Nịnh

Một trong những điều thú vị và lạ lùng nhất của đôi tai con người có lẽ là năng lực tiếp nhận những lời khen ngợi. Hình như chưa một lời khen nào bị ngược đãi và hình như chưa có một lời chê bai nào được tiếp đón hồ hởi bất kể nó tấn công hoặc ve vãn đôi tai giản dị hay sang chảnh. Có những kẻ thèm thuồng và sẵn sàng ngấu nghiến mọi lời khen mặc cho tổ hợp lời khen ấy chưa lướt qua bất kỳ một sự kiểm định chất lượng dù sơ sài nào. Háu khen cũng là một bệnh, sự nặng nhẹ của “bệnh nhân” còn tùy thuộc vào hoàn cảnh, trình độ, tính cách của mỗi người. Chính sự huyễn hoặc bản thân cộng với những cơn đói khen kinh niên đã đẩy không ít người vào tình thế bất lực trước sự nhiễu loạn của ma trận thật giả. “Bệnh nhân khoa hám khen” không còn đủ tỉnh táo và khôn ngoan để phân biệt đâu là lời khen, đâu là lời nịnh bợ.

Nịnh không chỉ là bệnh mà là bệnh nặng, đã nặng lại còn mãn tính. Nguy hiểm hơn là nó đã vừa thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm lại vừa có khả năng gây nghiện. Chính thứ bệnh không gây sát thương tại chỗ này đã và đang âm thầm đốn hạ nhân cách, thao túng và thôn tính các mối quan hệ lành mạnh trong đời sống xã hội. Có không ít kẻ sống, làm việc, học tập sau đó “trưởng thành” vùn vụt chỉ nhờ ba tấc lưỡi. Vâng, lưỡi của những người này là cơ quan uốn lượn siêu đẳng nhất, nó, chính nó đã uyển chuyển đưa chủ nhân qua tất cả mọi cửa ải. Những cái lưỡi mềm nhũn nhưng nguy hiểm cứ đều đặn và nhẹ nhàng kéo chủ nhân đi lên. Trước những diễn biến ngang nhiên và khó lường của cái lưỡi, đồng thời cũng là trước những yếu đuối của các cặp tai bị mê hoặc, người ta đã buộc phải “tuyên chiến” với vấn nạn này. Đề án “Văn hóa công vụ” vừa được chính thức ban hành. Không ngạc nhiên khi trong đó thẳng thừng gọi tên bệnh nịnh: “Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên. Không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ; không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng”, đề án nêu rõ.

“Trung ngôn nghịch nhĩ”, lời nói thẳng rất khó lọt tai người, trong lúc lời nói “cong” thì mềm mại, len lỏi và thấm sâu vào mô mềm của bộ phận thính giác. Khen cũng như là thuốc, sẽ rất tuyệt vời khi ngấm vào tâm khảm, nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu sử dụng quá liều. Khốn khổ nhất, khó khăn nhất là chúng ta trở thành nạn nhân của những lời khen, hoặc là quá liều dẫn đến say, hoặc là những lời khen đểu dẫn đến ngộ độc! Khen khác với nịnh, nhưng khổ nỗi đôi khi chúng ta không phân biệt được đâu là lời khen và đâu là lời nịnh.

