Niềm vui con chữ trên những bản làng

(Baonghean.vn) - Cùng góp phần tạo dựng nên thương hiệu đất học, những người con của miền Tây xứ Nghệ nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng hằng năm đều mang về những thành tích cao tại kỳ thi tuyển sinh đại học. Tự hào hơn cả khi đó là những học trò nghèo trên những mảnh đất xa xôi đã vượt qua chính mình để thành công.

Từ ngày nhận được tin em Lê Minh Quân (sinh năm 1998, Nghĩa Hồng, Nghĩa Đàn) là một trong 16 thí sinh của tỉnh là con em dân tộc thiểu số đạt điểm cao trong kỳ thi đại học vừa qua, ngôi nhà nhỏ của gia đình em luôn đầy ắp tiếng cười và lời chúc mừng từ bạn bè, thầy cô và họ hàng. Sau 12 năm miệt mài đèn sách, nay Quân đã sắp sửa trở thành tân sinh viên của Đại học Y Hà Nội với số điểm  25.4. Tự hào hơn khi em chính là thí sinh đạt điểm số cao nhất đại diện cho con em đồng bào dân tộc Thổ ở Nghệ An. 

Em
Em Lê Minh Quân bên góc học tập của mình.

Bố mẹ Quân chia tay khi em còn nhỏ nên em đã sớm tự lập. Quân nổi trội là cậu bé thông minh, chăm học và học giỏi, nhất là môn toán. Trong suốt những năm học phổ thông, em luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi môn toán của huyện. 3 năm cấp 3 em là học sinh giỏi toàn diện của trường.

Không có nhiều điều kiện để tham gia các “lò” luyện thi, em chọn cho mình phương pháp tự học, học từ thầy cô, bạn bè. Em chủ yếu tự học ở nhà, nắm vững những kiến thức thầy cô giáo trên lớp, nếu chưa hiểu mới tham khảo cùng các bạn để tìm ra cách giải hay nhất. 

chú thích
Quân trong ngày nhận bằng khen tại lễ tuyên dương 16 học sinh dân tộc thiểu số đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia của tỉnh.

Với thiên hướng học tốt khối B và niềm yêu thích trở thành bác sỹ tương lai, em đã quyết tâm theo đuổi ước mơ trở thành một bác sỹ đa khoa. Và nay, ước mơ ấy của em đã trở thành hiện thực khi em sắp sửa trở thành tân sinh viên của Khoa Đa khoa, Đại học Y Hà Nội. Khi được hỏi về bí quyết giúp em đạt được thành tích trên, em chỉ cười khiêm tốn và cho rằng bản thân mình vẫn chưa làm được gì nổi trội, còn bí quyết thì chẳng có gì nhiều ngoài sự quyết tâm để rèn luyện bản thân mình trong học tập, là sự giúp đỡ nhiệt huyết của thầy cô và sự ủng hộ của chính người mẹ của mình.

Chia tay mảnh đất Nghĩa Đàn nắng gió, nối tiếp mạch nguồn trên chặng đường hiếu học, chúng tôi đến với vùng đất rẻo cao của bản Phà Nọi ( Đọc Mạy, Kỳ Sơn), nơi có em Lầu Y Bầu là đại diện duy nhất của người Mông trong 16 thí sinh là con em dân tộc thiểu số đạt điểm cao trong kỳ thi đại học năm này.  Bản Phà Nọi nơi em sống chủ yếu là bà con người Mông. Em là con thứ 3 trong một gia đình có 6 anh chị em và gia đình của em vẫn đang thuộc diện hộ nghèo của bản. Cuộc sống của Bầu sớm đã gắn liền với sự đói nghèo, là những ngày lên rẫy cùng mẹ hay đi rừng của bố, cả gia đình chưa được một bữa no thực sự. 

chú thích.
Lâu Y Bâu cùng em gái tại nhà của mình ở bản  Phà Nọi (Đọc Mạy, Kỳ Sơn)

Sống trong hoàn cảnh khó khăn đã giúp em sớm trưởng thành, và em hiểu rằng chỉ thành công trên con đường học vấn mới giúp em nâng đỡ gia đình nhỏ của mình thoát khỏi cái nghèo cái đói đeo bám bấy lâu. Học xong tiểu học, từ năm cấp 2 em theo học tại trường huyện. Vì nhà xa cách trường hàng chục km đường rừng nên em phải ở lại trong khu nội trú. 

Lên cấp 3, Lầu Y Bầu rời Kỳ Sơn để tiếp tục con đường học tập của mình tại Trường Dân tộc nội trú của tỉnh. Tại đây, em đã chứng minh mình là người có sức học nổi bật, đặc biệt là khối C. Và Lầu Y Bâu (sinh năm 1988) là một trong những ngọn đuốc sáng trong mạch nguồn hiếu học của mảnh đất nghèo xứ Nghệ khi đạt 23, 75 điểm khối C và trở thành tân sinh viên của trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội.

chú thích
Em Bâu nhận hoa và bằng khen của đồng chí Lê Minh Thông và trưởng ban Dân tộc miền núi tỉnh tại lễ tuyên dương 16 học sinh dân tộc thiểu số đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua.

Còn rất nhiều tấm gương sáng trên hành trình học tập ở mảnh đất nghèo vùng cao xứ Nghệ. Trong năm học 2015 - 2016 vừa qua, tổng số học sinh 11 huyện miền núi là 264.612 em, trong đó số em học sinh là dân tộc thiểu số đạt 108.470 người. Trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, Nghệ An có 16 em thuộc dân tộc thiểu số đạt tổng điểm 3 môn trên 23,75 điểm.

Còn đó nhiều tấm gương học sinh thiểu số hiếu học. Có thể kể như: Em Nguyễn Văn Đức (Nghĩa Thọ, Nghĩa Đàn) là thí sinh có điểm thi khối B cao nhất huyện Nghĩa Đàn với 27,35 điểm; Nguyễn Hồng Nhung (Tân Phú, Tân Kỳ) thủ khoa khối A của huyện Tân Kỳ với số điểm 26,85, 12 năm liền đạt học sinh giỏi;  em Trần Thị Yến, thủ khoa khối C trong vòng một thập niên của trường THPT Anh Sơn 1 với tổng điểm 26,25.

 Thanh Quỳnh

TIN LIÊN QUAN

Tin mới