Những tờ báo tiền thân của Báo Nghệ An: Những tờ báo của các tổ chức cách mạng và của Xứ ủy Trung Kỳ

Cuối thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỷ XX, Nghệ An là một trong những nơi diễn ra phong trào Cần Vương, Duy Tân chống Pháp và tiếp đó là những cuộc đấu tranh quyết liệt của quần chúng công, nông. Từ khi tên tuổi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nổi lên, từ Nghệ An đã có hàng trăm thanh niên yêu nước xuất dương qua Xiêm, Trung Quốc theo “Đường Kách mệnh”. Khi các tổ chức tiền thân của Đảng ra đời, Nghệ An đã có cơ sở cách mạng rộng khắp, trở thành địa bàn và căn cứ hoạt động của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, Đông Dương Cộng sản Đảng, Tân Việt Cách mạng Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Do vị trí, đặc điểm về kinh tế, chính trị, quân sự, xã hội mà vào nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Nghệ An đã trở thành trung tâm đấu tranh cách mạng của cả nước, nhất là từ khi Xứ ủy Trung Kỳ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, đoàn thể quần chúng, tập hợp lực lượng cách mạng từ năm 1930- 1931.

Tranh vẽ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh của tác giả Nguyễn Đức Nùng.
Tranh vẽ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh của tác giả Nguyễn Đức Nùng.

Tháng 6/1929, Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng cử đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Cung vào Nghệ An lập ra kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ, đặt trụ sở tại làng Vang (nay là phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh) và xuất bản tờ báo mang tên Bônsơvích. Tờ báo in Tuyên ngôn của Đông Dương Cộng sản Đảng và những chủ trương, sách lược tập hợp các tổ chức chính trị. Tuyên truyền đường lối đấu tranh chống đế quốc, phong kiến và bọn tay sai, đoàn kết toàn dân để giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc. In ấn phát hành trong hoàn cảnh bí mật nhưng “Bônsơvích” vẫn đến được với quần chúng công, nông. Mỗi đảng viên là một người phát hành tích cực dũng cảm của báo. Nhiều cơ sở Hội Thanh niên ở Nghệ An đã chuyển thành chi bộ Cộng sản đầu tiên như: Chi bộ Dương Long, Dương Xuân (nay là xã Thanh Lĩnh, Thanh Chương), Chi bộ Tri Lễ (nay là xã Khai Sơn, Anh Sơn), Chi bộ Vạn Phần (nay là xã Diễn Vạn, Diễn Châu), Chi bộ Lộc Đa (nay là xã Hưng Lộc, thành phố Vinh)…

Cùng thời báo Bônsơvích, kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng còn chỉ đạo Tổng sinh hội Nghệ An xuất bản tờ báo mang tên Xích Sinh, tuyên truyền Chủ nghĩa Cộng sản, phê phán tư tưởng cải lương, luận điệu bài xích cộng sản.

Cùng với tờ báo Búa Liềm, cơ quan Trung ương của Đảng, các tờ báo Bônsơvích, Xích Sinh đã tham gia tuyên truyền chủ trương hợp nhất các tổ chức Đảng thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập ngày 3/2/1930, báo Bônsơvích, báo Xích Sinh đăng “Chính cương vắn tắt; Sách lược vắn tắt và Điều lệ vắn tắt” của Đảng. Tờ báo Bônsơvích đã đăng chủ trương thành lập phân cục Trung ương lâm thời ở Trung Kỳ, đặt trụ sở tại Vinh và Đà Nẵng để chỉ đạo xây dựng cơ sở Đảng ở Trung Kỳ. Sự ra đời của hai Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nghệ An gồm Tỉnh bộ Vinh – Bến Thủy và Tỉnh bộ Nghệ An vào tháng 3/1930 cũng được báo Bônsơvích, báo Xích Sinh phản ánh kịp thời. Các đồng chí Nguyễn Phong Sắc – Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Tiềm, Lê Mao trực tiếp chỉ đạo xuất bản và phát hành báo Bônsơvích, báo Xích Sinh đến tận chi bộ Đảng. Đánh hơi được tác động to lớn của báo chí cách mạng đối với công chúng, thực dân Pháp và bè lũ tay sai tổ chức bắt bớ, khám xét một số học sinh, công nhân. Một học sinh của Quốc học Vinh bị đuổi học. Khi Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng chuyển thành Xứ ủy Trung Kỳ (đầu năm 1930), tờ Bônsơvích hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Gần cuối năm 1930, sau cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh mà đỉnh cao là cuộc biểu tình ngày 12/9/1930, trường Quốc học Vinh bị đóng cửa biến thành trại lính, tờ Xích Sinh cũng phải ngừng hoạt động.

