Những vấp ngã trong khởi nghiệp nông nghiệp

 Học từ những vấp vấp của người đi trước có thể giúp những bạn trẻ khởi nghiệp tránh được những đổ vỡ không cần thiết. Xin kể ba câu chuyện...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

1. Trần Cường và những người bạn 9X của mình quyết định bước vào lĩnh vực kinh doanh nông sản sạch - những sản phẩm không phun xịt hóa chất, không thuốc bảo vệ thực vật. Tháng 8-2015, sau một thời gian chuẩn bị, các bạn ra mắt ứng dụng giúp khách hàng có thể đặt rau sạch qua điện thoại thông minh. 

Dự án nhận được đầu tư. Chiến dịch marketing được tung ra với phần quà là những túi rau quả hữu cơ được chuyển từ Đà Lạt về TPHCM dành cho những ai tải ứng dụng đầu tiên. Nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, việc kinh doanh ngừng lại, dự án kết thúc. Lý do: các bạn tình cờ phát hiện ra rằng người phụ trách nguồn cung, một người các bạn quen và tin tưởng, đã không cung cấp nông sản sạch như cam kết. Và như lời người sáng lập dự án chia sẻ, các bạn phải ngưng vì không thể lừa dối người tiêu dùng, không thể để ảnh hưởng đến uy tín của bản thân.

Cần nhìn qua nền tảng kinh nghiệm của các bạn để hiểu câu chuyện. Trong số những người sáng lập dự án, chỉ có một bạn đã có kinh nghiệm khởi nghiệp nhưng trong lĩnh vực giao nhận. Các bạn rành về công nghệ nhưng thiếu kiến thức về nông nghiệp, đặc biệt nông nghiệp hữu cơ. Với ước mơ đẹp, sự háo hức với viễn cảnh được mang những sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng nhưng lại thiếu kiến thức lẫn kinh nghiệm, các bạn sớm tin người phụ trách nguồn cung khi người này dẫn các bạn đi một vườn cà chua canh tác theo phương pháp hữu cơ mà họ thực hiện. "Anh ấy nói chuyện rất hay về nông sản hữu cơ, về kinh nghiệm và những mối quen biết nhà vườn, cộng với thực tế đã thấy những gì anh ấy làm ở vườn cà chua, tụi tôi đã bị thuyết phục, tin rằng anh ấy có thể cung cấp nhiều loại sản phẩm hữu cơ khác mà không kiểm tra", Trần Cường chia sẻ.

Mấu chốt ở Cường là đã tin mà không kiểm tra bởi như Cường nói, đã hợp tác mà không tin nhau thì thật khó. Đúng rằng hợp tác mà không tin nhau thì thật khó nhưng nếu các bạn không xây dựng được cơ chế minh bạch để kiểm tra và ràng buộc lợi ích để xây dựng và duy trì niềm tin thì việc tin tưởng cũng chỉ là "tưởng rằng tin" mà thôi.

2. Tìm được nguồn nông sản sạch đã khó nhưng giữ được triết lý kinh doanh nông sản sạch là khó hơn gấp bội phần. Hãy tượng tượng nhóm của bạn đang kinh doanh nông sản sạch. Thương hiệu, tạm gọi ABC dù đây là một câu chuyện có thật, đã được xây dựng. Khách hàng trung thành đã có. Tuy vậy công ty vẫn bấp bênh lúc lời, lúc lỗ. Một số thành viên sáng lập bắt đầu lung lay niềm tin. Bỗng có một khách hàng, chính xác là một hàng, đến đặt hàng với số lượng lớn, không nhất thiết phải sạch theo nghĩa không phun xịt hóa chất.

Sản phẩm có thể mua ở chợ đầu mối miễn phải đảm bảo mức giá và giao hàng tận nơi, đúng giờ. Nhận lời đề nghị này hay không? Quan điểm giữa những người sáng lập đã bắt đầu va chạm. Ý kiến thứ nhất cho rằng nên nhận đơn hàng vì mọi việc dễ dàng; mua đi bán lại, lợi nhuận thấy ngay trước mắt. Điều này rất quan trọng đặt trong bối cảnh công ty gặp khó khăn về tài chính. Lý lẽ được nhóm này đưa ra là chúng ta vẫn bán nông sản sạch cho khách hàng tại cửa hàng và vẫn bán đơn hàng bình thường cho khách hàng lớn vừa rồi. Tất cả rõ ràng. Mọi việc đều có thỏa thuận và chúng ta không lường gạt ai hết.

Ý kiến thứ hai phản đối vì cho rằng nếu nhận đơn hàng này, nhóm đã không giữ được triết lý kinh doanh như ban đầu đặt ra. Nhóm này cho rằng vị khách đến từ nhà hàng đang mua thương hiệu sạch của họ chứ không phải mua sản phẩm của họ. Hãy hình dung tình huống thực khách - nhóm khách hàng thứ cấp đến nhà hàng - và nhìn thấy rau được lấy từ cửa hàng ABC chuyên kinh doanh nông sản sạch.

Điều gì xảy ra? Rõ ràng, chúng ta không cố ý lừa gạt những vị khách hàng thứ cấp nhưng rất có thể họ đã bị lừa gạt. Hai bên hai ý kiến. Đúng hay sai? Nên hay không nên? Họ không tìm được tiếng nói chung và việc chia tay là điều có thể thấy được. Hãy nghĩ đến thách thức này nếu bạn quyết tâm đi theo con đường kinh doanh nông sản sạch.

3. Trong một hội thảo về nông nghiệp hữu cơ gần đây tại TPHCM, một doanh nghiệp giới thiệu họ nuôi và cung cấp thịt heo, gà... hữu cơ với chứng nhận của một tổ chức đến từ Nhật Bản. Tuy vậy, hai chữ hữu cơ là hữu cơ theo suy nghĩ của họ chứ không phải theo chuẩn của một đơn vị cấp giấy chứng nhận nào cả. Và ngay như tổ chức đến từ Nhật Bản cũng thừa nhận qua e-mail trao đổi với TBKTSG Online rằng họ không có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hữu cơ. Chứng nhận mà họ cấp chỉ là chứng nhận xanh cho sản phẩm nuôi theo công nghệ của họ. Như vậy, ở đây có sự thiếu rõ ràng với người tiêu dùng. Có thể sản phẩm của anh rất tốt nhưng minh bạch là điều cần thiết. Vì không hẳn ai cũng biết chứng nhận Nhật Bản nên xin lấy một ví dụ tương tự để so sánh cho dễ hiểu. Giả sử rằng sản phẩm của anh đạt chứng nhận GlobalGAP nhưng GlobalGAP là GlobalGAP, dù nó có an toàn thì cũng hoàn toàn khác với chứng nhận hữu cơ.

Tạm không xét đến góc nhìn từ phía người tiêu dùng. Hãy nghĩ đến nhưng đối thủ cạnh tranh. Khi bạn lập lờ trong việc đưa thông tin về sản phẩm, đó sẽ là kẽ hở mà đối thủ cạnh tranh sẽ khai thác. Hiện tại bạn vẫn chiếm vị trí tốt trên thị trường và chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh. Tuy vậy, xin đừng chủ quan. Làm được đến đâu, nói đến đó. Trong kinh doanh, minh bạch luôn là điều được đánh giá cao.... 

Theo Nông nghiệp Việt Nam

TIN LIÊN QUAN

Tin mới