Những vi phạm trong sản xuất, kinh doanh giống lúa Khang dân cải tiến (DCG72)

(Baonghean) - Chưa có tên trong danh mục các giống cây được phép sản xuất kinh doanh nhưng giống lúa Khang dân cải tiến (DCG72) trong giai đoạn sản xuất thử đã được bán trên thị trường các địa phương trong tỉnh. Bên cạnh đó, là sự mập mờ về trợ giá, giữa “sản xuất thử” và “sản xuất đại trà”…

Bày bán trôi nổi trên thị trường

Ông Hoàng Đình Lâm - Kế toán HTX dịch vụ Nông nghiệp Thanh Hà cho biết, sau khi xóm trưởng Hoàng Văn Nam phát hiện giống lúa Khang dân cải tiến được bày bán tại “đại lý chợ đen” đã báo cáo với HTX. Xác định thông tin của ông Nam chính xác, HTX cũng đã báo sự việc lên chính quyền xã.

Ông Lâm khẳng định, dù đã làm việc với Công ty CP VTNN huyện Thanh Chương nhưng các vấn đề người dân thắc mắc vẫn chưa được làm rõ. Và điều này đang khiến HTX dịch vụ Nông nghiệp Thanh Hà gặp khó khi phải thu tiền giống của người dân để thanh toán (tổng kinh phí là 26.560.000 đồng). 

 Phóng viên Báo Nghệ An nắm bắt thông tin tại cơ sở bán lúa giống của bà Phan Thị Hằng.
Phóng viên Báo Nghệ An nắm bắt thông tin tại cơ sở bán lúa giống của bà Phan Thị Hằng.

Cùng ông Hoàng Đình Lâm kiểm tra 2 bao lúa giống Khang dân cải tiến mà ông Hoàng Văn Nam lưu giữ thì thấy rằng, mẫu mã bao bì hoàn toàn giống nhau. Mặt trước của 2 bao cùng in các dòng chữ quảng bá: Hạt giống lúa chất lượng cao; giống lúa: DCG72 (Khang dân cải tiến); thời gian sinh trưởng cực ngắn; năng suất cao; chất lượng gạo ngon; sản phẩm hợp tác giữa: Trung tâm giống cây trồng Việt Nam và Nhật Bản – Viện Nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm giống cây trồng Nghệ An… và có cùng trọng lượng 1kg.

Còn mặt sau, ngoài những thông tin kỹ thuật; nơi sản xuất và đóng gói là Trung tâm giống cây trồng Nghệ An; và cùng có “tem” trên đó ghi rõ ký hiệu lô giống X16.03; ngày sản xuất: tháng 4/2016;hạn sử dụng tháng 4/2017 và “bảo hành chất lượng”.

Tìm đến cơ sở bán lúa giống ở xã Thanh Hà, gặp chị Phan Thị Hằng - chủ cơ sở xác nhận, đầu vụ hè thu 2016, chị có nhập 80 kg giống lúa Khang dân cải tiến về bán. Nhưng hầu hết người dân trên địa bàn đặt mua qua HTX nên không bán hết và chị đã trả lại hàng tồn cho nơi lấy hàng.

Nói về nguồn hàng, theo chị Hằng thì “lấy từ đại lý Hùng Oanh ở Đô Lương với giá nhập vào là 16.000 đồng/kg”. Chị Hằng liên lạc qua điện thoại với chủ cơ sở và cho biết: Đại lý Hùng Oanh ở xã Yên Sơn, huyện Đô Lương; chủ đại lý là ông Tăng Văn Hùng. Chị Hằng chủ yếu nhập phân bón của đại lý Hùng Oanh, thỉnh thoảng lấy ít lúa giống về bán cho người quen. Với giống lúa Khang dân cải tiến, vì giá người dân mua giống tại Hợp tác xã là 17.000 đồng/kg nên chị cũng chỉ bán ra như vậy.

Đại lý Hùng Oanh nằm ngay cửa ngõ thị trấn Đô Lương và là một cơ sở bán lúa giống khá lớn trên địa bàn huyện Đô Lương. Tại đây, chủ đại lý là ông Tăng Văn Hùng cho biết, đã lấy giống lúa Khang dân cải tiến từ Trung tâm giống cây trồng Nghệ An với giá chỉ… 14.000 đồng/kg. 