Trước khi Xích Sinh ngừng xuất bản, do thành lập các tổ chức Đảng theo ba cấp, Xứ ủy Trung Kỳ quyết định ra tờ báo mang tên Người Lao Khổ. Đây là tờ báo kế tục báo Bônsơvích. Số báo đầu tiên ra vào tháng 4/1930 nhằm tuyên truyền đường lối đấu tranh cách mạng, sách lược cách mạng của Đảng vận dụng vào hoàn cảnh chính trị, kinh tế, xã hội tại miền Trung và từng địa phương. Công việc in ấn, phát hành của tờ báo này đã phải vừa bí mật, vừa phải khẩn trương. Cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ lúc đó chuyển về làng Lộc Đa, Đức Thịnh (nay là xã Hưng Lộc, thành phố Vinh).

Trong các tháng 3, 4/1930, ở Vinh bắt đầu dấy lên các cuộc đấu tranh của thợ thuyền tại các Nhà máy của Thái Hợp, Nhà máy Diêm Bến Thủy, Nhà máy xe lửa Trường Thi, nhà máy rượu Xô-va… đòi tăng lương, giảm giờ làm, đòi chấm dứt nạn ức hiếp và vô cớ sa thải công nhân…

Cuộc biểu tình lớn ngày 1/5/1930 ở Bến Thủy, “Người Lao Khổ” số 2 ra ngày 2/5/1930 đã có tin, bài tường thuật lên án vụ đàn áp đẫm máu của bọn thực dân Pháp và bè lũ tay sai, đồng thời kêu gợi nhân dân: “Cuộc đấu tranh ở An Nam đã đến ngày phải kịch liệt, một người anh em, chị em phải chết thì lại có hàng ngàn, hàng vạn anh em, chị em khác kêu tiếp…”. Cũng ra đời trong thời kỳ tranh đấu này còn có tờ “Chỉ đạo” – một số báo của Xứ ủy Trung Kỳ lúc đó, tôn chỉ, mục đích cũng giống với tôn chỉ, mục đích của tờ Người Lao Khổ.

Sau đó là cuộc biểu tình của hàng vạn người dân huyện Thanh Chương, ngày 1/9/1930, báo “Người Lao Khổ” có đoạn mô tả: “Sớm ngày 1/9, nông dân các xã tụ họp diễn thuyết rồi cờ dong trống đánh đến chợ Rộ và làng Nguyệt Bổng ở hai bờ sông Cả (chỗ huyện lỵ đóng), hai vạn anh em, chị em tụ họp, trên đầu phấp phới 200 lá cờ đỏ vẽ búa liềm và viết các khẩu hiệu…”. Tiếp đó, bài báo có đoạn: “Ở Thanh Chương… không ai đóng thuế chợ và cũng không ai dám thu… anh em tự tha cho Quốc sự phạm, lự chia cho dân cày nghèo đồn điền, kỹ viện và ruộng đất của giai cấp địa chủ”.

