Nỗ lực tạo nguồn cho chi bộ vùng đặc thù

(Baonghean.vn) - Phát triển đảng viên là nhiệm vụ quan trọng để tạo nên sức mạnh, sự lan tỏa của tổ chức Đảng ở cơ sở. Điều này càng có ý nghĩa “sống còn” đối với tổ chức Đảng tại vùng đặc thù ở xã biên giới Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn).

Tích cực tìm nguồn kế cận

Xã Mỹ Lý được biết đến là địa phương có đường biên giới đường bộ dài nhất trong 27 xã có chung đường biên giới với nước bạn Lào ở Nghệ An với tổng chiều dài gần 44 km. Đây cũng là địa phương có địa bàn khó khăn nhất, có số hộ nghèo cao nhất tỉnh. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể cùng đồng bào các dân tộc Kinh, Thái, Mông, Khơ Mú nơi đây đã phát huy khối đoàn kết, ổn định cuộc sống, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo quốc phòng - an ninh nơi địa đầu Tổ quốc.

Đời sống kinh tế - xã hội của người dân xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) ngày càng được nâng lên. Ảnh: Hồ Phương
Cuộc sống của người dân xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn). Ảnh tư liệu: Hồ Phương

Để phát triển Đảng và hệ thống chính trị cơ sở, công tác phát triển đảng viên được Đảng ủy xã phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Mỹ Lý và chính quyền các đoàn thể chú trọng. Điều đó đã đem lại kết quả tích cực trong quá trình thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 10/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An về “Xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm đối với các xã có khối, xóm bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và các khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016-2020.

Đến nay, 12/12 bản của xã Mỹ Lý đều duy trì tổ chức Đảng với số lượng đảng viên từ 6 đồng chí (trong 1 chi bộ) trở lên. Toàn Đảng bộ xã hiện có 338 đảng viên và mỗi đảng viên luôn nỗ lực cùng cấp ủy và các đoàn thể tích cực phát hiện, bồi dưỡng những quần chúng ưu tú giới thiệu cho tổ chức Đảng. Riêng trong năm 2020, có 8 quần chúng đã được cử đi học lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng và có 2 đồng chí đã được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam, hiện có 6 hồ sơ quần chúng ưu tú đã hoàn thiện, đề xuất xem xét kết nạp vào Đảng.

Việc phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú càng phải có những bước chắc chắn để tạo sự vững chắc cho chi bộ, chống nguy cơ “tái trắng” bản không có chi bộ và tạo sự lan tỏa của tổ chức Đảng ở mỗi bản làng.

Đồng chí Lô Văn Liệu - Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lý

Kết quả trên là sự nỗ lực rất lớn đối với vùng đặc thù còn nhiều khó khăn của xã Mỹ Lý. Bởi, theo đồng chí Lô Văn Liệu - Bí thư Đảng ủy xã, địa hình các bản xa trung tâm xã, dân cư sống thưa, hệ thống giao thông dù có cải thiện nhưng còn khó khăn, nhất là thường sạt lở vào mùa mưa. Điều khó nhất trong tìm nguồn cho các chi bộ là hầu hết công dân trong độ tuổi đi học tập, lao động xa; còn phần lớn quần chúng ở lại bản, xét về tiêu chuẩn khó đạt và ít người có nguyện vọng vào Đảng. Trong hoàn cảnh như vậy, việc phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú càng phải có những bước chắc chắn để tạo sự vững chắc cho chi bộ, chống nguy cơ “tái trắng” bản không có chi bộ và tạo sự lan tỏa của tổ chức Đảng ở mỗi bản làng.

Một góc xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Nguyên Sơn
Một góc xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Nguyên Sơn

Nỗ lực vượt qua khó khăn

Xã Mỹ Lý có 12 bản, trong đó có 8 bản người Thái, 3 bản đồng bào Mông và 1 bản người Khơ Mú sinh sống. Có những bản làng hiện ô tô chưa thể vào được như Xốp Dương, Chà Nga, Piêng Vai, Nhọt Lợt, Huồi Pún… đường giao thông thường bị sạt lở gây khó khăn cho đi lại.

