Những người Ơ Đu không ở Văng Môn…

Đi ngược lại “cơn bão” dư luận đang hướng về bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương - nơi thực hiện Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu - chúng tôi về xã biên giới Thanh Sơn, huyện Thanh Chương.

Từ khá lâu, chúng tôi đã loáng thoáng nghe ở xã biên giới Thanh Sơn, huyện Thanh Chương (một trong những địa bàn tái định cư người dân huyện Tương Dương để thực hiện Dự án Thủy điện Bản Vẽ) có một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số Ơ Đu. Có hay không nội dung này? Nếu có thì đời sống của họ ra sao?

Một người bạn đang công tác tại xã Thanh Sơn khẳng định là có, tuy nhiên, chưa có thống kê đầy đủ và hứa sẽ làm “hướng đạo”. “Đồng bào Ơ Đu ở Thanh Sơn có nhưng không nhiều. Họ ở trộn lẫn cùng các gia đình đồng bào Thái nên chỉ biết là có chứ chưa có số liệu thống kê chính xác. Theo em biết thì có một hộ độc lập, còn lại là các khẩu sống rải rác. Đặc điểm nổi bật của họ là thích văn nghệ và hay uống rượu. Cứ lên đây, em sẽ đưa đi…” – người bạn này trao đổi.

Với P.V Báo Nghệ An, xã biên giới Thanh Sơn vốn không có gì là lạ. Nhưng để thuận lợi trong việc tiếp xúc, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số Ơ Đu, Huyện ủy Thanh Chương cử anh Nguyễn Doãn Quang – chuyên viên Ban Dân vận đi cùng.

Từ thị trấn Dùng, anh Quang cho biết, sau khi được giao nhiệm vụ đã liên lạc với Đảng ủy xã Thanh Sơn và xã Ngọc Lâm (cũng là địa bàn tái định cư người dân huyện Tương Dương) đề nghị rà soát, lập danh sách những người Ơ Đu ở các bản trên địa bàn. “Cả hai địa bàn Thanh Sơn, Ngọc Lâm đều có đồng bào Ơ Đu. Theo danh sách hai xã gửi ra, Thanh Sơn có 25 khẩu, Ngọc Lâm có 7 khẩu…” – anh Quang trao đổi.

Từ thị trấn Dùng lên đến trung tâm xã Thanh Sơn, khoảng hơn 40 km. Đón chúng tôi ở đây, Bí thư Đảng ủy xã, anh Lô Văn Nguyên thông báo số liệu thống kê về số khẩu đồng bào Ơ Đu đã thay đổi.  Bí thư Đảng ủy xã Thanh Sơn trao đổi: “Xã mới thống kê có thêm 5 khẩu. Như thế, đến thời điểm hiện tại xã Thanh Sơn có 30 khẩu người Ơ Đu. Nhưng số liệu có thể sẽ còn thay đổi. Nội dung này trước đây chưa được quan tâm nên thống kê chưa chính xác, chúng tôi đang cho tiếp tục rà soát, lập biểu thống kê đầy đủ chứ…’’.

Đời sống của những hộ gia đình Ơ Đu ở xã Thanh Sơn như thế nào? Bí thư Đảng ủy xã Thanh Sơn khái quát, so với thời kỳ mới về tái định cư thì hiện nay kinh tế – xã hội ở xã Thanh Sơn đã có những bước chuyển khá hơn, nhưng đời sống kinh tế của phần lớn người dân trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn. Với hộ gia đình đồng bào Ơ Đu, hoặc có đồng bào Ơ Đu thì càng khó khăn hơn. Trong số những hộ đã rà soát có tên trong danh sách, chỉ duy nhất có 1 hộ không phải hộ nghèo vì trong gia đình có một người là giáo viên. Còn lại đa phần là hộ nghèo, một số ít là hộ cận nghèo. “Đảng ủy xã đã cử anh Lương Văn Nội – Phó Bí thư Thường trực đưa các anh xuống các bản để thấy được thực tế đời sống của đồng bào Ơ Đu xã Thanh Sơn…” – anh Lô Văn Nguyên nói.