Nịnh chính là lời khen bị xuyên tạc hóa, khi người ta lợi dụng lời khen để tâng bốc một cách thái quá hòng trục lợi thì gọi là nịnh. Quá dễ cho việc nhận diện đám này nếu chúng ta là người ngoài cuộc. Thôi thì họ nịnh đủ thứ trên đời, đôi khi chỉ nghe lỏm mà cũng nổi da gà. Chuyện góp ý cho cấp trên theo kiểu “Tôi nghiêm khắc phê bình đồng chí thủ trưởng vì đã quá lăn lộn với công việc mà quên chăm lo sức khỏe cá nhân” đã trở thành giai thoại rồi. Giờ thì văn hóa nịnh cũng bắt nhịp thời đại chứ không ấu trĩ vụng về vậy nữa. Với sếp nữ thì chao ôi là muôn sự đẹp, “chị mới đi spa về à, trời ơi da chị dạo này cứ trắng mịn như là da em bé ấy”. “Chị mua cái váy này ở đâu mà nó hợp thế không biết, mặc vào cứ vòng nào vòng nấy cứ tôn hết cả lên, mà người chị không mặc cái váy kiểu này nó cũng phí các đường cong đi”. Chưa hết, đó chỉ là phần đầu của chương một. Sau những màn có tính chất chào hỏi ấy là phải khen “chị” thông minh, giỏi giang, quyết đoán đa tài và đừng quên nhắc là “chị còn tiến sâu tiến xa nữa cơ”! Có thành phần lại còn tỉ tê theo kiểu “Chị cẩn thận với con A, cái B, nó không tử tế  như chị em mình đâu”. Về quê lên với chị thể nào cũng có mấy miếng cá thu và dăm chục quả “trứng gà nhà” và tất nhiên lời ban tặng cũng rất “cơm nếp” rằng, “cho em được chăm cái thân suốt ngày lặm lụi việc nhà, việc nước tý chứ”. Trời ạ, các em nó “mịn” thế thì chị nào mà chả xiêu. Khổ, biết là nịnh mà vẫn không thoát được nịnh. Những đứa giỏi nịnh hầu hết nằm trong danh sách “sống biết điều” cả. Ví dụ về các chị thế cho nó “bình đẳng giới” thôi chứ mỗi khi đã “nghiện” rồi thì sếp nào mà chẳng thích nghiêng tai cho kẻ khác rót mật. Có anh nọ lặn lội về tận quê thủ trưởng ghi chép toàn bộ các ngày giỗ, Tết, rồi tiên phong áp dụng “bốn chấm không” bằng cách ghi chú vào điện thoại. Cứ mỗi lần giai điệu chuông nhắc việc quen thuộc cất lên là anh ta lại tiền vàng, hương khói mò đến quê sếp cho nó “phải đạo làm người”. Kinh. Thủ trưởng xúc động quá bèn hỏi “Sao cậu biết mà về?”, “Dạ, em cũng chả hiểu nữa, cứ đến gần ngày giỗ cụ nhà anh là lòng em lại cứ như lửa đốt”. Nghe mà lạnh người. Trơ trẽn thế mà không phải ai cũng nhận ra, hoặc có nhận ra thì không phải cũng có khả năng đề kháng. Đám nịnh bợ thường cùng danh sách với đám thủ đoạn, tráo trở và cơ hội. Thừa nhận “đội” này là thừa nhận sự rình rập của hiểm nguy.

Cuộc sống thật tẻ nhạt và bức xúc nếu chúng ta chỉ nhồi nhét cho nhau sự chỉ trích, chê bai, nhưng cuộc sống thật đáng sợ nếu chúng ta chỉ dành cho nhau những lời ngợi khen giả dối. Nịnh bợ lấy lòng cấp trên là một vấn nạn không phải mới mẻ, cũng không hề dễ chữa. Câu chuyện người thầy vĩ đại Chu Văn An từ áo quan về ở ẩn khi thất bại trong việc trừ khử bọn nịnh thần chưa bao giờ nguội.

Trở lại với đề án “Văn hóa công vụ” quy định cấp dưới không được nịnh bợ cấp trên, xin phép mạo muội giãi bày vài suy nghĩ như này: Thứ nhất, nếu chỉ quy tội nịnh bợ cho mỗi cấp dưới e là chưa công bằng. Nói thật, cấp trên mà không “nhận” thì ai dám “cho”. Với một vị quan chính trực chắc chắn không một lời nịnh hót nào đủ duyên dáng để lọt qua vòng sơ loại chứ đừng nói chui vào lộng hành. Chỉ khi phát hiện cấp trên háo nịnh, hay nói cách khác chỉ khi cấp dưới thấy nịnh “ngon ăn”  thì mới hè nhau đánh vần chữ nịnh. Vậy để “chống nịnh” có lẽ nên phải mở van hai chiều, trị cả người nịnh lẫn người tiêu hóa nịnh. Thứ hai là nếu quy định cấp dưới nịnh cấp trên vậy thì có được phép xua đuổi tệ cấp trên nịnh cấp dưới hay không? Mỗi dịp trước kỳ bỏ phiếu tín nhiệm sếp lại dạo một vòng, gặp ai cũng thủ thỉ theo kiểu “Chú chưa vào quy hoạch là tổn thất lớn cho cơ quan” thì nằm trong “ô” nào của đề án “Văn hóa công vụ”? Vấn đề thứ ba là làm sao để quy tội cho kẻ nịnh? Bản chất của nịnh là sự lừa dối nhưng công cụ nào để rạch ròi giữa nịnh và khen? Nịnh bây giờ “tinh tế” lắm, có những kẻ nịnh bợ thuộc hàng “nghệ nhân” tinh quái, qua mặt mọi “rào cản kỹ thuật” một cách nhẹ hều.

Chúng ta đang hướng tới một nền hành chính văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp và trong sáng. Chữa bệnh nịnh là mệnh lệnh của hành chính nhưng cũng là tâm nguyện của nhân dân, tuy nhiên nó cũng giống như cai nghiện vậy, phải từng bước, phải quyết tâm từ chính các “con nghiện”, việc này chưa bao giờ là dễ cả!

Thôi thì đề án cũng đã ban hành, cứ thực hiện rồi sẽ chỉnh lý dần dần còn tốt hơn là không có gì để thực hiện. Việc thẳng thừng gọi tên văn hóa nịnh trong đề án cũng đã là một nỗ lực lắm rồi. Với tôi thì đây là bản đề án về văn hóa công vụ cụ thể, công phu và tiến bộ nhất từ trước đến nay, thật đấy, không nịnh đâu!