Những vấn đề đặt ra trong việc bố trí người đứng đầu cấp ủy không phải là người địa phương

(Baonghean.vn) - Một trong những định hướng về công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Đảng bộ tỉnh là “cơ bản hoàn thành việc bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không phải là người địa phương”, chủ trương này đang đặt ra một số băn khoăn từ cơ sở.

Nhiều tác động tích cực

Chủ trương luân chuyển cán bộ kết hợp với bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt ở cấp huyện, cấp xã không phải là người địa phương được tỉnh Nghệ An triển khai trong thời gian dài.

Theo chia sẻ của đồng chí Phan Tiến Hải - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nghĩa Đàn, tính từ năm 2000 đến nay, địa phương đã tiếp nhận 8 cán bộ tỉnh về đảm nhận các vị trí lãnh đạo chủ chốt; trong đó 3 người đảm nhận bí thư cấp ủy huyện; 5 người đảm nhận phó bí thư cấp ủy và phó chủ tịch UBND huyện.

Xét ở góc độ tổng thể thì điều này mang đến nhiều tác động tích cực. Ngoài cái được về việc cho cá nhân đi luân chuyển có điều kiện, môi trường cọ xát với thực tiễn để trưởng thành, thì đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị ở địa phương cũng có cơ hội học hỏi, thay đổi cách thức làm việc, từ đó thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách vận hành công việc, vận hành bộ máy tích cực, hiệu quả hơn.

Việc bố trí người đứng đầu cấp ủy không phải là người địa phương ở cấp cơ sở tại huyện Nghĩa Đàn đã tạo ra phong trào tích cực. Ảnh: Mai Hoa
Việc bố trí người đứng đầu cấp ủy không phải là người địa phương ở cấp cơ sở tại huyện Nghĩa Đàn đã tạo ra phong trào tích cực trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Mai Hoa

Tương tự, ở huyện Tương Dương, liên tiếp những năm gần đây đều tiếp nhận cán bộ tỉnh về đảm nhận các vị trí lãnh đạo chủ chốt; trong đó có 2 người nắm giữ vị trí đứng đầu cấp ủy và chính quyền. Bên cạnh cán bộ tỉnh về huyện, Tương Dương cũng thực hiện luân chuyển cán bộ huyện về đảm nhận các vị trí chủ chốt ở cấp xã và luân chuyển ngang từ xã này sang xã khác.

Hiện tại, huyện Tương Dương có 8/17 bí thư cấp ủy cơ sở không phải là người địa phương và 11/17 phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã không phải là người địa phương. 

Đồng chí Mạc Văn Nguyên - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Tương Dương cho rằng: Khi bố trí lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy không phải là người địa phương sẽ không bị chi phối, ràng buộc các mối quan hệ thân tộc, bằng hữu ở địa phương, cho nên trong giải quyết công việc dân chủ, khách quan, công bằng, khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín, bè phái, cảm tình, nể nang.

Mặt khác, tâm lý cán bộ luân chuyển cũng muốn khẳng định vai trò của mình, cho nên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị quyết liệt, tập trung hơn và tạo ra kết quả rõ nét hơn. Phong cách làm việc của một số cán bộ luân chuyển đã góp phần thay đổi phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, góp phần củng cố hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.
Ban Tổ chức Huyện ủy Tương Dương xuống địa bàn có người được tăng cường từ địa phương khác về tìm hiểu. Ảnh: Mai Hoa
Ban Tổ chức Huyện ủy Tương Dương xuống địa bàn có người được tăng cường từ địa phương khác về tìm hiểu. Ảnh: Mai Hoa

Đánh giá về trường hợp cụ thể cán bộ luân chuyển, đồng chí Nguyễn Ngọc Biên - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nghi Lộc cho rằng: Được luân chuyển về đảm nhận chức vụ Bí thư Huyện ủy, đồng chí Phạm Hồng Quang với tâm lý muốn học hỏi, muốn tìm hiểu nên thường xuyên bám sát để tìm hiểu sâu, hiểu đúng cơ sở, cho nên quá trình lãnh đạo, chỉ đạo sát, trọng tâm, tạo hiệu quả cao.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo, đồng chí Phạm Hồng Quang nêu cao tính nêu gương, những việc khó, những chỗ nào khó trong giải phóng mặt bằng, những vụ việc phức tạp đều trực tiếp xuống cơ sở để tuyên truyền, vận động, thuyết phục, trực tiếp đối thoại với người dân. Trong đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ dân chủ, công tâm, khách quan, đảm bảo bố trí đúng người, đúng việc, tạo sự vững tin, động lực cống hiến của cán bộ: khi có năng lực tốt, tinh thần trách nhiệm sẽ được ghi nhận và ngược lại.

Bí thư Huyện ủy trao đổi với cán bộ thôn bản về phát triển kinh tế và bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng kết nạp các quần chúng ưu tú vào Đảng. Ảnh: Mai Hoa
Đồng chí Nguyễn Đình Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Con Cuông trao đổi với cán bộ thôn, bản. Ảnh: Mai Hoa

Hay đối với đồng chí Nguyễn Đình Hùng được luân chuyển giữ chức Bí thư Huyện ủy Con Cuông đến thời điểm này hơn 5 năm cũng tạo được nhiều dấu ấn về phong cách, lề lối làm việc cụ thể, tập trung, quyết liệt; đặc biệt là trong giải quyết các vấn đề ách yếu, khó khăn, bức xúc, tạo động lực phát triển chung của huyện và từng cơ sở; chăm lo giải quyết các vấn đề dân sinh, chăm lo cuộc sống của người dân, nhất là hộ nghèo, hộ khó khăn..., góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền.

