Nỗi lo rác thải ở nông thôn

(Baonghean) - Rác thải ở nông thôn đang là vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương. Rác ngày càng nhiều hơn và chưa thu gom kịp thời, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân nông thôn.
Loay hoay với rác
Đi qua đoạn đường từ ngã tư trung tâm thị trấn Đô Lương đi vào địa bàn xã Đông Sơn (Đô Lương) vào mỗi buổi chiều, bất kỳ ai cũng bức xúc bởi hai bên đường rất bẩn thỉu, tanh hôi do rác thải. Đoạn đường dài hơn 400m nằm ngay giữa trung tâm huyện hết sức nhếch nhác.
Bà Nguyễn Thị Sứu, một hộ dân buôn bán ở đây cho biết: “Việc nhiều hộ kinh doanh, buôn bán đổ rác vô tội vạ ra đường đã gây bẩn thỉu, ô nhiễm và còn gây mất an toàn giao thông. Nhiều khi có cả đống rác to đùng ở giữa đường, một số người đi xe máy qua đây, vì tránh đống rác mà đâm vào nhau…”.
Rác thải trên tuyến đường từ thị trấn Đô Lương đến xã Đông Sơn (ảnh chụp ngày 1/3/2019) Ảnh: Nguyễn Long
Rác thải trên tuyến đường từ thị trấn Đô Lương đến xã Đông Sơn (ảnh chụp ngày 1/3/2019) Ảnh: Nguyễn Long
Không riêng gì ở các tuyến đường chính, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn ở một số xã trên địa bàn huyện Đô Lương cũng đang xảy ra việc đổ rác ra đường, lấy lề đường làm điểm tập kết rác như ở các xã Đà Sơn, Đông Sơn, Lưu Sơn...
Việc lấy lề đường làm điểm tập kết rác cũng đang là vấn đề mà người dân ở đó thiếu một giải pháp khả thi, bởi lẽ khu vực đó không có điểm tập kết rác riêng, xa khu dân cư. Nếu tập kết phía trong đường làng lại gây ô nhiễm nhà dân. Vậy nên rác được đưa ra những tuyến đường chính.
Theo số liệu thống kê, hơn 2 năm nay, trên địa bàn huyện Đô Lương hiện có gần 368 khối - xóm thuộc 33 xã, thị đã tổ chức thực hiện đề án thu gom, xử lý rác thải tạm thời. Thị trấn và 12 xã và một số đơn vị đã ký kết với công ty chuyên trách thu gom, vận chuyển rác thải lên bãi rác tập trung của huyện tại xã Hồng Sơn.
Tuy nhiên, đến nay ở một số xã vẫn để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bãi rác tạm thời và các điểm tập kết trên quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ. Bên cạnh đó, một thực tế hiện nay đó là: bãi rác tập trung của huyện nằm tại xã Hồng Sơn có diện tích trên 4 ha, với 4 vùng chôn lấp rác, diện tích mỗi vùng trên 22.000 m2, lượng chôn lấp 143.000 m3, rất nhỏ so với lượng rác thải của 33 xã, thị trấn. Vậy nên, hiện nay chỉ tập kết xử lý rác cho 12 đơn vị xã, thị trấn, cùng với rác thải sinh hoạt của Bệnh viện Đa khoa Đô Lương. 
Thu gom rác thải nông thôn tại xóm 4, xã Diễn Nguyên (Diễn Châu). Ảnh: Quang An
Thu gom rác thải nông thôn tại xóm 4, xã Diễn Nguyên (Diễn Châu). Ảnh: Quang An
Không chỉ Đô Lương, ở huyện Diễn Châu, Hưng Nguyên… tình trạng rác cũng đang loay hoay tìm lời giải. Ông Ngô Văn Thắng ở xóm 4, xã Diễn Nguyên (Diễn Châu) vẫn miệt mài với công việc thu gom rác thải cho xóm. Công việc này đã diễn ra 2 năm qua, nhưng sau mỗi dịp Tết, không ngày nào ông được nghỉ tay.
Ông Thắng chia sẻ: Trước đây, khi chưa có bãi rác, người dân tự ý đổ rác bữa bãi. Sau khi có bãi rác vào năm 2016, chúng tôi đã lập tổ 5 người chuyên đi thu gom rác thải cho xóm, tuy nhiên do công việc vất vả, thu nhập không cao, cộng thêm sự độc hại nên nay đã nghỉ 3 người, bây giờ chỉ còn tôi và con gái đi làm nghề này. Dù công việc vất vả nhưng thu nhập cũng chỉ dao động từ 2,5 – 3 triệu đồng mỗi tháng thôi.

“Chúng tôi hàng năm đều hợp đồng với Công ty Môi trường cây xanh Diễn Châu thu gom rác với tổng kinh phí trên 800 triệu đồng. Theo hợp đồng, mỗi tháng công ty sẽ thu gom 10 lượt, tuy nhiên, lượng rác tăng cao, nên công tác thu gom vẫn chưa triệt để”. 

Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc

Đến nay, huyện Diễn Châu có 23/39 xã, thị trấn thuê 3 công ty trực tiếp thu gom và chở rác thải vào bãi rác tập trung của tỉnh để xử lý, còn lại do các xã tự xử lý. Hầu hết các xã thuê người tại địa phương thu gom rác thải và vận chuyển xuống bãi rác để đốt hoặc chôn lấp, tuy nhiên hiệu quả xử lý rác không cao.
Đường ven sông Lam đoạn qua xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên sau Tết rác chiếm trọn nửa đường đi, ô tô phải đi ngược chiều. Ảnh: Q.A
Đường ven sông Lam đoạn qua xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên sau Tết rác chiếm trọn nửa đường đi, ô tô phải đi ngược chiều. Ảnh: Q.A
Tại huyện Hưng Nguyên, rác thải trên địa bàn ước khoảng 22.000 tấn/năm, chủ yếu được xử lý bằng công nghệ đốt tại Nhà máy xử lý rác thải Nghi Yên. Tuy nhiên, do hạn chế kinh phí nên rác thải còn để bừa bãi, thu gom chậm, rõ nhất là dọc đường đê sông Lam, tại các chợ. Được biết, hiện toàn bộ 23 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã ký hợp đồng với công ty môi trường để xử lý vấn đề này nhưng vẫn không triệt để.
Thiếu kinh phí và nhân lực Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Bá Dương - Giám đốc Công ty Môi trường cây xanh Hưng Nguyên cho biết: Lượng rác trên địa bàn huyện Hưng Nguyên đã tăng đột biến, nhất là trong dịp Tết, dẫn đến việc quá tải trong công tác thu gom, xử lý rác.
Hiện nay, nhân lực phía công ty chỉ có 40 công nhân và 8 xe chở rác, công ty làm liên tục nhưng vẫn chưa thể xử lý triệt để. “Kinh phí thu gom rác đang là vấn đề vô cùng nan giải. Với mức thu hiện nay thì  không đủ đáp ứng được nhu cầu. Riêng trong năm 2018, công ty chúng tôi đã phải bù vào chi phí thu gom rác phát sinh hàng trăm triệu đồng, trong đó một số địa phương phát sinh chi phí rác lớn như thị trấn Hưng Nguyên (200 triệu đồng), xã Hưng Tây (100 triệu đồng)...” - ông Dương nói.
Xử lý rác thải bằng hệ thống lò đốt tại bãi rác Nghi Yên. Ảnh: Lâm Tùng
Xử lý rác thải bằng hệ thống lò đốt tại bãi rác Nghi Yên. Ảnh: Lâm Tùng
Theo báo cáo của các huyện, đến thời điểm hiện nay, so với nhu cầu, kinh phí để thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt tại các địa phương vẫn còn khó khăn, bình quân mới đáp ứng được 55% tổng nhu cầu. Bên cạnh vấn đề kinh phí thì ý thức của người dân cũng là một nguyên nhân khiến tình trạng rác thải ngày càng quá tải.
Theo quy định của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, mỗi xã phải có bãi rác nhưng đến nay, số xã có bãi rác chưa nhiều. Hầu hết các xã ở vùng nông thôn chỉ có các bãi chứa rác tạm thời và các bãi tập kết rác thải luôn trong tình trạng quá tải.
Tại nhiều xã, việc thu gom rác chỉ dừng lại tại điểm trung chuyển, chưa giải quyết được toàn bộ vấn đề thu gom rác ở khu vực. Hơn nữa, phần lớn các địa phương chưa có hoạt động phân loại và tái chế rác. 
Bãi rác chất đống nhiều ngày trên đường N5 đoạn qua xã Nghi Mỹ (Nghi Lộc) (ảnh chụp 1/3/2019). Ảnh Lâm Tùng
Bãi rác chất đống nhiều ngày trên đường N5 đoạn qua xã Nghi Mỹ (Nghi Lộc) (ảnh chụp 1/3/2019). Ảnh Lâm Tùng
Tình trạng ứ đọng rác thải trên địa bàn nông thôn ngày càng nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường, bùng phát dịch bệnh. Các địa phương cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa về ý thức xả rác của người dân, đồng thời phối hợp với công ty môi trường để xử lý rác triệt để.
Hầu hết các công ty môi trường hiện nay đều chung tình trạng phải tăng ca, tăng số ngày giờ thu gom (trong điều kiện không thể bổ sung thêm công nhân cũng như xe chở rác vì thiếu kinh phí). Nhiều địa phương cũng đang tính toán, đề xuất tăng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải để góp phần xử lý những tồn tại hiện nay.

Tin mới