Những người trẻ biến đất nghèo thành lợi thế

(Baonghean.vn) - Họ là những đoàn viên thanh niên lựa chọn quê hương để lập thân lập nghiệp. Từ mảnh đất tưởng chừng nghèo khó họ đã biến điều không thể thành có thể. 

Trên diện tích 6 sào đất của gia đình trước đây trồng mía, anh Nguyễn văn Tuấn đã chuyển đổi sang trồng ớt xen  Ảnh: Minh Thái
Trên diện tích 6 sào đất của gia đình trước đây trồng mía, anh Nguyễn văn Tuấn đã chuyển đổi sang trồng quýt xen ớt cho hiệu quả cao: Minh Thái

Sinh ra ở vùng quê nghèo khó ở xóm 15, xã Nghĩa Mai, là địa bàn vùng sâu vùng xa của huyện Nghĩa Đàn) Nguyễn Văn Tuấn (SN 1990) không có điều kiện để theo đuổi giấc mơ giảng đường như bạn bè cùng trang lứa. Sau khi tốt nghiệp THPT, Tuấn không đi đâu mà quyết định lập nghiệp trên chính đất quê - mảnh đất xưa nay vẫn được xem là đá sỏi, cằn cỗi trên vùng Phủ Quỳ. 

Sau khi nghiên cứu, Tuấn đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 6 sào đất trồng mía trước đây của gia đình sang trồng quýt xen ớt cay để lấy ngắn nuôi dài. May mắn thay, thời điểm này Đoàn xã Nghĩa Mai mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và tổ chức cho các đoàn viên thanh niên  tham quan các mô hình phát triển kinh tế. Nhờ nắm bắt được kỹ thuật, thời vụ gieo trồng nên vụ ớt đầu tiên Tuấn đã thắng lớn, với giá bán từ 30.000 – 60.000 đồng/kg. Tính ra, sau khi trừ các chi phí Tuấn lãi trên 60 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ: “Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vào mùa đông gia đình chúng tôi cũng đã áp dụng chuyển đổi từ cây trồng khác sang cây ớt cay. Chúng tôi thấy mang lại thu nhập cao cho gia đình, cụ thể năm vừa rồi chúng cũng đã thu nhập được 150 triệu đồng và tiến tới chúng tôi sẽ mở rộng diện tích”.

Công việc thường ngày của gia đình anh Nguyễn Văn Cường ở xóm 10 xã Nghĩa An. Ảnh: Minh Thái
Anh Nguyễn Văn Cường ở xóm 10 xã Nghĩa An hiện nay đang nuôi 15 con bò sữa, mỗi tháng thu về hơn 70 triệu đồng. Ảnh: Minh Thái

Tại xã Nghĩa An, tiêu biểu trong phong trào lập thân, lập nghiệp có anh Nguyễn Văn Cường (SN 1984) xóm 10. Anh Cường là một điển hình thanh niên công giáo trong phong trào làm kinh tế giỏi. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh ấp ủ quyết tâm lập nghiệp, xây dựng kinh tế và làm giàu trên chính nơi mình sinh ra. Được sự động viên, khuyến khích của gia đình, bạn bè và sự giúp đỡ của đoàn viên thanh niên, năm 2004 anh đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trồng cỏ, làm chuồng trại và mua về 10 con bò sữa.

“Ngày đầu làm trang trại tôi gặp rất nhiều khó khăn về kỹ thuật, rồi dịch bệnh thường xuyên xảy ra, thời tiết thất thường. Song tôi đã mày mò học hỏi kiến thức, tìm tòi kinh nghiệm qua báo, đài, tài liệu và tích luỹ được từ các lần tham quan các mô hình trang trại chăn nuôi bò sữa trên địa bàn để về áp dụng vào đàn bò của mình” – anh Cường cho hay.

Đến nay, đàn bò của gia đình anh Cường đã có hơn 15 con, trong đó có 7 con bò đang cho sữa hàng ngày, sữa bò được vắt 2 lần/ngày, mỗi ngày khoảng 100kg. Số lượng sữa này được anh nhập về cho chi nhánh Vinamilk thị xã Thái Hòa, thu nhập đem về mỗi tháng khoảng 70 triệu đồng.

Anh Đậu Văn Giang – Bí thư Đoàn xã Nghĩa An cho biết: Thời gian qua được sự chỉ đạo của Huyện đoàn cùng với sự bám sát, hỗ trợ của Ban thường vụ Đoàn xã, nhiều mô hình kinh tế của thanh niên đã đem lại hiệu quả. Bên cạnh đó huy động nguồn vốn của địa phương, vận động đoàn thanh niên đóng góp quỹ nhằm tạo nguồn vốn cho thanh niên vay phát triển sản xuất.

Những người trẻ ở huyện Nghĩa Đàn đang tiên phong trong việc chuyển giao  khoa học kỹ thuật, phát triển mô hình kinh tế. Ảnh: Minh Thái
Những người trẻ ở huyện Nghĩa Đàn đang tiên phong trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển mô hình kinh tế. Ảnh: Minh Thái

Hiện nay, Nghĩa Đàn có 20.000 đoàn viên thanh niên; trong đó số đoàn viên có mặt tại địa phương gần 6.000 người. Để đẩy mạnh phong trào đồng hành cùng thanh niên lập thân lập nghiệp, tập hợp, nhân rộng các mô hình điển hình trong phát triển kinh tế, nâng cao tỷ lệ đoàn viên thanh niên có việc làm, hàng năm Huyện đoàn tổ chức được trên 30 lớp chuyển giao KHKT cho trên 2.000 đoàn viên thanh niên; thành lập các CLB thanh niên phát triển kinh tế giúp cho đoàn viên có điều kiện để chia sẻ kinh nghiệm.

Anh Phan Văn Hiển – Bí thư Huyện đoàn Nghĩa Đàn cho biết: BTV Huyện đoàn chú trọng hỗ trợ đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế. BTV Huyện đoàn tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp thanh niên tiếp tận các kiến thức trồng trọt, chăn nuôi. Tổ chức cho đoàn viên thanh niên tham quan học tập các mô hình, cách làm hay hiệu quả trong và ngoài huyện. Tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận các nguồn vốn từ ngân hàng để phát triển kinh tế. Hiện nay Huyện đoàn xây dựng CLB phát triển kinh tế nhằm chia sẻ giúp đỡ hội viên cùng phát triển  

Minh Thái 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới