Những thủ khoa giáo viên chủ nhiệm giỏi sẵn sàng làm bạn, "đu trend" với học trò

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Vượt lên hơn 200 giáo viên dự thi, cô giáo Trần Thị Thủy và Trần Thị Phương (giáo viên Trường THCS Đặng Thai Mai – thành phố Vinh) đã đạt danh hiệu thủ khoa cuộc thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp THCS. Kết quả này ghi nhận cho những nỗ lực, cố gắng nhưng đây cũng là minh chứng cho tình yêu nghề, yêu trò của hai giáo viên sinh năm 8X.

Cô giáo Trần Thị Thủy – Hạnh phúc khi được học trò tin yêu

Cô giáo Trần Thị Thủy hiện đang là giáo viên dạy Ngữ văn và chủ nhiệm lớp 7 tại Trường THCS Đặng Thai Mai. Tuy nhiên, 6 năm trước chị đã có 10 năm công tác tại Trường THPT Đô Lương 4 với đối tượng học sinh THPT, hoàn toàn khác biệt.

Cô giáo Trần Thị Thủy và các đồng nghiệp tại Cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi. Ảnh: PV

Cô giáo Trần Thị Thủy và các đồng nghiệp tại Cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi. Ảnh: PV

Sinh năm 1983, nếu so với tuổi nghề, cô giáo Trần Thị Thủy vẫn là lớp giáo viên còn khá trẻ. Nhưng 16 năm trong nghề, từ khi còn là một sinh viên mới ra trường, chị đã có duyên được làm giáo viên chủ nhiệm và nổi tiếng là “cô giáo có tài cảm hóa học trò”.

Kể lại điều này, cô Thủy nói rằng “tôi đã làm chủ nhiệm ở nhiều lớp với nhiều đối tượng khác nhau, có lớp chọn, lớp đại trà, lớp có nhiều học sinh cá biệt và cả lớp phổ cập. Tất nhiên, không phải với học sinh nào mình cũng có thể giúp các em hoàn thiện nhưng ít nhất mình cũng lắng nghe, chia sẻ và học sinh thấy tin cậy khi tìm đến mình”.

Sinh năm 1983, cô giáo Trần Thị Thủy là giáo viên Ngữ văn có 16 năm công tác trong nghề, trong đó có 10 năm dạy Ngữ văn ở bậc THPT. Ảnh: MH

Sinh năm 1983, cô giáo Trần Thị Thủy là giáo viên Ngữ văn có 16 năm công tác trong nghề, trong đó có 10 năm dạy Ngữ văn ở bậc THPT. Ảnh: MH

Làm giáo viên chủ nhiệm, đồng nghĩa với việc gánh “2 vai”, vừa làm công tác chuyên môn nhưng cũng là cầu nối giữa phụ huynh và gia đình, làm người kết nối học trò...

Để làm tròn vai của mình, ngoài vai trò của giáo viên chủ nhiệm, cô giáo Trần Thị Thủy tự nhận mình là “người bạn” của các học trò để từ đó chị sẵn sàng đồng hành với học trò trong mọi buồn vui và cả những “ương ương sượng sượng” của tuổi mới lớn.

Học trò ngày nay chịu nhiều áp lực về học tập, về cuộc sống, về bạn bè và cả gia đình. Vì vậy, các em cần rất nhiều sự đồng cảm, chia sẻ và người giáo viên chủ nhiệm cần phải nắm bắt được từng hoàn cảnh của học sinh, quan sát các em hàng ngày và sẵn sàng giúp đỡ nếu các em gặp khó khăn.

Cô giáo Trần Thị Thủy

Trăn trở với công việc của mình, nên đến với cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cô giáo Trần Thị Thủy đã chọn chủ đề “xây dựng lớp học hạnh phúc” cho phần thi trình bày biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp”.

