Những vàng câu ven lộng

(Baonghean) - Anh Hoàng Minh Trọng nhìn tôi cười ái ngại: “Chú có đi được không. Nom chú khó mà chịu sóng được”. Thấy tôi khẩn khoản mãi, anh Trọng đưa mắt vẻ dò hỏi người em trai là Hoàng Văn Thủy, rồi cả hai gần như đồng thanh: “Ừ thì chú cứ đi”.

Có thể nói, chuyến biển của tôi với 2 anh em anh Hoàng Minh Trọng và Hoàng Văn Thủy là tình cờ. 

Ấy là sau những ngày mưa kéo dài do mấy cơn bão liên tiếp, tôi chạy xe lòng vòng theo tuyến đường sinh thái Vinh - Cửa Hội - Cửa Lò để mục sở thị xem đời sống người dân vùng cửa biển như thế nào sau những “làm mình, làm mẩy” của thiên nhiên. Từ trên đường nhìn xuống, cả một vùng Cửa Hội nước sông đỏ quạch, nhiều thuyền to, tàu nhỏ neo cả bên bờ, có thuyền nằm hẳn trên dải cát, mũi nghếch dưới tán cây phi lao. Cái cảng cá Cửa Hội bình thường tấp nập là thế nhưng hôm nay mới 9 giờ sáng mà đã vắng hoe. 

Thuyền đi lộng về bên bến. Ảnh: Quốc Sơn
Thuyền đi lộng về bên bến. Ảnh: Quốc Sơn

Tôi dừng xe lại khi bất chợt nhìn thấy bóng con thuyền nhỏ chòng chành bên mép nước. Trên thuyền có 2 người đàn ông dường đang mở cặp lồng dùng bữa. Khi đến gần, thấy có thêm một chị phụ nữ đang lúi húi bê một thùng nhựa loại đựng sơn khá nặng. Ngó vào thùng nhìn thấy những con cá hanh ước chừng mỗi con nặng từ 0,7 - 1kg. Sự xuất hiện của tôi khiến 2 người đàn ông trên thuyền hơi tò mò.  

Người phụ nữ trước khi xách thùng cá đi còn ngoái đầu dặn: “Hai anh em ăn no rồi hãy đi. Bỏ neo đó vô trong bờ cây mà ngồi cho mát”. Một trong 2 người trên thuyền lên tiếng: “Mự khỏi lo. Để lại một con chiều anh em tui về nhắm rượu nhá”. Lúc này, như chợt nhớ sự có mặt của tôi, người đàn ông ngó sang rồi xởi lởi: “Chú ăn cơm với anh em tui”. Người kia cũng lặp lại: “Chú ăn cơm...”. Tôi đứng bên mép nước dưới cái nắng chói chang mà trò chuyện với họ. Khi đã trở nên cởi mở hơn, bữa cơm của họ cũng kết thúc, tôi đã được mời lên thuyền. 

Chiếc thuyền gỗ sơn xanh vừa đủ cho 2 người và khi có thêm tôi nó trở nên chật chội. Thuyền cũng không có mái che, thay vào đó là tấm vải mỏng được dùng cọc tre chống căng lên nhằm tránh cái nắng như thiêu lúc này. Người đàn ông vẻ già dặn hơn với tay lấy bình nước chè rót vào bát đưa cho tôi rồi nói: “Uống tạm bát nước nguội, nắng nôi thuyền bè nỏ có chi”... 

Anh Trọng và Thủy thu bạt chuẩn bị ra khơi. Ảnh: Quốc Sơn
Anh Trọng và Thủy thu bạt chuẩn bị ra khơi. Ảnh: Quốc Sơn

Câu chuyện rộn lên dần cho tôi biết họ là anh em ruột, nhà ở làng Xuân Lộc, xã Nghi Xuân (Nghi Lộc). Người anh là Hoàng Minh Trọng, trông tráng kiện, trẻ trung hơn cái tuổi 52 của mình. Còn người em Hoàng Văn Thủy, 48 tuổi, vóc người dong dỏng, phong thái nhanh nhẹn. Cả hai anh em đều có gương mặt rắn rỏi, phúc hậu của cư dân miệt biển. Họ cũng đi biển, nhưng chỉ làm nghề câu, và  cũng chỉ câu một số loại hải sản nhất định như: cá hanh, cá mú, cá vượt, cá đù…

Trên con thuyền gỗ 8 mã lực, phương tiện dụng cụ hành nghề khá đơn giản. Nơi đuôi thuyền là những cục đá xanh to bằng nắm tay người lớn, vài ba chục miếng phao xốp tự làm, 4 cây sào dài khoảng 3m đặt dọc theo 2 bên mạn, trên mũi thuyền có 2 lá cờ hiệu màu xanh đen sọc vàng trắng bằng cỡ 4 bàn tay. Đặc biệt nhất có lẽ là chiếc thúng đựng vàng câu dài gần 2 lý (1 lý tương đương 1,8km), trên vành thúng cắm chi chít lưỡi câu nhỏ đã buộc với thẻo và cố định vào triêng dây. 

