Những rào cản trong nâng hạng 'sao' OCOP

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Việc nâng hạng "sao" OCOP hiện đang gặp không ít khó khăn về kinh phí, thủ tục pháp lý, doanh thu, thương mại điện tử ... Do đó, sau gần 4 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, toàn tỉnh Nghệ An mới chỉ có 4/208 sản phẩm được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao OCOP.
Cơ sở sản xuất giò bê này tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động địa phương. Ảnh: Thanh Phúc

Cơ sở sản xuất giò bê này tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động địa phương. Ảnh: Thanh Phúc

Theo thống kê từ Chi cục Phát triển nông thôn, sau gần 4 năm thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, trong tổng số 208 sản phẩm được công nhận 3 sao trở lên đã có 4 sản phẩm được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao gồm: Giò bê Chung Tài; Trà tâm sen và hạt sen sấy của HTX Sen quê Bác và lạc sen Diễn Châu.

Theo đánh giá, các sản phẩm sau khi được nâng hạng sao đều có sự phát triển cả về quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khẳng định được vị thế trên thị trường, trong đó, có nhiều sản phẩm đã vươn ra xuất khẩu.

Mặc dù xác định rõ, để khẳng định uy tín, chất lượng và khả năng cạnh tranh, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, các chủ thể có sản phẩm đã được công nhận, gắn sao cần chú trọng đến việc nâng sao cho các sản phẩm. Tuy nhiên, quá trình nâng hạng sao gặp không ít khó khăn.

Việc tìm ra mẫu mã đặc trưng cho sản phẩm bưởi Thanh Mỹ để không lẫn với các sản phẩm bưởi ở các địa phương khác là không dễ. Ảnh: Thanh Phúc
Việc tìm ra mẫu mã đặc trưng cho sản phẩm bưởi Thanh Mỹ để không lẫn với các sản phẩm bưởi ở các địa phương khác là không dễ. Ảnh: Thanh Phúc

Chị Nguyễn Thị Xuân - Giám đốc HTX Bưởi Thanh Mỹ ở xóm Mỹ Sơn, xã Thanh Mỹ (Thanh Chương) cho biết: “Sản phẩm bưởi Thanh Mỹ được công nhận 3 sao OCOP năm 2020. Mặc dù đặt ra mục tiêu nâng hạng lên 4 sao, song quá trình triển khai gặp không ít khó khăn. Thứ nhất, là việc tìm ra mẫu mã đặc trưng cho sản phẩm bưởi Thanh Mỹ để không lẫn với các sản phẩm bưởi ở các địa phương khác là không dễ; việc đầu tư tem nhãn, bao bì sản phẩm còn hạn chế; bưởi thu hoạch theo mùa nên nguồn cung ra thị trường thiếu ổn định, không thường xuyên…

Ngoài ra, việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các kênh online, thương mại điện tử cũng còn hạn chế; kinh phí để thực hiện kiểm định chất lượng, các loại giấy chứng nhận tốn kém nên người dân ngại đầu tư vì “thu không đủ bù chi”. Do đó, hiện tại, chúng tôi đang duy trì các tiêu chí giữ vững hạng 3 sao để hội đồng cấp tỉnh xét, đánh giá công nhận lại danh hiệu OCOP khi đến hạn”.

Sản phẩm cam sấy của Công ty CP Hasafood Nghệ An đạt 3 sao OCOP năm 2021. Ảnh: Thanh Phúc

Sản phẩm cam sấy của Công ty CP Hasafood Nghệ An đạt 3 sao OCOP năm 2021. Ảnh: Thanh Phúc

Luôn đặt ra mục tiêu nâng hạng sao cho sản phẩm OCOP của mình, song anh Nguyễn Sơn Tin - Giám đốc Công ty cổ phần Hasafood Nghệ An (xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp) cho biết: “Hiện chúng tôi có 4 sản phẩm đạt 3 sao OCOP, điều chúng tôi hướng đến là đạt 4 sao, lên 5 sao. Tuy nhiên, để đáp ứng các tiêu chí là không hề dễ. Trong đó, tiêu chí về doanh thu, quy mô doanh nghiệp quá cao. Do đó, theo kế hoạch năm 2022, chúng tôi đang cố gắng hoàn thiện các tiêu chí để có thêm 2 sản phẩm đạt 3 sao, còn việc nâng hạng chắc phải từ từ…”.

Quá trình nâng sao cho sản phẩm OCOP là tất yếu nhưng không phải bắt buộc với các chủ thể. Để thực hiện nâng từ 3 sao lên 4 sao, chủ thể phải chứng minh được sự mở rộng về quy mô sản xuất, đổi mới quy trình, mở rộng thị trường tiêu thụ; các tiêu chí về chất lượng sản phẩm phải hoàn thiện theo thang điểm của sản phẩm 4 sao… Đối với các sản phẩm OCOP từ 4 sao muốn nâng lên chất lượng 5 sao lại càng khó khăn, khi mức độ 5 sao là do Hội đồng Trung ương xét, công nhận.

Tiêu chí về doanh thu, quy mô doanh nghiệp chính là "rào cản" trong quá trình nâng hạng sao OCOP. Ảnh: Thanh Phúc
Tiêu chí về doanh thu, quy mô doanh nghiệp chính là "rào cản" trong quá trình nâng hạng sao OCOP. Ảnh: Thanh Phúc

Để đầu tư, nâng cấp dây chuyền, máy móc sản xuất cần nguồn kinh phí tương đối lớn, trong khi hầu hết chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP của tỉnh đều ở quy mô nhỏ và các hộ sản xuất cá thể. Nên mặc dù hiểu được lợi ích từ nâng sao nhưng nhiều chủ thể chưa đủ điều kiện để mạnh dạn đầu tư. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP hiện nay đều hạn chế, thiếu các tiêu chí về liên kết vùng nguyên liệu và các tiêu chí liên quan đến thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Hồ Lâm - Chi cục phó Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Nhận diện rõ những vướng mắc này, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và các ngành liên quan, cùng với các địa phương đã đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng nhãn mác, bao bì, tem truy xuất… cho các chủ thể sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Kết quả là trong năm 2021, đã có 4 sản phẩm được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang trình cấp Trung ương xét duyệt. Năm 2022, phấn đấu có thêm ít nhất 100 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên; trong đó, tập trung nâng cấp ít nhất 1 sản phẩm 4 sao lên 5 sao và 5 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao".

Tin mới