Sau đó, ông cứ thế phân phối lại cho các cơ sở ở tuyến xã như trường hợp của chị Phan Thị Hằng ở xã Thanh Hà để họ bán lại cho người dân. Đại lý Hùng Oanh đã nhập bao nhiêu lúa giống Khang dân cải tiến? - “Tôi nhập đúng 1 tấn” - ông Hùng trả lời. Vậy giá bán lại cho các đại lý là bao nhiêu? - “Tôi bán với giá 15.000 đồng/1kg” – ông Hùng khẳng định.

Vi phạm nghiêm trọng

Từ những thông tin có được, chúng tôi có buổi làm việc với đại diện Trung tâm giống cây trồng Nghệ An là ông Ngô Xuân Thân - Phó Giám đốc và bà Lương - Phó phòng Hành chính. Theo ông Thân, giống lúa Khang dân cải tiến (DCG72) là giống lúa thuần được nghiên cứu cải tiến từ giống lúa Khang dân 18; do Dự án JICA (Nhật Bản) phối hợp với Trung tâm phát triển cây trồng cải tiến - Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu, tuyển chọn. 

Trung tâm giống cây trồng Nghệ An là đơn vị được UBND tỉnh và Sở NN&PTNT giao nhiệm vụ triển khai nghiên cứu, khảo nghiệm, đánh giá và chuyển giao trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ năm 2014 đến nay. Hiện tại, giống lúa Khang dân cải tiến đang trong giai đoạn sản xuất thử. Giá 1kg lúa Khang dân cải tiến là 32.000 đồng, nhưng vì đang “sản xuất thử” nên người dân được hưởng trợ giá 15.000 đồng/kg từ “nguồn sản xuất kinh doanh của đơn vị”.

Đặt ra vấn đề, người dân là đối tượng được hưởng trợ giá, nhưng họ phải chịu mức giá cao hơn giá tại các “đại lý chợ đen”. Ông Thân và bà Lương cho rằng không có chuyện giống lúa Khang dân cải tiến bán trôi nổi tại thị trường vì trung tâm chỉ giao lúa giống cho các đại lý cấp 1 của mình (trong đó có đại lý Hùng Oanh - PV) để bán cho người trực tiếp sản xuất 17.000 đồng/kg. 

Vậy có bao giờ xảy ra trường hợp các đại lý của trung tâm đem lúa giống bán ra thị trường?  “Không thể có chuyện đó. Trung tâm đều có những cam kết với các đại lý về vấn đề này!”, bà Lương trả lời. Lại hỏi: Cam kết của các đại lý với trung tâm được thực hiện như thế nào? Có văn bản thể hiện cam kết hay không? (không trả lời). (PV) hỏi tiếp: Trung tâm giao cho đại lý bán lúa giống cho người sản xuất đồng giá 17.000 đồng/kg; vậy đại lý làm công không cho trung tâm?. - “Đây là bí quyết kinh doanh của Trung tâm, không thể tiết lộ cho báo chí”. 

Bông lúa Khang dân cải tiến hạt nhỏ, tỷ lệ lép cao, số lượng hạt ít.
Bông lúa Khang dân cải tiến hạt nhỏ, tỷ lệ lép cao, số lượng hạt ít.

Khi PV tiếp tục hỏi: Trung tâm khẳng định nguồn trợ giá lúa Khang dân cải tiến là từ nguồn hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Vậy sao trong Thông báo về cơ chế chính sách hỗ trợ giá gửi UBND huyện Thanh Chương thì lại nêu nguồn hỗ trợ thực hiện từ nguồn ngân sách Kế hoạch sự nghiệp nông nghiệp Ngành năm 2016 và nguồn phát triển của đơn vị? Sau một lúc lý giải, rốt cuộc, ông Ngô Xuân Thân bào chữa: “Công văn gửi báo có lỗi văn bản...”; và ông đề nghị lùi thời giao trao đổi để chuẩn bị tài liệu rồi cung cấp thông tin đầy đủ. “Chúng tôi cũng chưa biết là Báo Nghệ An cần những thông tin gì” - ông Thân nói.

Trở lại Trung tâm giống cây trồng Nghệ An theo lịch hẹn, chúng tôi được ông Thân cung cấp một số tài liệu có nội dung liên quan đến kinh phí trợ giá, giá giống lúa Khang dân cải tiến trong vụ hè thu 2016. Trong đó đáng lưu ý là dự toán chi tiết kinh phí không giao tự chủ (thuộc Quyết định 204/QĐ-SNN.KHTC ngày 21/3/2016 của Sở NN&PTNT) cho Trung tâm giống cây trồng Nghệ An khảo nghiệm sản xuất giống lúa DCG72 (Khang dân cải tiến, ngắn ngày). 

Theo dự toán này, giống lúa Khang dân cải tiến sẽ được thực hiện với tổng diện tích 200 ha, trên địa bàn các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Đô Lương, Yên Thành…; thời gian thực hiện từ tháng 5 đến tháng 9. Tổng kinh phí ngân sách Nhà nước cho việc khảo nghiệm là 287 triệu đồng, trong đó, hỗ trợ giống cho người sản xuất là 180 triệu đồng/12 tấn lúa giống. Trung tâm đã bán bao nhiêu lúa giống Khang dân cải tiến trong vụ hè thu 2016? “Chúng tôi bán khoảng 60 tấn. Tương ứng với khoảng 1.000 ha…” - ông Thân cho biết.

Tại Điều 8 (Trình tự sản xuất thử), Quyết định số 95/2007/QĐ-BNN của Bộ NN&PTNT về quy định công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới nêu rõ: “Tổ chức, cá nhân có giống sản xuất thử hoặc được ủy quyền sản xuất thử được chuyển giao giống cho người sản xuất và phải thực hiện các yêu cầu sau: Hướng dẫn cụ thể quy trình kỹ thuật trồng trọt của giống sản xuất thử cho người sản xuất; có hợp đồng hoặc danh sách ghi rõ tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất thử, thời gian, số lượng giống được chuyển giao; theo dõi đánh giá giống trong quá trình sản xuất thử và phải bồi thường hoặc hỗ trợ thiệt hại nếu do giống gây ra”.

Vậy nên chúng tôi đã khảo sát việc thực hiện quy định này của Trung tâm giống cây trồng Nghệ An đối với người dân xã Thanh Hà và một số xã ở huyện Hưng Nguyên. Qua đó khẳng định không có hợp đồng hay một văn bản cam kết nào với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất được Trung tâm giống cây trồng Nghệ An thực hiện. Thậm chí, ngay cả việc hướng dẫn quy trình, kỹ thuật trồng trọt… cũng không!.

Nói về nội dung này, Xóm trưởng xóm 13, xã Thanh Hà, ông Hoàng Văn Nam cho rằng: “Vì trong thông báo với dân, Khang dân cải tiến là giống sản xuất đại trà nên làm gì họ thực hiện những chuyện đó. Về kỹ thuật, chúng tôi cứ theo những nội dung ghi trên bao bì để thực hiện gieo trồng...”.

Pháp lệnh số 15/PL-UBTVQH năm 2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Giống cây trồng nghiêm cấm các hành vi sản xuất, kinh doanh giống cây trồng không có trong Danh mục các giống cây được phép sản xuất kinh doanh. Với giống lúa Khang dân cải tiến, mới qua giai đoạn khảo nghiệm rõ ràng là chưa có tên trong Danh mục các cây trồng được phép sản xuất kinh doanh, vì vậy sẽ không được phép kinh doanh tự do trên thị trường.

Và vì vậy, khẳng định việc Trung tâm giống cây trồng Nghệ An sản xuất, đóng bao có nhãn mác không ghi đầy đủ nội dung, phó mặc đại lý của mình cung ứng ra thị trường là đã vi phạm pháp lệnh. Bên cạnh đó, việc đưa vào sản xuất thử nhưng không thực hiện hợp đồng cam kết, hỗ trợ kỹ thuật đối với người sản xuất… cho thấy Trung tâm giống cây trồng Nghệ An đã “phớt lờ” các quy định tại Quyết định số 95 của Bộ NN&PTNT. Với các vi phạm như vậy của Trung tâm giống cây trồng Nghệ An đã khiến phải đặt ra câu hỏi: Vì sao với một dự án có sự hợp tác của nước ngoài mà trung tâm này dám làm bừa, làm ẩu như vậy?

Nhóm PVĐT

(còn nữa)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới