Nỗi đau 2 người đàn bà vô cớ thành nạn nhân vụ ngoại tình

Xuất hiện lặng lẽ trước tòa với dáng hình nhỏ bé, chị Nguyễn Thị Thi khiến những người dự khán không tránh khỏi suy tư: còn đau đớn nào hơn nữa mà chị chưa trải qua?. Giỗ đầu tang chồng vừa qua, mái đầu xanh lại một lần nữa nặng nề gánh thêm hai tấm khăn trắng của bố chồng và con gái lớn…
Những mảnh đời ở lại
Xuất hiện với hoàn cảnh chênh chao không chỉ có chị Thi, với tuổi 80 có lẻ, cụ Đặng Thanh Nga cũng khiến nhiều người không khỏi ái ngại khi từng bước dò dẫm, lần hồi từng nhịp bậc cầu thang lên tận tầng 3 của khu xét xử “đứa cháu chống gậy”. 
Ngồi trước vành móng ngựa các bị cáo vẫn râm ran trò chuyện mà không hề ý thức được hành vi của mình.
Ngồi trước vành móng ngựa các bị cáo vẫn râm ran trò chuyện mà không hề ý thức được hành vi của mình.
Ngồi kế cụ giữa trời trưa nắng, cụ lặng lẽ trải ánh mắt mịt mờ khắp khoảng sân để ngóng đợi bóng dáng cậu cháu trai. Cụ cứ lặng thinh như vậy từ sáng cho đến quá bữa trưa cũng chẳng chịu lót dạ chút đồ. Hỏi ra, cụ Nga không muốn ăn, không chỉ vì chẳng còn tâm trạng mà bởi trong cụ cũng chẳng có nhiều tiền để tự “vung phí” một bữa trưa bên ngoài. 
Cụ kể, cháu cụ là Hoàng Thanh Tùng, sinh năm 1994 nhưng chuyện học hành lỡ dở từ lâu bởi mái ấm gia đình đổ vỡ. Toà phân xử Tùng về sống cùng bố nhưng ông cũng đã lập gia đình mới và vì hoàn cảnh một thân nuôi 4 người con mà đi xa bươn trải, cả năm bố con mới đôi ba lần gặp mặt. Còn mẹ thì tuyệt nhiên không còn chút tung tích. 
Có lẽ, giờ nhắc đến mẹ, trong tâm trí cậu cũng khó có thể hình dung chính xác. Cậu cứ thế lớn lên gắn liền với chén chè, thanh kẹo của bà nơi cổng viện. Dẫu biết chẳng thể đổ lỗi cho sự tan vỡ kia là nguyên nhân nhưng cũng không thể chối cãi nó là mầm mống khiến Tùng chênh vênh trong những ngày non dại để rồi lầm lỡ hùa theo việc sai trái. 
Hình ảnh cậu bé bê nước, cầm phích, xếp đồ đỡ bà trở thành một phần của góc đường cứ dần hiện diện khiến tiếng nói thều thào của cụ Nga nhỏ đi rồi méo dần: “Ai cũng phải khen nó ngoan với chịu khó đấy…”.
Lẩy bẩy gạt đi những giọt nước mắt bằng mảnh khăn cũ mèm, cụ Nga đón lấy gói xôi chớm nguội của một thân nhân bị can khác, thoáng chững lại, cụ ngập ngừng đề nghị vị luật sư toà chỉ định bào chữa cho Tùng giúp cụ gửi gói xôi cho cháu khiến những người có mặt tại phiên xử không khỏi chạnh lòng. 
Cùng lúc, chị Thi cũng tới. Vẫn dáng vẻ mệt mỏi đầy tâm sự, chị né tránh mọi ánh nhìn mà rảo bước đơn độc. Thoạt nhìn, trông chị rất quen, ngẫm kỹ mới nhận ra chị chính là người nhà của nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông kinh hoàng xảy ra cuối tháng 2 vừa rồi. Chị bé nhỏ và xanh gầy hơn những bức ảnh truyền thông đã đưa. 
