Những tấm lòng của người Nghệ trên đất nước Ba Lan

(Baonghean.vn) -Trong đại dịch Covid-19, cùng với cộng đồng kiều bào người Việt nói chung, những người con xứ Nghệ ở Ban Lan đã có nhiều đóng góp thiết thực và trách nhiệm cho cộng đồng mình, cũng như đối với người bản xứ, rất đáng được ghi nhận.

Không biết tự bao giờ, người xứ Nghệ đã hình thành “phong trào” di cư khắp nơi, từ trong nước ra đến ngoài nước. Tại Ba Lan, trong số khoảng trên 30.000 người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống và học tập, có khoảng 30% là con em quê hương Nghệ An và Hà Tĩnh. 

Ông Hoàng Hữu Bình, quê ở huyện Đô Lương, Chủ tịch Trung tâm Thương mại ASEAN EU tại Vác-sa-va, hiện là Chủ tịch Hội Đồng hương Nghệ Tĩnh tại Ba Lan, tâm sự, “Người Nghệ mình vốn đoàn kết và có tinh thần “Tương thân, tương ái” cao, có lẽ cũng liên quan đến tính cách, đặc điểm văn hóa xứ Nghệ và đặc thù thường sống xa quê. Trong rủi ro, hoạn nạn, tính cách ấy càng cố kết, thể hiện rõ”.

Hình ảnh cộng đồng người Việt trao quà cho các bệnh viện tại Ba Lan trên Báo Wysokieobcasy.pl, một tờ báo lớn của Ba Lan
Hình ảnh cộng đồng người Việt trao quà cho các bệnh viện tại Ba Lan đăng trên báo Wysokieobcasy.pl, một tờ báo lớn của Ba Lan.

Được biết đến nay, Trung tâm Thương mại ASEAN EU đã quyên góp tặng Bệnh viện Grójec, nơi được xem là “ổ dịch” lớn nhất tại tỉnh Mazowieckie chiếc lều hơi y tế cho bệnh viện dã chiến, cùng nhiều vật tư y tế có giá trị khác như khẩu trang, găng tay,... Cá nhân anh Bình và gia đình mình đã tình nguyện hỗ trợ 840 suất ăn Việt Nam cho các y, bác sĩ và bệnh nhân tại bệnh viện… Đại diện của Bệnh viện Grójec đã đánh giá rất cao nghĩa cử này, cũng như những hoạt động của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan mà truyền thông, báo chí Ba Lan đã đưa tin. Sáng  22/4, bệnh viện đã trao các tấm bằng ghi nhận đóng góp cùng lời cảm ơn cho đại diện Cộng đồng người Việt, Công ty ASEAN EU và Nhà hàng ẩm thực Việt Horapa tại Vác-sa-va.

Tại Szczecin, một thành phố ven biển của Ba Lan, giáp giới Thủ đô Berlin của Đức, anh Trần Châu, người thành phố Vinh, chủ Nhà hàng Hà Nội, cũng đã đứng ra kêu gọi cộng đồng Việt quyên góp, chung tay cùng người bản xứ phòng, chống đại dịch Covid-19. Ngày 17/4 vừa qua, nhóm của anh Châu đã trao tặng Bệnh viện Unilubelski tại Szczecin món quà gồm 2.100 chiếc khẩu trang và 1.000 đôi găng tay y tế.

bna_Anh Hoàng Hữu Bình, Chủ tịch hội đồng hương Nghệ Tĩnh tại Ba Lan, người mặc áo sơ-mi trắng đứng bên trái, hàng sau, trong lần về thăm nhà và tổ chức mừng thọ tuổi 90 cho mẹ tại Thành phố Vinh, Nghệ An,
Anh Trần Châu (thứ 3 từ bên phải), cùng nhóm của mình trao quà hỗ trợ cho Bệnh viện Unilubelski tại Szczecin hôm 17/4/2020.

Anh Đặng Hồng Sơn, quê ở Đô Lương, một doanh nhân chuyên cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa theo các tuyến Ý và Pháp về Ba Lan,… hiện là Chủ tịch Hội Thanh niên Nghệ Tĩnh tại Ba Lan, qua facebook cho biết, lĩnh vực vận tải của anh có những đặc thù di chuyển và tiếp xúc với các vùng “Tâm dịch Covid-19”, do đó, hiện đang gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, với uy tín và tâm huyết của mình, qua mạng xã hội, anh đã kêu gọi mọi người cùng chung tay vượt qua khó khăn, chung tay phòng, chống đại dịch.

Đến nay, ngoài những đóng góp tích cực của mình cho các hội, đoàn, cho cộng đồng tại Ba Lan, anh Sơn còn đứng ra vận động các doanh nghiệp người Việt tại Moda (Italia) hỗ trợ tài chính cho 1.140 suất ăn và 450 suất ăn cùng 2.000 khẩu trang y tế từ các đồng hương để chuyển tới các bệnh viện tại Ba Lan.

Tính đến đầu tháng 4/2020, cộng đồng người Việt tại Ba Lan đã quyên góp, hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại Ba Lan với tổng số tiền trên 100.000 USD. Trong đó, đặc biệt là doanh nhân Tào Ngọc Tú, người sáng lập Tập đoàn Tan-Viet International và cũng được xem là người đầu tiên đưa mỳ ăn liền (VIFON) vào thị trường Ba Lan, đã quyên góp các trang thiết bị y tế với tổng giá trị lên tới trên 70.000 USD.

Đại diện Cộng đồng người Việt, Công ty ASEAN EU và Nhà hàng Hurapa nhận Bằng ghi nhận đóng góp của Bệnh viện Grójec (Ba Lan), sáng ngày 22.4.2020
Đại diện cộng đồng người Việt, Công ty ASEAN EU và Nhà hàng Hurapa nhận Bằng ghi nhận đóng góp của Bệnh viện Grójec (Ba Lan), sáng 22/4/2020.

Ông Trần Anh Tuấn, quê ở huyện Diễn Châu, hiện là Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ba Lan, trao đổi: “Người Việt mình đang dần trở thành một cộng đồng thiểu số tại Ba Lan. Do đó, những nét văn hóa tốt đẹp của người Việt được phát huy qua hoạn nạn, cũng như trong đời sống hàng ngày, sẽ khiến hình ảnh cộng đồng mình được đánh giá cao trong mắt người bản xứ, càng giúp kiều bào ta thuận lợi hơn trong quá trình hội nhập và phát triển trên quê hương thứ hai này”.

Tin mới