Sau đó là vụ biểu tình của 8 ngàn người nông dân của huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn. Ngày 12/9/1930 khi đoàn biểu tình đi đến xã Thái Lão, địch dùng binh lính và cả máy bay ném bom nhấn chìm trong biển máu. Ngày 13/9/1930, tờ “Lao Khổ” – kế tục tôn chỉ, mục đích của báo “Người Lao Khổ” số 13, ra ngày 18/9/1930, có đoạn: “Cuộc đấu tranh dữ dội này cũng như cuộc đấu tranh dữ dội khác ở Thanh Chương, Bến Thủy, Can Lộc, Hà Tĩnh đều do chị em phụ nữ chỉ huy, mà đâu đâu chị em cũng rất dũng cảm hy sinh..”.

Cuối năm 1930 đầu năm 1931, bọn thực dân và tay sai thẳng tay bắt bớ, tù đày và giết hại cán bộ, đảng viên, đồng bào ta ở nhiều nơi. Một số nơi phong trào quần chúng bị lắng xuống (dấu hiệu thoái trào). Báo “Lao Khổ” ra ngày 1/3/1931 viết: “Bênh vực công nhân Vinh – Bến Thủy và nông dân Nghệ Tĩnh bị Đế quốc dụng tâm tàn hại là trách nhiệm chung của công nông trong nước và là công việc quan trọng bậc nhất của công cuộc cách mạng”.

Nhìn lại chặng đường từ tháng 4/1930 đến tháng 3/1931, báo Lao Khổ gần tròn một tuổi, trở thành công cụ tuyên truyền, tổ chức, giác ngộ sắc bén. Đó cũng là chặng đường quần chúng công nông đất Nghệ An vùng lên dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam đấu tranh quyết liệt chống chế độ thực dân, phong kiến.

Trong tình huống hết sức khó khăn nguy hiểm như vậy, mặc dù phải di chuyển địa điểm ở Vinh lên Hưng Nguyên nhưng báo “Lao Khổ” vẫn bám sát chủ trương của Đảng, không rời phong trào quần chúng nửa bước, có được những dòng tin chuẩn xác, những lời bình đầy tâm huyết đối với quần chúng cách mạng xứ Trung Kỳ nói chung và Nghệ An nói riêng.

Truyền đơn vận động nhân dân Nghệ Tĩnh ủng hộ cách mạng Sô Nga những năm 1930 - 1931.
Truyền đơn vận động nhân dân Nghệ Tĩnh ủng hộ cách mạng Sô Nga những năm 1930 - 1931.

Nhằm chỉ đạo phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh, tháng 8/1931, Xứ ủy Trung Kỳ xuất bản tờ báo mang tên “Vô Sản”. Tờ “Vô Sản” tồn tại tới tháng 3/1932.

Tháng 5/1933, trong tổ chức Đảng có biểu hiện tư tưởng cơ hội, dao động trước sự khủng bố trắng của thực dân Pháp và chính quyền Nam Triều, Xứ ủy Trung Kỳ chuyển trọng tâm củng cố tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao ý chí đấu tranh cho đảng viên và quần chúng cách mạng. Xứ ủy Trung Kỳ đã xuất bản tờ báo mang tên “Tự Chỉ trích” nhằm giữ vững lập trường vô sản cho cán bộ, đảng viên.

Để chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Trung, tại Nghệ An, từ tháng 11/1929 đến tháng 12/1942, Xứ ủy Trung Kỳ đã xuất bản nhiều tờ báo với tên gọi khác nhau, có số phát hành tới 3.000 bản từ Thanh Hóa vào tận Đà Nẵng. Ngoài báo của Đảng, Xứ ủy Trung Kỳ còn chỉ đạo đoàn thể quần chúng ra báo như Công Hội đỏ, Học sinh. Xứ ủy Trung Kỳ mà trực tiếp là đồng chí Nguyễn Phong sắc, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu còn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng một số cấp ủy có năng lực viết báo, tổ chức làm báo bí mật và nửa bất hợp pháp giúp các Tỉnh ủy, Huyện ủy ra báo.


Nguồn: Lịch sử Báo Nghệ An (1961 – 2011) – NXB Nghệ An, tháng 11/2011
Ảnh: Tư liệu