'Nỗi niềm tẻ thơm' ở Na Loi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Những ngày giữa tháng 11, người dân xã Na Loi (Kỳ Sơn) lại bắt đầu mùa thu hoạch lúa tẻ thơm - giống lúa đặc sản được bao thế hệ người Na Loi lưu giữ, trao truyền. Song bên cạnh niềm vui mùa vụ, người dân cũng như cán bộ chính quyền nơi đây có những băn khoăn, lo lắng khi ngày càng ít hộ kiên trì bảo tồn giống lúa quý này.

Ngày càng nhiều hộ bỏ trồng lúa tẻ thơm

Những ngày giữa tháng 11/2022 là thời gian người nông dân ở xã Na Loi (Kỳ Sơn) bắt tay vào thu hoạch lúa tẻ thơm - giống lúa bản địa được người dân lưu truyền trồng từ nhiều thế hệ. Ông Vi Văn Tiến ở bản Na Khướng cho biết, giống lúa tẻ thơm được ông, rồi cha của mình truyền lại theo phương thức tự chọn lọc những bông lúa to, chắc và dày hạt để làm giống cho vụ mùa sau. Việc lưu giữ giống theo cách thủ công này, tôi và bà con ở Na Khướng đã làm hàng chục năm nay rồi.

Khi được hỏi ở Na Khướng có nhiều hộ gia đình trồng giống lúa tẻ thơm này nữa không?, ông Vi Văn Tiến cho hay, “cũng ít hơn ngày xưa nhiều rồi, mỗi năm lại có vài hộ bỏ trồng lúa tẻ thơm, chuyển sang trồng giống khác”. Hỏi nguyên do vì sao thì ông Tiến lắc đầu, rồi nói “có lẽ là do trồng tẻ thơm mất công hơn nhiều so với giống lúa khác, mà lại lâu được thu hoạch hơn”.

Người dân xã Na Loi chăm sóc ruộng lúa tẻ thơm. Ảnh: Hoài Thu

Người dân xã Na Loi chăm sóc ruộng lúa tẻ thơm. Ảnh: Hoài Thu

Giải thích rõ hơn về điều này, Trưởng bản Na Khướng Lương Văn Phong cho biết, giống lúa tẻ thơm có thời gian sinh trưởng dài hơn các giống lúa thường khoảng hơn 1 tháng. Hơn nữa, cây lúa tẻ thơm thân cây rất cao, chăm bón cũng khó hơn và nếu gặp thời tiết bất lợi như mưa gió thì rất dễ bị đổ rạp, dẫn đến mất mùa, nhất là thời điểm tháng 10, tháng 11.

Năm nay lúa tẻ thơm năng suất kém hơn các năm trước, nhiều ruộng hạt lép nhiều do gặp phải mưa lũ đúng vào thời gian lúa trổ đòng. Trước đây, bản Na Khướng có hơn 70 hộ dân thì nhà nào cũng trồng lúa tẻ thơm. Nhưng đến năm nay chỉ còn hơn chục hộ trồng, và cũng chỉ có một số hộ trồng nhiều như hộ ông Vi Văn Tiến, Vi Văn Hải, Moong Văn Thiết…Cả bản Na Khướng có 48 ha lúa thì lúa tẻ thơm khoảng 3 ha.

Ông Lương Văn Phong - Trưởng bản Na Khướng

Được biết, hiện nay có nhiều giống lúa lai năng suất hơn, thời gian trồng lại nhanh hơn. Ở xã Na Loi bây giờ người dân trồng nhiều là giống lúa lai, giống nếp hương và nếp Hà Nội, có sẵn ở trung tâm giống cây trồng. Còn lúa tẻ thơm thì không có giống bán mà người dân tự để giống từ vụ này cho vụ sau.

Trước đây, lúa tẻ thơm lấy từ huyện Tương Dương, nhưng người dân Tương Dương từ rất lâu đã không còn trồng giống lúa này nữa. Hộ canh tác lúa nhiều nhất bản Na Khướng là ông Vi Văn Tiến cũng cho biết, năm nay ông gieo trồng lúa tẻ thơm ít hơn năm ngoái, vì lúa cao quá, rất hay bị đổ ngã và mất năng suất.

Giống tẻ thơm ban đầu có chút khác so với ngày nay. Thời đó lúa tẻ thơm đầu mỗi hạt lúa đều có râu dài màu nâu. Qua thời gian mấy chục năm, nay đã bị lai tạp một phần. Lúa tẻ thơm ngày nay còn lưu giữ được nhưng hạt lúa không có râu nữa, hương vị thì cơ bản vẫn giữ được, độ dẻo có giảm đi chút ít.

Bà Pịt Thị Hà - Chủ tịch UBND xã Na Loi lo lắng cho hay, là xã đặc biệt khó khăn của huyện Kỳ Sơn, toàn xã có 177,80 ha đất sản xuất nông nghiệp ở 5 bản là Đồn Bọong, Na Loi, Na Khướng, Piêng Lau và bản Huồi Xàn gieo trồng 104,5 ha lúa nước, trong đó lúa tẻ thơm có khoảng 25 ha.

Định hướng gắn “sao” OCOP

Lúa tẻ thơm được ông Vi Duyên Hồng mang từ đại phương khác về gieo trồng đầu tiên ở ruộng của Na Khướng khoảng năm 1993. Những ruộng lúa tẻ thơm được thấm nguồn nước mát từ khe Tắm cho hạt gạo nấu cơm dẻo và đặc biệt có hương thơm “bay từ trong nhà ra ngoài ngõ”. Lúa tẻ thơm theo tiếng địa phương gọi là “khẩu cháo hom”, với những ưu điểm về thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu và cho giá trị kinh tế cao khi giá bán luôn cao gấp đôi so với giống lúa khác, đã có nhiều năm 100% các hộ dân ở 2 bản Na Khướng, Na Loi ai cũng trồng lúa tẻ thơm này.

Ông Vi Duyên Hồng cho hay, một đặc biệt của giống lúa này là chỉ trồng ở ruộng có nước chảy từ khe Tằm thì lúa mới thơm ngon. Còn trồng ở ruộng lấy nguồn nước từ khe khác thì hầu như mất hẳn mùi thơm. Chính vì vậy, Na Loi có 5 bản thì chỉ có 2 bản trồng lúa tẻ thơm.

Người dân bản Na Khướng, xã Na Loi thu hoạch lúa tẻ thơm. Ảnh: cơ sở cung cấp

Người dân bản Na Khướng, xã Na Loi thu hoạch lúa tẻ thơm. Ảnh: cơ sở cung cấp

Cuối năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã bắt đầu triển khai mô hình cải tạo, khôi phục lại giống lúa tẻ thơm để tạo cơ sở khoa học cho việc sản xuất đại trà, mở rộng diện tích. Ông Vi Oanh - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kỳ Sơn cũng cho biết: Lúa tẻ thơm đã đi vào tiềm thức của nhiều thế hệ người dân Na Loi, là giống lúa quý cần được bảo tồn, lưu giữ. Hiện nay, huyện đang định hướng xây dựng sản phẩm lúa tẻ thơm đạt tiêu chuẩn OCOP, không chỉ để khẳng định thương hiệu cho sản vật địa phương mà còn giúp người dân lưu giữ một nét văn hóa truyền thống, nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp.

Ông Ngô Hoàng Linh – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An cũng khẳng định, năm 2018, trung tâm đã thực hiện dự án bảo tồn nguồn gen lúa tẻ thơm Na Loi. Việc bảo tồn không chỉ nhằm lưu giữ lại những nguồn gen quý, mà còn để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, phục vụ cho việc lai tạo những giống lúa năng suất, chất lượng cao hơn.

Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện công tác bảo tồn giống lúa này đã đánh giá đây là một dòng lúa quý, một nguồn gen quý. Sau quy trình bảo tồn nguồn gen lúa tẻ thơm, Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ cũng đã có báo cáo, đề xuất các cơ quan quản lý, các viện nghiên cứu sử dụng nguồn gen lúa tẻ thơm, nhất là gen có khả năng chống chịu với thời tiết khắc nghiệt để lai tạo ra các dòng lúa thích nghi với khí hậu và cho năng suất cao hơn. Tuy nhiên, để phát triển giống lúa này thành hàng hóa, có thể cạnh tranh với thị trường và thị hiếu của số đông người tiêu dùng thì cần phải đáp ứng sự hạch toán về kinh tế.

Ông Ngô Hoàng Linh – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An

“Hiện nay lúa tẻ thơm Na Loi vẫn “đắt hàng” như xưa, khi mà sau vụ mùa tháng 11 là thời điểm cận Tết cổ truyền, nhu cầu tiêu dùng tăng cao thì lúa tẻ thơm Na Loi sản xuất ra không đủ để bán cho người dân địa phương trong và ngoài xã. Song, do “kén” địa điểm và thời gian sinh trưởng dài, năng suất lại thấp hơn so với giống lúa thường nên việc mở rộng diện tích, hướng đến việc được gắn sao OCOP cho lúa tẻ thơm đang gặp khó”, bà Pịt Thị Hà - Chủ tịch UBND xã Na Loi cho hay.

Tin mới