Cô giáo Trần Thị Thủy đã 3 lần tham dự Kỳ thi giáo viên giỏi cấp tỉnh và đều đạt được thành tích nổi bật. Ảnh: MH

Cô giáo Trần Thị Thủy đã 3 lần tham dự Kỳ thi giáo viên giỏi cấp tỉnh và đều đạt được thành tích nổi bật. Ảnh: MH

Ngoài những áp lực của tuổi học trò, cô giáo Trần Thị Thủy cho biết, sở dĩ chị chọn đề tài này bởi hiện nay những thang điểm gắn với những tiêu chí thành tích cụ thể trở thành thước đo cho chất lượng của một lớp học, của công tác chủ nhiệm. Để đạt được điểm số, nhiều giáo viên chủ nhiệm đã phát huy tối đa, thậm chí là lạm dụng quyền lực của mình để quản lý lớp. Lúc đó, lớp chủ nhiệm có thể đạt điểm thi đua cao nhưng không khí lớp học trở nên nặng nề, áp lực, gò ép, căng thẳng,… Khoảng cách giữa giáo viên chủ nhiệm và học sinh ngày càng bị nới rộng. Học sinh đến trường chỉ tập trung thực hiện tốt nội quy mà không có được cảm xúc “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Trong khi đó, giáo viên và nhà trường chú trọng vào các tiêu chí thi đua mà nhiều khi quên đi yếu tố cảm xúc của người học và cả người dạy học, trong đó có cảm xúc hạnh phúc.

Làm sao để lớp học hạnh phúc, nữ giáo viên đạt thủ khoa tại cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi tỉnh cho rằng “Mấu chốt để xây dựng trường học hạnh phúc là thầy, cô phải thay đổi. Thầy, cô phải là những người tiên phong bước chân ra khỏi “vùng an toàn”, phải tìm ra con đường mới thay vì cứ đi theo những lối mòn. Thay đổi trong cách suy nghĩ, cách tư duy; thay đổi trong phương pháp; thay đổi trong sự nhận thức về mục tiêu giáo dục, về con người, về tâm lý của học sinh; thay đổi trong giao tiếp, ứng xử,… Nếu giáo viên chủ nhiệm lớp điều hành và quản lý lớp bằng sức mạnh của kỷ luật có thể sẽ giúp lớp trở thành tập thể mạnh trong việc thực hiện nội quy của nhà trường nhưng mặt trái của nó là có thể biến tập thể ấy trở thành một nơi máy móc, khô cứng, thậm chí là lạnh lẽo.

Xây dựng lớp học hạnh phúc là tâm niệm của cô giáo Trần Thị Thủy. Ảnh: MH

Xây dựng lớp học hạnh phúc là tâm niệm của cô giáo Trần Thị Thủy. Ảnh: MH

Trong câu chuyện nói về vai trò của giáo viên chủ nhiệm, cô giáo Trần Thị Thủy ngoài nói đến việc người giáo viên phải hóa thân thành nhiều vai trò khác nhau như người bạn lớn, người đồng hành, chuyên gia tâm lý, luật sư,… để cùng các học trò của mình kiến tạo nên một tập thể lớp hạnh phúc hơn mỗi ngày thì chị còn nói nhiều đến việc “tôn trọng sự khác biệt của học trò”.

Bản thân chị cũng quan điểm, trong hàng nghìn học trò mỗi em có một tính cách khác nhau. Nhưng dù là học sinh tốt, hay học sinh cá biệt, khi các em mắc lỗi, thay vì nhìn vào khuyết điểm của học trò, chị lại thường nhìn vào ưu điểm của các em để từ đó động viện khích lệ. Cũng với quan điểm này nên ở phần thi thực hành, khi chọn được đề tài “Đức tính đặc trưng của em”, chị đã cố gắng thiết kế một bài giảng mà ở đó tất cả học sinh, kể cả những em “khá đặc biệt, ít nói, luôn tự ti” vẫn có thể thể hiện được tiếng nói của mình. Sự mạnh dạn, tự tin đó không chỉ khiến chị bất ngờ mà còn thuyết phục được ban giám khảo.

Trong 45 phút, có những tình huống nằm ngoài giáo án nhưng chị cũng đã xử lý nhuần nhuyễn để có một tiết trải nghiệm sôi nổi, thích thú và tạo được sự hứng thú với học trò.

Tình yêu với công việc, với học trò giúp cô giáo Trần Thị Thủy vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Ảnh: MH

Tình yêu với công việc, với học trò giúp cô giáo Trần Thị Thủy vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Ảnh: MH

Với điểm số 19,5 cho phần thi thực hành và một biện pháp giáo dục đầy tâm huyết cô giáo Trần Thị Thủy cũng nói rằng, chị khá tự tin vào bài thi của mình và dường như đây là một kết quả “có hậu” nhất sau ba lần chị tham dự các Kỳ thi chọn giáo viên giỏi của tỉnh.

Cách đây 10 năm, khi đang là giáo viên THPT, chị từng đạt thủ khoa phần thi thực hành và là một trong những giáo viên có thành tích xuất sắc nhất của kỳ thi. Chuyển về Trường THCS Đặng Thai Mai, cô giáo Trần Thị Thủy cũng đã về Nhì trong Kỳ thi giáo viên giỏi tỉnh và nay là danh hiệu thủ khoa ở cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi. Sau những nỗ lực không mệt mỏi, đó là một kết quả xứng đáng và được đồng nghiệp, học trò và ban tổ chức ghi nhận...

Cô giáo Trần Thị Phương – “Sống” và “đam mê” cùng học trò

Cô giáo Trần Thị Phương là giáo viên Vật lý và cũng chỉ mới chuyển về Trường THCS Đặng Thai Mai công tác không lâu. Được phân công chủ nhiệm lớp 8, dành cho đối tượng học sinh phổ cập, chị dành nhiều tâm huyết cho những học sinh của mình. Đó cũng là lý do, chị chọn đề tài Biện pháp góp phần phát triển tư duy phản biện cho học sinh qua tiết sinh hoạt lớp. Biện pháp là toàn bộ tâm huyết chị thực hiện trong 2 năm và triển khai thực tế ở lớp học do chị chủ nhiệm và đem lại những hiệu quả tích cực.

Cô giáo Trần Thị Phương là nữ giáo viên trẻ, sinh năm 1986. Ảnh: MH

Cô giáo Trần Thị Phương là nữ giáo viên trẻ, sinh năm 1986. Ảnh: MH

Chia sẻ thêm về điều này, cô giáo Trần Thị Phương nói thêm: Đặc điểm tâm lý của học sinh THCS là có sự nhảy vọt về thể chất lẫn tinh thần, các em đang tách dần khỏi thời thơ ấu để tiến sang giai đoạn phát triển cao hơn (người trưởng thành) nên tạo nên sự khác biệt trong sự phát triển về thể chất, trí tuệ. Các em luôn có nhu cầu tự bộc lộ mình, nhất là trong những tình huống được động viên, khích lệ, có hứng thú. Các em không thích lối tư duy thụ động, phụ thuộc vào người khác, cũng không muốn bị áp đặt bởi cách hiểu của người khác.

Thậm chí có những học sinh thích tìm lý lẽ của riêng mình, cách nghĩ táo bạo, vượt khỏi khuôn khổ. Nhưng do quan niệm truyền thống, chúng ta đã vội vàng phủ nhận những lý lẽ mới mẻ hoặc nặng nề hơn là “kết tội”. Chính điều đó đã không kích thích được sự phát triển tư duy phản biện cần có của học sinh hiện nay.

Những giải pháp do cô giáo Trần Thị Phương triển khai giúp học sinh phát huy được năng lực, tự tin và học tập tiến bộ. Ảnh: MH

Những giải pháp do cô giáo Trần Thị Phương triển khai giúp học sinh phát huy được năng lực, tự tin và học tập tiến bộ. Ảnh: MH

Đi vào thực tế của lớp chị chủ nhiệm năm học 2020 – 2021, phần lớn học sinh còn rụt rè, thiếu tự tin. Nhiều em đến năm lớp 9 đều định hướng theo ban Xã hội nhưng các em còn hạn chế về kỹ năng, tư duy phản biện dẫn đến cách học thụ động.

