Nỗi niềm công an xã

(Baonghean) - Công an xã đóng vai trò nòng cốt trong phong trào đấu tranh, phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở. Mặc dù vậy, lực lượng này còn chịu nhiều thiệt thòi, trong hoạt động còn nhiều bất cập.

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân

Phụ cấp chưa tương xứng

Làm công an viên xã Hưng Khánh (Hưng Nguyên) đã nhiều năm nay, nhưng phụ cấp của ông Nguyễn Quang Phúc chỉ được 0,8% hệ số lương cơ bản, tính ra chưa được 1 triệu đồng/tháng. Mặc dù lương thấp nhưng khi đảm nhận nhiệm vụ công an viên, ông Phúc phải bố trí đi tuần tra hàng đêm trên địa bàn mình phụ trách. Đặc biệt, vào những ngày lễ, Tết thì tần suất đi trực dày hơn và thời gian trực lâu hơn.

Nhiệm vụ nặng nề là vậy nhưng ông Phúc vẫn không được đóng BHXH, BHYT và không được hưởng phụ cấp nào thêm. Ông Phúc cho biết: Thực ra, làm cái nghề công an viên này một phần là do người dân tín nhiệm, một phần là trách nhiệm chung với xã hội, với tình hình an ninh chung của xóm, của xã chứ nếu nói thu nhập thì chẳng thấm tháp vào đâu. 

Lực lượng công an xã Nghi Phú (thành phố Vinh) tuần tra đảm bảo an ninh trật tự. Ảnh: N. H
Lực lượng công an xã Nghi Phú (thành phố Vinh) tuần tra đảm bảo an ninh trật tự. Ảnh: N. H

Thiếu thốn, đó là suy nghĩ chung của nhiều công an xã khi được hỏi về thu nhập hàng tháng. Theo Nghị định số 92/NĐ-CP của Chính phủ, được HĐND tỉnh cụ thể bằng Nghị quyết số 117/2013, hệ số phụ cấp hàng tháng đối với phó trưởng công an xã, phường, thị trấn là 1,1 và công an viên thường trực là 0,9. Cũng theo Nghị định 73/NĐ-CP, việc thực hiện BHYT, BHXH đối với công an xã do ngân sách địa phương chi trả.

Tuy nhiên, ngoài trưởng công an xã là công chức, được hưởng chế độ BHYT, BHXH và phụ cấp thâm niên khi có thời gian công tác liên tục 60 tháng trở lên thì phó công an xã và công an viên không được hưởng chế độ trên.

Theo Trung tá Phan Tuấn Anh - Trưởng phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, Công an tỉnh, nếu so sánh giữa lực lượng công an xã và dân quân tự vệ còn quá chênh lệch về thu nhập. Ngoài chế độ lương được hưởng giống nhau nhưng các vị trí Chỉ huy trưởng quân sự, phó chỉ huy trưởng quân sự cấp xã rồi thôn đội trưởng được hưởng thêm phụ cấp trách nhiệm quản lý, chỉ huy đơn vị; chế độ phụ cấp đặc thù quốc phòng nhưng lực lượng công an xã thì không có. Bên cạnh đó, khi điều động thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ANTT, lực lượng dân quân cơ động có chế độ còn công an xã thì không.

Cũng vì chế độ đãi ngộ thấp trong khi tính chất công việc phức tạp nên khó thu hút người có trình độ năng lực vào công an xã, nhất là công an viên. Từ năm 2009 đến nay có nhiều người là phó công an xã, công an viên thường trực bỏ việc. Như trường hợp của ông Ngô Đức Quỳnh ở xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc. Sau 5 năm làm Phó trưởng Công an xã, ông Quỳnh đột ngột xin nghỉ rồi vay mượn tiền đi xuất khẩu lao động.

Ông Nguyễn Thanh Văn - Trưởng Công an xã Nghi Hưng cho biết: Nghi Hưng là địa bàn trọng điểm về ANTT. Hiện ban công an xã có 1 trưởng công an và 1 phó công an xã do mới có 1 phó công an xã nghỉ việc. Làm phó công an xã thì công việc hết sức nặng nề, thời gian căng thẳng nhưng đổi lại, phụ cấp thì quá ít ỏi. Vì thế, anh Quỳnh không thể bám trụ được và phải rời bỏ để tìm hướng đi khác mới có điều kiện đảm bảo cuộc sống cho gia đình.

Công an xã Nghi Phú (TP Vinh) kiểm tra đăng ký tạm trú trên địa bàn. Ảnh N.H
Công an xã Nghi Phú (TP Vinh) kiểm tra đăng ký tạm trú trên địa bàn. Ảnh: N.H

Bất cập về bố trí lực lượng

Tính đến tháng 10/2016, toàn tỉnh có 448 ban công an xã, thị trấn thuộc 20 huyện, thành, thị với biên chế 448 trưởng công an xã, 803 phó trưởng công an xã, 1.225 công an viên thường trực và 5.571 công an viên phụ trách thôn, xóm, bản. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vê ANTQ, việc bố trí, sắp xếp lực lượng công an xã hiện nay là chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

Cụ thể, theo Nghị định 73 của Chính phủ quy định mỗi xã được bố trí 1 phó trưởng công an xã. Đối với xã trọng điểm, phức tạp về ANTT, xã loại 1, loại 2 được bố trí không quá 2 phó trưởng công an xã; tại trụ sở hoặc nơi làm việc của công an xã được bố trí không quá 3 công an viên làm nhiệm vụ thường trực. Quy định là thế nhưng với hơn 355 xã trọng điểm về ANTT trên địa bàn tỉnh thì hiện mới chỉ bố trí được từ 1-2 công an viên thường trực.

Cũng theo Nghị định 73 quy định mỗi thôn, xóm, bản được bố trí 1 công an viên. Đối với những địa bàn trọng điểm, loại 1, loại 2 được bố trí không quá 2 công an viên. Tuy nhiên, Quyết định 14/2014 của UBND tỉnh Nghệ An lại quy định mỗi xóm, thôn, bản chỉ được bố trí 1 công an viên và phải kiêm xóm phó. Chính quy định này đã gây ra không ít bất cập.

Bởi vì, theo quy định nhiệm kỳ xóm phó không quá 2,5 năm. Thực tế, nhiều công an viên sau khi được đào tạo, tập huấn, cấp phát quân trang và hoạt động có hiệu quả nhưng khi bầu xóm phó lại không trúng cử nên buộc phải thôi làm công an viên. Chính điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện và xây dựng lực lượng công an xã ổn định. 

Lê Xuân Toản - Trưởng Công an xã Trung Sơn (Đô Lương) bị chém khi hòa giải do tranh chấp đất đai của người dân. Ảnh: Thanh Quỳnh
Lê Xuân Toản - Trưởng Công an xã Trung Sơn (Đô Lương) bị chém khi hòa giải do tranh chấp đất đai của người dân. Ảnh tư liệu

Trung tá Nguyễn Minh Dũng - Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT (Công an huyện Nghi Lộc) cho biết, nhiều công an viên sau khi không trúng cử xóm phó thì không trả lại quân trang nên ảnh hưởng đến hoạt động chung. Những xóm phó mới lên thì công an huyện phải đào tạo lại, phải mất một thời gian dài để quen với công việc. Khi bắt đầu nắm được địa bàn, quản lý đối tượng thì kỳ bầu cử khóa sau, có thể lại không trúng cử.

Mặc dù là lực lượng bán chuyên trách nhưng trong thời gian qua, công an xã thực sự là cầu nối, là cánh tay nối dài của công an tỉnh và công an huyện xuống cơ sở. Hiện nay, ở nhiều vùng nông thôn, vùng trọng điểm phức tạp về ANTT, hoạt động của nhiều loại tội phạm ngày càng phức tạp, mang tính chất côn đồ, thậm chí còn trang bị vũ khí “nóng” và sẵn sàng chống trả khi bị xử lý, vây bắt. Và đã không ít công an cấp xã đã bị thương, đổ máu khi tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm. 

Như anh Nguyễn Văn Điệp - công an viên thường trực xã Diễn Bích (Diễn Châu) dũng cảm bắt giữ đối tượng nhiễm HIV khi hắn đang khống chế con tin bằng dao và kéo nên phải điều trị chống phơi nhiễm; anh Lô Văn Tuân và Ven Văn Biên, công an viên xã Lượng Minh (Tương Dương), mặc dù bị đối tượng dùng dao nhọn đâm trọng thương nhưng vẫn dũng cảm bắt đối tượng về hành vi trộm cắp tài sản. Mặc dù vậy, các chế độ, chính sách cho đối tượng này vẫn còn bất cập.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng trong thời gian qua, lực lượng công an xã đang hoạt động tích cực, hiệu quả góp phần không nhỏ trong phong trào đấu tranh, phòng chống tội phạm, đảm bảo ANTT ở cơ sở. Để lực lượng này ngày càng tinh nhuệ hơn, những khó khăn, bất cập nêu trên cần sớm được nghiên cứu, tháo gỡ.

Thời gian qua, lực lượng công an cấp xã phối hợp, làm rõ 162 vụ, 234 đối tượng trộm cắp, thu tiền và tài sản trị giá hơn 1 tỷ đồng; Bắt 214 vụ, 393 đối tượng đánh bạc, xử phạt vi phạm hành chính hơn 60 triệu đồng; bắt 84 vụ, 104 đối tượng tội phạm ma túy, thu 3.01 gam heroin, 1.225 viên hồng phiến; lập hồ sơ đưa vào cai nghiện bắt buộc 268 đối tượng; vận động nhân dân giao nộp 579 khẩu súng tự chế, 2 khẩu súng AK, 26 kíp nổ, 597 viên đạn.

Nguyên Hưng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới