Nỗi niềm cô giáo bản xa

(Baonghean.vn) - Cũng làm vợ, làm mẹ và mong ước được chăm sóc gia đình, song nhiều cô giáo dạy học ở các điểm bản xa xôi nơi vùng đất miền Tây xứ Nghệ đành gác lại mong ước ấy, lấy niềm vui chăm chút cho học trò để khỏa lấp nỗi nhớ nhà, thương con...

“NHÌN LÊN THẤY TRỜI NHỚ CON”

Đó là câu thơ của một giáo viên Trường Tiểu học Mường Ải, xã Mường Ải, huyện biên giới Kỳ Sơn thay cho lời tâm sự về những nhớ thương chất chứa trong lòng suốt những năm tháng lên dạy học nơi núi cao rừng thẳm này. Trường Mầm non Mường Ải có gần 20 giáo viên, đều là nữ. Xã Mường Ải nằm giáp biên giới với nước bạn Lào, địa bàn xa xôi, hiểm trở. Để các cháu được chăm sóc, học hành, trường có nhiều điểm lẻ đóng ở các bản xa. Có những điểm bản như Ái Khe cách trung tâm xã Mường Ải hơn 20km. Vì xa xôi, đường sá đi lại quá khó khăn nên người dân Ái Khe rất ít khi được giao lưu, tiếp xúc với thế giới bên ngoài, đặc biệt là phụ nữ. Bởi vậy, phụ nữ ở Ái Khe hầu hết các bà, các chị lớn tuổi đều không biết nói tiếng Kinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc và con trai.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc và con trai. Ảnh: Hoài Thu

Điểm Trường Mầm non Ái Khe nằm ngay bên cạnh trục đường chính với hai phòng học nhỏ, chỉ đủ cho một lớp khoảng 15 cháu và một góc nhỏ để cô giáo sinh hoạt, ăn ngủ ngay tại đây. Cô Nguyễn Thị Ngọc là một trong những cô giáo đã có nhiều năm gắn bó với điểm trường Ái Khe. Sinh năm 1994, năm 2016 Ngọc sinh con, dù con còn nhỏ nhưng ở nơi biên giới xa xôi yêu thương chăm chút cho con, Ngọc cho biết: “Dù vất vả nhưng được ở bên con là cả niềm hạnh phúc vô bờ”. Nhưng niềm vui sum họp bên nhau của hai mẹ con Ngọc không được lâu, vì yêu cầu công việc, Ngọc không thể giữ con ở lại nơi núi rừng, và con trai hơn 1 tuổi của cô cũng cần được học tập, nuôi dưỡng ở nơi có điều kiện bớt khó khăn hơn. Bởi vậy, vợ chồng cô quyết định gửi con về ở với ông bà ngoại ở xã Hoa Thành (Yên Thành).

Không chỉ riêng cô Ngọc, ở Trường Mầm non Mường Ải, hầu hết các cô giáo quê ở các huyện như Đô Lương, Yên Thành, Con Cuông, Anh Sơn... lên đây dạy học đều phải gửi con ở quê nhà, xa chồng, xa con. Bởi vậy, những vần thơ được bộc phát từ chính những nhớ thương của người mẹ đã trở thành câu an ủi, vỗ về nỗi nhớ thương của các cô giáo bản xa: “Nhìn lên thấy trời nhớ con/ Đêm gió thổi rít từng cơn/ Nằm co mình cho bớt lạnh”.

Đối với Ngọc, ngoài nhớ con, thương con thì còn thường trực nỗi lo lắng cho đứa con trai bé bỏng khi năm lên 4 tuổi Ngọc phát hiện con bị chậm nói, có dấu hiệu thu mình, ít giao tiếp với người lạ. Sụt sùi kể về con, Ngọc cho hay: “Chắc tại con nhớ mẹ, xa mẹ nên mới buồn, mới trở nên như vậy”. Để giúp con vui tươi trở lại, hơn nửa năm nay bà ngoại và cu Bin ngày ngày bắt xe buýt từ xã Hoa Thành đi thị trấn Diễn Châu để tham gia lớp tăng cường kỹ năng giao tiếp. Những lúc lễ, Tết, Ngọc lại tất tả bắt mấy chặng xe, vượt gần 300km từ Kỳ Sơn về thăm con. Ngày ngày, ngoài giờ lên lớp, để khỏa lấp nỗi nhớ con, Ngọc chỉ biết ngắm ảnh con lưu trong điện thoại. Những lúc sóng mạng điện thoại ổn định thì lại gọi về nói chuyện với con... Cuối năm 2020, cô Ngọc được chuyển về dạy ở điểm trường chính ngay trung tâm xã Mường Ải, “khoảng cách gần con đã được rút ngắn mấy chục kilomet”, Ngọc chia sẻ.

Cô giáo cắm bản tại xã Mường Típ (Kỳ Sơn). Học sinh Trường Tiểu học Mường Típ (Kỳ Sơn) thực hành hoạt động ngoài trời.
Cô giáo cắm bản tại xã Mường Típ (Kỳ Sơn). Học sinh Trường Tiểu học Mường Típ (Kỳ Sơn) thực hành hoạt động ngoài trời. Ảnh: Hoài Thu

Nằm sát xã Mường Ải là xã Mường Típ. Giáo viên và học sinh nơi đây được “chia đều” về 4 điểm trường, trong đó có 3 điểm ở bản xa như Phà Nọi cách trung tâm xã 20km. Điểm trường bản Huồi Khí cách điểm trường chính 14km đường đồi núi. Còn điểm trường ở bản Na Mì gần hơn với 2,5km so với trung tâm xã. Ở các điểm trường nơi bản xa đều có giáo viên nữ “cắm bản”, thầy Nguyễn Quốc Trí - Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Tại điểm trường bản Phà Nọi, trong 6 giáo viên cắm bản nơi đây có 2 cô giáo, phụ trách 5 lớp học. “Cô Hương quê ở Anh Sơn, cô Ánh quê ở Quế Phong lên đây dạy học đã lâu. Các cô có gia đình, con còn nhỏ và phải gửi ở quê nhà. Các cô thầy phải ở tạm trong mấy gian nhà tranh tre, ván gỗ thưng tạm. Mùa Đông gió rét buốt lùa qua khe cửa, mùa Hè thì nắng cháy da. Vừa xa nhà, xa chồng con, vừa vất vả trăm bề”, thầy Trí cho hay.

Còn ở điểm trường Huồi Khí chỉ có 1 lớp ghép cho học sinh lớp 1 và lớp 2, do một mình cô giáo Kha Thị Ỏn phụ trách. Cô Ỏn quê ở xã Hữu Lập,  huyện Kỳ Sơn. Song lấy chồng quê Con Cuông, đứa con đầu lòng của cô đang học mẫu giáo và ở với bố. Một mình cô xa chồng xa con lên với Mường Típ dạy học, quãng đường cũng ngót trăm cây số, chẳng mấy khi được về nhà, được chăm con. 

“CHĂM HỌC SINH HƠN CHĂM CON”

Cô Vi Thị Quy và lớp học ở bản Huồi Pún, xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn).
Cô Vi Thị Quy và lớp học ở bản Huồi Pún, xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn). Ảnh: Hoài Thu

Những đứa trẻ vùng biên giới, ở những bản làng xa xôi chắc sẽ mãi mãi sống trong thiếu thốn, nhất là thiếu thốn về tinh thần, về kiến thức, nếu không có đội ngũ những thầy, cô giáo cắm bản. Trong một lần ghé thăm lớp học của cô giáo Vi Thị Quy ở bản Huồi Pún, xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn), nghe lời thỏ thẻ của cô bé học sinh lớp 1 nơi đây mới hiểu hết được những hy sinh, đóng góp của các thầy, cô giáo làm nhiệm vụ dạy học ở bản xa.

“Cô giáo mua vở, mua bút và mua sách cho con học. Cô xin áo ấm cho con mặc. Trời mưa đường trơn cô giáo đến tận nhà đón con đi học”, cô bé Cụt Thị Vy lí nhí cho biết. Nói rồi, bé Vy ngước mắt nhìn cô giáo Quy nở nụ cười hồn nhiên, ánh mắt trìu mến nhìn cô. Khi cô giáo ra hiệu lệnh học bài, cả lớp ngoan ngoãn cầm phấn, tỉ mẩn tập viết trên những chiếc bảng con.

Vợ chồng cô Vi Thị Quy đều là người Tương Dương, song lại lập nghiệp ở Kỳ Sơn. Ra trường, hai vợ chồng lên Kỳ Sơn nhận công tác. “Đã 24 năm gắn bó với mảnh đất Kỳ Sơn, đã dạy học ở nhiều bản làng nơi miền biên giới này, vất vả cũng đã quen”, cô Quy tâm sự. Chồng cô cũng là thầy giáo, hiện đang dạy học ở xã Mường Lống. Hai vợ chồng công tác ở hai địa điểm khác nhau, quãng đường cũng cách xa nhau cả trăm cây số nên ít khi gặp nhau. Bởi vậy, xa nhà, xa chồng con, mọi tình thương cô dành cho các học trò nhỏ. 

"Huyện Kỳ Sơn có 71 trường học các cấp, trong đó có 126 điểm trường ở các bản lẻ. Trong tổng số 2.196 giáo viên thì có hơn 1.300 giáo viên nữ. Giáo viên cắm bản, nhất là giáo viên nữ, đều là những người có ý chí, tinh thần yêu nghề, vì học sinh thân yêu mới có thể bám trụ nơi xa xôi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình" - Thầy Phan Văn Thiết - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn.

“Năm 2020 triển khai dạy học sách giáo khoa mới, mỗi bộ sách lên đến gần 1 triệu đồng. Số tiền đó đối với người dân nơi đây là quá lớn. Có khi một hộ thu nhập cả nửa năm mới được chừng đó, cho nên đồng bào không thể mua đủ sách cho các con học. Mọi chi phí mua sách hiện nay đều đang được thầy cô tạm bỏ tiền túi ra mua để các em kịp khai giảng năm học mới, có sách mà học tập”, cô Vi Thị Quy cho biết. 

Cô Lữ Thị Dừa và cán bộ Đồn Biên phòng Keng Đu tiếp nhận quà của các nhà tài trợ phát cho học sinh.
Cô Lữ Thị Dừa và cán bộ Đồn Biên phòng Keng Đu tiếp nhận quà của các nhà tài trợ phát cho học sinh. Ảnh: Hoài Thu

Giáo viên nơi bản xa thời gian chăm học sinh nhiều hơn chăm con cái của mình, nên nhiều cô xem học sinh là con, chăm chút như chăm con. Có những mùa Đông lạnh dưới 10 độ C, học sinh co ro trong tấm áo mỏng manh, thầy cô lại mua áo ấm, kêu gọi xin áo ấm cho học sinh chống chọi với giá rét. Có những em ốm đau, phụ huynh không biết phải chữa trị làm sao, nên thầy cô lại đến tận nhà đưa học sinh đi khám, chữa bệnh. Có trường hợp học sinh ốm nặng, cô giáo còn ngủ lại nhà để tiện chăm sóc các em. Với học sinh nơi đây, cô giáo cũng là người mẹ thứ hai, được các em yêu mến, quyến luyến. Bởi thế, những chỉ bảo của thầy cô đều được các em nghe theo, ngoan ngoãn học tập.

Cũng là địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khơ mú sinh sống như ở Huồi Pún, chúng tôi có dịp đến thăm điểm trường ở bản Khe Linh, xã Keng Đu của huyện Kỳ Sơn. Đây là xã xa nhất của huyện biên giới này, cách thị trấn Mường Xén 70 km đường rừng núi cheo leo, hiểm trở.

Cô giáo Lữ Thị Dừa. Ảnh: Hoài Thu
Cô giáo Lữ Thị Dừa. Ảnh: Hoài Thu

Từ trung tâm xã Keng Đu phải vượt qua 15km đường đồi núi mới đến được bản Khe Linh, nơi có điểm trường ghép hai cấp mầm non và tiểu học. Cô Lữ Thị Dừa tuổi chưa đến ba mươi, quê ở huyện Con Cuông được điều động từ trường ở xã Chiêu Lưu đến Khe Linh “cắm bản” dạy học đã hơn 1 năm. Xa gia đình, cô Dừa cùng hai cô giáo khác chăm bẵm, dạy dỗ 34 cháu bậc mầm non và 28 học sinh tiểu học nơi đây. Dãy nhà cấp bốn được xây kiên cố với 3 phòng học và 1 phòng sinh hoạt cho các cô giáo nằm lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi, cận kề biên giới với nước bạn Lào.

Với đặc thù 100% đồng bào dân tộc Khơ mú, gần 100% hộ nghèo, học sinh nơi đây thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Trưởng bản Khe Linh Lo Văn Sơn cho hay, nhờ các cô giáo mà con em họ được biết cái chữ, biết đọc, biết viết hơn hẳn ông bà cha mẹ.

Cô trò Trường mầm non Mường Ải (Kỳ Sơn) hoạt động trải nghiệm.
Cô trò Trường Mầm non Mường Ải (Kỳ Sơn) hoạt động trải nghiệm. Ảnh: Hoài Thu
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo, Nghệ An có gần 42 nghìn giáo viên các cấp bậc thì có đến hơn 34 nghìn là nữ. Còn ở các huyện 30a như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong có hơn 4.100 giáo viên, thì có tới hơn 2.900 nữ. Trong số đó có hàng nghìn người đã và đang miệt mài dạy học nơi làng xa, bản vắng. Những nữ giáo viên cắm bản, họ không chỉ là cô giáo, mà còn là người mẹ thứ hai của học sinh.
Sự hiện diện của các cô nơi núi rừng, nơi bản làng xa xôi đã mang đến cho bao thế hệ trẻ em những luồng sáng tri thức, những tình yêu thương như chính với con cái mình. Họ chấp nhận xa nhà xa con cái, gia đình để bồi đắp sự nghiệp trồng người cao cả./.

Tin mới