Những tiến bộ công nghệ nào giúp Singapore trở thành một quốc gia thông minh?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Singapore là quốc gia tiêu biểu trong việc nắm bắt những tiến bộ về công nghệ để thiết kế và xây dựng đất nước theo hướng hiện đại và thân thiện với người dân, tạo ra một mô hình quốc gia thông minh hàng đầu trên thế giới.

Theo bảng xếp hạng do Viện Phát triển quản lý thuộc Trường Kinh doanh Thụy Sĩ (IMD) kết hợp với Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore công bố vào tháng 11/2021, Singapore được đánh giá là quốc gia thông minh nhất thế giới trong 3 năm liên tiếp 2019, 2020 và 2021.

Singapore là hình mẫu chuẩn mực hoàn hảo cho một quốc gia của tương lai. Không chỉ là quốc gia thông minh nhất thế giới, Singapore còn có rất nhiều điểm nổi bật khác như: Môi trường sống trong lành, môi trường giáo dục lý tưởng, chuẩn mực xã hội rất cao, rất ít tệ nạn xã hội, tham nhũng...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Để đưa Singapore trở thành quốc gia thông minh, vào cuối năm 2014, Thủ tướng Lý Hiển Long đã đề ra “Sáng kiến quốc gia thông minh” với mục tiêu trong 10 năm tới, Singapore sẽ trở thành một quốc gia ứng dụng rộng rãi các thành tựu công nghệ tiên tiến nhất.

Những tiến bộ về mặt công nghệ sau đây đã giúp cho Singapore trở thành một quốc gia thực sự thông minh:

Ô tô tự lái

Khái niệm ô tô tự lái đã tồn tại hàng thập kỷ qua, làm mê hoặc tâm trí của những người yêu thích khoa học viễn tưởng. Singapore đã biến giấc mơ này thành hiện thực bằng cách giới thiệu hệ thống taxi không người lái đầu tiên trên thế giới. Việc một người nước ngoài bước vào ô tô và nhận ra rằng không có tài xế trong đó có thể là điều kỳ lạ. Tuy nhiên, người dân Singapore đang dần quen với phép màu công nghệ này.

Bên cạnh việc ra mắt hệ thống taxi không người lái, cho phép người dân có thể đặt trước chuyến đi thông qua điện thoại thông minh thì Chính phủ Singapore cũng đã cho phép thử nghiệm thương mại hệ thống xe buýt không người lái công cộng MooBus từ ga tàu điện ngầm King Albert Park đến 10 điểm dừng trong khuôn viên Trường Cao đẳng Bách khoa Ngee Ann Polytechnic vào đầu năm 2023. Những phương tiện này dự kiến sẽ trở thành một phần không thể thiếu trên đường phố và là phương tiện giao thông công cộng ở những khu vực như Punggol, Jurong và Tengah.

Xe tự lái được xem là một yếu tố quan trọng và sẽ góp phần đáng kể vào việc phát triển cơ sở hạ tầng cũng như đưa Singapore trở thành một quốc gia thông minh.

Sử dụng máy bay không người lái và rô-bốt để giám sát các hành vi phạm tội

Mặc dù tỷ lệ tội phạm của Singapore đã thuộc hàng thấp nhất thế giới, nhưng việc áp dụng các tiến bộ công nghệ vào trong các hoạt động của cảnh sát đã làm cho bọn tội phạm khiếp sợ hơn.

Từ năm 2018, lực lượng Cảnh sát Singapore đã bắt đầu sử dụng máy bay không người lái (drone) đặc biệt để tiến hành giám sát và truy bắt tội phạm từ trên không. Loại drone này có thể bay ở độ cao lên tới 60 mét và được trang bị còi báo động công suất lớn và đèn chiếu sáng mạnh gấp 10 lần đèn pha của ô tô.

Bên cạnh đó, trên mặt đất, các rô-bốt tuần tra cũng được lực lượng Cảnh sát Singapore đưa vào nhằm giám sát các hành vi phạm tội cũng như các hành vi mà xã hội không mong muốn như hút thuốc lá nơi bị cấm, tụ tập đông người bất hợp pháp, đỗ xe không đúng nơi quy định, bán hàng rong bất hợp pháp,… Các rô-bốt này hoàn toàn tự động và được trang bị camera để giám sát từ xa, khi phát hiện các hành vi phạm tội nó sẽ thông báo về trung tâm chỉ huy kèm theo hình ảnh phạm tội để làm bằng chứng.

Cảnh sát cũng đã sử dụng rô-bốt MiniX, một rô-bốt 4 bánh được điều khiển từ xa để phát hiện bom và các mối nguy hiểm tiềm tàng khác tại các sự kiện lớn. Rô-bốt này di chuyển qua các đường hầm dưới lòng đất tại các địa điểm rộng lớn, trong khi máy bay không người lái kiểm tra các khu vực trên mái nhà và nhà cao tầng. Cả hai loại rô-bốt này đã được sử dụng tại các sự kiện lớn như Đối thoại Shangri-La và Lễ kỷ niệm Quốc khánh Singapore.

Hệ thống nhà thông minh

Là một yếu tố cốt lõi trong tầm nhìn về cuộc sống tương lai của Singapore, Sáng kiến ​​Ngôi nhà thông minh của Công ty HDB nhằm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày bằng cách làm cho những ngôi nhà trở nên thông minh hơn và thoải mái hơn. Ngày nay, mọi người dân Singapore đều có thể biến ngôi nhà của mình trở nên thông minh bằng cách cài đặt các thiết bị và ứng dụng trong một ngôi nhà thông minh.

