Những sáng chế hữu ích của học sinh Nghệ An

(Baonghean.vn) - Xuất phát từ thực tế khó khăn của người dân, cùng với niềm đam mê nghiên cứu, học sinh Nghệ An đã có những ý tưởng rất sáng tạo và hữu ích trong cuộc sống và được hội đồng khoa học, thầy cô, bạn bè và người dân đánh giá cao.

Phao cứu hộ ô tô bị ngập lụt

Hai em Nguyễn Thị Thùy Trang và Nguyễn Đức Đô, học sinh lớp 9, Trường THCS Diễn Hải, huyện Diễn Châu bên mô hình phao cứu trợ ô tô bị ngập lụt.
Hai em Nguyễn Thị Thùy Trang và Nguyễn Đức Đô, học sinh lớp 9, Trường THCS Diễn Hải, huyện Diễn Châu bên mô hình phao cứu trợ ô tô bị ngập lụt. Ảnh tư liệu

Sự biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp, mưa lũ thường xuất hiện đột ngột gây thiệt hại nhiều về người và tài sản. Tại các thành phố, rất nhiều ô tô bị ngập trên đường hay trong các bãi đỗ xe khi mưa lũ về. Chính những bất cập này đã nhen nhóm trong hai em Nguyễn Thị Thùy Trang và Nguyễn Đức Đô, học sinh Trường THCS Diễn Hải, huyện Diễn Châu quyết tâm thực hiện ý tưởng cứu trợ ô tô khi bị ngập lụt.

Cấu tạo của mô hình này gồm nhiều bộ phận như: mô hình ô tô, máy bơm hơi mini, phao cứu hộ, chân vịt, van xả phao hơi, thanh định vị, giá đỡ phao... với chi phí khoảng 2 triệu đồng.
Nguyên lý hoạt động khá đơn giản, người chủ xe sẽ lắp cho chiếc xe ô tô một hệ thống phao hơi trải đều và được xếp gọn gàng dưới gầm xe. Phao được gắn với một máy bơm hơi mini sử dụng điện 12V lấy điện trực tiếp ở ắc quy xe để bơm hơi vào phao, khi có ngập lụt sẽ bơm hơi căng lên làm nổi cả xe và người ngồi trong xe.

Mô hình độc đáo này đã đạt giải 3 trong cuộc thi "Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh cho học sinh trung học năm 2017 - 2018".

Mô hình phát điện sử dụng năng lượng sóng biển 
Hai học sinh Lê Thị Thu Hương, Nguyễn Minh Lanh và thầy giáo hướng dẫn bên mô hình phát điện sử dụng sóng biển.
Hai học sinh Lê Thị Thu Hương, Nguyễn Minh Lanh và thầy giáo hướng dẫn bên mô hình phát điện sử dụng sóng biển.
Sinh ra và lớn lên tại vùng biển, thường xuyên tiếp xúc với những chuyến tàu ra khơi của ngư dân, thấy chi phí xăng dầu cho những chuyến đi rất tốn kém trong khi giá nguyên liệu ngày càng tăng đã thôi thúc Lê Thị Thu Hương, 16 tuổi, ở xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu (Nghệ An), thực hiện ý tưởng chế tạo máy phát điện từ sóng biển cùng cậu bạn thân Nguyễn Minh Lanh.
Cấu tạo của mô hình khá đơn giản gồm hai thanh tạo lực, hai bánh đà được lấy từ bánh xe trẻ em và một miếng xốp để làm phao nâng đỡ. Khi sóng biển nhấp nhô đánh vào miếng xốp sẽ làm quay các thanh tạo lực và bánh đà rồi kéo theo máy phát điện quay.
Mô hình này có khả năng áp dụng vào thực tế là rất cao, bởi không những nhỏ gọn, dễ mang theo bên thuyền mà chi phí sản xuất cũng rất rẻ. Mô hình này đạt giải Nhất Cuộc thi sáng tạo cho thanh thiếu niên tại huyện Diễn Châu. Ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở KHCN Nghệ An đánh giá rất cao ý tưởng này và luôn khuyến khích các em học sinh tìm tòi, học hỏi để có nhiều sáng chế áp dụng vào cuộc sống thực tiễn.
Balo chống đuối nước
Sản phẩm giành giải Nhất cuộc thi KHKT học sinh trung học cấp tỉnh do Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức tháng 12/2017.
Sản phẩm của Lô Thị May Sao và Kha Thị Nhật Linh giành giải Nhất cuộc thi KHKT học sinh trung học cấp tỉnh do Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức tháng 12/2017.
Sản phẩm của hai nữ sinh dân tộc Thái - Lô Thị May Sao và Kha Thị Nhật Linh Trường THCS Hương Tiến (huyện Thanh Chương) đã giành giải Nhất cuộc thi KHKT học sinh trung học cấp tỉnh do Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức tháng 12/2017.
Sáng chế của hai em được thiết kế với hai chức năng chính là cứu đuối và báo động. Mặt khác, đối với học sinh, lúc nào đi học cũng mang theo balo nên rất tiện lợi. 2 em sử dụng săm xe đạp cũ để làm phao cứu đuối và các thiết bị định vị, công tắc cảm biến... để làm thiết bị báo động.
Khi người đeo balo bị rơi xuống nước, công tắc tự động đóng, còi báo động kêu xa khoảng 50m, giúp người xung quanh biết được đến cứu. Đồng thời, phao là giải pháp cứu đuối tạm thời trong khi chờ sự giúp đỡ từ người lớn.
Qua nhiều lần thử nghiệm tại sông, hồ cho thấy, balo có thể nâng một người có sức nặng khoảng 50kg nổi lên mặt nước mà không cần tác động nào từ cơ thể.

Máy vớt rác của Vi Đức Nhật 

Với sản phẩm “Máy vớt rác trên hồ bằng điều khiển từ xa”, Vi Đức Nhật lớp 9A, Trường THCS xã Phú Thọ (huyện Nghĩa Đàn), là học sinh người DTTS (dân tộc Thái) duy nhất của tỉnh Nghệ An tham gia cuộc thi khoa học-kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS khu vực phía Bắc tổ chức tại Hải Phòng vào tháng 3/2017.

Em Vi Đức Nhật giới thiệu máy vớt rác điều khiển từ xa của mình. Ảnh: Internet
Em Vi Đức Nhật giới thiệu máy vớt rác điều khiển từ xa của mình. Ảnh: Internet
Máy do Nhật sáng chế có kết cấu đơn giản, gồm 1 bộ phao và băng tời chạy bằng ắc quy gắn thiết bị cảm ứng điện từ. Bằng thiết bị tự động, chỉ cần một người đứng trên bờ, có thể dễ dàng điều khiển chiếc máy đến bất kỳ nơi đâu trên mặt nước để thay con người thu dọn rác thải. Chiếc máy có thể được sử dụng rộng rãi nếu được nâng công suất cũng như động cơ, khung phao…

Với ý tưởng mới lạ, độc đáo, tại cuộc thi khoa học-kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS khu vực phía Bắc tổ chức tại Hải Phòng vào tháng 3/2017, sáng chế của Vi Đức Nhật đã giành được đa số phiếu của Hội đồng Khoa học cấp quốc gia và giành giải Ba chung cuộc...

Điều ghi nhận là sau khi máy vớt rác trên hồ bằng điều khiển từ xa của em hoàn thành, em đã giúp bà con thu dọn rác thải trên các sông, suối nơi sinh sống sạch sẽ, được bà con và chính quyền địa phương ghi nhận.

Hệ thống tự động ngăn nước tràn vào nhà

Sáng chế mang tính ứng dụng thực tiễn cao này là sản phẩm của 2 học sinh trường chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, Nguyễn Văn Bảo Kiên và Đặng Thái Hùng, học sinh lớp 12. Giành giải Nhất khu vực phía Bắc cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm học 2016-2017, sản phẩm này được đánh giá rất cao và dần được đưa vào thực tế.

Hệ thống tự động ngăn nước tràn vào nhà
Hệ thống tự động ngăn nước tràn vào nhà của Nguyễn Văn Bảo Kiên và Đặng Thái Hùng. Ảnh: Internet
Theo chia sẻ của 2 học sinh thì sáng chế này xuất phát từ đam mê chế tạo các động cơ và chính từ cuộc sống hàng ngày khi các em phải chứng kiến cảnh người dân khổ sở, vất vả vì nước tràn vào nhà trong ngày mưa lũ. Hệ thống này sử dụng dây cao su làm từ xăm xe đạp để bơm, xả khí nhằm vận hành tấm kính bịt kín các kẽ hở đồng thời sẽ gửi tin nhắn báo cho người dùng biết tình trạng ngập nước vào nhà.

Tin mới