Khi tôi đã ngồi yên vị ở khu vực giữa thuyền, anh Thủy bắt đầu tháo tấm vải che, kéo neo lên mũi, dùng cọc chống đẩy thuyền ra xa bờ. Anh Trọng ngồi sau khởi động máy, cái chân vịt sau một chốc kêu bành bạch rồi cũng xé dòng nước đục đẩy con thuyền mỏng lướt đi. Sẽ không đi xa! Anh Trọng “ra” quyết định. Chúng tôi chỉ chạy hơn 1 lý tính từ điểm xuất phát và ra vị trí cửa lạch để chuẩn bị buông câu. Chỗ này gần với doi cát bồi và có thể nhìn đảo Ngư ở khoảng cách gần. Thủy triều lúc này đang xuống nhanh, doi cát càng nổi cao giữa lạch sông đổ ra biển. 

Tôi ngồi thu mình quan sát 2 anh Trọng và anh Thủy buông vàng câu. Người anh điều khiển con thuyền lựa sóng chạy chậm, còn người em bắt đầu móc mồi vào thẻo lưỡi và thả dây câu. Mồi câu là những miếng dò, loại dò lợn đã được cắt nhỏ bằng đầu ngón tay út. Đây là điều khiến tôi hơi lạ: Cá ăn dò? Anh Trọng giải thích rằng, tùy theo từng con nước để làm mồi câu.

Theo kinh nghiệm đi biển bốn chục năm của anh thì vào mùa nước đục, lũ về nhiều mồi câu thường được làm bằng dò chả lợn hoặc bằng ốc vàng. “Ốc vàng đập vỏ, lấy thân rồi cắt nhỏ rồi móc vào lưỡi câu, đơn giản vậy thôi” - anh Trọng nói. Trên vàng câu với dây triêng dài gần 2 cây số, cách quãng 2m lại buộc một thẻo lưỡi. Những viên đá xanh bằng cổ chân cũng được buộc vào dây triêng thay cho chì. Anh Thủy cho biết, nếu dùng chì “xịn” thì tốn kém vì hay đứt, vậy nên họ dùng đá. Mọi việc diễn ra khá đơn giản nhưng phải mất một tiếng rưỡi anh Trọng và anh Thủy mới thả xong vàng câu.

Thợ “vàng” buông câu. Ảnh: Quốc Sơn
Thợ “vàng” buông câu. Ảnh: Quốc Sơn

Lúc này đã rảnh tay hơn, anh Thủy cho biết, vàng câu của người đi biển cũng giống như loại câu vương mà người ta đánh bắt trên sông hồ. Mùa này chỉ câu được cá hanh, thi thoảng mắt được cá mú, cá đù. Con lớn thì vài cân, nhỏ dăm, bảy lạng. “Vào tiết ít mưa, nước trong mồi dò chả, ốc vàng lại không “nhạy”. Khi nớ chỉ dùng mồi tôm sống là chủ yếu” - anh Thủy vừa bật lửa châm thuốc vừa ngó tôi trao đổi. Được biết hai anh em họ, khi còn trẻ trai theo tàu thuyền đi biển riêng, nhưng cách đây 20 năm về đi chung một thuyền. Lọt sàng xuống nia, được mất cũng trong một nhà cả.

Anh Thủy còn cho biết, ở làng Xuân Lộc nơi cư trú của mình hiện vẫn còn 6 gia đình làm nghề câu biển bằng thuyền máy nhỏ. “Mỗi tháng bình quân mỗi người kiếm được 6-7 triệu đồng. Cũng không phải là không kiếm ăn được, có điều vất vả quá. Cứ theo con nước mà đi. Có khi đi lúc nửa đêm, chập chiều, rạng sáng… nói chung không cố định được” - anh Trọng vừa dừng lời thì anh Thủy chen vào: “Có những hôm may mắn bắt được cá vược vài chục lô cá, vậy là đã có dăm triệu đồng rồi. Cá ngon nhà hàng, khách sạn họ đón mua hết. Những con nhỏ hơn, chị em ở bờ đem lên chợ bán”. Nhưng nguồn cá ngày càng cạn kiệt nên việc theo đuổi nghề câu gần bờ của anh Trọng và em trai ngày càng khó khăn. Vì thế có những ngày họ phải ra đến hòn Mắt, đi vài ngày mới về bờ. Anh Trọng có 4 người con, anh Thủy cũng 4 đứa nhưng chẳng đứa nào theo cha, theo bác đi biển. 

Đã đến lúc thu câu. Vàng cước được kéo lên. Hơn 2 tiếng đồng hồ cho cái việc đơn điệu là kéo triêng lên, gỡ những viên “chì đá”, móc lưỡi trở lại vành thúng. Cả vàng câu gần 2 cây số với 1.000 cái lưỡi nhưng các mú thu chẳng là bao... Tôi cả nghĩ rồi hỏi: “Hay tại em lên thuyền khiến việc câu kéo không may”. Anh Trọng cười: “Không phải rứa. Cơm có bữa, chợ có chiều chú ạ. Sáng nay anh em cũng kiếm được hơn 7 lô rồi, một triệu rưỡi đó chú!”. 

Tôi lén thở phào. Trời đã quá chiều, chúng tôi trở vào bờ. Đêm nay khi con nước bắt đầu lên, họ sẽ lại đi biển.

Quốc Sơn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới