Nơi đầu tiên ở Trường Sa được giải phóng trong chiến dịch Mùa xuân 1975

(Baonghean.vn) - Sau 45 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển, từ một “dải cát vàng” đầy sỏi đá, Song Tử Tây đã trở thành một thị tứ sầm uất. Trong 21 đảo, điểm đảo của 33 điểm đóng quân, chưa có đảo nào có màu xanh đẹp lạ như Song Tử Tây. Ở đây, đúng nguyên nghĩa “đất liền có gì, Song Tử Tây có cái đó”.

Các "rái biển" giải phóng Song Tử Tây

Sinh thời, Thiếu tướng Mai Năng - người từng chỉ huy các “rái biển” ra giải phóng đảo Song Tử Tây năm 1975 đã từng kể cho anh em báo chí về trận chiến lịch sử giải phóng hòn đảo này. Chuyện giải phóng quần đảo Trường Sa 45 năm trước được coi là “cánh quân thứ sáu”, nhưng giải phóng đảo Song Tử Tây được coi là “thê đội chủ lực” của “cánh quân thứ sáu”. Nói cách khác, Song Tử Tây là đảo giải phóng đầu tiên trong chiến dịch giải phóng Trường Sa năm 1975. Nó được coi là sào huyệt, là cửa mở tiêu diệt địch. Nếu không giải phóng Song Tử Tây trước, thì ngày ấy có thể giải phóng các đảo còn lại.  

Cùng với 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn Gia Định, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương xác định “đồng thời giải phóng Trường Sa”.
Mũi tiến công giải phóng đảo Song Tử Tây của bộ đội Hải quân. Ảnh tư liệu

Trước yêu cầu của cách mạng, Trường Sa là địa danh nằm trong cục diện giải phóng đất nước, thu giang sơn về một mối. Cùng với 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn Gia Định, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương xác định “đồng thời giải phóng Trường Sa”. Quân ủy Trung ương giao cho Quân chủng Hải quân trinh sát, nắm chắc tình hình và hành quân chiến đấu theo bức điện tuyệt mật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Khu ủy Khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân.

Xác định Song Tử Tây là đảo giải phóng đầu tiên, đêm 10/4/1975, từ bến cảng Sơn Trà Đà Nẵng, Đoàn tàu không số của Lữ đoàn 125 được ngụy trang thành “đoàn tàu đánh cá” gồm 3 chiếc 673, 674, 675 nhổ neo ra khơi trong bạt ngàn giông tố. Trong bụng những con tàu đó chứa 300 cán bộ, chiến sĩ Đội 1 Đoàn 126 đặc công Hải quân cùng các lực lượng Quân khu 5 và hàng chục tấn đạn dược thần tốc ra đảo. Thiếu tướng Mai Năng lúc đó đeo lon Trung tá đi trên tàu 675 giữ chức chỉ huy biên đội tàu.

Ngọc cờ chiến thắng ở Trường Sa. Ảnh tư liệu
Truy điệu liệt sĩ Tống Văn Quang, hy sinh ngày 14/4/1975 khi chiến đấu giải phóng đảo Song Tử Tây. Đây là liệt sĩ đầu tiên hy sinh ở Trường Sa. Ảnh tư liệu

Trước lúc lên đường, Phó Tư lệnh Hải quân Hoàng Hữu Thái giao nhiệm vụ cho biên đội tàu: “Trận này ta không thể đánh theo cách của đặc công nước, phải đánh trinh sát vũ trang, có chỗ phải dùng hỏa lực. Khi giải phóng rồi phải tổ chức lực lượng phòng thủ đảo ngay và tiếp tục giải phóng các điểm đảo khác”. Được đồng chí Phó Tư lệnh giao nhiệm vụ, Trung tá Năng tính toán trong đầu: “Phải vận dụng chiến thuật đánh trên bộ kết hợp dưới biển mới có thể đánh thắng địch. Đây là trận đánh quan trọng đến sinh mệnh của Trường Sa”.

Rạng sáng ngày 13/4/1975, biên đội tàu đã đến vùng biển Song Tử Tây. Trung tá Mai Năng mở tấm hải đồ Trường sa, trỏ tay vào một điểm, dõng dạc: “Đây là đảo Song Tử Tây, chúng ta hiện đang ở tọa độ này. Tàu sẽ bí mật vào cách đảo 4 hải lý. Nếu điều kiện cho phép cứ vào sát nữa, vòng quanh đảo tìm vị trí đổ bộ”. Hướng về phía Đội trưởng đội 1 Nguyễn Ngọc Quế - người được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy bộ đội giải phóng đảo Song Tử Tây, Trung tá Năng nói: “Đồng chí cứ theo phương án đó mà thực hiện”.

Trong khi hai tàu 674 và 675 án ngữ phía Bắc, cách đảo Song Tử Tây hơn chục hải lý đề phòng đối phương từ phía Bắc xuống và nghi binh các tàu chiến của đối phương đang lởn vởn ở khu vực đảo Nam Yết, thì tàu 673 do Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy bí mật trinh sát vòng ngoài quanh đảo, xác định rõ vị trí tiến công. 7 giờ sáng ngày 13/4/1975 Nguyễn Ngọc Quế  báo cáo, xin thông qua phương án tác chiến, quyết định: Hướng đổ bộ lên đảo là hướng Tây Nam nơi có bãi cát phẳng và đá san hô.  

