Những thăng trầm cùng trái bóng của cựu tiền vệ Hồ Thanh Thưởng

(Baonghean.vn) - Từng được đánh giá là một trong những tài năng triển vọng nhất của bóng đá xứ Nghệ, song sự nghiệp cầu thủ của cựu tiền vệ mang biệt danh Thưởng “ẹc” lại diễn ra không thật sự suôn sẻ và thành công.

Tài năng ‘không chịu lớn’ ở sân Vinh

Lên đội 1 SLNA khi mới 19 tuổi, Hồ Thanh Thưởng đã có ngay danh hiệu vô địch tại Giải vô địch Quốc gia năm 2000. Tại mùa giải đầu tiên khoác áo đội 1 SLNA, cầu thủ sinh năm 1981 chỉ là phương án dự phòng cho cặp tiền đạo lừng danh Văn Sỹ Hùng - Văn Sỹ Thủy. Dẫu sao đây cũng là trải nghiệm tuyệt vời của Hồ Thanh Thưởng ở đấu trường danh giá nhất của bóng đá Việt Nam. 

Sau khi cùng đội bóng xứ Nghệ giành ngôi vương tại Giải vô địch Quốc gia năm 2000, Hồ Thanh Thưởng được tăng cường cho đội U21 SLNA tham dự VCK U21 Báo Thanh Niên lần thứ 4. Tại giải đấu diễn ra trên sân Thống Nhất, Hồ Thanh Thưởng đã chứng minh được đẳng cấp của mình.

Với cú đúp bàn thắng trong trận chung kết, Hồ Thanh Thưởng góp công lớn giúp U21 SLNA có được màn lội ngược dòng không tưởng trước U21 Long An (U21 SLNA bị dẫn 0 - 2, nhưng tỉ số chung cuộc lại là 3 - 2).

Cựu tiền vệ Hồ Thanh Thưởng (bên trái) trong màu áo SLNA. Ảnh: tienphong.vn
Cựu tiền vệ Hồ Thanh Thưởng (bên trái) trong màu áo SLNA. Ảnh: tienphong.vn

Trở lại đội 1 SLNA tham dự mùa giải 2001, Hồ Thanh Thưởng tiếp tục sắm vai "siêu dự bị" cho các bậc đàn anh giàu kinh nghiệm trận mạc hơn. Mỗi lần được HLV Nguyễn Thành Vinh tung vào sân thi đấu, Hồ Thanh Thưởng không chỉ được đảm nhiệm vị trí tiền đạo, mà còn được thử nghiệm ở vai trò tiền vệ cánh.

Nhờ sở hữu nền tảng thể lực sung mãn và khả năng săn bàn thiên bẩm, đặc biệt là sử dụng thuần thục cả 2 chân, nên Hồ Thanh Thưởng đã trở thành cầu thủ khá đa năng trong đội hình SLNA năm đó. Khi cần, Hồ Thanh Thưởng có thể thi đấu ở vị trí tiền đạo, tiền vệ cánh trái lẫn tiền vệ cánh phải. Chức vô địch V.League năm 2001 của đội bóng xứ Nghệ (chức vô địch thứ 2 liên tiếp tại Giải vô địch Quốc gia), có công không nhỏ của Hồ Thanh Thưởng.

Ở cấp độ các đội tuyển Quốc gia, Hồ Thanh Thưởng cũng thường xuyên được HLV Dido, HLV Calisto, HLV Nguyễn Thành Vinh (tạm quyền), HLV Alfred Riedl...trọng dụng.

Tuy nhiên, những chấn thương khác nhau đã khiến Hồ Thanh Thưởng không một lần được tham dự các giải đấu lớn như SEA Games 2001, SEA Games 2003 hay AFF Cup 2002.

Đừng quên, Hồ Thanh Thưởng là cầu thủ duy nhất ghi được bàn thắng cho U23 Việt Nam tại Cúp mùa Đông Norcia (Italia) năm 2003. Đó là dấu ấn đáng nhớ nhất của Hồ Thanh Thưởng trong màu áo các đội tuyển Quốc gia.

Cựu cầu thủ SLNA  Hồ Thanh Thưởng trong cuộc sống đời thường. Ảnh: FBNV
Cựu cầu thủ SLNA Hồ Thanh Thưởng trong cuộc sống đời thường. Ảnh: FBNV

Kết thúc mùa giải 2003, đội trưởng Ngô Quang Trường quyết định chia tay sân Vinh để gia nhập HAGL, vị trí hậu vệ cánh trái của SLNA được giao hẳn cho Hồ Thanh Thưởng nắm giữ. Đáng tiếc, cầu thủ sinh năm 1981 lại không thể khỏa lấp nổi khoảng trống do người đàn anh Ngô Quang Trường để lại.