Ở những bản này, từ trung tâm xã đi bằng xe máy vào mất gần 1 buổi. Trong số đó, có những bản từng vượt qua “vùng trắng” chi bộ theo Đề án 01 của Tỉnh ủy như Piêng Vai, Huồi Pún. Hiện 2 chi bộ bản Piêng Vai, Huồi Pún đang phải tăng cường đảng viên là Bộ đội Biên phòng và cán bộ xã về sinh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Qua trao đổi, đồng chí  Lô Văn Liệu - Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lý chia sẻ: Mặc dù những chi bộ bản nêu trên được Bộ đội Biên phòng giúp đỡ nhưng vẫn có những khó khăn nhất định, khi số lượng đảng viên ít nhưng lại thường đi ở rẫy lâu ngày hoặc một số đồng chí đi làm ăn xa theo từng đợt dài ngày. Vì vậy, nhiều lúc, việc triệu tập sinh hoạt chi bộ định kỳ cũng có những khó khăn nhất định. Cùng đó, công tác dân vận, lan tỏa của một số đảng viên chưa được phát huy… Trên cơ sở đó, Đảng ủy xã tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Mỹ Lý tăng cường hỗ trợ các chi bộ duy trì vai trò lãnh đạo, cùng các đoàn thể thực hiện tốt nhiệm vụ đặt ra.

Cán bộ Đồn Biên phòng Mỹ Lý giúp đồng bào trên địa bàn làm lúa nước. Ảnh: Xuân Sơn
Cán bộ Đồn Biên phòng Mỹ Lý giúp đồng bào trên địa bàn làm lúa nước. Ảnh: Xuân Sơn

Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ đường biên, cột mốc, đấu tranh phòng chống tội phạm ở vùng biên, Đồn Biên phòng Mỹ Lý còn thực hiện có hiệu quả công tác tăng cường giúp đỡ 2 xã Mỹ Lý và Bắc Lý. Đặc biệt, trong thực hiện Đề án 01 của Tỉnh ủy, đơn vị tích cực nắm tình hình, khảo sát thực tế, từ đó xây dựng kế hoạch giúp đỡ theo khả năng, điều kiện của từng bản, từng xã.

Sau hơn 4 năm thực hiện Đề án 01, Đồn Biên phòng Mỹ Lý đã giúp 2 xã bồi dưỡng, kết nạp 17 đảng viên ở các bản (trong tổng số 108 đảng viên kết nạp trong 4 năm qua của 2 xã). Hiện có 6 cán bộ, sỹ quan đang tăng cường về Đảng ủy 2 xã và 4 chi bộ sinh hoạt, góp phần nâng cao vai trò tổ chức đảng ở vùng biên.

Cán bộ tăng cường phải thường xuyên trao đổi với Đảng ủy xã và các đảng viên để linh động hơn trong việc tổ chức sinh hoạt của những chi bộ đặc thù hàng tháng. 

Đại úy Nguyễn Xuân Sơn - Phó Chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ Lý

Theo Đại úy Nguyễn Xuân Sơn - Phó Chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ Lý, mỗi cán bộ tăng cường thường xuyên trao đổi với Đảng ủy xã và các đảng viên để linh động hơn trong việc tổ chức sinh hoạt của những chi bộ đặc thù hàng tháng. Theo đó, có thể tổ chức sinh hoạt chi bộ lồng ghép cùng với những dịp triển khai kế hoạch sản xuất, tập huấn trồng trọt, truyền thông về dân số… Bởi khi đó, các đảng viên và các hộ gia đình thường trở về bản sau chuyến đi rẫy dài ngày hoặc đi làm ăn xa để tham gia các hoạt động trên.

Đồn Biên phòng Mỹ Lý tuyên truyền, vận động người dân vùng biên phòng chống dịch Covid-19. Ảnh Xuân Sơn
Đồn Biên phòng Mỹ Lý tuyên truyền, vận động người dân vùng biên phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Xuân Sơn

Còn nhiều khó khăn tạo “sức nặng” lên mỗi đảng viên vùng biên khi cuộc sống phải dành nhiều lo toan “cơm áo, gạo tiền”, nhưng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy cơ sở và các đảng viên là bộ đội Biên phòng, vai trò của các chi bộ đảng ở các bản làng đang từng bước được củng cố. Sự nỗ lực đó, để mỗi đảng viên là người đồng bào dân tộc ở vùng biên sẽ phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, lan tỏa cách làm ăn mới, xây dựng bản làng đẹp hơn, tiếp tục chung sức cùng lực lượng chức năng giữ yên biên cương Tổ quốc.  

Tin mới