Nỗi lo tăng giá nước sinh hoạt

(Baonghean.vn) - Sau khi giá xăng tăng thêm 670 đồng/L kể từ 16h30 ngày 21/3 - lần tăng trở lại đầu tiên từ tháng 10 năm 2015, những cuộc tranh luận dự đoán tăng - giảm giá các chi phí sinh hoạt cơ bản như điện, nước bắt đầu có dấu hiệu “nóng” trở lại trong dư luận. 

Tiền nước, tiền điện...Chi phí cho những nhu cầu sinh hoạt thiết yếu là mối quan tâm thường trực của người dân. Ảnh: Gia đình&Xã hội
Tiền nước, tiền điện...Chi phí cho những nhu cầu sinh hoạt thiết yếu là mối quan tâm thường trực của người dân. Ảnh: Gia đình&Xã hội

Từ ngày 1/10/2015, Hà Nội cho phép các đơn vị cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố tăng giá bán nước sạch 20% so với giá cũ. Cách tính giá nước vẫn theo bậc thang luỹ tiến lượng sử dụng. Theo đó, giá nước sinh hoạt bán cho các hộ dân sau khi tăng sẽ là: gần 6.000 đồng/m3 cho 10m3 đầu tiên, từ 10m3 - 20m3 giá nước là hơn 7.000 đồng/m3, từ 20m3 - 30m3 là gần 8.700 đồng/m3, từ 30m3 trở đi là 16.000 đồng/m3. 

Trong khi đó, đề xuất tăng giá nước tại thành phố Hồ Chí Minh lại được đưa ra lấy ý kiến từ ngày 20/1/2015 lần thứ nhất và tiếp tục được bàn luận tại cuộc họp do HĐND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 21/4/2015. Cụ thể, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn Sawaco đề xuất tăng giá nước khoảng 10,5% mỗi năm, thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2019. Như vậy, sau 5 năm, giá nước sạch tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng gần 50%, đạt khoảng gần 30.000 đồng/người/m3 nước. Đến nay, đề xuất tăng giá nước sạch của Sawaco vẫn chưa được thông qua. 

Giá nước sinh hoạt áp dụng cho hộ dân cư tại một số tỉnh thành cả nước. (Thực hiện: Thục Anh)

Trước thông tin tăng giá nước sinh hoạt, có nhiều ý kiến trái chiều trong giới chuyên môn cũng như trong dư luận. 

Nguyên nhân tăng giá nước là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Ở Hà Nội, việc điều chỉnh tăng giá bán nước sạch đã xác định lộ trình từ năm 2013 trên cơ sở đề nghị của liên ngành. Do đó, các đơn vị kinh doanh lẫn người sử dụng đều có sự chuẩn bị. Việc điều chỉnh giá nước vào thời điểm tháng 10 cũng được tính toán để không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng.

Mức tăng 20% đối với nước sạch ở Hà Nội được giải thích là chưa đủ bù chi phí đầu tư, đảm bảo kinh doanh có lãi cho nhà cung cấp. Bởi, nguồn nước ngầm cung cấp đầu vào suy giảm bình quân 2-3%/năm, nhu cầu sử dụng nước lại tăng nên lượng nước thiếu hụt bình quân ở Hà Nội vào thời điểm nắng nóng vào khoảng 40.000 - 60.000 m3/ngày đêm. Đỉnh điểm, đường ống nước sạch sông Đà đã xảy ra sự cố 13 lần, khiến hàng chục nghìn hộ dân mất nước trong nhiều ngày. 

Đường ống dẫn nước sông Đà bị vỡ lần thứ 13 trong năm 2015 hồi tháng 8.
Đường ống dẫn nước sông Đà bị vỡ lần thứ 13 trong năm 2015 hồi tháng 8.

Trong khi đó, mức tăng “đều đặn” 10,5%/năm được đề xuất ở thành phố Hồ Chí Minh vấp phải nhiều ý kiến phản đối, cho rằng đây là mức tăng quá cao. Việc tăng giá được giải thích là để tăng thêm nguồn lực đầu tư phát triển nguồn, mạng lưới, gắn đồng hồ mới, tăng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch. 

Lý do này được cho là không thuyết phục vì song song với đề xuất tăng giá nước, lộ trình giảm thất thoát nước mà Sawaco đưa ra có vẻ khá “khiêm tốn”: giảm tỷ lệ thất thoát từ mức hiện nay là 32% xuống còn 25% vào năm 2025 (giảm 1 - 2%/năm). Nhiều người cho rằng việc tăng giá nước thực chất là để “gánh” thất thoát hàng tỷ đồng cho hơn nửa triệu m3 nước sạch bị mất mỗi ngày đêm. 

Kịch bản nào sẽ xảy ra sau khi nước tăng giá? Đây cũng lại là một câu hỏi được nhiều người đặt ra. Chất lượng nước có tốt hơn? Nguồn cung có được đảm bảo? Hệ thống hạ tầng có được nâng cấp? 

Cuối cùng, mối lo lớn nhất của người tiêu dùng vẫn là: các chi phí sinh hoạt cũng như giá các dịch vụ, hoạt động sản xuất có theo đó mà tăng lên theo hiệu ứng domino? Nếu có thì liệu lương cơ bản có tăng lên, cân đối luồng thu - chi của xã hội?

Thục Anh

Tin mới