1 giờ sáng ngày 14/4/1975, biên đội tàu 673, 674, 675 đã bí mật tiếp cận đảo  Song Tử Tây cách 3 hải lý. Trên đảo phát ra vài quầng sáng yếu ớt của mấy ngọn đèn bảo vệ trên từ các lô cốt. Xác định đây là thời cơ thuận lợi để hạ xuồng cho quân bí mật áp sát đảo, làm bàn đạp để tiến công. Mệnh lệnh “thả xuồng” được truyền đi từ đài chỉ huy. Tàu 673 nhanh chóng quay mũi về hướng Bắc. Tàu 674, 675 ở phía Tây và phía Bắc đảo tiếp ứng cho quân đổ bộ, sẵn sàng đánh chặn tàu địch từ phía ngoài. Lợi dụng thủy triều xuống thấp, tàu 673 khẩn cấp cho các chiến sĩ bí mật tiếp cận đảo.  

 Đảo Song Tử Tây hôm nay nhìn từ phía biển. Ảnh: Mai Thắng
Đảo Song Tử Tây hôm nay nhìn từ phía biển. Ảnh: Mai Thắng

Đảo Song Tử Tây nửa đêm về sáng lặng lẽ hoang vu. Sau khi 38 cán bộ, chiến sĩ phân đội 1 bí mật bò sát mép đảo vào vị trí chiến đấu, đội trưởng Quế hạ lệnh “nổ súng”, một loạt đạn DKZ bắn thẳng vào lô cốt trúng địch. Những tiếng hô “xung phong” vang dậy khắp đảo. Hỏa lực từ tàu 673 tới tấp nã vào các mục tiêu. Bị tấn công bất ngờ, địch chống trả quyết liệt, đại liên từ các lô cốt bắn ra như mưa. B40, B41 của các chiến sĩ đặc công tập trung bịt họng các ổ đề kháng của địch và nhanh chóng đánh chiếm sở chỉ huy, làm chủ điện đài. Đây là chiến công đầu tiên, khẳng định sức mạnh và tinh thần chiến đấu làm chủ vùng biển của hải quân Việt Nam. Thừa thắng, các chiến sĩ tiếp cận các vị trí thuận lợi, dồn địch vào cuối đường giao thông hào, những tiếng loa gọi hàng vang lên. Biết không thể cố thủ mãi trong hầm hào công sự, lính ngụy đã dương cờ trắng xin hàng. Phía đường hào cuối đảo, những khuôn mặt phờ phạc ngơ ngác của kẻ thất trận, cầm cờ trắng, đưa tay lên đầu xin hàng vô điều kiện. Lá cờ của mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam được chiến sĩ Lê Xuân Phát kéo lên đỉnh cột cờ trước bia chủ quyền, tung bay trên đảo Song Tử Tây. Lúc đó là 5 giờ 15 phút ngày 14/4/1975.

Sống xanh quanh đảo

Cảnh thanh bình ngoài đảo Song Tử Tây. Ảnh: Mai Thắng
Cảnh thanh bình ở Song Tử Tây. Ảnh: Mai Thắng

So với 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân đến thời điểm này, Song Tử Tây là đảo đẹp nhất, xanh nhất và lãng mạn nhất trong quần đảo Trường Sa. Nếu đảo Sơn Ca được coi là nơi có nhiều nước ngọt nhất, da bộ đội trắng nhất; đảo Trường Sa lớn là thủ phủ hiện đại nhất, thì Song Tử Tây là đảo xanh nhất, gần gũi thân thiện nhất. Bởi ở đảo này, ngoài những công trình nhà ở được xây dựng vững chãi, phủ một màu xanh của cỏ cây, hoa lá và không bị “bê tông hóa”.

Theo chân Trung tá Nguyễn Đức Độ - Chỉ huy trưởng, kiêm Chủ tịch xã Song Tử Tây những ngày lưu lại ở nơi đặc biệt này, tất cả chúng tôi không chỉ xúc động trước nghĩa cử mến khách của bội đội ở đây, mà còn xúc động trước màu xanh của đảo. Nhiều câu chuyện kể về “sức sống xanh” từ bàn tay của các chiến sĩ trẻ tạo nên. “Có chiến sĩ đã nhặt một mầm xanh từ biển trôi dạt vào mép đảo giữa đêm, đem về ươm trồng. Nhưng thật kỳ lạ là những mầm xanh ấy sống rất khỏe. Dường như nó đã quen với biển mặn và cát trắng ở đây. Anh nhìn kìa, giữa nắng gió mặn mòi, chúng tôi vẫn nuôi được bò, gà, vịt chẳng khác đất liền. Có thứ đất liền không trồng được như cây phong ba, bão táp, thì ở đây trồng vô tư. Cỏ ở đảo chúng tôi cũng tốt hơn, xanh hơn các đảo khác” - anh Độ cho hay.

Học sinh Trường Sa. Ảnh: Mai Thắng
Học sinh ở Trường Sa. Ảnh: Mai Thắng

Đi dưới hàng cây bàng quả vuông mát rượi, rảo bước dưới những cột điện sức gió quanh triển đảo, ngắm những con tàu tít tắp ngoài khơi xa, hòa mình cùng khung cảnh xanh mát, tất cả chúng tôi đều cảm nhận được sự thanh bình, yên vui ở nơi này.

45 năm trước, Song Tử Tây là dải biển khô cằn đầy khói thuốc và lông chim biển, sau 45 năm Song Tử Tây là hòn đảo xanh giữa biển biếc của đại dương. Đó là màu xanh của khát vọng hòa bình mà chủ nhân của hòn đảo nhỏ ấy là cán bộ chiến sĩ Vùng 4 Hải quân - những người lính “đầu đội trời chân đạp san hô” đang ngày đêm canh giữ từng cột mốc chủ quyền giữa ngàn khơi đất Mẹ./.

Tin mới