Muốn thăm hỏi một chút nhưng chị chẳng buồn trả lời hay đón nhận sự sẻ chia nào bởi lẽ, chỉ cần nhắc tới là đôi vai chị lại co lên như gắng giữ bình tĩnh. Chợt nghĩ, liệu có còn “phong ba” nào thử thách chị? Giỗ đầu tang chồng vừa xong, mái đầu xanh lại một lần nữa nặng nề gánh hai tấm khăn tang cùng lúc của bố chồng và con gái lớn. Những mất mát cứ dồn dập chẳng để chị có phút ngơi nghỉ.
Một cái tát — một mạng người?
Theo hồ sơ truy tố, Nguyễn Văn Hùng (SN 1980) trong thời gian lục đục với vợ đã có quan hệ tình cảm với chị Hà Thị Ngân (SN 1988). Biết được sự việc này, chị Bùi Thanh Hương (chị vợ Hùng — pv) đã nhiều lần can ngăn Hùng nhưng không được. 
Khoảng 20h30 ngày 6/8/2014, Hùng đến quán bia dự sinh nhật chị Trịnh Thị Gấm (bạn Ngân) thì gặp anh Trần Việt Thắng (SN: 1982) cùng vợ là chị Nguyễn Thị Thi (vợ anh Thắng) và các bạn cùng đang ăn uống tại đây. Do có quan hệ thân tộc với với vợ Hùng, anh Thắng đã gọi Hùng ra ngoài cửa quán đứng nói chuyện rồi bất ngờ dùng tay tát vào mặt Hùng khiến hắn hoảng sợ bỏ chạy. 
Chiều ngày hôm sau, dư âm của cái tát khiến Hùng bực tức và cho rằng chị gái của vợ đã nhờ anh này can thiệp. Lập tức, Hùng gọi điện cãi vã với chị Hương khoảng 15 phút. Vừa dứt cuộc điện thoại, Hùng bị anh Thắng gọi điện chửi và dọa giết (theo lời khai của Hùng) nên cả hai đã thách đố hẹn nhau để giải quyết mâu thuẫn.
Sau đó, Hùng gọi Kiều Văn Tiến (SN 1995) rủ thêm Trần Ngọc Quý (SN 1995), Dương Văn Quyết (SN 1996), Hoàng Thanh Tùng (SN 1994), Ngô Quốc Hải (SN 1966) và Nguyễn Hồng Quang (SN 1996) tham gia “cuộc chiến”. Được cả bọn đồng ý rồi tự phân công nhau đi lấy hung khí và đến điểm hẹn như đã bàn trước đó. 
Khi vừa thấy anh Thắng tại quán nước trên đường Nguyễn Văn Cừ, Hùng nhảy xuống xe rút dao díp mang theo hùng hổ đâm anh Thắng 1 nhát vào ngực trái, Hải cũng nhanh nhảu nhặt cán chổi vụt vào người nạn nhân. Sự việc xảy ra bất ngờ, đồng bọn manh động không bàn tính, Tiến, Quang và Quyết kẻ cầm túyp sắt người dùng hung khí gắn dao nhọn xông vào trợ chiến. Riêng Quý và Tùng thì sử dụng chân tay lao vào “a dua” đấm đá nạn nhân. 
Bị tấn công liên tiếp, anh Thắng cố vùng bỏ chạy thì bị Quyết cầm tuýp sắt vụt vào chân khiến anh Thắng ngã xuống vỉa hè. Cùng lúc này, Hùng chạy đến cầm gậy gỗ cùng đồng bọn tiếp tục dùng hung khí đánh đập liên tiếp vào người bị hại. Hoảng loạn, sợ hãi khi thấy chồng bị đánh, chị Thi chạy tới can ngăn thì bị Tùng dùng chai bia đập thằng vào đầu. 
Cả bọn chỉ chịu dừng tay khi thấy nhiều người dân quanh khu vực chạy ra ngăn cản. Sau đó, anh Thắng được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Quân đội 108, đến khoảng 02h ngày 08/8/2014 thì tử vong. Biết được tin nạn nhân tử vong, Hùng và đồng bọn đã ra cơ quan công an đầu thú.
Phiên xử ngột ngạt
Phòng xử chật ních người không chỉ bởi vụ việc phức tạp với nhiều bị can mà còn là sự quan tâm của cộng đồng trước sự vụ đã gây rúng động một thời. 
Ngồi trước vành móng ngựa là 7 bị can có vai trò tích cực trong vụ ẩu đả ấy vẫn râm ran chuyện trò mà không hề ý thức được hậu quả vụ việc thực sự đến mức độ nào. 
Khai tại tòa, Hùng khăng khăng rằng ban đầu có ý định chỉ là tới “nói chuyện” với anh Thắng và vẫn biện minh rằng anh Thắng đánh nhau với mình là do chị Hương nhờ nhưng lại không lý giải được chất vấn của chủ toạ Ngô Tự Học về “kiểu nói chuyện mà lại thủ sẵn dao kiếm?” khiến phòng xử như bức bí hơn. Hành vi côn đồ của bị cáo cùng các bị can đã dẫn đến hậu quả là cái chết của anh Thắng, vậy mà đến nay đã 2 năm, bị cáo vẫn một mực quẩn quanh. 
Về phần các bị cáo khác đã khiến vụ việc mang đẫm tính chất côn đồ bởi hành vi “ăn dơ” của mình. Bản thân 6 bị cáo còn lại trước vành móng ngựa đều không có mâu thuẫn mà cũng lại không hiểu rõ sự việc ra sao đã sẵn dao tấn công cả người không quen biết. 
“Nếu thực sự là hẹn đi đánh nhau, liệu chồng tôi có đưa tôi đi cùng như vậy hay không?”, chị Thi tranh luận dõng dạc: “đừng nói rằng chỉ là nóng giận tức thời, người chết cũng đã chết rồi, các bị cáo hãy nhận tội đi mà thanh thản cho quãng đời còn lại…”. 
Theo tường trình của chị, khi Hùng vừa bước vào quán đã hành hung anh Thắng, ngay cả khi anh Thắng nằm viện, chính Hùng còn gọi cho chị hỏi chồng chị đang nằm đâu để đến “giết cho chết hẳn”. Nghẹn ngào, bao nỗi hoảng loạn, bất lực cầu xin 7 người đàn ông ngừng đánh trong quá khứ như bày ra trước mắt khiến chị chẳng thể đứng vững… 
Lại nói, khi xét hỏi được biết, trước những dại dột nông nổi mà người thân của mình gây ra, thân nhân của các bị cáo đều đã đến thăm hỏi nhưng khi đó chỉ duy có gia đình bị cáo Hùng đặt vấn đề hỗ trợ 20 triệu đồng. 
Các gia đình còn lại cho rằng đó là “đại diện” nên từ đó đến nay cũng chẳng đi lại hay hỏi han thêm khiến vị chủ toạ không khỏi bất ngờ: “Tưởng là đại diện sao? 7 gia đình mà bồi thường 20 triệu? Mọi người nghĩ một mạng người mà chỉ 3 triệu đồng bù đắp hay sao?” — loạt câu hỏi dồn dập vừa ngỡ ngàng, vừa ngao ngán của ông khiến những người dự khán không tránh khỏi ái ngại… 
Sau giờ nghị án, hội đồng xét xử đã quyết định xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Hùng tù chung thân, ba bị cáo Trần Ngọc Quý, Kiều Văn Tiến, Ngô Quốc Hải cùng nhận mức án 20 năm tù; ba bị cáo Dương Văn Quyết, Nguyễn Hồng Quang, Hoàng Thanh Tùng mỗi người nhận mức án 14 năm tù theo đúng tội danh bị đưa ra truy tố.
Theo Pháp luật Việt Nam
TIN LIÊN QUAN

Tin mới