Những ‘người lái đò’ trẻ tuổi

Trong số những “người lái đò” vừa được Tỉnh đoàn tuyên dương, không ít tấm gương mẫu mực, say mê nghiên cứu khoa học, có nhiều công trình mang giá trị, ý nghĩa, được công nhận không chỉ ở trong nước mà còn vươn tầm quốc tế. Nổi bật là Tiến sỹ Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1986), hiện là giảng viên Khoa Luật học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Vinh.

Nhắc đến chị, đồng nghiệp và sinh viên luôn dành nhiều thiện cảm và không ít lời khen, bởi nhà giáo trẻ này luôn phấn đấu, tiên phong trong nhiều công việc, sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ dù khó khăn, làm tấm gương tận tụy, gương mẫu về đạo đức, tác phong và lối sống cho những người chung quanh. Khó có thể kể hết bề dày thành tích của chị Hà trong suốt nhiều năm qua, bởi lẽ, chỉ tính riêng trong năm học 2020-2021, nữ tiến sỹ trẻ tuổi đã được xếp loại đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học, “truyền lửa” cho nhiều nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học đạt thành tích cao ở cấp trường, tham gia giải thưởng Nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2021-2022; hướng dẫn 5 đề tài luận văn thạc sỹ Luật học đạt kết quả cao; chủ nhiệm 1 đề tài, là thành viên tham gia 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, 1 đề tài khoa học cấp Bộ.

Năm học vừa rồi cũng là năm “được mùa” về số lượng bài báo khoa học do chị chấp bút, khi có tới 8 tác phẩm được đăng trên tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế, nâng “gia tài trí tuệ” này của chị lên con số 21 bài báo khoa học. Bận rộn là vậy, nhưng với nguồn năng lượng và nhiệt huyết dường như bất tận, tiến sỹ Hà còn dành thời gian làm chủ biên 2 cuốn sách chuyên khảo, tham gia biên soạn 1 giáo trình, 4 sách chuyên khảo, biên soạn các tài liệu học tập các hệ đại học và sau đại học. Ở nữ giảng viên này, luôn toát ra thái độ chỉn chu, tâm huyết với nghề, luôn miệt mài trau dồi chuyên môn; thế nên, cũng chẳng có gì lạ khi tên chị được xướng lên trong nhiều hội thi, được xuất hiện trong nhiều giấy chứng nhận, giấy khen, được đồng nghiệp suy tôn nhiều danh hiệu.

Điểm đáng quý nữa ở chị Nguyễn Thị Hà, đó là sự gần gũi, sát sao đồng hành và tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ sinh viên. Là giáo viên chủ nhiệm trong các năm học, chị tham gia các hoạt động tư vấn hỗ trợ định hướng nghề nghiệp, NCKH của sinh viên. Nhưng đâu chỉ “thỏa mãn” với chừng ấy trách nhiệm, chị còn là thành viên sáng lập, cố vấn trực tiếp cho Câu lạc bộ tiếng Anh Khoa Luật- Đại học Vinh. Bởi chị hiểu rằng, không những giỏi chuyên môn, sinh viên trong thời đại mới cần sở hữu chiếc chìa khóa ngoại ngữ để mở cánh cửa bước ra hội nhập với thế giới rộng lớn ngoài kia, tự tin sánh vai với bè bạn năm châu. Với những ai có dịp gặp gỡ, trò chuyện với cô giáo Hà, ắt hẳn đều sẽ cảm nhận được nội lực mạnh mẽ, nguồn năng lượng tích cực lan tỏa từ trái tim yêu và quý trọng nghề dạy học. Và nếu soi chiếu vào câu danh ngôn của nhà thơ, nhà soạn kịch nổi tiếng người Ireland William Butler Yeats, rằng “Giáo dục không phải là việc đổ đầy một cái bình, mà là thắp sáng một ngọn lửa”, thì chắc chắn Nguyễn Thị Hà đã và đang làm rất tốt trong sự nghiệp trồng người của mình.

