Những sơn nữ - "hạt giống đỏ" ở rẻo cao

(Baonghean) - Trong cái lạnh se sắt của những ngày chớm Xuân, các sườn núi bung nở muôn sắc hoa, chúng tôi ngược núi đến với những bản làng thăm các đảng viên nữ người Mông ở huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn.

Tình yêu với Đảng như một lẽ tự nhiên

Đến Nậm Cắn (Kỳ Sơn), hỏi thăm về Phó Bí thư trực Đảng Hờ Y Nhìa, đồng bào Mông từ già đến trẻ đều nhắc đến chị với tình cảm trìu mến, tự hào. Chị Y Nhìa sinh năm 1982, là một đảng viên, cán bộ nữ người Mông trưởng thành từ cơ sở.

Việc chị Y Nhìa từ cán bộ Hội Phụ nữ bản phấn đấu vươn lên làm Chủ tịch Hội LHPN xã rồi được tín nhiệm bầu vào chức danh Phó Bí thư trực Đảng ủy xã, đồng thời là Ủy viên BCH Đảng bộ huyện Kỳ Sơn là một niềm vui và vinh dự lớn đối với đồng bào người Mông ở Nậm Cắn. Bởi phụ nữ Mông ở đây xưa nay chỉ quanh quẩn từ chái bếp lên nương rẫy. Thiếu nữ chưa qua tuổi trăng tròn đã một bên chồng, một bên con, chẳng được tới trường, học cái chữ nói gì đến việc tham gia công tác xã hội. Ấy thế mà bằng sự nỗ lực và cố gắng vượt bậc của mình và sự giúp đỡ của các đảng viên trong chi bộ, BCH Đảng ủy xã, Y Nhìa đã vượt lên trên mọi khó khăn để khẳng định bản thân.

Chị Hờ Y Nhìa (thứ hai phải sang) trao đổi cùng cán bộ Hội Phụ nữ xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Ảnh: Hoài Thu
Chị Hờ Y Nhìa (thứ hai phải sang) trao đổi cùng cán bộ Hội Phụ nữ xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Ảnh: Hoài Thu

Sau khi học xong THPT, Y Nhìa tiếp tục theo học lớp trung cấp xã hội ở Hà Nội, lớp trung cấp chính trị và đại học từ xa. Điều thuận lợi và cũng là động lực giúp chị vươn lên chính là truyền thống gia đình và sự ủng hộ của người thân, nhất là từ phía chồng -  đảng viên Lầu Bá Phía - chiến sỹ biên phòng thuộc Đồn Biên phòng Na Loi và bố chồng nguyên là Bí thư Đảng ủy xã. Ngoài ra, Y Nhìa còn có bố ruột và hai chị em gái cũng đều là đảng viên. Bởi vậy, theo lời Y Nhìa “tình yêu với Đảng, với Bác Hồ ngấm vào máu thịt như một lẽ tự nhiên”.

Ở vùng đất còn nhiều khó khăn như Nậm Cắn, những trường hợp như Y Nhìa không nhiều, bởi vậy trên cương vị của mình, Y Nhìa đã giúp đỡ chị em đồng bào Mông tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở địa phương và đứng vào hàng ngũ của Đảng như chị Lầu Y Pà - Chi hội trưởng Hội Phụ nữ bản Tiền Tiêu, Hờ Y Zếnh - Phó Bí thư Đoàn xã...

Hiện nay, Đảng bộ xã Nậm Cắn có 70 đảng viên nữ trong đó có 11 người Mông. Đó đều là những “đầu tàu”gương mẫu trong cuộc sống, tích cực tham gia công tác xã hội, công tác thôn bản.

Trở thành đảng viên là một bước ngoặt

Đối với chị Vừ Y Ca - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đoọc Mạy (địa bàn 100% đồng bào Mông), việc trở thành đảng viên là một “bước ngoặt” lớn và dấu ấn trong cuộc đời. Là người bản Huồi Viêng, được cấp ủy tin tưởng tăng cường về tham gia sinh hoạt đảng tại bản Phà Lết Phay, chị Y Ca luôn phát huy tinh thần, trách nhiệm, tích cực phối hợp với già làng, trưởng bản, người có uy tín tuyên truyền chủ trương, chính sách nâng cao nhận thức về Đảng, về pháp luật của Nhà nước cho người dân, bài trừ thủ tục lạc hậu, nạn tảo hôn, hạn chế tỷ lệ người sinh con thứ 3...

Nhờ đó, từ chỗ quanh năm lầm lũi lên nương làm rẫy rồi quanh quẩn xó bếp, góc nhà, nay chị em người Mông ở Đoọc Mạy đã nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, phấn đấu vào Đảng. Toàn xã có 10 đảng viên nữ người Mông đều là những điển hình gương mẫu trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đảm việc thôn, bản; giỏi việc nhà.

