Những vấn đề chính trong tuyên bố G7 sau thượng đỉnh Biarritz

(Baonghean.vn) - Tuyên bố chung cuộc của các nhà lãnh đạo G7 đã được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh tại Biarritz của Pháp trong các ngày từ 24-26/8.
Hội nghị G7 vừa diễn ra trong các ngày 24-26/8 tại Pháp. Ảnh: EPA-EPE
Hội nghị G7 vừa diễn ra trong các ngày 24 -26/8 tại Pháp. Ảnh: EPA-EPE

Lãnh đạo các quốc gia G7 (bao gồm Anh, Đức, Italy, Canada, Mỹ, Pháp và Nhật Bản) đã đưa ra tuyên bố cuối cùng sau khi hội nghị thượng đỉnh tại Biarritz, Pháp khép lại hôm 26/8.

Tuyên bố nêu: “Các nhà lãnh đạo G7 muốn nhấn mạnh sự đoàn kết to lớn của mình và tinh thần tích cực của các cuộc tranh luận. Thượng đỉnh G7 do Pháp tổ chức tại Biarritz đã thành công đem lại các thỏa thuận giữa các nguyên thủ nhà nước và người đứng đầu các chính phủ về một số điểm tóm tắt như sau”.

Các cuộc khủng hoảng khu vực

Về vấn đề Iran, các nhà lãnh đạo G7 khẳng định: “Chúng tôi hoàn toàn có chung 2 mục tiêu: Bảo đảm rằng Iran không bao giờ có được vũ khí hạt nhân và củng cố hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Về Ukraine, tuyên bố nêu rằng “Pháp và Đức sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh định dạng Normandy trong vài tuần lễ tới để đạt được những kết quả hữu hình”.

Trong bối cảnh tình hình tại Libya, các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh rằng “chỉ có một giải pháp chính trị mới có thể đảm bảo sự ổn định của Libya”.

“Chúng tôi kêu gọi một hội nghị quốc tế được chuẩn bị kỹ càng để đưa toàn bộ những bên có lợi ích ngồi lại cùng các chủ thể hữu quan trong cuộc xung đột này. Chúng tôi ủng hộ nỗ lực của Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu nhằm sắp xếp một hội nghị trong nội bộ Libya về vấn đề này”.

Những bất đồng về thương mại

Các nhà lãnh đạo G7 lưu ý rằng, “G7 cam kết với thương mại thế giới cởi mở và công bằng cũng như ổn định của nền kinh tế toàn cầu”.

“G7 muốn cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để cải thiện tính hiệu quả liên quan đến lĩnh vực bảo vệ sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp nhanh hơn và loại bỏ các thực tiễn thương mại không công bằng. G7 cam kết đạt được một thỏa thuận trong năm 2020 để đơn giải hóa các hàng rào kiểm soát và hiện đại hóa hệ thống đánh thuế quốc tế trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)”, tuyên bố khẳng định.

Tin mới