Nobel Vật lý thuộc về nhà khoa học Nhật và Canada

(Baonghean) - Chiều 6/10 vừa qua, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tại Stockholm đã công bố chủ nhân mới của giải Nobel Vật lý 2015, đó là nhà khoa học Takaaki Kajita người  Nhật Bản và Arthur B. Donald, nhà khoa học đến từ Canada với khám phá về việc hạt hạ nguyên tử neutrino có khối lượng, đối lập với phỏng đoán của chúng ta lâu nay.

Giải thưởng Nobel là một tập hợp các giải thưởng quốc tế được tổ chức trao thưởng hằng năm kể từ năm 1901 cho những cá nhân đạt thành tựu trong lĩnh vực vật lý, hoá học, y học, văn học, kinh tế và hòa bình; đặc biệt là giải hoà bình có thể được trao cho tổ chức hay cho cá nhân.
Vào năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đưa thêm vào một giải về lĩnh vực khoa học kinh tế, theo di chúc của nhà phát minh người Thụy Điển Alfred Nobel năm 1895. Từ năm 1901 đến năm 2012, các giải thưởng Nobel và giải thưởng về Khoa học Kinh tế được trao tặng 555 lần cho 856 người và tổ chức. Kết quả đoạt giải được công bố hằng năm vào tháng 10 và được trao (bao gồm tiền thưởng, một huy chương vàng và một giấy chứng nhận) vào ngày 10 tháng 12, ngày kỷ niệm ngày mất của Nobel.
Giải Nobel được thừa nhận rộng rãi như là giải thưởng danh giá nhất một người có thể nhận được trong lĩnh vực được trao. Giải Nobel Hòa bình được trao thưởng ở Oslo, Na Uy, trong khi các giải khác được trao ở Stockholm, Thụy Điển. Giải Nobel được xem là giải danh giá nhất trong các lĩnh vực văn học, y học, vật lý, hóa học, hòa bình và kinh tế. 
 
Ủy ban Nobel cho biết, hai nhà khoa học Takaaki Kajita đến từ Đại học Tokyo (Nhật) và Arthur B. McDonald thuộc Đại học Queen (Canada) được vinh danh ở lĩnh vực vật lý năm nay vì "những đóng góp trọng yếu của họ đối với các thử nghiệm cho thấy hạt neutrino (một loại hạt hạ nguyên tử sinh ra từ sự phân rã của các nguyên tố phóng xạ) thay đổi tính đồng nhất.
Sự biến đổi này đòi hỏi các hạt neutrino phải có khối lượng". Neutrino là loại hạt hạ nguyên tử dồi dào thứ hai trong vũ trụ, sau photon - quang tử mang ánh sáng. Các nhà nghiên cứu từng phỏng đoán về sự tồn tại của neutrino vào năm 1930, nhưng suốt nhiều thập niên sau đó, nó vẫn nằm trong số các nguyên tố bí ẩn nhất đối với vật lý thiên văn. 
Tuy nhiên, những bí ẩn về hạt neutrino đã được giải đáp phần lớn sau phát hiện của hai nhà khoa học Donald và Kajita trong năm nay. Cụ thể, khi quan sát hiện tượng hạt neutrino từ mặt trời rơi xuống trái đất, các nhà khoa học nhận thấy có đến 2/3 số lượng hạt này biến mất so với tính toán về mặt lý thuyết. Tuy nhiên, hai ông Kajita và McDonald đã phát hiện ra chúng không biến mất mà chỉ thay đổi đặc tính. Điều này cho thấy chúng có khối lượng, không phải là không có khối lượng như suy nghĩ của các nhà vật lý học trước đó. 
Nhà khoa học Takaaki Kajita sinh năm 1959 tại TP Higashimatsuyama - Nhật Bản, nhận bằng tiến sĩ tại Trường ĐH Tokyo năm 1986. Ông hiện là Giám đốc Viện nghiên cứu tia vũ trụ đồng thời là giáo sư tại Trường ĐH Tokyo. Trong khi đó, ông Arthur B. McDonald sinh tại Canada năm 1943, có bằng tiến sĩ tại Viện Công nghệ California năm 1969 và hiện là Giáo sư danh dự tại Trường ĐH Queen (Canada).
Khám phá của 2 nhà khoa học đã mang đến những hiểu biết chuyên sâu quan trọng về thế giới bí ẩn của hạt neutrino, đồng thời giúp giải quyết một “bài toán khó” liên quan đến nó. 
Bên cạnh giải thưởng Nobel Vật lý, giải thưởng Nobel Y học cũng đã được công bố, thuộc về  phương pháp mới trị nhiễm giun ký sinh của giáo sư William C. Campbell (Ireland) cùng đồng nghiệp người Nhật Bản Satoshi Omura và liệu pháp điều trị sốt rét từ thảo dược cổ truyền của nữ giáo sư Đồ U U (Trung Quốc).
Hiện các giải Nobel còn lại vẫn đang trong quá trình công bố, đặc biệt ở giải thưởng Nobel Hòa bình, nhiều khả năng Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ được vinh danh, sau những chính sách nhân đạo của bà dành cho những người tị nạn trong thời gian qua. 
Nhật Minh 
(Theo NOBEL)
TIN LIÊN QUAN

Tin mới