Những nhân tố nào sẽ được bổ sung cho U23 Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Sau Doha Cup 2023, thầy trò ông Troussier tạm thời chia tay nhau trong quãng 3 vòng đấu của V-League và hẹn gặp lại nhau từ 17/4 tới đây.

Trong quãng thời gian ngắn ngủi này, ông Troussier bày tỏ hy vọng các học trò U23 từ đội tuyển về câu lạc bộ được thường xuyên sử dụng, để giữ được nhịp độ tập luyện và thi đấu, đảm bảo phong độ vốn có. Đồng thời, qua 3 vòng đấu V-League, ông thầy người Pháp sẽ tiếp tục lựa chọn để bổ sung lực lượng nhằm hoàn thiện đội hình thi đấu tại SEA Games 32.

Trước hết, mong mỏi về việc các đội bóng V-League và giải hạng Nhất thường xuyên sử dụng các tuyển thủ U23 tại các vòng đấu tới đây cũng như cả giải đấu là vô cùng cấp bách và chính đáng, vì ai cũng biết một trong những điểm yếu chí mạng của cầu thủ trẻ là ít được cọ xát, thi đấu thường xuyên và thi đấu đỉnh cao. Nhưng thực tế thi đấu ở V-League lại luôn làm khó các huấn luyện viên đội tuyển khi các cầu thủ trẻ chỉ thường xuyên được vào sân từ ghế dự bị, thậm chí có tên trong danh sách đăng ký đã là chuyện xa xỉ. Thực tế Điều lệ giải đấu không yêu cầu bắt buộc phải sử dụng cầu thủ trẻ, khi bên cạnh V-League hay giải hạng Nhất không có một giải đấu U đi kèm như các nền bóng đá tiên tiến thì các đội bóng vẫn phải hướng tới thành tích đặt ra, vẫn lo ngôi đầu, tốp đầu, lo trụ hạng là trước hết, còn chuyện nhân tố trẻ vẫn chỉ là… sau chót mà thôi.

U23 Việt Nam (áo đỏ) có nhiều cơ hội nhưng không thể ghi bàn vào lưới Kyrgyzstan. Ảnh: VFF

U23 Việt Nam (áo đỏ) có nhiều cơ hội nhưng không thể ghi bàn vào lưới Kyrgyzstan. Ảnh: VFF

Vì thế, những Văn Khang, Văn Trường hay Văn Đô sẽ luôn vô cùng khó khăn để chen chân có được vị trí chính thức ở Viettel, Hà Nội FC hay Công an Hà Nội. Những Quốc Việt, Đức Việt… có thể dễ thở hơn trong môi trường trẻ hóa của Hoàng Anh Gia Lai nhưng để được coi là nhân tố trụ cột thì vẫn phải chờ thời gian, chờ kết quả có được sau từng vòng đấu. Trong bối cảnh 4 trận toàn hòa vừa qua, thật không dễ để ông Kiatisuk tung họ vào sân từ đầu, nếu không nói chỉ lần lượt từng người có cơ hội, tùy thuộc rất lớn vào “thời tiết” thi đấu cụ thể.

Để thấy, ông thầy người Pháp mong mỏi là một chuyện, còn các đội bóng V-League và hạng Nhất có đáp ứng được hay không lại là chuyện khác. Ở đây, mâu thuẫn muôn thuở giữa quyền lợi câu lạc bộ và đội tuyển luôn diễn ra, không ai có thể tự mình giải quyết ổn thỏa đôi đường. Những thiện chí dù có cũng không thể nào đáp ứng được ở bất cứ đâu, với bất cứ ai như từng biết.

