Những y, bác sỹ trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Trong cuộc chiến chống Covid-19 và nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác, những y, bác sỹ của chuyên ngành truyền nhiễm đang nỗ lực hết mình vì sức khỏe cộng đồng...

Sụt 4kg vì dịch   

Ngày 14/2 là một ngày như bao nhiêu ngày khác từ sau Tết Nguyên đán đến nay của bác sỹ Nguyễn Trọng Di - Phó trưởng Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An. Trong bối cảnh căng thẳng phòng, chống dịch bệnh Covid-19, những văn bản - kế hoạch - phương án, cuộc họp, tập huấn, các cuộc kiểm tra giám sát, điều tra dịch tễ và phân loại, về cơ sở lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và đưa người nghi nhiễm về khu cách ly, điều trị... cứ cuốn lấy vị bác sỹ này khiến anh đã không còn một giây phút nào nghỉ ngơi. Dịch bệnh chưa về nhưng bác sỹ  Di đã “kịp” sụt 4 kg; râu tóc đã lởm chởm, lòa xòa trên mặt.

Bệnh viện HNDK tỉnh hiết lập khu cách ly tại cơ sở y tế sẵn sàng thu nhận bệnh nhân
Khu cách ly được thiết lập, sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh tư liệu Từ Thành 

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ bàn về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vào cuối buổi sáng ngày 14/2, Nghệ An nhận được chỉ đạo của Bộ Y tế về việc lấy mẫu phẩm của 3 lái xe, phụ xe ở thị xã Thái Hòa đưa đi xét nghiệm virus Corona. Sở Y tế Nghệ An đã yêu cầu đoàn công tác của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An lập tức lên đường thực hiện nhiệm vụ... Trưa cùng ngày, bác sỹ Di và các cán bộ Trung tâm lại được thưởng thức bữa trưa “quen thuộc” suốt 2 tuần nay gồm bánh mì và nước suối ngay trên ô tô.

Việc lấy mẫu cho 3 lái, phụ xe ở TX Thái Hòa xuất phát từ một văn bản có nhiều thông tin sai lệch của Ban Quản lý Bến xe khách Việt Trì (Phú Thọ). Song với phương châm “chống dịch như chống giặc”, Bộ Y tế và Sở Y tế Nghệ An đã không chủ quan trong mọi tình huống. Cuộc giám sát, lấy mẫu phẩm ở TX Thái Hòa của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An đã diễn ra không thật sự thuận lợi. 1/3 người cần lấy mẫu đã không thật sự hợp tác khi “hẹn ngược, hứa xuôi” từ chiều lại đến tối sẽ gặp đoàn để thực hiện khai báo dịch tễ và lấy mẫu phẩm. Chỉ đến khi Trung tâm điện báo sẽ nhờ cơ quan công an vào cuộc thì người này mới xuất hiện để lấy mẫu và được nghe hướng dẫn thực hiện tự cách ly tại gia đình.

Công việc lấy mẫu hoàn tất vào lúc 1 giờ 45 phút ngày 15/2, dòng cảm xúc bác sỹ Di đăng lên chất chứa cảm xúc “Từ Tết đến giờ chưa có thời gian giành cho Mẹ Con nhưng Bố vẫn luôn sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ vì sức khỏe nhân dân và bên cạnh Bố luôn có Mẹ Con sát cánh. Cảm ơn Em, Tình yêu của Anh...”.
s
Trung tâm Bệnh Nhiệt đới là nơi tập hợp vô vàn bệnh truyền nhiễm mà bất cứ một sơ suất, thiếu chu đáo trong kiểm soát nhiễm khuẩn thì bệnh tật sẽ lây lan cho chính các y, bác sỹ, người nhà bệnh nhân và lây chéo giữa các bệnh nhân. Ảnh tư liệu Thành Cường

Bác sỹ Nguyễn Trọng Di cho biết: “Tính chất dịch bệnh, công việc đã khiến tôi và đồng nghiệp “bận tối mặt mày” từ ngày mùng 1 Tết đến nay. Thú thật ngoài việc làm công tác tư tưởng cho người dân, cộng đồng để tránh hoang mang cũng như không chủ quan với dịch bệnh, bản thân tôi cũng phải làm công tác tư tưởng cho vợ và gia đình vì chồng đi biền biệt, thường xuyên tiếp xúc với nguy cơ bệnh dịch. Thường xuyên tiếp xúc với dịch bệnh, nói không sợ thì không phải nhưng chúng tôi hiểu rõ về bệnh nên biết cách dự phòng cho bản thân. Tuy nhiên, vẫn phải nói rằng: Rủi ro thì không một ai có thể lường hết được. Song đã làm nghề y, làm công tác dự phòng thì ai cũng xác định tư tưởng, tâm thế tất cả vì sức khỏe cộng đồng. Từ tư tưởng đó mà luôn cố gắng hết sức thực hiện tốt nhất việc phòng, chống dịch bệnh trước hết vì trách nhiệm, sau vì lòng yêu nghề...”.