“Các em hầu như tin tưởng, chấp nhận kiến thức mà giáo viên đưa ra, thỉnh thoảng các em mới đặt câu hỏi thắc mắc lại. Nhiều khi trước một đơn vị kiến thức mới, các em thỉnh thoảng hoặc hiếm khi đưa ra quan điểm của cá nhân mình. Điều đó cũng chứng tỏ học sinh còn thụ động trong học tập, chưa đam mê tìm tòi những kiến thức mới.

Cô giáo Trần Thị Phương

Với vai trò của giáo viên chủ nhiệm chị đã có nhiều giải pháp để khơi gợi lại tính phản biện trong học trò bằng cách thay đổi giờ sinh hoạt lớp, dành 2/3 thời gian để các em tổ chức các hoạt động tập thể nhằm hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực quan trọng hoàn thiện nhân cách “người học sinh mới”.

Chị cũng tổ chức các hoạt động như “đối thoại” với nhiều chủ đề để học sinh có thể tranh luận với nhau, thực hiện “Hộp trao gửi yêu thương” để học sinh có thể chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình... Qua quá trình thực hiện, cô giáo Trần Thị Phương chia sẻ rằng: Là giáo viên chủ nhiệm, tôi cảm thấy rất vui bởi bằng những hoạt động của mình các em đã tiến bộ rõ rệt.

Là một giáo viên trẻ, cô giáo Trần Thị Phương đồng hành với các em trong học tập, trong sở thích và các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Ảnh: MH

Là một giáo viên trẻ, cô giáo Trần Thị Phương đồng hành với các em trong học tập, trong sở thích và các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Ảnh: MH

Nhiều em vốn tính nhút nhát thiếu tự tin đã trở nên bạo dạn và tự tin hơn. Nhiều vấn đề khúc mắc trong học tập, trong tâm tư tình cảm, sinh hoạt hàng ngày của các em… đã được tháo gỡ trong những buổi sinh hoạt cởi mở, chân tình, thân thiện, vui tươi này.

Là một giáo viên còn trẻ, cô giáo Trần Thị Phương cho rằng “lợi thế của mình là gần gũi với học trò, hiểu được những suy nghĩ của học sinh”. Nhưng để làm được giáo viên chủ nhiệm giỏi, cô giáo Trần Thị Phương cũng phải tự thay đổi mình, thường xuyên tìm hiểu xu hướng của giới trẻ, nghe nhạc, xem phim để biết được sở thích của học trò và hòa mình với các em để tìm tiếng nói chung.

Nữ giáo viên mới chuyển về Trường THCS Đặng Thai Mai 3 năm cũng cho biết: Tôi dành nhiều tâm huyết cho công việc của mình vì yêu nghề và yêu trò. Vì vậy, dù làm công tác chủ nhiệm rất vất vả nhưng tôi xem đó là một phần công việc của mình và khi nào tôi cũng cố gắng để làm tròn vai và sẵn sàng làm chỗ dựa cho học trò...

Niềm vui của cô giáo Trần Thị Thủy và Trần Thị Phương bên những học trò của Trường THCS Đặng Thai Mai. Ảnh: MH

Niềm vui của cô giáo Trần Thị Thủy và Trần Thị Phương bên những học trò của Trường THCS Đặng Thai Mai. Ảnh: MH

Nhận kết quả thủ khoa dù khá bất ngờ nhưng cô giáo sinh năm 1986 cũng nói rằng chị hài lòng vì đó là sự nỗ lực, cố gắng. Cũng tại Kỳ thi giáo viên giỏi tỉnh năm 2020, cô giáo Trần Thị Phương là thủ khoa môn Vật lý.

Tin mới