Những người vượt lên nghịch cảnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Ở tỉnh Nghệ An, hiện nay có rất nhiều tấm gương sáng là người khuyết tật đã cố gắng vượt qua khó khăn của bản thân, vươn lên phát triển, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Cố gắng “đủ ăn”

Theo chân chị Nguyễn Thị Vân - Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Vinh đến thăm tổ ấm của anh Trần Khánh Dương (SN 1979), ở khối Yên Sơn, phường Hà Huy Tập mà không khỏi ngỡ ngàng. Tổ ấm của anh Dương là một ngôi nhà 3 tầng vừa được xây mới, hết sức khang trang, rộng rãi nằm vị trí mặt đường Lý Tự Trọng. Được biết, đến nay, ngôi nhà này đã gần hoàn thiện, tổng tiền xây dựng ước tính trên 2,8 tỷ đồng… Ngôi nhà mới của vợ chồng anh Dương đã, đang và sẽ là niềm mơ ước của rất nhiều người.

Ngôi nhà mới 3 tầng khang trang của anh Trần Khánh Dương. Ảnh: Thành Chung

Ngôi nhà mới 3 tầng khang trang của anh Trần Khánh Dương. Ảnh: Thành Chung

Nói về quá trình vượt qua nghịch cảnh, phát triển của bản thân và dựng xây tổ ấm của mình, anh Trần Khánh Dương cười hiền: “Cuộc đời mình cũng chẳng có gì đặc biệt, cứ không ngừng cố gắng và rồi cộng thêm yếu tố may mắn”... Anh Dương là anh cả trong gia đình có 3 anh em trai. Năm 4 tuổi, sau một trận ốm, không may bị bại liệt cả 2 chân. Tuổi thơ của anh không thể đến trường, nhưng không vì thế mà bản thân ngừng lại việc học và ước mơ. Tự học, tự biết chữ nhờ học lỏm từ em trai. Không muốn mình là gánh nặng cho gia đình và mọi người, năm 15 tuổi, anh Dương xin bố mẹ ra Hà Nội học nghề sửa chữa điện tử. Sau hơn 1 năm học tập thì bắt đầu làm nghề và dần khẳng định được thương hiệu của mình nhờ đức tính thật thà, chịu khó, hiền lành và hiệu quả.

Con đường lập nghiệp của anh Trần Khánh Dương chầm chậm như từng vòng xe lăn vượt qua những gập ghềnh sỏi, đá, từng bước, từng bước một. 16 tuổi, Dương làm thợ sửa chữa điện tử cho một cửa hàng ở thành phố Vinh chuyên lấy đồ “second hand” từ Cảng Cửa Lò về sửa chữa rồi bán lại cho người khác. Sau 4 năm làm việc mà lương chỉ đủ ăn. Năm 1999, được sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ phường, anh mở ốt sửa chữa riêng cho mình. Vừa làm thợ, vừa làm chủ, công việc có chủ động hơn, nhưng cũng chẳng khá hơn là bao. Năm 2003, anh lại “đầu quân” cho một công ty chuyên sửa chữa máy tính, lắp đặt Internet. Năm 2004, anh Dương lại về mở ốt sửa chữa điện thoại trước Trường Đại học Kinh tế Nghệ An.

Làm thợ rồi tự làm chủ, Trần Khánh Dương đã tích tụ cho mình nhiều kinh nghiệm cũng như một ít vốn liếng. Bản thân anh cũng đã vỡ lẽ ra nhiều điều trong quá trình lập thân, lập nghiệp của mình, đó là: “Mình vốn thiệt thòi thì không thể tự đi nhanh. Nếu như có bạn đồng hành, người cộng sự thì rất có thể lại khác. Để phát triển bản thân cần có sự chuyển hướng mạnh mẽ, táo bạo hơn”. Năm 2008, anh Dương chính thức từ biệt nghề sửa chữa điện tử, điện thoại “không còn hợp thời mà nhiều sự cạnh tranh” để mở quán cà phê tại nhà và lập công ty chuyên về nội thất ô tô ở đường Nguyễn Sỹ Sách. Lúc này, Dương đã là “ông chủ”.

Và cũng nhờ sự chuyển nghề này mà anh Trần Khánh Dương đã gặp gỡ rồi nên duyên với vợ của mình là chị Võ Thị Lương (SN 1983). Chị Lương vào làm kế toán của công ty anh Dương. Từ quan hệ công việc, dần dà, chị cảm mến và yêu thương anh. Năm 2010, anh chị kết hôn và năm 2011, tình yêu của họ đơm hoa kết trái với cậu con trai đầu lòng… Có vợ, rồi có con, Trần Khánh Dương tính chuyện làm ăn bền vững và dài lâu. Anh dừng hoạt động quán cà phê và kinh doanh sửa chữa nội thất ô tô. Từ năm 2011 đến nay, công ty anh trở thành đại lý chính thức cho một hãng bia chuyên phân phối sản phẩm trên địa bàn thành phố Vinh. Hiện công ty của vợ chồng anh có gần 10 nhân sự.