Tính đến thời điểm này, Nghệ An đã có 18 trường hợp nghi nhiễm. Những trường hợp này ở rải rác khắp tỉnh. Với mỗi trường hợp nghi nhiễm, đó là một cuộc chiến thật sự, nơm nớp âu lo. Rất may, đến thời điểm này, cả 18 trường hợp này đều được loại trừ, kết quả xét nghiệm âm tính. Công tác kiểm soát phòng dịch ở vòng ngoài đang được thực hiện tốt, xác suất dịch vào Nghệ An rất thấp. Tuy nhiên, Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, chưa dự đoán được thời điểm nào kết thúc.

Các cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An đã, đang và sẽ “gồng mình” với các loại dịch bệnh... Ảnh tư liệu: PV-CTV
Các cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An đã, đang và sẽ “gồng mình” với các loại dịch bệnh... Ảnh tư liệu: PV-CTV

3 giờ sáng về đến nhà, 6 giờ sáng bác sỹ Di và các đồng nghiệp của mình đã dậy “súc miệng” với hơn 10 cuộc điện thoại nắm bắt và báo cáo về tình hình dịch bệnh. Bây giờ đang là mùa Đông Xuân - mùa của một số dịch bệnh liên quan đến đường hô hấp như cúm A, H1N1, H3N2, cúm mùa và các bệnh khác như sởi, thủy đậu, quai bị. Ngoài Covid-19, các bệnh nói trên cũng rất đáng sợ, đặc biệt là các dịch bệnh tái nổi với độc lực mạnh mẽ hơn. Các cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An đã, đang và sẽ “gồng mình” với các loại dịch bệnh...                                             

Những khuôn mặt hằn vết khẩu trang

Còn tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, mỗi ngày, 13 bác sỹ và 14 điều dưỡng vẫn khám ngoại trú cho khoảng 160 - 220 bệnh nhân và điều trị nội trú khoảng chừng ấy người. Những bệnh nhân đó có người nhiễm H, có người viêm gan, mắc uốn ván, bị chó dại cắn, sốt xuất huyết, sởi, mắc ký sinh trùng... Về cơ bản, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới là nơi tập hợp vô vàn bệnh truyền nhiễm mà bất cứ một sơ suất, thiếu chu đáo trong kiểm soát nhiễm khuẩn thì bệnh tật sẽ lây lan cho chính các y, bác sỹ, người nhà bệnh nhân và lây chéo giữa các bệnh nhân.

Tiến sỹ Quế Anh Trâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho biết: “Trước nguy cơ dịch bệnh Covid-19, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới nhanh chóng hình thành 3 khu cách ly, sẵn sàng đón bệnh nhân. Từ đầu mùa dịch đến nay, Trung tâm đã đón 6 bệnh nhân nghi mắc Covid-19. Tất cả bệnh nhân đều được y, bác sỹ chăm sóc, điều trị chu đáo, đảm bảo an toàn và nhanh chóng hồi phục. Hỏi chuyện về kỷ niệm chăm sóc bệnh nhân nghi mắc Covid-19, một bác sỹ ở Trung tâm lẳng lặng cho xem một dòng xúc cảm của y, bác sỹ nào đó đăng trên mạng xã hội: “Không khỏi chạnh lòng khi thấy các đồng nghiệp mặc quần áo phòng hộ trong suốt ca làm việc, mồ hôi ướt sũng, mặt hằn vết khẩu trang, nước không được uống và thậm chí không dám đi vệ sinh trong suốt ca làm việc. Rồi cũng không khỏi chạnh lòng khi đang vui mừng thông báo "chúc mừng anh, kết quả xét nghiệm Covid-19 của anh âm tính" thì được phủ luôn vào mặt "Bác sĩ gì mà ngu thế, không chẩn đoán được luôn mà giờ mới biết là âm tính à"... Vị bác sỹ này cũng cho biết thêm: “Có buồn nhưng không trách họ đâu bởi họ là người bệnh mà!”.

Tin mới