Những nhiệm vụ trọng tâm về công tác dân tộc của MTTQ các cấp

(Baonghean.vn) - Quán triệt trách nhiệm của MTTQ các cấp về công tác dân tộc theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Sáng 2/11, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn cho các vị Ủy viên UBMTTQ Việt Nam các cấp là người dân tộc thiểu số theo hình thức trực tuyến đến 47 điểm cầu địa phương.
Sáng 2/11, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn cho các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp là người dân tộc thiểu số theo hình thức trực tuyến đến 47 điểm cầu địa phương. Ảnh: Mai Hoa

Tại Nghệ An, ngoài điểm cầu tại trụ sở cơ quan Ủy ban MTTQ tỉnh do đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An chủ trì đã kết nối trực tuyến đến 12 điểm cầu các huyện có đồng bào dân tộc thiểu số.

Mở đầu hội nghị tập huấn, các đại biểu tại các điểm cầu đã được nghe đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trực tiếp quán triệt chuyên đề “Những điểm mới trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng về công tác dân tộc”.

Theo đó, các đại biểu được cung cấp mang tính hệ thống về quan điểm, tư tưởng nhất quán của Đảng ta luôn xác định công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc là chiến lược quan trọng trong cách mạng Việt Nam và qua các kỳ đại hội của Đảng, từ Đại hội VI đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục phát triển, bổ sung về một số quan điểm, tư tưởng về đồng bào dân tộc thiểu số và đại đoàn kết các dân tộc sát với tình hình thực tiễn.

Chủ trì tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa
Chủ trì tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định nhất quán về quan điểm, tư tưởng về công tác dân tộc. Văn kiện nêu rõ: “Đảm bảo các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Văn kiện cũng chỉ rõ: “Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù chăm lo giáo dục, đào tạo, y tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới. Triển khai các chương trình dự án phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn”.

Đất đai, nhà ở là một trong những chính sách đươc ưu tiên đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Mai Hoa
Đất đai, nhà ở là một trong những chính sách được ưu tiên đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Mai Hoa

Thể chế hóa quan điểm, tư tưởng của Đảng về công tác dân tộc và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước đến nay, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm, dành nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên, đầu tư phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đối với vùng dân tộc và miền núi trên cơ sở phát huy lợi thế từng vùng miền.

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Ngày 14/10/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719 về phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, gồm 10 dự án thành phần và tích hợp 118 chính sách về dân tộc thiểu số, công tác dân tộc từ trước đến nay.

Điểm cầu tại cơ quan Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa
Điểm cầu tại cơ quan Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa

Hội nghị cũng được nghe đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ các cấp để thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc.

Cụ thể, MTTQ các cấp tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Đảng các cấp về công tác dân tộc trong tình hình mới; thực hiện tốt trách  nhiệm giám sát Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg cùng với các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Giám sát việc thực hiện các chính sách đang còn hiệu lực vùng dân tộc thiểu số.

Hội nghị được kết nối trực tuyến tại 12 huyện, thị xã trong toàn tỉnh. Ảnh: Mai Hoa
Hội nghị được kết nối trực tuyến tại 12 huyện, thị xã trong toàn tỉnh. Ảnh: Mai Hoa

MTTQ các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa và tập quán của các dân tộc; kiên quyết xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Gắn với tăng cường xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nhất là ở những vùng trọng điểm, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.

MTTQ các cấp quan tâm đẩy mạnh công tác phối hợp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ở vùng dân tộc và miền núi vững chắc. Kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch hòng chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.

Đồng bào dân tộc thiểu số
Đồng bào dân tộc thiểu số là thành tố quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc đóng góp tích cực vào sự phát triển đất nước. Ảnh: Mai Hoa

Hội nghị tập huấn cũng được quán triệt một số chuyên đề: Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; một số vấn đề về công tác dân tộc trong tình hình mới; phổ biến, quán triệt Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2030./.

Tin mới