Ở phạm vi tổng thể, đồng chí Lê Quốc Khánh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định: Đội ngũ cán bộ được luân chuyển, điều động từ cấp tỉnh về giữ các chức danh chủ chốt cấp huyện đa số là cán bộ trẻ, lãnh đạo cấp sở, ngành của tỉnh.

Lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy trao đổi với cán bộ trong hệ thống chính trị ở xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Mai Hoa
Lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy trao đổi với cán bộ trong hệ thống chính trị ở xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Mai Hoa

Riêng đối với luân chuyển về giữ chức danh bí thư cấp ủy cấp huyện đã là cấp trưởng hoặc cấp phó các sở, ban, ngành cấp tỉnh, có nhiều kinh nghiệm trong môi trường công tác rộng lớn, nên khi được luân chuyển về huyện, các đồng chí bí thư cấp ủy cấp huyện đã cơ bản phát huy được trình độ, năng lực và sở trường công tác của bản thân; quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; có tinh thần trách nhiệm cao, lăn lộn với cơ sở; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Đặc biệt, ở mỗi cán bộ luân chuyển đều tạo được những dấu ấn bằng kết quả lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào của địa phương với nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị.

Tính từ năm 2011 đến tháng 6/2021 đã có 61 cán bộ cấp tỉnh được luân chuyển, điều động và bố trí giữ các chức danh chủ chốt cấp huyện, gồm bí thư, phó bí thư và chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp huyện.
Riêng bí thư cấp ủy cấp huyện không phải là người địa phương, tính đến tháng 6/2021 có 15/21 huyện, thành, thị xã; chiếm tỷ lệ 71,4%, tăng 23,8% so với năm 2015.
Ở thị xã Hoàng Mai, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền luôn tiên phong đối thoại, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng để triển khai
Ở thị xã Hoàng Mai, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền luôn tiên phong đối thoại, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư. Ảnh: Mai Hoa

Cần linh hoạt trong thực hiện

Một trong những định hướng về công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Đảng bộ tỉnh là “cơ bản hoàn thành việc bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không phải là người địa phương”. Bên cạnh đồng tình với chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ, quá trình tìm hiểu ở cơ sở, chúng tôi ghi nhận được một số tâm tư, băn khoăn.

Một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện luân chuyển, điều động, bố trí người đứng đầu không phải là người địa phương phải làm theo chủ trương chung, tuy nhiên để cán bộ, đảng viên và Nhân dân địa phương tiếp nhận “tâm phục, khẩu phục” thì cấp ủy cấp trên phải chú trọng lựa chọn con người vừa có năng lực chuyên môn tốt, vừa có tinh thần trách nhiệm cao và khả năng quy tụ sự đoàn kết, đồng thuận của tập thể. Nếu không thì sẽ là “điểm” khó cho người được luân chuyển, điều động và cho cả địa phương, bởi khi chọn cán bộ không chuẩn thì sẽ ảnh hưởng đến phong trào chung của địa phương.

Phong trào hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo làm nhà ở tại huyện Con Cuông. Ảnh: Mai Hoa
Phong trào hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo làm nhà ở tại huyện Con Cuông. Ảnh: Mai Hoa

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, không quá cứng nhắc phải “phủ sóng” 100% bí thư cấp ủy cấp huyện không phải là người địa phương. Bởi khi được luân chuyển, điều động, bố trí nắm giữ cương vị là người đứng đầu cấp ủy, nếu cán bộ đó không thật sự cầu thị, cầu tiến thì mục đích học tập, rèn luyện để trưởng thành của đội ngũ cán bộ kế cận sẽ khó đạt.

Mặt khác cũng làm ảnh hưởng đến động lực phấn đấu của cán bộ địa phương, bởi trong thực tế, cán bộ ở địa phương, một số có đủ năng lực đảm nhận vị trí người đứng đầu, nghĩa là họ làm được, nhưng lại không được bố trí làm.

Vì vậy, Trung ương và tỉnh cần nghiên cứu để điều chỉnh, có thể bố trí một trong hai vị trí chủ chốt, bí thư cấp ủy hoặc là chủ tịch UBND không phải là người địa phương; nếu một trong hai người này công tâm, khách quan sẽ “điều hòa” được người còn lại. Hoặc có thể áp dụng luân chuyển ngang, bí thư cấp ủy huyện này sang làm bí thư cấp ủy huyện khác và phải chú ý lựa chọn con người nổi trội hơn người cũ ở địa phương để tạo thuận lợi cho người luân chuyển và địa phương tiếp nhận.

Có một số ý kiến khác lại cho rằng, đã là chủ trương thì phải thực hiện đồng bộ, địa phương nào cũng phải làm, tránh huyện làm huyện không, không đảm bảo công bằng. Tỉnh cũng cần có quy chế quy định “hàm” nào thì luân chuyển, bố trí vị trí nào để vừa đảm bảo tính thống nhất, vừa đáp ứng mục tiêu luân chuyển là đào tạo cán bộ và giúp địa phương phát triển. 

Đồng thời không nên thực hiện luân chuyển, bố trí người chỉ còn nhiệm kỳ hoặc chưa đầy nhiệm kỳ công tác đến tuổi nghỉ hưu, bởi như vậy chỉ đạt được mục tiêu bố trí người đứng đầu cấp ủy không phải là người địa phương, nhưng không đạt được mục tiêu  đào tạo cho cán bộ.  

Tin mới