Hệ thống nhà thông minh mới này có thể sử dụng cảm biến để theo dõi sự di chuyển của các thành viên lớn tuổi khi ở trong nhà và thông báo cho người dùng nếu họ gặp vấn đề về sức khỏe hoặc bị ngã. Bên cạnh đó, hệ thống còn cho phép theo dõi việc sử dụng các thiết bị gia dụng trong nhà như đèn chiếu sáng, ti vi, tủ lạnh,… và gửi thông báo qua tin nhắn điện thoại khi chúng vẫn hoạt động mà không có ai ở nhà và cho phép người dùng bật/tắt thiết bị từ xa để đảm bảo an toàn.

Cột đèn thông minh

Singapore hiện đang đặt mục tiêu làm cho đường phố ngày càng trở nên thông minh hơn bằng cách lắp đặt các cột đèn thông minh.

Những loại cột đèn mới này được trang bị cảm biến và hệ thống phân tích. Với sự trợ giúp của các cảm biến, có thể theo dõi các thay đổi của môi trường, chẳng hạn như nhiệt độ, lượng mưa và độ ẩm. Bên cạnh đó, cũng sẽ có các cảm biến tiếng ồn có thể phản ứng với những tiếng động lớn như tiếng ai đó la hét hoặc một vụ tai nạn xe hơi.

Hơn nữa, hiện tại Singapore đang lên kế hoạch trang bị cho các cột đèn thông minh các cảm biến nhận dạng khuôn mặt để tăng cường sự an toàn cho đường phố Singapore.

Sử dụng rô-bốt để thay thế con người

Do tác động của đại dịch Covid-19, số lượng lao động nước ngoài tại Singapore đã giảm đi đáng kể, khiến quốc gia này coi rô-bốt là một giải pháp thay thế.

Theo báo cáo năm 2021 của Liên đoàn rô-bốt quốc tế, Singapore có 605 rô-bốt trên 10.000 nhân viên trong ngành sản xuất, Singapore hiện có số lượng rô-bốt cao thứ 2 trên toàn cầu, chỉ sau Hàn Quốc với 932 rô-bốt. Rô-bốt hiện có mặt trong nhiều môi trường khác nhau ở Singapore, bao gồm các công trường xây dựng, Thư viện Quốc gia, ga tàu điện ngầm và thậm chí cả các quán cà phê.

Việc giới thiệu rô-bốt công nghiệp chỉ là bước đầu tiên hướng tới việc tạo ra một môi trường làm việc thông minh. Gần đây, các sinh viên và nhân viên của học viện Ngee Ann Polytechnic đã phát triển một loại rô-bốt có tên gọi là “RoboCoach” có thể huấn luyện thể chất cho người già.

Bên cạnh đó, Singapore cũng đang nỗ lực đưa rô-bốt vào ngành y tế để phát huy hiệu quả trong việc chăm sóc bệnh nhân. Ví dụ, rô-bốt đã phân phối thuốc, giúp quá trình này diễn ra nhanh hơn và giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân tại các hiệu thuốc.

Thanh toán không dùng tiền mặt

Cuộc sống thông minh sẽ giúp người dân tận hưởng sự thoải mái trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Đó là lý do tại sao Singapore đang chuyển hướng sang phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để giúp người dân không phải mang theo tiền mặt và xếp hàng dài chờ rút tiền ở máy ATM.

Ngày nay, người dân Singapore có thể thanh toán qua mã QR tại các nhà hàng hoặc cửa hàng bán lẻ chỉ bằng điện thoại thông minh của họ. Trên thực tế, với sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt, mọi người sẽ dần dần ngừng mang theo tiền mặt bên mình.

Thanh toán điện tử và các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt hiện đang được sử dụng rộng rãi trên cả nước. Điều này đưa Singapore tiến một bước gần hơn tới quốc gia không dùng tiền mặt.

Ứng dụng công nghệ thực tế ảo

Khi nói đến khái niệm thành phố thông minh hay quốc gia thông minh, không thể không nhắc đến xu hướng phổ biến nhất hiện nay đó là công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR).

Vì VR và AR là sự kết hợp của thế giới ảo và thực nên các doanh nghiệp có thể thu hút người dùng từ xa sử dụng các sản phẩm của họ. Ngày nay, mọi người dân Singapore đều có thể thử quần áo, trang điểm và thậm chí mua thêm đồ đạc trong nhà bằng cách cầm trên tay một chiếc điện thoại thông minh.

Dự án VR đầy tham vọng nhất của Singapore là Virtual Singapore. Virtual Singapore là một mô hình thành phố ba chiều (3D) năng động và nền tảng dữ liệu cộng tác, bao gồm bản đồ 3D của Singapore. Khi hoàn thành, Virtual Singapore sẽ là nền tảng kỹ thuật số 3D dành cho khu vực công, tư nhân, người dân và các nhà nghiên cứu sử dụng. Nó sẽ cho phép người dùng từ các lĩnh vực khác nhau phát triển các công cụ và ứng dụng tinh vi cho các khái niệm và dịch vụ thử nghiệm, lập kế hoạch và ra quyết định cũng như nghiên cứu về công nghệ để giải quyết các thách thức mới nổi và phức tạp đối với Singapore.

Bên cạnh đó, VR cũng mang đến nhiều cơ hội cho ngành giải trí. Singapore là cái nôi của những công ty phát triển thực tế ảo hàng đầu thế giới. Họ đặt cược vào những cơ hội to lớn do VR mang lại và đã mê hoặc các game thủ bằng những trải nghiệm chơi trò chơi mới.

Tin mới