Hộ đồng bào Ơ Đu mà Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, anh Lương Văn Nội đưa chúng tôi đến thăm là gia đình anh Lô Văn Duẩn (SN 1975) và chị Lô Thị Thoan (SN 1974), là hộ gia đình đồng bào Ơ Đu có đời sống kinh tế hạng cận nghèo. Gia đình này ở trong một căn nhà xây cấp 4, có cổng và mái che khá tươm tất. Nhưng trong nhà khá tuềnh toàng, không có đồ vật gì giá trị.

Bởi bất ngờ với họ “Lô” của anh Duẩn, tôi đã hỏi: Liệu có nhầm lẫn gì không? Theo Lô Văn Duẩn giải thích thì, tổ tiên của anh trước đây mang họ Lo. Nhưng đến thời bố anh thì sống cùng đồng bào Thái bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh nên đổi sang họ Lô. Để xác thực thêm điều mình nói, Lô Văn Duẩn gỡ chiếc Bằng khen trên tường nhà, của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến tặng cho con trai anh, vì có thành tích học tập xuất sắc, tiêu biểu. Trên Bằng khen ghi rõ “Lô Văn Anh, dân tộc Ơ Đu”.

Về chuyện nhà, anh Duẩn cho biết, vào năm 1999 thì cưới chị Lô Thị Thoan, người dân tộc Thái ở bảm Cam, xã Kim Đa. Sau đó, đã chuyển về ở cùng bản Cam với gia đình vợ. Năm 2006, gia đình vợ cùng với người dân bản Cam về tái định cư ở xã Thanh Sơn để thực hiện Dự án Thủy điện Bản Vẽ.

Thời điểm đó, đồng bào Ơ Đu được đưa về tái định cư ở bản Văng Môn. Lô Văn Duẩn đã định đưa vợ con về đây để được sống với anh em trong dòng tộc nhưng “không được giải quyết”. Vì vậy, đến tháng 11/2007, đã về xã Thanh Sơn, được bố trí đất ở nơi này, là Khu 5a1, bản Thanh Dương.

Về nơi ở mới muộn nên hai vợ chồng không được cấp đất để sản xuất, phải tự mình tổ chức khai hoang đất rừng và trồng được 4.000 cây keo. Nhưng vừa qua chính quyền xã dự định thu hồi để giao cho người dân bản Xốp Lằm (một bản dân cư thuộc xã Thanh Sơn). Còn về kế sinh nhai của 2 vợ chồng với 2 đứa con thì từ mười mấy năm qua là làm thuê. “Ai thuê gì làm nấy, cũng may còn sức khỏe. Như hôm nay sẽ đi bóc vỏ cây keo…” – anh Lô Văn Duẩn nói.

Gia đình này có 2 người con. Cháu đầu là Lô Văn Anh (SN 2000), cháu sau là  Lô Văn Tú (SN 2003), đều được theo học tại Trường Dân tộc nội trú tỉnh. Lô Văn Anh đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Việt – Đức, học giỏi nên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến tặng Bằng khen năm 2018. Cháu có nguyện vọng vào quân đội nhưng không thể thực hiện giấc mơ do thiếu chiều cao.

Anh Duẩn, chị Thoan sau đó đã vay tiền ngân hàng cho Lô Văn Anh học tiếng để đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản. Nhưng khi kết thúc khóa học thì dịch Covid – 19 bùng phát nên Lô Văn Anh chưa thể đi theo dự định. “Nhà tôi đen đủi đủ đường…” – chị Lô Thị Thoan than thở.

Có đúng gia đình anh Lô Văn Duẩn không được cấp đất sản xuất lúa nước và sẽ bị xã thu hồi đất lâm nghiệp đã khai hoang hay không? Phó Bí thư Đảng ủy Thường trực Lương Văn Nội cho biết, ở Cụm 5a1, bản Thanh Dương không có quỹ đất sản xuất lúa nước nên tại đây không hộ dân nào ở nơi này được cấp. Còn về việc hộ anh Duẩn bị thu hồi vùng đất khai hoang thì cần kiểm tra mới trả lời cụ thể được.

“Xã có chủ trương rà soát, cân đối lại quỹ đất lâm nghiệp cho người dân trên toàn địa bàn. Hộ gia đình nào đang sử dụng vượt quá hạn mức thì xã mới thu hồi. Tôi sẽ kiểm tra để trả lời chính xác…”.

