Nỗ lực vì Syria - nhân đạo và lợi ích thiết thân

(Baonghean) - 2 nỗ lực quốc tế lớn nhằm chấm dứt những đau thương đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại Syria đã được đưa ra trong tuần này. Nỗ lực thứ nhất là tại Geneva, nhằm tìm ra một giải pháp chính trị và điều này dường như khó có khả năng thành công, bởi vậy các bên liên quan tỏ ra khá miễn cưỡng và hoài nghi. Nỗ lực thứ 2, tại London, nhằm quyên góp tài chính để hỗ trợ các nạn nhân chiến tranh - và triển vọng về vấn đề này có vẻ hứa hẹn hơn.

Người di cư Syria hiện đang trong tình cảnh thiếu thốn trăm bề. Ảnh: AFP.
Người di cư Syria hiện đang trong tình cảnh thiếu thốn trăm bề. Ảnh: AFP.

Theo chính phủ Anh, chủ nhà đứng ra tổ chức hội nghị quyên góp vừa diễn ra hôm 4/2, hồi năm ngoái Liên hợp quốc chỉ gây quỹ được 3,3 tỷ USD trong tổng số tiền cần có là 8,4 tỷ USD để giúp đỡ hàng triệu người bị mất nhà cửa, tha phương cầu thực do chiến tranh liên miên tại Syria. Khoản thiếu hụt tài chính này đã buộc Chương trình Lương thực Thế giới phải giảm bớt viện trợ lương thực cho người tị nạn tại Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với đó là gây trở ngại cho việc cung cấp đầy đủ các dịch vụ trường học, chăm sóc y tế và những nhu cầu cơ bản khác của cuộc sống.

Chưa hết, còn một điều nữa mà nhiều người sẽ cảm thấy ái ngại và có phần hổ thẹn khi nhắc tới. Đó là việc phần đóng góp của Mỹ, Anh và Đức chiếm tới khoảng 50% viện trợ dành cho Syria trong năm 2015, trong khi hầu hết các quốc gia thành viên giàu có khác của châu Âu tụt xa lại phía sau. Báo chí phương Tây cũng “dèm pha” khi Nga, quốc gia đã đẩy nhanh chiến dịch ném bom tại Syria trong thời điểm diễn ra hòa đàm tại Geneva, chỉ đóng góp khoảng 0,1% tổng giá trị viện trợ.

Sau 5 năm chiến tranh kéo dài và chưa có dấu hiệu chấm dứt, người di cư Syria hiện rơi vào cảnh ngộ khốn cùng, khổ trăm bề. Những người dân của quốc gia bị chiến tranh giày xéo liên miên ngay giữa chảo lửa Trung Đông giờ đây không chỉ thiếu thốn thực phẩm mà họ còn cần nhiều hơn thế. Và không chỉ chính bản thân họ, mà ngay chính những quốc gia đang cho họ nương náu cũng rất cần bổ sung nhiều việc làm, nâng cấp cơ sở hạ tầng và hệ thống giáo dục. Lấy một ví dụ minh họa, ai cũng thấy rằng Liên minh châu Âu đang phải vật lộn trong cuộc chiến nhằm xoay xở để tiếp nhận 1 triệu người di cư (chiếm tới 0,2% dân số của toàn khối EU), thế nhưng xét riêng trường hợp đất nước Liban, hiện số trẻ di cư có gốc gác Syria tại các trường học của quốc gia này đã tăng lên ngang ngửa với số trẻ Liban bản địa, đó là chưa tính đến rất nhiều thanh niên Syria khác đang trú thân tại đây - tạo ra cục diện hết sức khó khăn đối với Liban.

Trong khi đó, tại Jordan, 1,4 triệu người di cư đang phát đi những tín hiệu cho thấy quốc gia này phải đối mặt với những sức ép tột độ về nguồn cấp nước sạch, nguồn điện sản xuất, cùng với đó là sự thiếu hụt các cơ sở y tế, trường học,... vốn dĩ đã không lấy làm “dư dả” trong thời gian qua. Chính phủ Jordan đã phải gồng mình huy động thêm các nguồn lực, một phần thể hiện ở việc các khoản chi tiêu của chính phủ đã tăng thêm 38%, trong khi nền kinh tế đã chững lại đáng kể do các tuyến đường thương mại tới châu Âu và phần đa khu vực lại bị chia cắt bởi chiến tranh và những hành vi khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Anh và Đức, cùng với Mỹ đã đóng góp khoảng 50% tổng viện trợ cho các nạn nhân chiến tranh Syria. Ảnh: Reuters.
Anh và Đức, cùng với Mỹ đã đóng góp khoảng 50% tổng viện trợ cho các nạn nhân chiến tranh Syria. Ảnh: Reuters.

“Tin tốt lành” là làn sóng người di cư tăng đột biến đổ xô về lục địa già trong mùa hè vừa qua dường như đã góp phần khẳng định lại với cả các quốc gia tiếp nhận người di cư lẫn những “mạnh thường quân” quyên góp ủng hộ họ rằng khả năng trở về nhà của những người di cư đến từ Syria chưa phải là nhãn tiền. Sau nhiều bàn bạc và cân nhắc, hôm 3/2, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu đã công bố chương trình trị giá 900 triệu USD nhằm tài trợ các dự án tư nhân dành cho cả người di cư lẫn công dân bình thường tại Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ. Và theo nhiều nguồn tin, ngân hàng trên cũng sẽ sớm bắt đầu các hoạt động tương tự tại Liban - quốc gia dang tay đón nhận không ít cảnh đời bất hạnh trong nhiều ngày qua.

Được biết, một phần nguồn tiền dùng để trang trải cho những nỗ lực này sẽ phải đến từ các quốc gia hảo tâm có mặt tại chương trình ở London. Người ta chẳng nghi ngờ gì về viễn cảnh hội nghị sẽ kết thúc bằng một loạt cam kết đầy ấn tượng, với những con số không hề nhỏ, cũng như những gì ghi nhận được tại các hội nghị trước. Chỉ khác một điều, lần này, các mạnh thường quân cần phải cùng nhau giữ vững những hứa hẹn, cam kết của họ, đừng để xảy ra tình trạng “nói nhiều, làm ít”.

Đến nay, sau 5 năm, cuộc khủng hoảng tại Syria vẫn là một thảm họa nhân đạo dù xét từ cấp độ khu vực hay toàn cầu. Do vậy, có thể nói rằng những mất mát, thiệt hại mà cuộc chiến phi nghĩa dai dẳng ở chảo lửa Trung Đông đang dồn gánh nặng lên vai không của riêng ai. Cho tới khi các bên cũng nhau nỗ lực tìm ra một hướng đi đúng đắn cho bài toán khủng hoảng ở Syria, chấm dứt những tranh đấu, bom đạn tàn khốc ở quốc gia này, tính toán duy nhất có thể trụ vững lại hết sức đơn giản. Đó là, các quốc gia giàu có và thịnh vượng cần chìa tay giúp đỡ hơn 5 triệu người di cư rải rác khắp khu vực, nếu không muốn những người này ồ ạt tiến vào lãnh thổ quốc gia của mình và kéo theo những vấn đề thậm chí còn nan giải hơn. Nói cách khác, giờ đây sự giúp đỡ của các nước giàu không đơn thuần xuất phát từ góc độ nhân đạo, tuân thủ những nghĩa vụ quốc tế, mà hơn hết hành động của họ còn phải bắt nguồn từ lợi ích thiết thân.

Thu Giang

(Theo Bloomberg)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới