Nơi gieo mầm hướng thiện

(Baonghean) Đó là những giáo viên ở Trung tâm Giáo dục lao động xã hội I Nghệ An. Không thể tính hết công việc thầm lặng của họ đã níu giữ được bao mảnh đời lầm lạc tìm về nẻo thiện. Giữa bao hối hả đời thường, nơi đây thực sự là mái nhà ấm áp được vun đắp bằng tình thương và sự sẻ chia giữa những giáo viên và học viên.

Cô Vân là một giáo viên trẻ nhưng đã có thâm niên 7 năm trong việc cảm hóa, giáo dục những mảnh đời trót lầm lỡ tìm về nẻo thiện của Trung tâm. “Giáo viên phải tạo cho mình cách làm việc phù hợp và phải hết sức tâm huyết, có nhiệt tình, yêu nghề mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ do đối tượng học viên ở đây đã có quá khứ sa vào các tệ nạn xã hội, trình độ nhận thức của họ cũng không đồng đều”, cô Vân chia sẻ.

           Lớp học nghề may tại Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội I Nghệ An.

Đứng chân trên địa bàn xã Hưng Lộc, Tp.Vinh, Trung tâm đã trở thành mái nhà chung đầm ấm của hàng trăm, hàng ngàn mảnh đời lầm lỡ. Trung tâm hiện có 43 cán bộ, trong đó nữ giáo viên 20 người. Tất cả cán bộ ở Trung tâm vừa thực hiện các nhiệm vụ hành chính theo từng cấp bậc lại vừa đảm bảo công tác giáo dục học viên. Với những giáo viên nữ, ở chừng mực nào đó vẫn có những khó khăn nhất định. Đó có thể là những phút giây chùn lòng không tránh khỏi khi mỗi ca trực đêm chỉ có 1 cán bộ nữ quản lý 25 học viên từng là các đối tượng phức tạp ngoài xã hội.

Nhưng rồi chính tấm lòng đồng cảm, sẻ chia, yêu nghề đã giúp họ vượt qua tất cả. Cô giáo Vân, cô giáo Hằng… vẫn đều đặn thay ca, vẫn thủ thỉ tâm sự với học viên như những người mẹ, người chị. Nhiều học viên sau khi rời trung tâm, hòa nhập cộng đồng vẫn thường xuyên đến thăm các cô giáo, học viên dù đã hết hạn ở trung tâm nhưng tình nguyện ở lại lao động công ích, giúp đỡ và chia sẻ với những bạn học viên mới, bởi họ thực sự đã xem nơi đây là một mái ấm để yêu thương.

Mai Hải Vân - một học viên có nhiều tiến bộ trong quá trình ở tại Trung tâm tâm sự: Trong quá trình lao động và học tập tại đây, thầy cô giảng dạy nhiều điều bổ ích không chỉ cho riêng bản thân mà còn cho anh chị em cùng cảnh ngộ. Riêng đối với các cô giáo, rất thân thiện với học viên, có nhiều điều tế nhị nhất, các cô cũng hỏi han, chia sẻ.

Có mặt tại Trung tâm mới thấy hết được ý nghĩa công việc của những giáo viên nơi đây. Đây là một trung tâm đặc thù với hơn 70% học viên có tiền án tiền sự, chủ yếu là án ma túy và mại dâm, thế nên công việc tại đây chẳng dễ dàng gì với các cán bộ, mà đặc biệt là cán bộ nữ. Thầy Nguyễn Hữu Hồng - Trưởng phòng Quản lý giáo dục, chia sẻ: Các cán bộ tại Trung tâm làm việc đặc thù hơn nhiều so với các cơ quan, đơn vị khác. Công việc không chỉ gói gọn trong 8 tiếng đồng hồ hành chính mà đòi hỏi người cán bộ phải bám sát chặt chẽ với giờ giấc sinh hoạt của học viên.

Mặt khác, nhiệm vụ giáo dục cũng không đơn thuần là dạy chữ như trong các bậc học mà tập trung vào giáo dục các chuyên đề xã hội, nhằm giúp học viên hiểu rõ tác hại của ma túy, mại dâm với bản thân, gia đình và xã hội. Từ đó định hướng con đường đúng đắn cho họ sau khi ra khỏi trung tâm. Cũng bởi vậy mà với các cán bộ nữ, khó khăn về thời gian làm việc trở thành một áp lực không nhỏ, đòi hỏi sự nỗ lực và tâm huyết cao với nghề.

Bên cạnh khó khăn về thời gian, những vướng mắc về giáo trình giáo dục học viên cũng gây không ít băn khoăn cho các giáo viên. Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay chưa có một giáo trình chuẩn nào dành riêng cho công tác giáo dục các học viên đặc biệt trong các trung tâm lao động xã hội mà chủ yếu đều do các cán bộ, giáo viên tự tìm tòi, soạn thảo.

... Không khí rộn ràng, ấm áp tình thân tràn ngập Trung tâm trong những ngày giáp Tết. Tin tưởng rằng, phương châm giáo dục bằng sự cảm hóa, bằng tình yêu thương sẽ mang đến những niềm vui ngọt lành cho Trung tâm và cho cả xã hội.

Thành Duy

Tin mới