Nơi cả làng làm rượu cần

(Baonghean.vn) - Phải mất thời gian ít nhất 3 tháng mới cho ra một chum rượu cần, từ khâu làm men rượu từ nhân trần, mía khỉ, lá mít…, tiếp đến là hông trấu nếp và ủ, vì vậy rượu cần Mậu Đức có vị thơm nồng rất riêng.

Bà Ngân Thị Thơm, người có gần 30 năm trong nghề làm rượu cần ở bản Chòm Muộng cho biết: Ở đây nhà nào cũng biết làm rượu cần, cũng nấu rượu cần để mỗi khi trong gia đình có việc, lễ thì có chum rượu mời khách. Nay được nhiều người biết và tìm đến mua, chị em đã thành lập tổ để làm rượu cần kiếm thêm thu nhập.

Theo bà Thơm, để làm được một chum rượu cần rất kỳ công, trước hết đó là khâu làm men. Để có được men rượu ngon phụ thuộc bí quyết tìm lá của mỗi người, theo đó không thể thiếu nhân trần, mía khỉ, là mít, mía ngọt, quế...

Phụ nữ bản Chòm Muộng làm rượu cần. Ảnh: Tường Vi
Phụ nữ bản Chòm Muộng làm rượu cần. Ảnh: Tường Vi

Khi lá đem về thì cắt, giã, hông để lấy nước, sau đó đem trộn với gạo nếp thơm và trấu, vo lại từng viên to như cái đĩa, để dưới gầm giường cho mốc, sau đó chuyển lên gác bếp hong khô, vừa để bảo quản men vừa làm cho men ngon. Quá trình ủ men khoảng 1 tháng.

Nếp ngon ngâm qua đêm và trấu sạch được trộn với nhau để hông lên (trấu đem giã sẽ ngon hơn xay nhỏ bởi chất xơ trong trấu sẽ thấm vào làm lên men nhanh hơn và rượu sẽ ngọt hơn), đổ ra để nguội sau đó mới trộn với men được giã nhỏ, ủ trong túi bóng khoảng 3- 4 ngày sau đó trút vào chum ủ. Rượu cần uống được phải ủ trên 3 tháng và để được từ 2-3 năm trở lên thì rượu càng thơm ngon.

ủ men rượu cần. Ảnh: Tường Vi
Nếp ngon ngâm qua đêm và trấu sạch được trộn với nhau để hông lên, đổ ra để nguội sau đó mới trộn với men được giã nhỏ, ủ trong túi bóng khoảng 3-4 ngày sau đó trút vào chum ủ. Ảnh: Tường Vi

Hiện nay, không chỉ có chị em hội phụ nữ ở bản Kẻ Mẻ, Kẻ Trằng, Chòm Muộng, xã Mậu Đức thành lập tổ làm rượu cần, mà Hội Người cao tuổi cũng thành lập tổ từ năm 2011, họ được coi là những người truyền bí quyết làm rượu. Bà Ngân Thị Viện chia sẻ, mỗi nhà ít nhất có 5-6 chum rượu cần và nhất thiết phải là chum sành. Khi khách đến mua, sẽ chuyển rượu từ chum cũ sang chum mới cho khách mang về. Bà con lại làm tiếp mẻ mới từ những chiếc chum có tuổi đời từ hàng chục năm.

Trong quá trình ủ phải kiểm tra. Ảnh: Tường Vi
Trong thời gian ủ phải mở chum ra nếm thử rượu đã chín và ngọt mới thành công. Ảnh: Tường Vi

Ông Vi Văn Vương – Phó Chủ tịch UBND xã Mậu Đức cho biết: Trước đây, bà con Mậu Đức làm rượu cần để phục vụ cho gia đình mình trong các dịp lễ, tết, mừng nhà mới, mừng đám cưới…, nhưng nay đã trở thành sản phẩm hàng hóa để bán ra thị trường.

Niềm vui của nhân dân Mậu Đức đó là ngày 19/5/2017 bản Chòm Muộng được UBND huyện Con Cuông công nhận làng có nghề. Hiện, bản có 45/91 hộ làm nghề rượu cần, doanh thu đạt 1,9 tỷ đồng, chiếm 20,17% tổng số doanh thu của bản.

                                                            Tường Vi- Thu Trang

TIN LIÊN QUAN

Tin mới