Niềm thương cảm khi phiên tòa khép lại!

(Baonghean.vn) - Dù được chủ tọa phiên tòa liên tục nhắc nhở cách xưng hô nhưng chỉ được một lúc, bị cáo lại xưng bằng tên của mình với tòa ''May không biết May làm thế là phạm tội''...

Phiên tòa xét xử bị cáo Moong Thị May (SN 1985, trú xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn) diễn ra vào một buổi sáng cuối tháng 10. Dự phiên tòa xét xử có chồng May, chị gái trong họ và 3 người bên gia đình bị hại. Không giống như những phiên tòa khác, những người trong gia đình bị cáo và bị hại lại không có sự thù oán hay thể hiện thái độ tức giận, căm phẫn lẫn nhau. Họ đều trú ở huyện biên giới Kỳ Sơn, đi cùng chuyến xe xuống dự phiên tòa. 

Bị cáo Moong Thị May bị truy tố vào tội ''mua bán người'', mà May không chỉ bán 1 người, May bán tận 4 người sang Trung Quốc. Trong đó, có 3 người trốn được về Việt Nam rồi làm đơn tố cáo May đến cơ quan công an, còn 1 người nữa là do May tự khai nhận. May nói ''hồn nhiên'' đến mức như không hề biết việc làm đó là phạm pháp. Mà thật vậy, May thừa nhận điều đó trước tòa. 

Bị cáo Moong Thị May trước tòa. Ảnh: Phương Thảo
Bị cáo Moong Thị May trước tòa. Ảnh: Phương Thảo

May sang Trung Quốc năm 2009, kết hôn với 1 người đàn ông nước này rồi sinh sống cùng chồng và bố chồng tại đây. Bố chồng và chồng nói với May nếu có ai ở địa phương muốn sang Trung Quốc lấy chồng thì họ sẽ liên hệ tìm người mua với giá từ 6 - 6,5 vạn Nhân dân tệ (tương đương từ 180 triệu đến 195 triệu đồng tiền Việt Nam) tùy theo sắc đẹp của từng người và họ sẽ trích tiền hoa hồng cho May. 

Tháng 3/2013, May đưa Moong Thị Tích (SN 1990, trú bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn) sang Trung Quốc. May đã cùng bố chồng bán Moong Thị Tích cho một người đàn ông Trung Quốc với giá 6 vạn Nhân dân tệ (tương đương khoảng 180 triệu đồng tiền Việt Nam). May đã đưa cho gia đình Tích 2 lần với số tiền 80 triệu đồng. Moong Thị May được hưởng lợi 30 triệu đồng từ việc bán Moong Thị Tích và đã chi tiêu cá nhân hết số tiền trên. 

Lần thứ hai, tháng 7/2013, Moong Thị May đưa Moong Thị Ly (SN 1996, trú bản Huồi Thum, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn) sang Trung Quốc và bán cho 1 người đàn ông nước này với giá 6 vạn Nhân dân tệ. Vì cuộc sống ở Trung Quốc quá khổ cực nên Ly gọi điện thoại cho May nói muốn trốn về Việt Nam và May cũng giúp Ly về nước. 

Ngoài Moong Thị Tích và Moong Thị Ly, May còn khai nhận đã bán chị Moong Thị Giang (trú tại bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn) và chị Xeo Thị Măng (trú tại bản Thảo Đi, xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn) cho người Trung Quốc. 

Khi chủ tọa phiên tòa nói: ''Bị cáo bán nhiều người sang Trung Quốc, bị cáo nhận thức được hành vi sai trái của mình chưa'?'', May bắt đầu khóc ''Những người đó hỏi May sang Trung Quốc có nghề gì để kiếm tiền không, May bảo sang đó thì chỉ cần lấy chồng là có tiền. Mọi người đồng ý đi nên May đưa họ sang đó..''

''Tại phiên tòa, người bị đưa ra xét xử phải xưng hô là bị cáo...'', chủ tọa phiên tòa ngắt lời. 

''Dạ bị cáo giờ đã biết mình sai, nhưng trước đó May chỉ nghĩ đưa họ sang đó lấy chồng Trung Quốc như May..'', Moong Thị May vừa khóc vừa nói. 

Câu trả lời của Moong Thị May với những cụm từ xưng hô lẫn lộn và cả cái cách May nói khiến bất cứ ai có mặt tại phòng xử án đều tin rằng lời May nói là thật. Những câu hỏi của hội thẩm nhân dân và đại diện Viện kiểm sát sau đó, May cũng đều trả lời rất đầy đủ, đầy đủ đến từng chi tiết, kể cả những điều gây bất lợi cho May. 

Xét thấy bị cáo thành khẩn khai báo, nhận thức pháp luật còn hạn chế, HĐXX đã tuyên phạt Moong Thị May 5 năm tù. Theo dõi chăm chú toàn bộ diễn biến phiên tòa, chồng May - người đàn ông mặc chiếc áo nâu cũ theo kiểu của người dân tộc Khơ mú, lặng lẽ nhìn vợ từ xa. Nghe tòa tuyên án, anh đưa mắt nhìn vợ đầy thương cảm. 

''Sao anh để May sang Trung Quốc lấy chồng rồi phạm tội mua bán người như thế?'' - Tôi hỏi.

''Mình mới cưới May hồi đầu năm mà, May có 3 chồng đấy, mình là chồng thứ 3, người chồng đầu hay đánh đập May nên cô ấy bỏ sang Trung Quốc, ở Trung Quốc cũng sống khổ sở nên về Việt Nam. Mình thương May nên cưới cô ấy về làm vợ'' - chồng May đáp. 

''Vợ chồng anh có con chưa?

''Mình với May có 2 cháu, 1 cháu 9 tháng tuổi, còn 1 cháu đang ở trong bụng May đó, mới có 2 tháng thôi. May còn có 2 người con nữa, 1 đứa là con với chồng đầu tiên và 1 đứa là con với chồng Trung Quốc. Mình cũng đang nuôi đứa con riêng của May với chồng Trung Quốc. Nhưng mà thương May lắm, cô ấy không biết mình làm thế là sai, cứ nghĩ như là tiền thách cưới ở trên quê mình thôi''. 

''May đang mang bầu 2 tháng, sao cô ấy không trình bày hoàn cảnh với tòa để được xem xét?'', tôi ngạc nhiên hỏi. 

"May không biết nói thế đâu, tòa hỏi gì thì cô ấy mới nói thôi'', chồng May nói rồi đưa ánh mắt nhìn vợ. 

Phiên tòa xét xử bị cáo Moong Thị May khép lại, ai nấy đều cảm thấy thương cảm cho cô gái người dân tộc Khơ mú. Hẳn đó cũng là thực trạng đáng quan tâm hiện nay về nhận thức pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số. 

Phương Thảo

TIN LIÊN QUAN

Tin mới