Cũng gặt hái được bảng thành tích đáng nể trong 8 năm “bén duyên” với nghề giáo là Thạc sỹ Trương Văn Hùng (sinh năm 1987), Giảng viên Khoa Công nghệ Hàn, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc. Gây ấn tượng mạnh cho chúng tôi ngay từ lần đầu gặp gỡ bằng tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, thầy giáo Hùng cởi mở chia sẻ về mối lương duyên với ngôi trường dạy nghề. Năm 2012, khi vừa tròn 25 tuổi, chàng thanh niên Trương Văn Hùng chọn “ngược lối” so với nhiều bạn bè đồng trang lứa, không ở lại TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học mà quyết định trở về cống hiến xây dựng quê hương. “Chân ướt chân ráo” tìm việc, Hùng được một doanh nghiệp nước ngoài đóng trên địa bàn miền Tây Nghệ An tuyển dụng. Nhưng 1 năm sau đó, cảm thấy những trải nghiệm trong môi trường này chưa đủ thỏa mãn bản thân, Hùng quyết thử sức khi hay tin Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc đang cần tuyển giảng viên trẻ. Sở hữu nhiều điểm nổi bật so với các ứng cử viên nặng ký khác, Trương Văn Hùng đã được Ban Giám hiệu tin tưởng “chọn mặt gửi vàng”, chính thức bắt đầu công việc “lái đò” dẫu vất vả nhưng cũng lắm niềm vui.

Với Trương Văn Hùng, có lẽ niềm hạnh phúc lớn lao nhất của một người thầy là khi được chứng kiến sinh viên của mình trưởng thành, chững chạc và tự tin ngay cả khi “ra biển lớn”, đứng trên sân khấu rực rỡ ánh đèn nhưng không mảy may chùn bước. Cặp kính cận không thể giấu nổi ánh mắt phấn khởi của anh khi kể về kỷ niệm đồng hành cùng mỗi sinh viên trong từng dự án khởi nghiệp, hướng dẫn cho các em khi mới vào trường, kiên nhẫn giảng giải từ những bài học căn bản nhất, đến lúc chỉ dẫn cho các em thực hiện đề tài tốt nghiệp, góp ý hoàn thiện và khuyến khích những ý tưởng hay mạnh dạn đăng ký tham gia các cuộc thi sáng tạo khoa học cấp trường, cấp Bộ, cấp tỉnh. Đơn cử, năm 2020, với sự đồng hành của thầy Hùng, sinh viên Đinh Tiến Anh đã thực hiện đề tài “Máy Plasma CNC 4 trục” đạt giải C cuộc thi Dự án khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp Quốc gia năm 2020, được Bộ trưởng Bộ Lao động, TB&XH tặng bằng khen.

Cách đây vài hôm, ngay trước thềm dịp lễ 20/11 tôn vinh nhà giáo Việt Nam, anh đã nhắn tin “khoe” với chúng tôi về món quà lớn nhất của mình, đó là trong số 8 dự án khởi nghiệp của sinh viên do anh hướng dẫn được lọt vào vòng Bán kết Dự án khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp Quốc gia năm 2021, có 2 dự án xuất sắc đã lọt vào Vòng Chung kết.

Không chỉ có cô Nguyễn Thị Hà, thầy Trương Văn Hùng, trên khắp những giảng đường, còn đó sự hiện diện của những người thầy, người cô vẫn luôn cần mẫn, âm thầm lặng lẽ vun đắp cho các thế hệ học sinh từ kiến thức khoa học đến cách tu dưỡng nhân cách, trở thành con ngoan, trò giỏi. Chúng tôi gặp cô giáo Lô Thị Mơ tại ngôi trường Mầm non Cam Lâm, xã Cam Lâm (huyện Con Cuông) cách thành phố Vinh gần 150km. Mỗi sáng sớm, khi màn sương nơi núi rừng miền Tây xứ Nghệ vẫn còn giăng mắc thì cô giáo Mơ đã thức dậy, khăn gói chuẩn bị vượt quãng đường qua nhiều bản làng để đến với các em thơ của Cam Lâm. Ngôi trường nhỏ xinh nằm nép mình bên những rặng cây xanh tốt cách xã Chi Khê nơi cô giáo Lô Thị Mơ sinh sống gần 10km.

Học trò của cô giáo Mơ ở Cam Lâm hầu hết là con em các hộ nghèo. Theo như cô Phan Thị Tuyết – Hiệu trưởng Trường Mầm non Cam Lâm cho hay, trường có 6 lớp với 156 học sinh thì có hơn 100 em thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Người dân ở Cam Lâm hầu hết đều làm nông nghiệp, hoặc đi làm ăn xa. Lớp do cô Lô Thị Mơ giảng dạy có 22/24 cháu ở với ông bà do bố mẹ đi làm ăn xa, việc chăm lo cho con cái đều trông cậy vào các cô giáo. Bởi thế, ngoài đóng vai trò là cô giáo thì các cô Mơ còn thay thế người cha, người mẹ dạy bảo các con lời ăn tiếng nói, cách cư xử ngoan ngoãn, hiếu thảo… Trường Mầm non Cam Lâm ngoài điểm chính ở gần uỷ ban xã thì còn có 2 điểm lẻ đóng tại bản Cam và bản Bạch Sơn. Năm đầu tiên về nhận công tác tại đây, cô Lô Thị Mơ xung phong đến bản Cam dạy học. Lúc ấy, nhìn những em nhỏ người gầy guộc, đồ áo nhem nhuốc, tấm lòng cô giáo trẻ không khỏi bùi ngùi. Bởi vậy, cô tự nhủ lòng mình hãy vượt qua những vất vả, những khó khăn của quãng đưỡng xa mỗi ngày, của sự xa cách khi chồng cô cũng đi làm ăn xa nhiều năm mới có thể về thăm nhà một lần. Những nỗi niềm riêng tư ấy cô gác lại, dành hết tình thương yêu để chăm sóc cho học trò. Vừa dạy học, vừa tìm tòi học hỏi, trong 9 năm công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, cô Lô Thị Mơ đã 2 lần đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, được Chủ tịch UBND huyện Con Cuông tặng Giấy khen; được Huyện đoàn Con Cuông tặng Giấy khen vì những thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào Thanh thiếu nhi.

Cũng như cô giáo Lô Thị Mơ, trong số 19 gương mặt giáo viên, giảng viên trẻ tiêu biểu toàn tỉnh được tuyên dương năm 2021, có nhiều giáo viên trẻ hiện vẫn đang xung phong dạy học ở những địa bàn xa xôi hiểm trở ở miền Tây Nghệ An như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong… Đơn cử như thầy Lữ Đức Báu – Trường PTDTBT THCS Hữu Khuông, cô Vũ Thị Hằng (quê ở Diễn Hoa, Diễn Châu) đang dạy học tại Trường Tiểu học Châu Lộc, xã Châu Lộc, huyện Qùy Hợp; cô Nguyễn Thị Hải Yến (quê ở xã Tường Sơn, Anh Sơn) đang dạy học tại Trường Mầm non Nậm Cắn, Kỳ Sơn – huyện biên giới xa nhất Nghệ An… “Họ những nhà giáo trẻ, bên cạnh thành tích xuất sắc về chuyên môn, có đạo đức và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, mỗi thầy cô giáo còn là những tấm gương đầy nghị lực và yêu nghề. Nhiều thầy, cô giáo được tuyên dương là đảng viên, cán bộ Đoàn, tổng phụ trách Đội tích cực cống hiến cho công tác Đoàn – Đội và phong trào thanh thiếu nhi của các địa phương nhà nhà trường” – anh Thái Minh Sỹ – Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh khẳng định.

Một góc xã Cam Lâm, huyện Con Cuông.
Một góc xã Cam Lâm, huyện Con Cuông.