Đánh giá một cách khách quan, Hồ Thanh Thưởng đã không đáp ứng được sự kỳ vọng của giới chuyên môn và người hâm mộ bóng đá xứ Nghệ. Thậm chí, năm 2004, Thưởng "ẹc" còn bị SLNA kỷ luật vì có biểu hiện tiêu cực trong một số trận đấu của đội chủ sân Vinh.

Hành trình khó khăn nơi đất khách và cái kết đầy bất ngờ 

Cuối năm 2006, bản hợp đồng giữa Hồ Thanh Thưởng và SLNA cũng chính thức đáo hạn. Không được đội bóng quê hương giữ lại, Hồ Thanh Thưởng quyết định gia nhập Hà Nội ACB, với bản hợp đồng có thời hạn 5 năm cùng mức đãi ngộ khá hấp dẫn (lương 12 - 15 triệu/tháng). Tại sân Hàng Đẫy, cựu cầu thủ SLNA vẫn không thể hiện được gì nhiều. Chia Hà Nội ACB, Hồ Thanh Thưởng lần lượt đầu quân cho CLB Hà Nội (năm 2008) và Quảng Nam (năm 2009). Có lẽ, những gì tốt đẹp nhất trong đời cầu thủ, Hồ Thanh Thưởng đã để lại ở đội bóng quê nhà SLNA. Chấn thương đã hủy hoại gần như toàn bộ sự nghiệp cầu thủ của chàng tiền vệ người thành phố Vinh.

Không thi đấu thành công trong màu áo Quảng Nam tại Giải hạng Nhất Quốc gia năm 2009, Hồ Thanh Thưởng đành phải xách hành lý rời sân Tam Kỳ để tìm kiếm thử thách mới. Điểm đến tiếp theo là đội bóng hạng Nhì V&V United. Thời điểm Giải hạng Nhì Quốc gia 2010 chính thức kết thúc, Hồ Thanh Thưởng bất ngờ đưa ra lời chia tay sân cỏ. Lúc ấy, Thưởng "ẹc" mới 29 tuổi, độ tuổi chín muồi của đa phần cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp.

HLV Hồ Thanh Thưởng (thứ 3 từ bên phải sang) trong buổi lễ ra mắt của CLB Tuấn Tú Phú Thọ. Ảnh: baophutho.vn
HLV Hồ Thanh Thưởng (thứ 3 từ bên phải sang) trong buổi lễ ra mắt của CLB Tuấn Tú Phú Thọ. Ảnh: baophutho.vn

Khép lại niềm đam mê với "môn túc cầu giáo" chưa được bao lâu, Hồ Thanh Thưởng đã tập trung vào công việc kinh doanh nhà hàng. Nhưng được một thời gian, nhận thấy bản thân không phù hợp với vai trò của một doanh nhân, Hồ Thanh Thưởng đã quay lại với lĩnh vực bóng đá. Năm 2013, Hồ Thanh Thưởng đầu quân cho Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ T&T - VSH (thị xã Cửa Lò).

Kể từ đó đến nay, vị HLV 39 tuổi vẫn ngày ngày lặng lẽ vượt qua hành trình hơn 30 km (tổng quãng đường đi - về giữa thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò), để đào tạo ra những cầu thủ chất lượng cho nền bóng đá nước nhà. Điển hình như Nguyễn Văn Công, Ngân Văn Đại, Trần Văn Kiên (CLB Hà Nội), Nguyễn Hữu Sơn (CLB Sài Gòn), Sầm Ngọc Đức (CLB TP.HCM)...

Nhận được lời đề nghị của Sở VH - TT và Du lịch Phú Thọ, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ T&T - VSH đã quyết định cử Hồ Thanh Thưởng ra làm "thuyền trưởng" CLB Tuấn Tú Phú Thọ tại Giải hạng Ba Quốc gia năm 2019. Dưới sự dẫn dắt của HLV Hồ Thanh Thưởng, đội bóng của "đất tổ Hùng Vương" đã xuất sắc giành được tấm vé thăng hạng. Một thành tích hết sức ấn tượng của Thưởng "ẹc" trên cương vị HLV.
Nếu như trong tương lai gần, Hồ Thanh Thưởng xuất hiện trong thành phần Ban huấn luyện của một đội bóng nào đó tại sân chơi V.League, cũng không khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ. Đơn giản là Hồ Thanh Thưởng có tiềm năng để trở thành HLV ở đấu trường đỉnh cao của bóng đá Việt Nam.

Tin mới