Gia đình vợ chồng anh chị Trần Khánh Dương - Võ Thị Lương luôn tràn ngập yêu thương, tiếng cười. Ảnh: Thành Chung

Gia đình vợ chồng anh chị Trần Khánh Dương - Võ Thị Lương luôn tràn ngập yêu thương, tiếng cười. Ảnh: Thành Chung

Anh Trần Khánh Dương chia sẻ: “Tóm tắt công việc thì vậy, nhưng thật sự thì có rất nhiều gian nan, vấp ngã, nhọc nhằn. Hành động chậm hơn người khác thì cần cố gắng gấp đôi, gấp ba và suy nghĩ, tư duy cũng vậy. Tôi cũng đã có những thất bại đau đớn. Như năm 2017, tôi có mua xe tải loại 18 tấn, tham gia kinh doanh vận tải chuyên chở hàng từ Huế ra Hà Nội. Nhưng rồi giá dầu cao, lương nhân công cao. Đợt kinh doanh này thua lỗ mất khoảng 1 tỷ đồng. Thua lỗ, mất mát là có nhưng không làm tôi nản chí. Thua keo này lại bày keo khác. Rất may, tôi được nhiều người yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ nên cuộc sống cứ thế dần khá lên… Bây giờ, đời sống cũng đã khá lên, có nhà, có xe ô tô; vợ chồng tôi cứ túc tắc cho đủ ăn là được”.

Nuôi dạy con nên người

Chị Nguyễn Thị Vân - Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Vinh cho biết: Ở thành phố Vinh, anh Trần Khánh Dương là tấm gương sáng về việc vượt qua nghịch cảnh để phát triển bản thân, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Hiện nay, ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Dương còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, như đảm nhiệm làm nhóm trưởng của Nhóm “Người khuyết tật xứ Nghệ” (có sự tham gia của nhiều người khuyết tật của tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa). Nhóm thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Cháu Nguyễn Thị Quỳnh Như chuyện trò việc học tập của bản thân cùng 2 em với bố mẹ. Ảnh: Thành Chung

Cháu Nguyễn Thị Quỳnh Như chuyện trò việc học tập của bản thân cùng 2 em với bố mẹ. Ảnh: Thành Chung

Nằm không xa nhà anh Trần Khánh Dương là gia đình vợ chồng anh Nguyễn Huy Hải (43 tuổi) - chị Nguyễn Thị Vinh (40 tuổi). Tiệm may veston cũng là ngôi nhà của vợ chồng anh Hải nằm trên đường Tuệ Tĩnh ở khối Yên Sơn, phường Hà Huy Tập (TP.Vinh), tuy nhỏ nhưng rất ấm cúng, ngập tràn yêu thương… Anh Hải và chị Vinh đều là người khuyết tật câm điếc do mắc bạo bệnh biến chứng. Anh chị quen nhau khi là học viên học chữ, học nghề ở Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người khuyết tật tỉnh Nghệ An. Họ nên duyên vào năm 2001 và có với nhau 3 người con. Điều đặc biệt, cả 3 người con của họ đều hết sức chăm ngoan, học giỏi. Con gái đầu hiện đang là sinh viên năm 2, Khoa Sư phạm Ngoại ngữ, Trường Đại học Vinh.

Cháu Nguyễn Thị Quỳnh Như - con gái đầu của anh chị Hải - Vinh cho biết: “Bố mẹ đều hết sức thương yêu, chăm chút cho 3 chị em. Hiểu rõ hoàn cảnh của gia đình nên cả 3 chị em cháu đều rất cố gắng để học tập. Bản thân cháu cũng cố gắng để giúp bố mẹ bày dạy cho các em”… Thông qua ngôn ngữ ký hiệu tay, anh Hải nhờ con gái mình chia sẻ tâm tình: “Trong cuộc sống, mỗi giai đoạn đều có những khó khăn riêng. Tuy nhiên, vợ chồng luôn cố gắng để vượt qua. Nhờ tay nghề tốt nên lượng khách đến đặt may cũng đều. Bây giờ công việc ổn định, “cái ăn, cái mặc là nhu cầu muôn đời” nên vợ chồng cũng không có ý định thay đổi. Hai vợ chồng chỉ có một nguyện vọng là cố gắng để nuôi con cái học hành đầy đủ, không để các con phải thiệt thòi; hy vọng cả 3 con đều tốt nghiệp đại học”.

Tin mới