Chị Vừ Y Ai ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) sử dụng máy vi tính hỗ trợ công việc chuyên môn. Ảnh: Hoài Thu
Chị Vừ Y Ai ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) sử dụng máy vi tính hỗ trợ công việc chuyên môn. Ảnh: Hoài Thu

Còn với chị Vừ Y Ai, sinh năm 1989, ở bản Sơn Hà -  bản người Mông duy nhất ở xã Tà Cạ, nhờ vào Đảng, chị đã dần đổi thay “nếp nghĩ, nếp làm” theo hướng tích cực, biết vận dụng kiến thức nghề chăn nuôi thú y để hướng dẫn bà con người Mông nói chung, phụ nữ nói riêng kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, Y Ai đã tham mưu xây dựng được nhiều mô hình tốt như mô hình trồng rau sạch ở bản Hòa Sơn, chăn nuôi bò vỗ béo ở bản Sơn Hà... Cô gái trẻ người Mông còn quyết tâm theo học lớp đại học tại chức kinh tế nông nghiệp để có điều kiện giúp đỡ đồng bào mình nhiều hơn trong công cuộc xóa cái đói, cái nghèo.

Nhân lên những “hạt giống đỏ”

Nói đến niềm tự hào của phụ nữ dân tộc Mông ở Kỳ Sơn, không thể không nhắc đến chị Hờ Y Mại - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện. Sinh ra ở bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn, lấy chồng về xã Huồi Tụ, mặc dù chỉ học hết lớp 7 nhưng vượt lên trên mọi hoàn cảnh, đến nay chị đã có 32 năm công tác hội. Nhớ lại thời điểm được trở thành “người của Đảng” năm 1995, chị Y Mại xúc động nói: “Lúc đó cả huyện Kỳ Sơn chỉ có 2 đảng viên nữ người Mông là Hờ Y Mại và chị Lầu Y Chia, nguyên Chủ tịch UBND xã Mường Lống, nên tự hào lắm, hạnh phúc lắm”.

Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Kỳ Sơn Vừ Y Mại (thứ 2 phải sang) trao đổi với cán bộ, đảng viên phụ nữ huyện. Ảnh: Hoài Thu
Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Kỳ Sơn Vừ Y Mại (thứ 2 phải sang) trao đổi với cán bộ, đảng viên phụ nữ huyện. Ảnh: Hoài Thu

Từ vinh dự, trưởng thành của bản thân chị Y Mại tích cực tuyên truyền, vận động chị em đồng bào Mông cùng tham gia công tác xã hội, tham gia các hoạt động văn hóa; có cơ hội được tiếp xúc, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, vươn lên trong cuộc sống. Qua đó tạo nguồn cán bộ Hội Phụ nữ xã và nguồn đảng viên cho huyện. Đến nay, toàn huyện Kỳ Sơn có 6 Chủ tịch Hội Phụ nữ xã là người Mông và đều là đảng viên. Không chỉ là một cán bộ hội gương mẫu, tâm huyết, chị Hờ Y Mại còn là tấm gương trong nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình văn hóa. Hiện hai con trai của chị đều đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng và đều đang phục vụ trong quân đội.

Nói về sự đổi thay trong “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ vùng cao, chị Hờ Y Mại tự hào cho biết: Xã hội phát triển cộng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cộng đồng đã đem đến sức sống mới cho cuộc sống người phụ nữ Mông. Nhiều chị em, nhất là đảng viên nữ ở thôn bản đã được đi học chữ, học nghề, được vay vốn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; mạnh dạn tham gia công tác xã hội, thể hiện chính kiến của mình. Trong đó nhiều người được cấp ủy, chính quyền tin tưởng giao đảm trách những vị trí cao trong hệ thống chính trị. Điều này không chỉ thể hiện bước “đột phá” trong công tác cán bộ nữ ở Kỳ Sơn, mà còn là bước chuyển trong nhận thức của cộng đồng về vai trò, vị thế của phụ nữ vùng cao trong thời kỳ mới.

Hiện tại, toàn huyện Kỳ Sơn có 5.411 đảng viên, trong đó đảng viên nữ là 1.291 người (100 đảng viên nữ là người dân tộc Mông). Riêng năm 2017, huyện đã kết nạp thêm được 5 nữ đảng viên người Mông... Đây là những “hạt giống đỏ” được ươm mầm để góp sức tạo nên những mùa xuân ấm no, đủ đầy, yên vui hơn cho những bản nghèo, xã nghèo vùng cao biên giới.

Tin mới