nhất của cô Bảy, cô Cúc cùng các giáo viên cắm bản ở đây chính là những em sinh người Đan Lai. Họ chấp nhận gắn bó ở đây chẳng ngại những bữa cơm thiếu thốn, những giấc ngủ trằn trọc lo âu.

Những năm trước, cuộc sống người dân còn khó khăn, lạc hậu, ngại tiếp xúc với người ngoài, việc học hành của con cái chưa được chú trọng. Sách vở, đồ dùng học tập cũng thiếu thốn. Nghe tiếng trống tựu trường thì chỉ lèo tèo vài ba học sinh đến vì tò mò. Học sinh không quan tâm gì đến việc học. Thích thì đi, không thích đi thì nghỉ.

Để thay đổi thói quen, đưa các em đến lớp, nhà trường, giáo viên quyết định hàng năm bỏ tiền mua toàn bộ sách vở, đồ dùng học tập cho học trò. Phân công giáo viên đến tận từng nhà vận động phụ huynh tạo điều kiện cho con cái học hành, tập thói quen cho học sinh học ban đêm. Mỗi lần sinh hoạt cộng đồng, giáo viên đều tham gia để nhắc nhở phụ huynh, khuyến khích việc học. Thấy vắng em nào là tìm đến tận nhà vận động. Nhờ kiên trì vận động, đổ công, đổ sức của các giáo viên, phụ huynh bắt đầu chú ý việc học của con, học sinh cũng bắt đầu chăm học và tiến bộ nhiều hơn.

Ngoài dạy buổi chính, các giáo viên Điểm trường Cò Phạt còn tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa vào buổi chiều. Mỗi tuần 2 đến 3 buổi tối tập trung học sinh lại để dạy kèm. “Ở trong này, để một học sinh biết đọc biết viết thì giáo viên phải bỏ công sức gấp năm gấp sáu lần ở bên ngoài” - cô Bảy nói.

Điểm trường Cò Phạt - Trường Tiểu học Môn Sơn 3.
Điểm trường Cò Phạt - Trường Tiểu học Môn Sơn 3. Ảnh: Thành Cường

Năm học 2020 - 2021 Điểm trường Cò Phạt có 65 học sinh, tỷ lệ lên lớp đạt 97%, chỉ có 2 em lớp 1 ở lại; có 100% học sinh lớp 5 chuyển cấp lên lớp 6. Nếu như trước đây, nhiều em không biết đọc cũng không viết được thì mấy năm gần đây, hầu hết các em đều hoàn thành chương trình lớp học.

"Các cô là ân nhân"

Trở về từ Malaysia, La Văn Thái (SN 1993) ở bản Cò Phạt lại tiếp tục vào Bình Dương tìm công việc ở một công ty sản xuất giày da. Thái là lứa học sinh đầu tiên của cô Vi Thị Cúc. Nhờ sự kiên trì và nhiệt huyết của cô Cúc và các giáo viên trong trường, Thái biết đọc biết viết, biết đến thế giới bên ngoài - dưới hạ nguồn con sông Giăng. Học xong tiểu học, Thái tiếp tục ra trung tâm học tiếp cấp THCS, THPT rồi mạnh dạn đăng ký tuyển dụng đi xuất khẩu lao động. Thái trở thành người Đan Lai đầu tiên ở Cò Phạt ra nước ngoài. Theo chân Thái, Cò Phạt có thêm 4 người nữa cũng tìm đường xuất ngoại, mang về kinh tế khá cho gia đình.

Hay như La Văn Sơn (SN 1992), học xong tiểu học, rồi tốt nghiệp THPT, Sơn xuống Vinh học nghề nấu ăn. Hiện nay, Sơn đang là bếp trưởng của một nhà hàng lớn trên địa bàn Con Cuông. Sơn nói: “Nếu ngày trước không học để biết chữ, thì chắc giờ này em đang vào rừng lấy măng hay đi bóc vỏ keo thuê ở Anh Sơn, Thanh Chương”.

Ngoài Sơn, Thái,… nhiều con em người Đan Lai khác ở bản Cò Phạt cũng đi ra ngoài, tìm được việc làm ở những nhà máy sản xuất, những khu công nghiệp lớn.
Ảnh: Thành Cường
Nhờ sự kiên trì của giáo viên cắm bản, từng lứa trẻ lớn lên biết đọc, biết viết, biết tính toán, từ đó mở ra con đường mới, con đường tri thức. Ảnh: Thành Cường


“Phải nói, giáo viên ở đây ngoài chịu khó, còn có sự nhiệt tình. Nếu không nhiệt tình thì các cháu cũng không thể được như ngày hôm nay. Các cô kiên trì kèm cặp từng em một, học sinh đều biết đọc, biết tính toán… nhờ đó mà các em mới có thể học lên hay đi ra ngoài tìm việc làm. Với người Cò Phạt, các cô là một ân nhân”

Ông La Văn Linh - Bí thư chi bộ bản Cò Phạt 

Nhờ sự kiên trì của giáo viên cắm bản, từng lứa trẻ lớn lên biết đọc, biết viết, biết tính toán, từ đó mở ra con đường mới, con đường tri thức để các em nhìn ra thế giới. Đan Lai đang ngày càng đổi thay nhờ công của các thầy cô giáo. Dân tộc ngủ ngồi không còn bỏ chạy giữa đêm khuya. Họ đang từng bước đi lên.

Người Đan Lai ở xã Môn Sơn sống chủ yếu trong bản Cò Phạt và bản Bủng với hơn 220  hộ, 1.200 nhân  khẩu, có 1 hộ cận nghèo, còn lại là hộ nghèo. Hai bản chỉ có trên 14ha đất để trồng lúa, ngô. Hộ nhiều nhất có 1 sào đất, còn phần lớn các hộ khác chỉ có những miếng ruộng nhỏ, trâu vào cày khó quay đầu, canh tác không được bao nhiêu.

Tin mới