Rời cụm dân cư 51a, chúng tôi ghé thăm hộ gia đình bà Lo Thị Lợi (61 tuổi) ở cụm dân cư 5a3. Đây là hộ nghèo nhiều năm của xã Thanh Sơn. Trong ngôi nhà tái định cư dự án xây đã xuống cấp quá nhiều, bà Lợi ở cùng chồng là ông Mạc Khăm Đoàn (68 tuổi), vì 5 người con đều đã lập gia đình, ở riêng. Hỏi bà Lợi có còn nhớ được tiếng mẹ đẻ hay không? Cười hiền lành, bà cho biết chỉ nhớ duy nhất được hai từ “chà pao” tức là “ăn cơm”; và “chà cuốn”, tức là “thuốc lào”.

Về bản thân, bà Lo Thị Lợi cho biết bị mắc bệnh tim độ 4, nên thường xuyên phải chữa bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh. Nhưng vì cuộc sống, vẫn cùng chồng làm những công việc nặng nhọc như làm ruộng, cắt cỏ cho trâu, làm cỏ cho rừng keo… Có 5 người con mà không giúp được bố mẹ hay sao? Bà Lợi cho hay, cả 5 người con đều có hoàn cảnh khó khăn nên dù muốn cũng không giúp được gì nhiều. “Có 4 đứa lập gia đình trong xã, một đứa lập gia đình ở ngoài xã. 3 đứa thuộc hộ nghèo, 2 đứa là hộ cận nghèo. Con khó khăn, giúp được chi. May mà có sổ hộ nghèo, có thẻ bảo hiểm để mà chữa bệnh…” – bà Lo Thị Lợi nói.

Như đặt vấn đề ở đầu bài, thời gian vừa qua, việc thực hiện Đề án Hỗ trợ phát triển KT-XH dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An, giai đoạn năm 2016 – 2025 đang gặp phải “cơn bão” chỉ trích từ dư luận, báo chí. “Sự cố” này là đương nhiên. Bởi một  đề án hết sức nhân văn của Trung ương dành cho đồng bào dân tộc rất ít người nhưng đã xảy ra những tiêu cực để trục lợi; bởi đã có đến 4 người, là những cán bộ trực  tiếp thực hiện đề án và người của doanh nghiệp bị bắt giữ…

Nhưng phải cần xác định, những tiêu cực, sai phạm sẽ tiếp tục được điều tra làm rõ, để thu hồi phần kinh tế đã bị thất thoát; để những tổ chức, cá nhân có sai phạm sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Còn về đề án, phải cần tiếp tục được thực hiện. Tuy nhiên, nên xem xét điều chỉnh, để chính sách được phủ kín đối tượng, qua đó đảm bảo tính công bằng.

Đặt ra vấn đề này bởi Đề án Hỗ trợ phát triển KT-XH dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2016 – 2025 sở dĩ được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 cho phép thực hiện với tổng kinh phí 120 tỷ đồng, là gồm bản Văng Môn với quy mô dân số có 94 hộ, 456 khẩu và bản Đửa, với 45 hộ, 231 khẩu.

Nay bản Đửa được xác định là không có người Ơ Đu, đã bị đưa ra khỏi đề án, thì việc tập trung toàn bộ nguồn lực 120 tỷ đồng cho bản Văng Môn là bất hợp lý, thậm chí là trái với quy định.

Trước khi đến xã biên giới Thanh Sơn để tìm gặp những đồng bào Ơ Đu nơi này, chúng tôi cũng đã liên hệ để biết ở huyện Tương Dương cũng có những hộ đồng bào Ơ Đu sống rải rác trong thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Về đời sống vật chất, tinh thần của các hộ gia đình này hẳn cũng đang gặp nhiều những khó khăn, vất vả.

Vì vậy, cần phải tổ chức rà soát lại để có số liệu chính xác, và đánh giá đúng về đời sống vật chất, tinh thần của từng hộ gia đình. Để đề đạt lên cấp có thẩm quyền phân khai nguồn kinh phí của đề án, hỗ trợ cho họ.

Như anh Lô Văn Duẩn đầy mong mỏi trước khi chúng tôi rời đi: Tôi có nghe về việc Nhà nước cho người Ơ Đu ở bản Văng Môn ngoài được hỗ trợ phát triển kinh tế thì còn được học tiếng để giữ gìn bản sắc văn hóa. Vì vậy, rất muốn trở lên trên ấy để được học tiếng mẹ đẻ của mình…