Câu chuyện tiếp theo là liệu những cầu thủ trẻ nào sẽ ở trong tầm ngắm của ông thầy người Pháp sau các vòng đấu V-League và giải hạng Nhất tới đây, để tiếp tục bổ sung lực lượng cho U23 Việt Nam? Không khó để nêu tên các nhân tố từng được gọi nhưng được xin ở lại câu lạc bộ như Xuân Tiến, Văn Cường (Sông Lam Nghệ An), Dĩ Hào (Bình Dương), hay những người bị chấn thương nên không dự Doha Cup mới đây như Văn Tùng (Hà Nội FC), Đình Duy (Đà Nẵng)… Nếu 23 cái tên từng được chốt đi Doha, dù thi đấu không như mong muốn nhưng vẫn tiếp tục được tin cậy giữ lại thì cơ hội cho những người khác là rất ít. Tất nhiên, ông Troussier cần nhiều hơn 23 tuyển thủ để tập trung và lựa chọn nên nói cho cùng chỉ đến khi ông thầy công bố danh sách dự SEA Games thì mới biết được cụ thể, rõ ràng. Cơ hội chưa hoàn toàn khép lại với những cái tên vừa nêu trên, kể cả 11 cầu thủ bị loại trước khi đi Doha mới đây, là trên cơ sở lý thuyết này.

U23 Việt Nam chưa thể tạo ra những pha dứt điểm rõ nét trong trận gặp Kyrgyzstan. Ảnh: VFF

U23 Việt Nam chưa thể tạo ra những pha dứt điểm rõ nét trong trận gặp Kyrgyzstan. Ảnh: VFF

Tuy nhiên, thời gian vật chất không nhiều, 3 vòng đấu chưa kịp “nóng máy” chưa nói là có được vào sân hay không, nên không có nhiều “dữ liệu” để tổng hợp, phân tích và đánh giá đối với ban huấn luyện. Trong trường hợp này, những cầu thủ thường xuyên đá chính ở câu lạc bộ như Xuân Tiến, Văn Cường, thậm chí cả Nam Hải ở Sông Lam Nghệ An hay các cầu thủ thi đấu V-League lâu nay khác, biết đâu sẽ có cơ hội được thử lửa?

Khi ông thầy người Pháp từng tin dùng các nhân tố U20 như ở Doha Cup mới đây, khi hàng thủ U23 đang bộc lộ nhiều vấn đề vừa qua thì việc Văn Cường có một suất bổ sung nhằm củng cố hàng thủ không phải là chuyện bất ngờ? Hàng công U23 hiện tại được coi là tiềm năng nhưng đang “cùn” nên việc Đình Duy, Vĩ Hào trở lại cũng cấp thiết không kém nếu ông thầy thực sự cầu thị, biết thay đổi hợp lý? Các đội bóng V-League hay hạng Nhất nếu chơi theo phong cách kiểm soát bóng, tấn công tầm cao như Hà Nội FC, Công an Hà Nội, Bình Định, các đội sử dụng thường xuyên các nhân tố trẻ như Sông Lam Nghệ An, Hoàng Anh Gia Lai, Đà Nẵng… cũng sẽ có cơ hội cung cấp nguồn nhiều hơn cho U23 Việt Nam.

Chúng ta từng biết ngay cả khi bóng đá Việt gồm cả U23 lẫn đội tuyển Việt Nam đạt được những thành tích ở khu vực và châu lục nhưng vẫn không thể vượt qua được “ngưỡng” vốn có thì việc thay đổi, làm mới để tiếp tục đi lên là cần thiết. Ông thầy mới với lứa U23 hiện nay được cho là không thể duy trì cách làm cũ, cơ sở thành công cũ vì thế đang loay hoay, lúng túng và thất bại là không tránh khỏi. Thời gian từ nay tới khi SEA Games diễn ra không còn nhiều, nên hy vọng về việc rút kinh nghiệm từ thất bại vừa qua cũng rất khó có cơ sở để đạt được mau chóng, triệt để.

Sự kiên trì, kiên định, từng bước thu được kết quả theo cách có lợi nhất mới là điều cần cổ vũ, động viên và hy vọng bền lâu. Những cái tên được bổ sung tới đây cũng nằm trong tổng thể câu chuyện lâu dài đó, không thể nóng vội đó. Và nói cho cùng, mục tiêu cao nhất của bóng đá Việt sẽ đặt lên vai Đội tuyển Việt Nam sắp tới, còn chuyện của U23 chỉ là những bước đi ban đầu, cơ sở, không kém, không hơn.

Tin mới