Nợ thuế của Nghệ An so với cùng kỳ giảm 507 tỷ đồng

(Baonghean.vn) - Báo cáo của Cục Thuế Nghệ An cho biết tính đến 31/3/2021, nợ thuế của Nghệ An còn 928 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm trước 507 tỷ (năm 2020 là 1.435 tỷ đồng).

3 tháng đầu năm 2021, toàn ngành thuế Nghệ An đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để thu hồi nợ đọng thuế. Đến thời điểm 31/3/2021, tổng  nợ của toàn ngành thuế là: 928 tỷ đồng, trong đó Văn phòng Cục Thuế là 421 tỷ đồng, khối các Chi cục Thuế là 507 tỷ đồng, so với cùng kỳ giảm 570 tỷ đồng.

Trong đó, các sắc thuế nợ chính: Giá trị gia tăng: 369 tỷ đồng, chiếm 40% so với tổng nợ; Tiền phạt, tiền chậm nộp: 249 tỷ đồng, chiếm 26,7% so với tổng nợ; Tiền thuê đất: 100 tỷ đồng, chiếm 11% so với tổng nợ.

Biểu đồ về cơ cấu nợ thuế. Đồ họa: Lâm Tùng
Biểu đồ về cơ cấu nợ thuế. Đồ họa: Lâm Tùng 

Ông Vương Đình Chinh - Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ Cục Thuế Nghệ An cho biết: Thời gian vừa qua, Cục Thuế tỉnh Nghệ An đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp quản lý nợ thuế như: Giao chỉ tiêu thu nợ cho từng phòng; Giao chỉ tiêu thu nợ bổ sung; thực hiện kiên quyết các biện pháp thu nợ và CCNT như ban hành Thông báo nợ và tiền chậm nộp, ban hành  các Quyết định CCNT đối với các trường hợp phải cưỡng chế nợ thuế; Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để thu hồi nợ thuế các doanh nghiệp khai thác khoáng sản; nhắn tin đôn đốc nộp nợ thuế đến giám đốc các doanh nghiệp; công bố thông tin NNT chây ỳ nợ thuế lên  Báo, trang Web Cục Thuế, loa phát thanh phường, xã….;

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, trong việc cưỡng chế nợ thuế; phối hợp với các sở, ngành để thu hồi nợ thuế. Do vậy, công tác quản lý nợ thuế đạt được những kết quả đáng kể, góp phần quan trọng vào việc thu ngân sách, hoàn thành nhiệm vụ chính trị chung của toàn ngành.

Cục Thuế Nghệ An đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích về nghĩa vụ cho người nộp thuế, tăng cường xử lý nghiêm minh các vi phạm về thuế để răn đe. Theo dõi sát tình hình kê khai, nộp thuế của người nộp thuế để nắm được kịp thời nợ phát sinh, thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nộp để không phát sinh nợ mới. Tham mưu UBND Ban chỉ đạo thu hồi nợ đọng thuế để thu hồi nợ thuế có hiệu quả; Phối hợp với các sở, ngành, cơ quan chức năng để thu hồi nợ thuế. Thực hiện nghiêm chính sách khoanh nợ tiền thuế, xóa tiền phạt chậm nộp và tiền chậm nộp theo Nghị quyết 94/NQ-QH và Thông tư 69/2020/TT-BTC.

Đối với doanh nghiệp nợ thuế lớn, kéo dài hoặc cố tình dây dưa không chịu nộp thuế thực hiện đưa thông tin nợ thuế của người nộp thuế  lên các phương tiện thông tin đại chúng (Báo, đài, trang Web ngành, loa phát thanh xã, phường…). Riêng đối với các hộ, cá nhân kinh doanh còn nợ đọng tiền thuế, tiền phạt yêu cầu các Chi cục Thuế  phối hợp với UBND xã, phường để  yêu cầu các hộ, cá nhân này lên làm việc. Phối hợp với Ban quản lý chợ, khối xóm thông báo trên loa truyền thanh danh sách các cá nhân còn nợ thuế.

Mặc dù số nợ thuế giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn còn cao do dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. 

Tin mới