Những người lính xứ Nghệ anh dũng trong chiến đấu, gương mẫu giữa đời thường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Thuộc 2 thế hệ khác nhau, sinh ra và lớn lên ở 2 vùng quê nhưng ông Võ Ngọc Thìn và Hoàng Đức Thương đều tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, để lại một phần xương máu ở chiến trường. Trở về với cuộc sống đời thường, họ vẫn tiếp tục ra sức cống hiến, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp.

Còn 19% sức khỏe vẫn cống hiến

Hơn 80 tuổi, lại là thương binh với tỷ lệ thương tật 81%, sức khỏe giảm sút nhưng hàng ngày ông Võ Ngọc Thìn (SN 1939) ở làng Trung Thượng, xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) vẫn dõi theo việc làm ăn, sản xuất của bà con nhân dân. Vì thế, ông luôn được những người xung quanh yêu mến và kính trọng, mỗi khi gia đình có việc quan trọng thường tìm gặp để nhận được những lời chỉ bảo đúng đắn, thân tình.

Nhập ngũ từ năm 1959, những năm tháng tuổi trẻ của ông Võ Ngọc Thìn gắn bó với chiến trường miền Nam biết bao gian khổ và hiểm nguy, những trận đánh một mất, một còn với Mỹ - Ngụy.

Ông Võ Ngọc Thìn và cháu ngoại bên những tấm huân chương cao quý. Ảnh: Công Khang

Ông Võ Ngọc Thìn và cháu ngoại bên những tấm huân chương cao quý. Ảnh: Công Khang

“Chiến dịch Mậu Thân 1968, tôi là chiến sỹ thuộc K4, Thành đội Huế, cùng đơn vị cố thủ ở nội thành Huế suốt 24 ngày đêm, diệt được nhiều toán địch hành quân từ Quảng Nam, Đà Nẵng ra chi viện. Sau đó, liên tục tham gia chống càn và tiến đánh địch trên địa bàn, đến năm 1972 bị thương nặng, phải chuyển về tuyến sau” -

- Ông Võ Ngọc Thìn

Với tinh thần gan dạ, dũng cảm trong chiến đấu, chiến sỹ Võ Ngọc Thìn được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang và Huân chương Giải phóng (đều hạng Nhất) và nhiều Bằng khen, Huy hiệu...

Xuất ngũ, trở về quê hương với 81% thương tật, tay phải bị mất, chân phải bị gãy, bố mẹ đã qua đời, cựu chiến binh Võ Ngọc Thìn bắt đầu xây dựng gia đình, từng bước thích nghi với cuộc sống mới.

Huân chương Kháng chiến hạng Nhất của ông Võ Ngọc Thìn. Ảnh: Công Khang

Huân chương Kháng chiến hạng Nhất của ông Võ Ngọc Thìn. Ảnh: Công Khang

Không thể kể hết những khó khăn, vất vả của người thương binh vừa trở về từ cuộc chiến, nhưng với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, ông Thìn không ngừng vươn lên trong cuộc sống và sinh hoạt. Cùng vợ và các con chăm lo ruộng đồng, phát triển chăn nuôi, từng bước thoát khỏi khó khăn, đói nghèo, kinh tế gia đình dần ổn định và phát triển.

Khắc ghi lời dạy “Thương binh tàn nhưng không phế” của Bác Hồ, ông Thìn đã tích cực tham gia hoạt động xã hội và các phong trào ở địa phương, 10 năm liên tục là Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm, hiện là Ủy viên Ủy ban MTTQ xã. Thời điểm làm Trưởng ban Công tác Mặt trận, xã Hưng Tân quê hương ông đang tập trung sức người, sức của cho chương trình xây dựng nông thôn mới, tăng cường làm giao thông nông thôn, dồn điền, đổi thửa và hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng.

Còn 19% sức khỏe nhưng ông Võ Ngọc Thìn vẫn tích cực lao động, sản xuất. Ảnh: Công Khang

Còn 19% sức khỏe nhưng ông Võ Ngọc Thìn vẫn tích cực lao động, sản xuất. Ảnh: Công Khang

Ông Thìn là người tích cực tham gia vận động các gia đình hiến đất mở đường và đóng góp công sức xây dựng các công trình phúc lợi trên địa bàn xóm. Để thuyết phục bà con trong xóm, gia đình ông Thìn đã gương mẫu đi đầu trong hiến đất và đóng góp tiền làm đường giao thông thôn, xóm, đáp ứng tiêu chí xanh - sạch - đẹp. Từ đó, người thương binh ấy trở thành tấm gương sáng về xây dựng tình đoàn kết trong thôn, xóm và xây dựng quê hương giàu, đẹp.

Lan tỏa thương hiệu nước mắm Hải Giang

Sau hơn 40 năm quân ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam và chiến trường Campuchia, cũng như ông Võ Ngọc Thìn, ông Hoàng Đức Thương trở về tiếp tục đem sức lực và trí tuệ góp phần xây dựng quê hương. Đặc biệt, ông là người có công lớn trong xây dựng làng nghề và nâng tầm thương hiệu nước mắm Hải Giang 1.

Sinh năm 1950, ở phường Nghi Hải (thị xã Cửa Lò), lớn lên đúng lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ bước sang giai đoạn ác liệt, chàng thanh niên làng biển không ngần ngại đăng ký lên đường nhập ngũ. Hơn 8 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, ông Hoàng Đức Thương được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba và 6 Huân chương Chiến công (hạng Nhất, Nhì, Ba).

Ông Hoàng Đức Thương tích lũy được nhiều kinh nghiệm sản xuất nước mắm. Ảnh: Công Khang

Ông Hoàng Đức Thương tích lũy được nhiều kinh nghiệm sản xuất nước mắm. Ảnh: Công Khang

Và trong 10 năm chiến đấu ở Campuchia, người lính ấy được tặng thưởng thêm 3 Huân chương Chiến công và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Những con số kể trên đã nói lên tinh thần chiến đấu và mưu trí, dũng cảm của ông Thương trong những năm tháng gian khổ và ác liệt. Chưa kể, đi ra từ cuộc chiến, ông còn mang tỷ lệ thương tật 24% và nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Trở về với vùng quê Cửa Hội, ông Hoàng Đức Thương luôn đau đáu trước cuộc sống khó khăn, vất vả của bà con xóm giềng và mong được góp một phần nhỏ bé cho sự đổi thay, khởi sắc của quê hương. Được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ, tiếp đến là Trưởng ban Quản lý Làng nghề chế biến nước mắm Hải Giang 1, ông Thương đã đưa hết kinh nghiệm và vốn tri thức để nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định.

Ông Hoàng Đức Thương được tặng thưởng nhiều huân chương và danh hiệu cao quý. Ảnh: Công Khang
Ông Hoàng Đức Thương được tặng thưởng nhiều huân chương và danh hiệu cao quý. Ảnh: Công Khang

Ông Thương cho biết: “Từ 40 hộ ban đầu, đến nay Làng nghề Chế biến nước mắm Hải Giang 1 đã có 8 hộ tham gia, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 1 triệu lít nước mắm, tổng thu nhập khoảng 35 tỷ đồng/năm, bình quân thu nhập 6 triệu đồng/hộ/tháng.

Nhờ đó, bảo tồn và phát huy được nghề truyền thống, giải quyết việc làm và nâng cao nguồn thu nhập cho người dân vùng biển, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch làng nghề”.

Bên cạnh đó, với cương vị Bí thư chi bộ, ông Hoàng Đức Thương luôn vận động bà con khối Hải Giang 1 thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Bản thân và gia đình ông Thương đã tự nguyện đóng góp hàng chục triệu đồng trong phong trào xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.

Ông Hoàng Đức Thương có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Làng nghề Chế biến nước mắm Hải Giang 1 (thị xã Cửa Lò). Ảnh: Công Khang

Ông Hoàng Đức Thương có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Làng nghề Chế biến nước mắm Hải Giang 1 (thị xã Cửa Lò). Ảnh: Công Khang

Và suốt 20 năm qua, gia đình liên tục được công nhận danh hiệu Gia đình Văn hóa tiêu biểu, được Ủy ban nhân dân thị xã Cửa Lò tặng Giấy khen vì có thành tích nổi bật trong cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Và nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, ông Hoàng Đức Thương cũng vinh dự được tham dự Hội nghị Tuyên dương người có công tiêu biểu tỉnh Nghệ An.

“Đang còn sức khỏe, tôi sẽ tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của quê hương, giúp bà con khối xóm nâng cao đời sống mọi mặt. Đặc biệt là tiếp tục lan tỏa thương hiệu nước mắm Hải Giang 1 và các mặt hàng hải sản, không phụ lòng tin của bà con nhân dân” -

- Ông Hoàng Đức Thương

Tin mới