Những trường đại học đầu tiên công bố điểm sàn xét tuyển đánh giá năng lực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Một số trường đại học đã công bố điểm sàn xét tuyển từ kết quả thi đánh giá năng lực đợt 1 do Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh tổ chức. Mức điểm nhận hồ sơ từ 600 trở lên.

Năm nay, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh dành 10-15% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực. Trường nhận hồ sơ xét tuyển từ mức điểm 700 cho các ngành Công nghệ thực phẩm, Công nghệ thông tin, Marketing, Quản trị kinh doanh. Mức điểm 650 cho các ngành Kinh doanh quốc tế, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Kế toán.. Các ngành còn lại sẽ nhận hồ sơ từ mức 600 điểm. Năm 2022, điểm chuẩn xét tuyển đánh giá năng lực của Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm có các mức như 600, 680, 700, 750.

Thông báo từ Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ thi đánh giá năng lực đợt 1 do ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức là 600 điểm cho 34 ngành đào tạo. Năm 2022, điểm chuẩn theo kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là 600 điểm.

Đối với Trường ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, tất cả những thí sinh đã tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 ngày 26/3 vừa qua có thể đăng ký xét tuyển vào trường bằng cách đăng ký trực tiếp trên hệ thống chung của ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Nhà trường sẽ thực hiện xét tuyển từ trên xuống.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Năm 2022, điểm chuẩn xét tuyển từ đánh giá năng lực của trường này cao nhất 900 điểm ở ngành Dược học; tiếp đến 800 điểm ở các ngành Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Quản trị kinh doanh, Digital Marketing; tất cả các ngành còn lại từ 650 - 750 điểm.

Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh sẽ nhận hồ sơ xét tuyển từ kết quả đánh giá năng lực mức 650 điểm cho tất cả các ngành. Năm 2022, điểm chuẩn xét tuyển đánh giá năng lực của Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh các ngành đại trà từ 650 đến 900 điểm, trong đó ngành Kinh doanh quốc tế có điểm cao nhất là 900. Đối với chương trình chất lượng cao điểm chuẩn từ 650 đến 785; Chương trình liên kết quốc tế 2 + 2 là 650.

Trường ĐH Gia Định cũng dành 5-10% chỉ tiêu xét tuyển từ đánh giá năng lực. Điểm nhận hồ sơ cho các chương trình đại trà từ 600. Mức điểm sàn của chương trình tài năng từ 700 điểm.

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, cho biết, kết quả phân tích 88.052 bài thi cho thấy điểm trung bình của thí sinh là 639,2 điểm, 152 thí sinh trên 1.000 điểm. Thí sinh có điểm thi cao nhất là 1.091 điểm và thấp nhất 238 điểm.

Đánh giá về phổ điểm của đợt thi này, ông Chính nhận định: “Phổ điểm thi đợt 1 năm 2023 có dạng phân bố chuẩn và trải rộng, thể hiện khả năng phân loại thí sinh cao, thuận lợi cho công tác xét tuyển”.

Thạc sĩ Phùng Quán, Chuyên gia tuyển sinh, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh, phân tích, trong đợt 1 năm 2023 số thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực đạt từ 650 điểm trở lên là 38.046 (năm 2021 là 32.469; năm 2022 là 37.098). Số lượng thí sinh đạt từ 801-1.200 điểm mặc dù giảm nhiều so với năm 2021 nhưng xấp xỉ so với năm 2022.

Theo ông Quán, điểm chuẩn các trường đại học xét điểm kỳ thi này sẽ tương tự năm ngoái nếu không tăng đột biến số thí sinh đợt 2. Trong đó, thí sinh có xu hướng tập trung vào các ngành hot như: Công nghệ thông tin, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Kinh tế quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Quản trị kinh doanh, Báo chí, Truyền thông, Tâm lý học, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Hàn Quốc… Đặc biệt những ngành như Khoa học máy tính, Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu điểm sẽ rất cao so với các ngành khác. Nhiều ngành khác điểm chuẩn sẽ từ 680 - 800 điểm.

Hiện tại có hơn 80 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển vào đại học. Trong đó, có 10 trường thành viên, khoa, viện của ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; 72 trường ĐH ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; 5 trường cao đẳng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh ….

Tin mới